Bệnh Viêm Gan siêu vi C
Viêm Gan Siêu Vi C là gì?
Viêm gan siêu vi C (VGSVC) là bệnh viêm gan do siêu vi viêm gan C gây ra. Siêu vi viêm gan C (HCV) có thể gây bệnh cấp tính và mạn tính. Theo ước tính tổ chức Y Tế Sức Khỏe Thế Giới, có trên 150 triệu người bị VGSVC mạn tính. Trong đó có trên 350.000 người tử vong hằng năm.
Bệnh Viêm Gan Siêu Vi C nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan siêu vi C có thể tiến triển thành bệnh viêm gan mạn tính, sơ gan hay ung thư gan. Cứ 100 người bị Viêm gan siêu vi C thì:
- 75-85 người sẽ chuyển thành HCV mạn tính
- 60-70 người tiến triển thành viêm gan mạn tính
- 5-20 người diễn tiến đến xơ gan
- 1-5 người tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan
Viêm Gan Siêu Vi C lây truyền như thế nào?
Viêm gan siêu vi C lây chủ yếu qua đường máu, do tiếp xúc với máu, dịch tiết có chứa siêu vi C. Lây truyền từ mẹ sang con ít gặp với tỉ lệ lây truyền cho con chỉ là 4%.
Lây truyền qua đường tình dục nhưng thấp hơn viêm gan B. Đối tượng có nguy cơ dễ nhiễm HCV qua đường tình dục:
- Có bệnh lây truyền tình dục trước đó
- Nhiễm HIV
- Nhiều bạn tình
- Quan hệ tình dục có nguy cơ chảy máu
- Nam đồng tính luyến ái
Tiêm chích ma túy chung là đường lây quan trọng của Viêm Gan C.
Viêm Gan C có thể lây truyền qua đường tình dục (tỉ lệ thấp hơn viêm gan B)
Sử dụng những vật dụng chung có khả năng dính máu dễ có nguy cơ lây nhiễm HCV
VIÊM GAN SIÊU VI C KHÔNG LÂY QUA:
- Nuôi con bằng sữa mẹ
- Ăn uống chung
- Ôm hôn, bắt tay
- Ho, hắt hơi
Làm sao để phát hiện mình có nhiễm Viêm Gan Siêu Vi C?
Viêm gan siêu vi C thường không có biểu hiện rõ ràng nên cách duy nhất để biết mình có mắc bệnh hay không là phải làm xét nghiệm máu. Các xét nghiệm được làm hiện nay:
- Thử nghiệm Anti HCV: dương tính sau 4-10 tuần tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Định lượng và định tuýp siêu vi (HCV-RNA): phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu, đồng thời định danh nhóm để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Xét nghiệm này còn được sử dụng để tiên lượng đáp ứng và thời gian điều trị.
Vàng da, sốt, buồn nôn, chán ăn có thể là biểu hiện của viêm gan siêu vi C.
Tại sao tầm soát Viêm Gan Siêu Vi C là quan trọng?
Dù bạn cảm thấy khỏe mạnh, bạn cũng nên làm xét nghiệm máu định kỳ để tầm soát Viêm gan siêu gan C. Tầm soát là cách tốt nhất để biết có nhiễm bệnh hay chưa.
Đa số người bệnh không biết mình đã nhiễm bệnh vì họ cảm giác khỏe mạnh và nhìn bề ngoài bình thường.
Phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả.
Khi nhiễm viêm gan siêu vi C bệnh sẽ diễn tiến như thế nào?
Nhiễm trùng cấp: phần lớn người bệnh không có triệu chứng gì cả. Một số khác có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Trường hợp nặng có thể vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu.
Nhiễm trùng mạn tính: khoảng 85% trường hợp nhiễm HCV sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính. Đặc điểm của Viêm gan siêu vi C mạn tính là sự tiến triển thầm lặng qua 10-30 năm, vì thế người bệnh thường không được tầm soát và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện khi có những biến chứng quan trọng: xơ gan với biểu hiện báng bụng (ổ bụng có ứ nước), giãn mạch máu đường tiêu hóa, có thể gây vỡ, chảy máu ồ ạt và tử vong.
Khi bước qua giai đoạn mạn tính này thì gần như không bệnh nhân nào có thể ”chống trả” thành công với siêu vi C mà không cần điều trị.
Viêm gan siêu vi C cần được điều trị càng sơm càng tốt nhằm:
- Đào thải giảm bớt lượng HCV trong máu, đặc biệt là ở gan.
- Giảm thiểu tiến triển của bệnh.
Có những phương pháp điều trị Viêm Gan Siêu Vi C mạn tính nào?
- Thuốc điều trị chủ yếu là Interferon.
- Một số thuốc kháng siêu vi nhằm ức chế siêu vi cũng được phối hợp với Interferon.
- Bạn phải khám bệnh, làm xét nghiệm và được theo dõi định kỳ tại các bác sĩ chuyên khoa gan
Cần làm gì khi biết mình bị Viêm Gan Siêu Vi C mạn tính
Khi đã xác định bị Viêm gan siêu vi C mạn tính bệnh nhân nên:
- Tuân thủ điều trị.
- Kiêng rượu bia tuyệt đối. Không có lượng rượu bia nào là an toàn khi đã bị viêm gan. Rượu bia sẽ làm bệnh gan tiến triển nặng và nhanh hơn.
- Kiêng thuốc lá.
- Hạn chế trà và cà phê.
- Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tập thể dục thường xuyên và tránh những vận động quá sức.
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|