amidan nằm ở đâu

Amidan nằm ở đâu? Chức năng & Một số bệnh liên quan đến Amidan

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Viêm amidan là tình trạng rất hay gặp, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi viêm nhiễm tại amidan tái lại nhiều lần khiến trẻ nhỏ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, làm giảm sức đề kháng, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được câu hỏi amidan nằm ở đâu, tìm được nguyên nhân và các phương pháp hiệu quả để bảo vệ amidan luôn khỏe ngay tại nhà.

Viêm amidan là bị gì?

Viêm amidan là tình trạng amidan bị nhiễm trùng với các dấu hiệu như amidan sưng đỏ, đau họng, nuốt đau, hơi thở có mùi…. kèm theo các biểu hiện như sốt cao, ho, chảy mũi dai dẳng. Khi gặp phải các tác nhân như vi khuẩn, virus, khói bụi ô nhiễm hoặc thậm chí là đồ ăn lạnh… sẽ thúc đẩy cơ thể sinh ra các phản ứng tự bảo vệ bằng việc tăng sinh các tế bào lympho và kháng thể.

Amidan là gì? Amidan nằm ở đâu?

Amidan là khối mô lympho hình quả hạnh nhân nằm ở hai bên thành họng, được coi là cửa ngõ đầu tiên bảo vệ hệ hô hấp của cơ thể. Amidan có khả năng sản sinh ra các tế bào lympho chống lại các tác nhân gây viêm như vi khuẩn, virus, khói bụi ô nhiễm. Thường thì Amidan sẽ hoạt động mạnh nhất ở lứa tuổi từ 4 đến 10 tuổi. Đến tuổi dậy thì, khả năng miễn dịch của amidan giảm rõ rệt và hầu như không còn nhiều tác dụng bảo vệ hệ hô hấp.

Amidan bao gồm 2 khối nằm bám vào hai bên thành họng và có thể quan sát được bằng mắt thường khi há miệng. Đặc biệt là khi bị viêm, tổ chức này sưng to, các kháng thể và tế bào lympho sẽ tập trung tại đây để tiêu diệt vi khuẩn, làm amidan sưng to, đỏ, đau, nhất là khi nuốt. Khi amidan bị viêm thường xuyên và tái lại nhiều lần, sẽ để lại nhiều hốc mủ, khởi phát các đợt viêm đường hô hấp trên.

Amidan nằm nằm ở đâu
Amidan nằm ở vòm họng

Tầm quan trọng của amidan

Amidan nằm ở hai bên thành họng là một mô mềm chứa rất nhiều tế bào Lympho, được coi là cửa ngõ đầu tiên bảo vệ hệ hô hấp. Khi các tác nhân xâm nhập và tấn công cơ thể, chúng được nhận diện và gửi thông tin đến các tế bào lympho. Các kháng thể globulin miễn dịch nhanh chóng được tạo thành và tấn công lại các tác nhân xâm nhập. Quá trình này tạo ra một lớp xác tế bào,vi khuẩn, virus, mô hoại tử ngay tại amidan.

Do đó khi quan sát amidan đang trong tình trạng viêm, sẽ thấy một lớp màng màu trắng, các nang hạt giống hạt gạo ở các nếp gấp hoặc thậm chí là các hốc mủ có mùi hôi khó chịu. Nếu không vệ sinh kỹ và điều trị kịp thời, có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm kéo dài, giảm khả năng bảo vệ hệ hô hấp trong những lần tiếp theo.

Ở trẻ nhỏ độ tuổi 4-10 tuổi, amidan hoạt động rất mạnh. Cùng với đó, viêm nhiễm tại Amidan cũng thường xuyên gặp phải và tái đi tái lại nhiều lần. Có nhiều trường hợp, sau mỗi đợi viêm, amidan đều tăng kích thước, hình thành các hốc là nơi tập trung nhiều vi khuẩn, virus và đặc biệt khó vệ sinh. Amidan to hơn cũng ảnh hưởng tới giọng nói và gây ra tình trạng ngủ ngáy, ngủ không sâu giấc, thở bằng miệng.

Tầm quan trọng của Amidan
Amidan đảm nhiệm vai trò miễn dịch tại vùng hầu họng

Cấu trúc của Amidan

Amidan được hình thành từ 6 khối cấu trúc bao gồm Amidan vòm (VA), amidan vòi, amidan khẩu cái và amidan lưỡi xếp thành vòng tròn kín gọi là vòng Waldeyer (Vòng bạch huyết quanh hầu). Khi biết amidan nằm ở đâu, bạn sẽ dễ dàng hình dung được cấu trúc của amidan.

