Viêm Amidan Mủ

Amidan có mủ có nên đi cắt không? Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Với những triệu chứng đau rát cổ họng, ho, nổi mủ trắng ở Amidan,… Viêm Amidan mủ khiến bạn không thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe như là viêm tấy quanh amidan, áp-xe amidan viêm phế quản, viêm xoang, viêm thận, viêm khớp,… Tìm hiểu ngay triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị bệnh lý này qua bài viết sau.

Viêm Amidan mủ là gì?

Viêm Amidan mủ là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm cấp tính hay mãn tính ở tuyến Amidan nguyên nhân thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh này có thể phát triển thành các biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng khi bị viêm Amidan mủ là hốc Amidan có mủ màu trắng, xanh lấm tấm trong khoang miệng.
>>> Để biết thêm cấu tạo và vị trí của amidan, xem ngay bài viết: Amidan nằm ở đâu, vị trí & và cách giữ amidan luôn khỏe

bị viêm amidan mủ
Viêm Amidan mủ là biến chứng có thể gặp của tình trạng viêm Amidan mãn tính

Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là gì?

Theo TS.BS.CKII. Hoàng Lương, một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm Amidan mủ bao gồm:

  • Chưa điều trị/ Không điều trị dứt điểm được viêm Amidan cấp tính triệt để: Cấu trúc của Amidan gồm nhiều hốc, ngăn nên kết quả là hình thành các ổ viêm, có mủ. Nếu để tình trạng viêm Amidan kéo dài hoặc bệnh nhân không tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm Amidan cấp, khiến bệnh càng trầm trọng hơn, xuất hiện mủ.
  • Yếu tố từ môi trường sống: Chất lượng không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, vi khuẩn là những yếu tố có thể tấn công người có sức đề kháng yếu. Đặc biệt là những người đang có dấu hiệu viêm Amidan. Khi đó, viêm Amidan thông thường rất dễ tiến triển thành Amidan có mủ.
  • Lối sống không khoa học: Thường xuyên sử dụng các chất độc hại uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn uống không đều độ, hay ăn đồ cay nóng, dùng các chất kích thích khác,…đều làm tăng tình trạng viêm Amidan của bệnh nhân.
  • Vệ sinh răng không tốt: Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên sẽ gây tích tụ vi khuẩn, virus. Không những vậy, các mảng bám ở răng không được vệ sinh sạch sẽ còn dễ bị sâu răng, tăng thêm triệu chứng hôi miệng ở bệnh nhân.
  • Đường hô hấp bị vi khuẩn tấn công: Các cơ quan mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản nằm ở vị trí ngay cạnh nhau, thông với nhau bởi lỗ xoang. Do vậy, khi có tổn thương do vi khuẩn tấn công tại 1 vị trí cũng có khả năng dẫn đến xâm nhập đến cơ quan còn lại.
viêm Amidan mủ để lâu ngày
Amidan sưng to, có mủ

Triệu chứng của viêm Amidan mủ

Viêm Amidan mủ thường có các triệu chứng như sau:

  • Có thể sốt, mức độ tùy thể trạng bệnh nhân.
  • Đau nhẹ tại vùng Amidan, cảm giác vướng họng.
  • Thường ho, khàn tiếng và cảm giác đau rát họng.
  • Lưỡi bẩn, có lớp phủ trắng và hơi thở hôi
  • Trong các khe Amidan có các cục mủ, dễ thấy khi khám nội soi hay đè lưỡi. Cục mủ có thể rơi ra khi dùng cây đè lưỡi ấn nhẹ vào.
  • Có thể khạc ra những cục mủ có màu trắng và có mùi hôi.
  • Trường hợp viêm Amidan hốc mủ đợt cấp bệnh nhân có thể đau họng nhiều hơn, sốt và ho liên tục, Amidan sưng to, đỏ và tấy.
  • Amidan sưng to khiến người mệt bị mệt mỏi, khó khăn trong việc ăn uống hằng ngày. 
  • Sốt cao lên đến 40 độ C cùng các biểu hiện tương tự như các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
ho khàn tiếng, đau rát họng là dấu hiệu viêm amidan mủ
Thường ho, khàn tiếng và cảm giác đau rát họng là dấu hiệu của viêm amidan

Viêm Amidan mủ có nên đi cắt không?

