Làm cách nào để chữa khỏi đau họng sốt và những điều cần biết
Đau họng sốt là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu không phát hiện sớm, tìm hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp, tình trạng đau, viêm họng sốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Vậy nguyên nhân gây đau họng sốt là gì? Cách điều trị và phòng ngừa đau họng sốt thế nào?
Đau họng sốt là bệnh gì? Nguyên nhân gây đau họng sốt
Đau họng sốt là một tình trạng gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là liên quan đến các bệnh đường hô hấp:
Do cảm cúm
Mùa đông là thời điểm rất nhiều người mắc bệnh cảm cúm, đây là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus. Những dấu hiệu thường gặp nhất của cảm cúm bao gồm đau họng sốt, sổ mũi/nghẹt mũi, ho, đau đầu, đau cơ, có cảm giác ớn lạnh…
Thông thường, bệnh có thể tự khỏi được trong 7 – 10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn thấy cơ thể sốt cao trên 40°C, co giật, ho tái phát kéo dài, đau cơ ở mức độ nghiêm trọng, suy nhược hoặc mất nước cần đến gặp ngay bác sĩ để tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
>>> Đau họng lâu ngày không hết, nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị bệnh
Do viêm họng
Một nguyên nhân phổ biến khác dễ dẫn đến tình trạng đau họng sốt là viêm họng. Đây là một bệnh viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu, với một số biểu hiện đặc trưng như viêm họng sốt; cổ họng ngứa, đau rát đặc biệt là khi nuốt; có cảm giác vướng ở cổ họng; sưng hạch bạch huyết…
Viêm họng chủ yếu là do vi khuẩn liên cầu Streptococcus pyogenes gây ra. Thông thường, nó sẽ tự khỏi trong vòng một tuần mà không gây ra biến chứng gì. Một số trường hợp nặng, không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm amidan.
Viêm họng do Streptococcus Pyogenes thường khỏi trong vòng 7 ngày. GABHS không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng mưng mủ (ví dụ áp xe quanh amidan hoặc viêm mô tế bào) và đôi khi dẫn đến thấp tim hoặc viêm cầu thận.
Do viêm amidan
Sốt đau họng cũng có thể là triệu chứng của viêm amidan – một bệnh nhiễm trùng cấp ở họng gây ra bởi virus hay vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A. Các triệu chứng của viêm amidan cũng tương tự như viêm họng nhưng tình trạng đau rát họng thường phổ biến hơn sốt. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như amidan sưng đỏ, có các nốt trắng hoặc vàng; họng khô rát, ho, mệt mỏi…
Viêm amidan ít gây ra biến chứng và có thể điều trị khỏi bằng cách dùng kháng sinh đường uống trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh kéo dài, tái phát liên tục bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
Do viêm thanh quản
Khi bị viêm thanh quản bạn sẽ gặp phải một số triệu chứng như sốt đau họng, khàn giọng hay mất tiếng, ho kéo dài, cảm giác khó nuốt, một số trường hợp nặng có thể cảm thấy khó thở. Nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản có thể do nhiễm vi khuẩn, virus; nói nhiều, la hét; trào ngược dạ dày – thực quản…
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà như hạn chế nói, bù nước, tạo ẩm không khí trong phòng, súc miệng bằng nước muối sinh lý có thể cải thiện đáng kể tình trạng viêm thanh quản. Tuy nhiên, nếu bạn sốt cao, các biểu hiện đau họng, khó nuốt trở nên nghiêm trọng, kéo dài trên 2 tuần cần đến gặp bác sĩ.
Do tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến sốt đau họng đặc biệt là ở trẻ em. Khi nuốt thức ăn hay chỉ đơn giản là uống nước cũng sẽ có cảm giác đau rát từ miệng xuống tới họng. Ngoài ra, còn có thể sốt từ 38 – 39°C, cơ thể mệt mỏi, chân tay bủn rủn…
Nếu trẻ em gặp các dấu hiệu kể trên kèm chán ăn hãy nhanh chóng đưa con đến gặp các bác sĩ nhi khoa để được xử trí kịp thời. Để làm giảm tình trạng sốt đau họng, các bác sĩ có thể khuyên dùng paracetamol hoặc ibuprofen.