Các khối cấu trúc của Amidan
Các khối cấu trúc của amidan

Amidan vòm (VA)

Amidan vòm nằm ngay trên vòm họng và có thể quan sát được thông qua nội soi mũi. Đây được coi là hạch bạch huyết lớn nhất của cơ thể, được hình thành từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 7 của thai kỳ và hoàn chỉnh ở giai đoạn sơ sinh. Do vậy, tổ chức này đã có chức năng bảo vệ cơ thể ngay từ khi mới sinh. Vì vị trí của VA nằm ngay cửa hầu họng nên đặc biệt dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, VA thường phát triển to nhất và teo nhỏ dần trước khi dậy thì. VA to lên là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng nếu viêm VA nhiều lần dẫn tới VA to quá phát là trình trạng bệnh lý, thậm chí phải nạo bỏ.

Amidan vòm có độ dày chỉ khoảng 2mm nhưng có rất nhiều nếp gấp với diện tích tiếp xúc lớn. Khi có virus, vi khuẩn tiếp xúc với cơ thể qua đường thở, amidan sẽ ngay lập tức nhận diện và sinh ra các kháng thể để chống lại.

Amidan vòi

Đây là tổ chức nằm ở quanh lỗ vòi tai hai bên, ngay dưới vòi Eustache, có rất ít tế bào Lympho.

Amidan khẩu cái

Amidan khẩu cái nằm ngay dưới vòm họng và cũng là bộ phận dễ dàng quan sát được bằng mắt thường. Amidan khẩu cái bao gồm 2 khối màu hồng, kích thước có thể khác nhau ở các độ tuổi, nằm ngay tại hố amidan hai bên thành họng. Bề mặt amidan khẩu cái có nhiều hốc sâu nên thường là nơi trú ngụ của các tác nhân gây bệnh.

Amidan lưỡi

Giống như tên gọi, vị trí của amidan lưỡi nằm ngay dưới đáy lưỡi. Mặc dù cùng nằm trong vòng bạch huyết quanh hầu nhưng amidan lưỡi tập trung rất ít tế bào lympho nên khả năng sinh miễn dịch là không đáng kể.

>>>Tham khảo về giải phẫu amidan qua tài liệu sau:

Nguồn: Surgical Anatomy of the Tonsils – Oral and Maxillofacial Surgery (pp.17) Publisher: IntechOpen

Các bệnh liên quan đến Amidan

Nếu bạn đã biết amidan nằm ở đâu, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu các bệnh liên quan đến bộ phận này. Do cấu tạo amidan khá đa dạng và nằm ở vị trí tiếp xúc đầu tiên với các tác nhân gây bệnh, nên bộ phận này rất dễ bị viêm nhiễm. Mặt khác do cấu trúc amidan gồm nhiều hốc, nếp gấp nên trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn trú ngụ, làm phản ứng viêm tiến triển nặng nhanh hơn nếu không kịp thời điều trị. Viêm amidan thông thường điều trị khá đơn giản nhưng có nhiều trường hợp tiến triển thành các bệnh lý phức tạp như viêm amidan mạn tính, thậm chí là ung thư.

Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở Amidan khẩu cái và được chia làm 2 loại: Viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, hay gặp nhất là trẻ 3-5 tuổi. Viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần là một trong những nguyên nhân khiến amidan to lên, có thể gây bít tắc đường thở, gây ra tình trạng ngủ ngáy, thở bằng miệng, ngủ hay thức giấc, ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt, thậm chí gây ngừng thở lúc ngủ ở trẻ em.

Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp tính khởi phát đột ngột với các triệu chứng như: Sốt cao trên 39 độ, đau họng, nuốt khó, nhức đầu, mệt mỏi. Kèm theo đó có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hoá như đau bụng, nôn, buồn nôn. Amidan khẩu cái lúc này sưng to , viêm đỏ, đôi khi quan sát có các hốc mủ trên bề mặt, hạch cổ sưng đau

>>> Viêm amidan cấp đôi khi xuất hiện các hốc mủ. Đọc ngay bài viết; viêm amidan có mủ, nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị

Tình trạng viêm cấp tính cần được điều trị kịp thời để hạn chế chuyển thành viêm amidan mạn tính, viêm amidan quá phát thể bít tắc, hoặc lây sang các cơ quan khác như tai (viêm tai giữa…), họng (viêm họng, viêm thanh quản..), phổi (viêm phổi, viêm phế quản)…

Viêm amidan cấp tính do liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A, trong một số ít trường hợp, gây sốt thấp khớp. Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân từ 5 đến 18 tuổi, ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh cao tới 24 trên 1000.

