viem xoang mui nguyen nhan dau hieu cach phong ngua 1

Triệu chứng viêm xoang là gì? Nguyên nhân, cách điều trị & Phòng ngừa

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Viêm xoang là một bệnh lý phổ biến, hầu như luôn xảy ra cùng với viêm đường mũi và một số bác sĩ gọi chứng rối loạn này là viêm xoang mũi. Viêm xoang mũi gây ra nhiều trở ngại trong đời sống sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến công việc của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần hiểu rõ về viêm xoang mũi để có được phương pháp điều trị kịp thời.

Viêm xoang là gì?

Viêm xoang mũi xảy ra khi lớp niêm mạc xoang bị viêm và sưng lên. Nguyên nhân thường thấy cho việc này là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc dị ứng. Bình thường, các xoang là những khoảng trống chứa đầy không khí, được nối với bên trong mũi, nhưng khi chúng bị tắc nghẽn bởi các chất nhầy, đây sẽ là vùng đất màu mỡ để vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Bên cạnh đó, các xoang cũng có thể bị tắc nghẽn do polyp mũi.

Viêm xoang là gì
Niêm mạc xoang bị viêm và sưng lên gây viêm xoang

Các loại viêm xoang mũi

Dựa vào thời gian của bệnh, viêm xoang mũi được chia thành 4 loại như sau:

Viêm xoang cấp tính

Viêm xoang cấp tính là dạng viêm xoang sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 12 tuần. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều cảm thấy đỡ hẳn trong vòng 4 tuần. Các triệu chứng thường thấy tương tự như cảm lạnh: sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức đầu mặt.

viêm xoang mũi cấp tính
Viêm xoang cấp tính sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 12 tuần

Viêm xoang bán cấp tính

 Các triệu chứng viêm xoang bán cấp tính có thể kéo dài từ 30 – 90 ngày.

viêm xoang bán cấp tính
Triệu chứng viêm xoang bán cấp tính có thể kéo dài từ 30 – 90 ngày

Viêm xoang mạn tính

Viêm xoang được xác định là mạn tính nếu nó kéo dài hơn 90 ngày. Các yếu tố có thể gây viêm mạn tính bao gồm dị ứng mạn tính, polyp mũi hoặc tiếp xúc với ô nhiễm môi trường…

viêm xoang mạn tính
Viêm xoang được xác định là mạn tính nếu nó kéo dài hơn 90 ngày

Viêm xoang tái phát

Viêm xoang tái phát thường xảy ra nếu người bệnh có 4 hoặc nhiều hơn 4 đợt viêm xoang cấp trở lên trong năm.

Viêm xoang tái phát
Viêm xoang tái phát thường xảy ra ở người từng có 4 đợt viêm xoang cấp trở lên

Nhóm đối tượng dễ bị viêm xoang mũi

Viêm xoang mũi là bệnh lý phổ biến, ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc viêm xoang mũi hơn:

  • Người có hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công
  • Phụ nữ có thai
  • Người có các trường hợp: cuống mũi phì đại, vách ngăn mũi bị vẹo
  • Người có thói quen hút thuốc

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm xoang mũi

Bệnh viêm xoang cấp tính là do nhiễm trùng niêm mạc xoang của bạn. Hầu hết những người bị viêm xoang cấp tính đều bị nhiễm virus tiềm ẩn như cảm lạnh hoặc cúm. Chỉ có khoảng hai trong số 100 người bị viêm xoang cấp tính bị nhiễm vi khuẩn. Viêm xoang mãn tính thường bắt đầu bằng viêm xoang cấp tính, nhưng cũng có thể xảy ra bởi các yếu tố như:

  • Dị ứng
  • Có sự tắc nghẽn trong mũi hoặc xoang (chẳng hạn như polyp mũi)
  • Hút thuốc
  • Hen suyễn
  • Nhiễm trùng ở răng và nướu
  • Chấn thương răng, mũi hoặc má
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn loại bỏ chất nhầy (chẳng hạn như xơ nang)
Viêm xoang do polyps mũi
Polyp mũi gây tắc nghẽn xoang làm viêm xoang mũi