>>> Vết loét khi bị tay chân miệng có thể xuất hiện ở một bên họng gây đau 1 bên họng, đừng bỏ qua bài viết: Đau 1 bên họng là bệnh gì? Nguyên nhân và giải pháp điều trị tốt nhất
Do bị sốt siêu vi
Sốt siêu vi hay còn được gọi là sốt virus, do các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau gây ra. Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh là thân nhiệt tăng cao một cách đột ngột, thông thường trên 39°C có kèm theo tình trạng đau họng sốt, nhức mỏi, nổi mề đay, đau đầu.
Thông thường, sốt siêu vi thường gặp ở trẻ em và các đối tượng bị suy giảm miễn dịch. Bệnh này có thể lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp vì vậy khi người lớn bị bệnh không nên tiếp xúc với trẻ em, trẻ sơ sinh. Với trẻ em bị sốt virus nên cho các bé nghỉ học, không đến nơi công cộng.
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị sốt siêu vi, biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và phòng ngừa các biến chứng có thể gặp.
Ung thư
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, đau họng sốt có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng là ung thư vòm họng giai đoạn muộn. Thông thường, ung thư vòm họng giai đoạn đầu không có triệu chứng, vì vậy nếu bạn bị sốt đau họng do ung thư vòm họng thì có thể đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Những người ung thư vòm họng giai đoạn muộn có thể sẽ gặp một số triệu chứng khác như có khối u nổi ở cổ, đau họng, khó thở, khó nói, chảy máu mũi hoặc nước bọt có lẫn máu, nghẹt mũi, ù tai, đau đầu… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
>>> Xem thêm về đau họng khạc ra máu tươi, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Các triệu chứng cho thấy bị đau họng sốt
Giống với tên gọi của nó, khi gặp tình trạng đau họng sốt bạn sẽ có 2 triệu chứng đặc trưng nhất là:
- Đau họng: Bạn sẽ có cảm giác đau rát vùng cổ họng đặc biệt là mỗi khi ăn uống hay nuốt nước bọt.
- Sốt: Thông thường, bạn sẽ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38°C kèm theo mệt mỏi, uể oải, khó chịu.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó ngủ, cảm giác chán ăn…
Thông thường những dấu hiệu này sẽ giảm dần và khỏi sau 3-4 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có sức đề kháng kém, không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến một số tình trạng như:
- Sốt cao kéo dài, có thể sốt co giật.
- Sủi bọt mép.
- Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến bại liệt.
Nếu áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà nhưng tình trạng đau họng sốt không thuyên giảm hãy đưa người bệnh đến gặp các bác sĩ để được điều trị đúng cách.
Sự khác biệt giữa đau họng sốt ở người lớn và trẻ nhỏ
Đau họng sốt ở người lớn và trẻ nhỏ đều có biểu hiện sốt 38 – 39°C hoặc hơn và kèm theo ngứa, rát họng. Tuy nhiên, tình trạng viêm họng sốt ở hai đối tượng này vẫn có sự khác biệt, cụ thể:
Ở người lớn, khi đau họng sốt sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Sốt cao 39 – 40°C kèm theo cảm giác ớn lạnh.
- Khô nóng họng, họng đau rát khi nói, nuốt, mỗi lần nuốt có thể cảm thấy nhói lên tai.
- Ho khan.
- Giọng khàn.
- Tịt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Amidan sưng đỏ, trên cuống họng có thể xuất hiện một số đốm trắng,
- Xuất hiện hạch ở cổ.
- Đau đầu, toàn thân nhức mỏi.
Ở trẻ em đau họng sốt sẽ có các dấu hiệu sau:
- Đau rát họng.