Đối với bệnh nhân viêm Amidan mủ, việc cắt Amidan chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện về tình trạng sức khỏe và thực sự cần thiết. Bởi vì mỗi cơ quan trên cơ thể chúng ta đều có ích và tham gia vào hoạt động bình thường của cơ thể.

Việc đánh giá để chỉ định cắt Amidan khi có mủ sẽ do bác sĩ quyết định. Vì để an toàn nhất, chúng ta cần xem người bệnh có đủ điều kiện về sức khỏe hay không. Và Amidan đã thực sự cần cắt đi không hay chỉ cần dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ là đủ.

Cắt amidan thường được cân nhắc nếu viêm amidan bởi nhiễm liên cầu tan huyết beta nhóm A tái phát nhiều lần ( > 6 đợt/năm, > 4 đợt/năm trong 2 năm, hoặc > 3 đợt/năm trong 3 năm) hoặc nếu nhiễm trùng cấp tính nặng và dai dẳng mặc dù đã dùng kháng sinh.

>>> Không phải ai cũng có thể cắt amidan, để biết bản thân có thuộc nhóm đối tượng có nên cắt amidan không? Xem ngay bài viết có nên cắt bỏ amidan không? Khi nào bạn cần phải đi cắt bộ phận này?

Cắt Amidan
Cắt Amidan chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện về tình trạng sức khỏe và thực sự cần thiết

Các trường hợp thường chỉ định cắt đi Amidan mủ bao gồm:

  • Viêm Amidan hốc mủ đã gây biến chứng khác khiến người bệnh mệt mỏi, stress như: biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang, viêm khớp, thấp tim, viêm cầu thận,…
  • Tái phát quá nhiều đợt viêm Amidan có mủ trong một năm.
  • Kích thước ổ viêm Amidan quá to làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Khiến cho bệnh nhân khó nuốt, khó thở, giấc ngủ bị ảnh hưởng, ăn uống khó khăn, không nuốt được, nuốt đau.
  • Viêm Amidan mủ kèm viêm hạch cổ hoặc nghi ngờ tiến triển thành ác tính.

Viêm Amidan mủ có gây nguy hiểm không?

Viêm amidan mủ là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan tránh tình trạng “ủ bệnh” gây ra nhiều biến chứng sau đây:

– Biến chứng tại chỗ: Người bệnh gặp khó khăn trong việc giao tiếp và nuốt, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

– Biến chứng kế cận

  • Viêm Amidan đợt cấp: Biến chứng thường gặp của viêm Amidan hốc mủ là viêm Amidan đợt cấp: Đau họng, rát cổ, nuốt đau, sốt cao 39 – 40 độ, khàn tiếng. Khi Khám Amidan thấy Amidan sưng to, đỏ, các khe Amidan có mủ kèm với bề mặt Amidan có nhiều giả mạc trắng.
  • Áp xe bao quanh Amidan: Khi viêm Amidan vi khuẩn gây viêm bao Amidan, tạo ra các ổ mủ quanh bao Amidan tạo ra áp xe quanh bao Amidan gây đau rát họng khi nói, khó nuốt nước bọt và thức ăn. Áp xe Amidan còn gây sốt cao, bạch cầu tăng cao, ho cho người bệnh. 
  • Ổ viêm lan sang các vùng lân cận của hệ tai mũi họng gây ra vấn đề về răng miệng, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm thanh khí phế quản. 
  • Hốc mủ khi vỡ ra sẽ gây hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp thậm chí vỡ mủ vào phổi gây viêm phổi, áp xe phổi và có thể gây nhiễm trùng huyết, có thể tử vong.