Viêm Amidan cấp Amidan nằm ở đâu
Amidan sưng đỏ, có hốc mủ

Viêm amidan mạn tính

Khác với viêm amidan cấp tính, viêm amidan mạn tính biểu hiện bằng nhiều đợt cấp tái phát (thường 4-5 đợt/năm). Triệu chứng trong viêm amidan mạn thường nhẹ và ít rầm rộ hơn như: đau họng tái lại nhiều lần, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, hơi thở có mùi hôi. Ở những người có tiền sử viêm xoang, viêm tai giữa mạn tính, bệnh thường nặng lên khi có viêm amidan tái phát.

Trường hợp viêm amidan mạn tính kéo dài trên 4 tuần, có thể gặp tình trạng khó nuốt, hạch cổ sưng đau, nuốt thấy vướng, đau tai. Amidan trong trường hợp viêm mạn tính thường to, niêm mạc sẫm màu hơn, có thể có mủ chảy ra từ các hốc amidan, các hạt màu trắng như hạt gạo ở các khe trên bề mặt amidan.

>>> Trong một số trường hợp viêm amidan sẽ được bác sĩ chỉ định cắt amidan, để biết bản thân có thuộc đối tượng được chỉ đinh cắt amidan hay không, xem ngay bài viết bệnh amidan có nên cắt không? Khi nào bạn cần phải đi cắt bộ phận này?

Viêm amidan mạn tính, có mủ
Viêm amidan mãn tính gây khó nuốt và sưng hạch ở cổ

Viêm Amidan vòm

Viêm amidan vòm ( viêm VA)  là tình trạng viêm xảy ra tại amidan vòi và vòm họng do nguyên nhân virus như cúm, ho gà… hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu…

Biểu hiện đặc trưng của viêm VA là chảy mũi dai dẳng, dịch mũi từ trong suốt tới xanh vàng, đặc dính. Đối với trường hợp viêm VA cấp, có thể có sốt nhẹ đột ngột, ít khi sốt cao như viêm Amidan, nghẹt mũi, dịch mũi chảy xuống họng và dính vào bề mặt amidan. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bỏ bú, biếng ăn. Viêm VA ít gặp ở trẻ lớn và người lớn do trong quá trình trưởng thành VA teo nhỏ lại và ít viêm nhiễm hơn.

Viêm VA tắc nghẽn đường thở
Amidan vòi (VA) sưng đỏ trong viêm VA

Cách để giữ cho Amidan luôn khỏe.

Để hạn chế tình trạng viêm amidan và các biến chứng có thể gặp, giữ amidan luôn khoẻ là việc quan trọng. Bạn có thể tham khảo áp dụng các phương pháp chúng tôi giới thiệu dưới đây.

Giữ ấm cổ họng

Giữ ấm họng là phương pháp thông dụng nhưng lại rất hiệu quả cho những người hay gặp các bệnh lý về hô hấp, amidan, tai mũi họng. Hạn chế các đồ uống lạnh như nước đá, bia, kem… đặc biệt là vào những thời điểm giao mùa. Khi trời trở lạnh nên quàng khăn để giữ ấm cổ. Đối với trẻ nhỏ, nên quàng khăn mỏng để tránh việc ra mồ hôi nhiều khiến trẻ bị lạnh.

Giữ ấm cổ họng tránh viêm amidan
Giữ ấm họng là phương pháp hiệu quả tránh viêm amidan

Vệ sinh khoang miệng sạch sẽ

Đánh răng đều đặn ít nhất ngày 2 lần, súc miệng nước muối thường xuyên là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, virus thông qua khoang miệng. Điều này cũng hạn chế việc hơi thở có mùi, nhất là trong các đợt viêm amidan, viêm VA.

Amidan nằm ở đâu cách phòng ngừa
Giữ sạch khoang miệng là biện pháp hiệu quả để duy trì amidan khỏe mạnh

Giữ vệ sinh không gian nhà ở

Thường xuyên dọn dẹp không gian nhà ở, tăng cường lưu thông khí trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ giúp loại bỏ rất hiệu quả các virus, vi khuẩn tích tụ trong không khí gây ra các vấn đề về đường hô hấp cho bạn và gia đình. Nếu có thể, bạn nên sắm cho gia đình một chiếc máy lọc không khí.

Dọn về sinh nhà ở giúp loại bỏ rất hiệu quả các virus
Vệ sinh nhà cửa làm tăng cường độ thông thoáng nhà cửa

Tăng cường đề kháng

Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng, nhất là cho trẻ nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm có chứa immunoglobulin tăng cường miễn dịch, nên bổ sung đầy đủ các nhóm chất thông qua ăn uống hàng ngày, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin C. Duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng là một biện pháp hữu hiệu.