- Ho khan hoặc ho có đờm.
- Sổ mũi/nghẹt mũi, hắt hơi.
- Sốt nhẹ (dưới 39 °C) hoặc sốt cao (39 – 40°C).
- Quấy khóc, bứt rứt, khó chịu.
- Khó ngủ, há miệng khi ngủ.
- Biếng ăn, bú ít hoặc bỏ bú.
Đau họng sốt ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu chán ăn, đau họng, miệng cũng có thể khiến cha mẹ nhầm tưởng rằng bé chuẩn bị mọc răng. Vì vậy, hãy quan sát kỹ các dấu hiệu kể trên để tránh nhầm lẫn.
Những cách điều trị sốt đau họng hiệu quả cao
Với mỗi đối tượng khác nhau sẽ có các cách điều trị sốt viêm họng khác nhau. Cụ thể:
Điều trị sốt viêm họng ở trẻ nhỏ
Nếu trẻ nhỏ bị đau họng sốt, cha mẹ nên đưa bé tới gặp các bác sĩ để được khám, chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt và thuốc kháng sinh nếu cần thiết.
Khi chăm sóc tại nhà cần chú ý cho trẻ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống nhiều nước, lau người bằng khăn ấm để hạ nhiệt, đắp khăn ướt lên trán. Lưu ý, luôn giữ ấm cho vùng họng, mũi và ngực của trẻ, mỗi ngày cho bé súc miệng bằng nước muối khoảng 2 lần. Với trẻ còn bú mẹ hãy tăng cữ bú trong ngày để giúp bé bù nước.
Nếu sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện các biện pháp kể trên nhưng trong vòng 24-48 giờ các triệu chứng vẫn không thuyên giảm cần cho bé nhập viện để theo dõi và điều trị phù hợp.
>> Tìm hiểu thêm về thuốc kháng sinh, viêm họng và sốt thấp khớp qua tài liệu sau:
Nguồn: Antibiotics, sore throats and rheumatic fever – J R Coll Gen Pract. 1985 May;35(274):223-4.
Điều trị sốt viêm họng ở người lớn
Ở người lớn, hệ miễn dịch hoàn thiện hơn, khả năng chống lại bệnh cũng tốt hơn tuy nhiên khi bị viêm họng sốt người lớn không nên chủ quan. Bạn nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Hãy dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi nhận thấy các triệu chứng đã thuyên giảm.
>>> Bị đau họng thì uống thuốc gì? 10 loại thuốc trị đau họng bạn nên biết
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với một số biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện sức khỏe tốt hơn như:
- Súc miệng bằng nước muối 2 – 3 lần một ngày để làm giảm tình trạng viêm, đau họng. Tốt nhất nên dùng nước muối sinh lý pha sẵn có bán tại các hiệu thuốc để đảm bảo vệ sinh và đúng nồng độ khuyến cáo.
- Giữ ấm vùng mũi, họng, ngực, tạo độ ẩm cho phòng của bạn.
- Bổ sung thêm các vitamin, trái cây, hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.
Một số điều cần lưu ý khi sốt đau họng
Các lưu ý khi bị viêm họng sốt dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua được triệu chứng khó chịu này:
- Nếu sốt đau họng gây ra bởi các virus thì triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần và tự khỏi sau khoảng 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài hơn cần đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp.
- Nếu vi khuẩn đặc biệt là liên cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh thì các triệu chứng của bệnh sẽ kéo dài hơn và cần điều trị bằng kháng sinh. Việc không điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, áp xe quanh amidan, áp xe họng, viêm mũi xoang… Vì vậy cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời đặc biệt khi trẻ em bị đau họng sốt.