– Biến chứng toàn thân

  • Khi viêm họng thường dẫn đến viêm nhiều khớp gây nhức mỏi ở khớp gối, khớp cổ tay, mệt mỏi. 
  • Gây biến đổi van tim do cấu tạo của vi khuẩn gây viêm Amidan có cấu trúc tương tự cấu tạo của van tim nên mỗi đợt viêm cơ thể đều tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn gây viêm Amidan nhưng đồng thời kháng thể cũng tấn công niêm mạc van tim.
  • Biến chứng viêm thận do các độc tố do vi khuẩn gây viêm họng khi qua thận làm tổn thương chức năng thận, biến chứng này thường kéo dài, tiến triển âm ỉ nên ít người quan tâm điều trị nên dễ dẫn đến suy thận.
  • Amidan sưng quá to do mủ sẽ khiến người bệnh bị khó thở thậm chí bị chứng ngưng thở khi ngủ.
Amidan viêm cấp gây sốt cao
Sốt cao trên 39 độ C khi viêm Amidan

Một số phương pháp điều trị viêm Amidan mủ

Điều trị nội khoa

Đối với các trường hợp mới bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của viêm Amidan mủ, chưa có các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để tìm mua các thuốc đặc trị như sau:

  • Thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế quá trình phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
  • Kháng viêm giảm đau, hạ sốt giúp giảm các cơn đau rát ở cổ họng và làm giảm các cơn sốt cao của người bệnh.
  • Thuốc sát khuẩn súc họng giúp giảm tình trạng viêm, sưng amidan.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ không tự ý mua thuốc sử dụng hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Đơn thuốc không đúng sẽ gây ra tác dụng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm cho người dùng.

Điều trị ngoại khoa

Lưu ý khi thực hiện phẫu thuật cắt Amidan

  • Viêm Amidan mãn thường lặp đi lặp lại nếu nếu một năm viêm trên 04 lần thì cần cắt Amidan.
  • Trường hợp đã gây biến chứng vào khớp, vào van tim hay viêm thận cần phải cắt dù viêm một năm ít hơn 04 lần.
  • Nên cố gắng giữ Amidan cho các cháu đến 10 tuổi mới cắt sẽ tốt hơn bởi Amidan tham gia vào hệ miễn dịch cho các cháu, trừ trường hợp gây biến chứng.
  • Ngày nay có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt Amidan như cắt bằng dao điện, bằng phương pháp bóc tách, bằng Plasma và bằng sóng Radio cao tần. Tuy nhiên cắt bằng sóng Radio cao tần ít tổn thương mô lành bởi nhiệt độ khoảng 70 độ C so với cắt bằng dao điện, Laser, dao Plasma khoảng 1000 độ. Cắt bằng sóng Radio cao tần hầu như không chảy máu do vừa cắt bác sĩ vừa cầm máu, nên lượng máu mất trung bình một ca mổ ít hơn 5 ml so với cắt thông thường mất hơn 50ml. Người bệnh có thể nói chuyện ngay sau khi tỉnh. Tuy nhiên cắt bằng sóng Radio cao tần phải nhập khẩu đầu nên giá thành cao hơn.
  • Bệnh nhân sẽ có cảm giác nuốt đau từ 7 – 10 ngày, tùy theo sức chịu đau của mỗi người.
  • Bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện bình thường nếu nói được.
  • Ăn các thức ăn mềm, dễ nuốt, đồ ăn không nóng quá, nên để nguội đồ ăn.
  • Nằm nghiêng sang một bên khi ngủ sẽ dễ chịu hơn, có thể thay luân phiên phải trái.
  • Dùng muối sinh lý ngậm ngày vài lần.
  • Ngày thứ 7 – 14 sau mổ không nên khạc nhổ vì có thể sẽ bị bong giả mạc.