Thực phẩm tăng cường sức đề kháng
Bổ sung vitamin C giúp tăng khả năng miễn dịch cho hệ hô hấp

Phương pháp điều trị hiệu quả các bệnh về hô hấp răng-hàm-mặt

Ngoài ra, để hạn chế mắc các bệnh về amidan, bạn nên điều trị triệt để các bệnh về hô hấp, răng hàm mặt như viêm họng, viêm VA, viêm mũi, viêm xoang,  viêm phế quản, viêm lợi, viêm chân răng…., nhất là trong những đợt dịch liên quan đến hô hấp.  Điều này sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm chéo từ vùng đang viêm nhiễm sang amidan, giúp bạn bảo vệ cơ quan miễn dịch này tốt nhất. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu amidan nằm ở đâu, có vai trò như thế nào cũng cần thiết để có cách phòng tránh viêm nhiễm cơ quan này.

Những điều cần lưu ý về Amidan

Với vai trò chính là miễn dịch, tạo ra kháng thể, amidan đóng vai trò thiết yếu giúp bảo vệ hệ hô hấp. Để hạn chế viêm amidan, nhất là ở trẻ nhỏ, bạn cần lưu ý:

  • Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng ngay cả khi mùa hè: Hãy bắt đầu bằng thói quen hạn chế những đồ ăn lạnh như kem, nước đá, nước lạnh, bia…, nhất là khi thời tiết quá nóng. Nhiệt độ tại cổ họng thay đổi đột ngột rất dễ làm giảm khả năng đề kháng của amidan, khiến chúng dễ tổn thương.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, súc miệng hàng ngày bằng nước muối để loại bỏ triệt để vi khuẩn gây bệnh trú ngụ trong khoang miệng. Điều này cũng giúp bạn giữ hơi thở thơm mát, hạn chế mùi hôi và hình thành mảng bám, cao răng.
  • Thực hiện kiểm tra định kỳ răng miệng, tai mũi họng.
  • Luôn sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi đông người, đặc biệt là khi đến khuôn viên bệnh viện. Điều này không chỉ bảo vệ amidan của bạn mà còn giúp phòng tránh hiệu quả nhiều loại bệnh lây qua đường hô hấp do virus, vi khuẩn.
  • Khi gặp phải các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng… nên điều trị sớm, nhất là ở trẻ em để hạn chế viêm nhiễm amidan.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường sử dụng thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, ổi… Ngoài ra, bạn có thể bổ sung trực tiếp các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể luôn khỏe mạnh.
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe và thể lực không chỉ giúp bảo vệ amidan mà còn giúp tăng cường sự khỏe mạnh của mọi cơ quan trong cơ thể.

>>> Để phòng ngừa bệnh viêm amidan, bạn không nên bỏ qua bài viết: Dấu hiệu bị viêm amidan và cách điều trị dứt điểm

những biện pháp hạn chế viêm amidan
Các phương pháp giúp cơ thể hạn chế viêm amidan

>> Xem thêm đoạn video sau để biết amidan nằm ở đâu

Một số câu hỏi liên quan đến amidan.

Viêm amidan có nguy hiểm không?

Viêm amidan là viêm nhiễm thông thường vùng tai mũi họng và điều trị dứt điểm được. Bệnh chỉ nguy hiểm khi không được điều trị kịp thời để viêm nhiễm dai dẳng dẫn đến amidan quá phát, ảnh hưởng đến đường thở.

Khi nào cần cắt amidan?

Cắt amidan được chỉ định khi amidan phát triển to quá mức, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập, các trường hợp viêm amidan mạn tính kéo dài kèm theo biến chứng. Ở trẻ em là giai đoạn amidan phát triển to nhất và cũng dễ viêm nhiễm nhất, gây ra tình trạng ngủ ngáy, ngủ hay mê sảng, ngủ không sâu giấc, thậm chí tắc nghẽn đường thở. Tốt nhất, bạn nên gặp bác sĩ để được khám, biết amidan nằm ở đâu và được đánh giá đúng tình trạng amidan, từ đó có tư vấn phù hợp.

Viêm amidan có biến chứng không?

Thông thường viêm amidan nếu điều trị đúng và kịp thời sẽ không để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm nhẹ thì gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và cuộc sống, nặng thì gặp các biến chứng như: loét khe amidan, sỏi amidan, viêm họng mạn tính, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm khớp, viêm nội tâm mạc…

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về Amidan nằm ở đâu, các bệnh thường gặp về amidan và những biện pháp để giữ amidan của bạn luôn khỏe mạnh. Nếu bạn có những kinh nghiệm hay về vấn đề này, hãy cùng chia sẻ ngay với chúng tôi nhé.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+