- Chỉ dùng kháng sinh khi đã xác định được bệnh gây ra bởi vi khuẩn. Nếu bệnh gây ra bởi virus, dùng kháng sinh không có hiệu quả, đồng thời còn có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
- Không tự ngưng thuốc khi chưa dùng hết theo đơn bác sĩ đã kê: Một số bệnh nhân thấy bệnh đã dứt liền ngừng dùng thuốc, tuy nhiên thực tế lúc này vi khuẩn mới bị yếu đi, chưa được diệt hoàn toàn.
- Không sử dụng lại các đơn thuốc cũ: Một số người có thói quen không sử dụng hết thuốc theo đơn của bác sĩ, một thời gian sau gặp các triệu chứng tương tự lại tiếp tục sử dụng thuốc cũ. Việc điều trị một cách tùy tiện không những không điều trị đúng bệnh mà còn có thể gây ra kháng thuốc.
- Với trẻ em, không nên tự ý cho sử dụng thuốc loãng đờm hay dùng thuốc co mạch dài ngày.
- Nên uống thuốc đúng thời điểm để hiệu quả điều trị được tốt nhất.
Một vài cách phòng ngừa viêm họng sốt
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn phòng ngừa được tình trạng viêm họng sốt:
- Luôn giữ ấm cho cơ thể, vào mùa đông hãy quàng thêm một chiếc khăn khi đi ra ngoài để giữ ấm vùng cổ, ngực.
- Không nên uống nước quá nóng hoặc quá lạnh bởi có thể gây tổn thương niêm mạc họng.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Nên đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần, súc miệng bằng nước muối sinh lý. Nếu bệnh nhân gặp các bệnh về răng miệng, viêm xoang, bệnh về mũi cần điều trị dứt điểm để tránh lây lan và gây viêm họng.
- Khi sử dụng điều hòa trong phòng ngủ không nên để nhiệt độ quá thấp, dùng thêm máy tạo độ ẩm hay để một chậu nước trong phòng.
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để tránh được các tác nhân gây bệnh.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi miệng.
- Nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo từng độ tuổi.
- Hạn chế sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn, các chất kích thích, không nên nên hút thuốc lá.
- Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện được các bệnh lý bất thường ở vùng họng nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung.
>>> Xem thêm về nuốt và chứng khó nuốt tại video sau:
Một số thắc mắc về bệnh đau họng sốt
Đau họng sốt nên ăn gì và kiêng gì?
Một số thực phẩm tốt cho người đau họng sốt:
- Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C, kẽm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện các triệu chứng viêm họng, tăng cường sức khỏe hệ hô hấp. Một số thực phẩm phải kể đến gồm bông cải xanh, đu đủ, dâu tây, rau cải xoăn…
- Nhóm thực phẩm có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, cải thiện tình trạng viêm họng như đinh hương, gừng, nghệ…
- Các thực phẩm bổ sung protein như thịt, cá, sữa, trứng,… giúp cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên cần hạn chế ăn đồ cứng, khô như thịt nướng, thịt hun khói…
- Bên cạnh đó, hãy uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây.
Một số thực phẩm không tốt cho người viêm họng sốt mà bạn cần tránh gồm:
- Đồ ăn khô cứng và nhiều dầu mỡ.
- Đồ ăn cay, nóng như ớt.
- Thực phẩm chứa nhiều acid.
- Những chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá,…
Đau họng sốt kéo dài bao lâu?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau họng sốt mà thời gian mắc bệnh sẽ kéo dài khác nhau. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài từ 1-2 tuần.
Đau họng sốt có lây không?
Nếu nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau họng sốt bắt nguồn từ các virus, vi khuẩn thì đau họng sốt có thể lây qua đường hô hấp. Do đó, nếu người lớn bị viêm họng sốt cần tránh tiếp xúc với trẻ em, các bé mắc bệnh này cũng cần cho nghỉ học ở nhà để tránh lây cho các bạn khác.
Bài viết trên đây đã chia sẻ cho bạn đọc các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa đau họng sốt. Hy vọng rằng qua bài viết này sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế được các biến chứng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được giải đáp bạn nhé.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/