Lợi ích của công nghệ cắt Amidan tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn

  • Kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả và nhanh chóng nhất hiện nay 
  • Thời gian phẫu thuật ngắn chỉ trong khoảng 30 – 45 phút
  • Sóng Plasma ít gây tổn thương so với dao vật lý nên hạn chế việc chảy máu 
  • Sóng năng lượng phá hủy các mô bị viêm với nhiệt độ phù hợp không gây bỏng, ít đau đớn và hạn chế tổn thương các mô xung quanh
  • Người bệnh xuất viện trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật.
Cắt amidan với Coblator
Cắt amidan bằng phương pháp Coblator

Phương pháp chăm sóc người bệnh bị viêm Amidan mủ

Người bệnh bị viêm Amidan mủ cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt, các khuyến cáo từ bác sĩ như sau:

  • Làm sạch vùng hầu họng hoặc loại bỏ thức ăn còn lưu lại ở hốc Amidan bằng nước muối sinh lý.
  • Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày vì bệnh nhân viêm Amidan sẽ có cảm giác khô họng và khát nước, mệt mỏi.
  • Uống sữa hoặc uống các đồ uống tốt cho sức khỏe như nước ép hoa quả.
  • Nên ăn các món ăn lỏng và mềm để tránh gây tác động vào Amidan đang viêm cung như hạn chế cảm giác đau khi nuốt và bám thức ăn tại các hốc Amidan.
  • Xây dựng chế độ luyện tập thể dục, thể thao khoa học.
  • Không hút thuốc lá.
Vệ sinh tai mũi họng trong viêm Amidan mủ
Vệ sinh tai mũi họng trong viêm amidan mủ

>>> Xem thêm về viêm Amidan qua video của TS.BS.CKII Hoàng Lượng Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn

Một số thắc về viêm Amidan mủ thường hay gặp

Viêm Amidan có mủ điều trị bao lâu thì khỏi?

Tùy vào các phương pháp điều trị khác nhau, thời gian hồi phục ở mỗi người sẽ khác nhau. Thường trung bình bệnh sẽ thuyên giảm sau 7-10 ngày. Đối với bệnh nhân điều trị bằng thuốc, khi có đáp ứng, các cơn đau sẽ giảm nhanh đáng kể.

Có nên cạo lớp phủ trắng ở lưỡi khi bị viêm Amidan mủ không?

Nên làm sạch lưỡi bằng các dụng cụ cạo lưỡi an toàn và hợp vệ sinh. Thao tác nhẹ nhàng tránh động chạm vào ổ viêm, gây đau. Sau khi cạo thì nên súc miệng sạch sẽ.

Viêm Amidan có mủ khi mang thai có uống kháng sinh được không?

Thai phụ trong giai đoạn mang thai mắc viêm Amidan cần được khám bác sĩ và lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất. Đối với thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ ưu tiên lựa chọn các thuốc có ít tác động đến thai nhi, an toàn cho mẹ và bé. Do vậy, chỉ định thuốc sẽ do bác sĩ quyết định. Các mẹ không nên tự tìm hiểu và tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Viêm Amidan mủ có lây sang người khác không?

Câu trả lời là “Có” vì vi khuẩn hay virus gây ra viêm Amidan mủ rất dễ bay vào không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Do vậy, người bệnh cần chú ý đến vệ sinh khi mắc bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh. Đặc biệt là trẻ em, cần được bố mẹ vệ sinh sạch sẽ và theo dõi.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm amidan mủ?

Để hạn chế bị viêm amidan mủ bạn cần thường xuyên súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để bảo vệ mũi họng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày, tránh la hét quá lớn ảnh hưởng thanh quản và nên tập thể dụng thể thao nhẹ nhàng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bản chất của bệnh viêm Amidan mủ không quá nghiêm trọng nếu bạn biết cách điều trị sớm ngay từ đầu. Vì thế, khi gặp những dấu hiệu bất thường nghi ngờ liên quan đến bệnh bạn nên tìm đến địa chỉ khám uy tín để được tư vấn và có được câu trả lời chính xác nhất. Mọi thắc mắc chi tiết bạn có thể liên hệ ngay đến đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao của bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn qua số Hotline 028.38.213.456, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+