>>> Xem tài liệu sau để hiểu hơn viêm xoang

Nguồn: MSD Manuals

Triệu chứng viêm xoang thường gặp

Viêm xoang cấp tính và mãn tính gây ra các triệu chứng tương tự, bao gồm

  • Mủ vàng hoặc xanh chảy ra từ mũi
  • Đau đầu
  • Đau và căng tức ở mặt
  • Tắc nghẹt mũi
  • Giảm khả năng ngửi (Hyposmia)
  • Hôi miệng
  • Ho có đờm đặc biệt là vào ban đêm ho dữ dội hơn
  • Sốt
Triệu chứng viêm xoang thường gặp Hyposima (chứng khó ngửi)
Giảm khả năng ngửi (Hyposima) là triệu chứng viêm xoang mũi thường gặp

Một số triệu chứng gợi ý xoang nào bị nhiễm trùng:

  • Viêm xoang hàm gây đau trên má ngay dưới mắt, đau răng và đau đầu
  • Viêm xoang trán gây nhức đầu vùng trán
  • Viêm xoang sàng gây đau phía sau và giữa hai mắt, chảy nước mắt và nhức đầu (thường được mô tả là đau như búa bổ) trên trán
  • Viêm xoang bướm gây đau không xảy ra ở những vùng được xác định rõ và có thể cảm thấy ở phía trước hoặc phía sau đầu

Một cách khác để phân biệt giữa đau răng thông thường và đau răng do viêm xoang là cơn đau răng trong viêm xoang thường trầm trọng hơn khi nghiêng đầu về phía trước và khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva.

>>> Để hiểu rõ hơn về viêm xoang trán, xem ngay bài viết: Dấu hiệu viêm xoang trán, nguyên nhân và hướng điều trị

Viêm xoang do virus hay vi khuẩn thường có các triệu chứng tương tự nhau. Nhưng để nhận biết viêm xoang do vi khuẩn, người bệnh có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Các triệu chứng bệnh kéo dài từ 10 ngày trở lên.
  • Có chất nhầy màu từ mũi
  • Cơn đau rất nặng và thường tập trung ở một nơi (chẳng hạn như trên răng và hàm)
  • Sốt cao
  • Các triệu chứng giảm đi trong một thời gian nhưng sau đó vẫn tái phát
Đau đầu là triệu chứng viêm xoang mũi do vi khuẩn
Đau đầu, căng tức mặt là một trong những triệu chứng điển hình của viêm xoang do vi khuẩn

Chẩn đoán viêm xoang mũi như thế nào?

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm xoang mũi dựa trên các triệu chứng viêm xoang điển hình. Tuy nhiên, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng biến chứng như mắt đỏ, hơi lồi hoặc đối với bệnh viêm xoang mạn tính, lúc này chụp CT là phương pháp chẩn đoán có thể xác định được phạm vi và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm xoang.

Đối với người bị viêm xoang hàm trên sẽ được yêu cầu thực hiện chụp X-quang để kiểm tra và loại trừ khả năng áp xe răng. Bên cạnh đó, phương pháp cấy vi khuẩn cũng là một trong những cách dùng để chẩn đoán viêm xoang mũi, tuy nhiên cách này chỉ được thực hiện khi người bệnh sử dụng kháng sinh nhưng không thuyên giảm, người bị suy giảm miễn dịch…

Đối với trẻ em, trẻ được cho là bị viêm xoang mũi khi mũi chảy mủ dài hơn 10 ngày đi kèm tình trạng mệt mỏi, ho, đau hoặc khó chịu ở vùng mặt. Nhưng vì để hạn chế trẻ bị nhiễm phóng xạ, chụp CT được chỉ định đối với những trẻ bị viêm xoang mạn tính không có hiệu quả điều trị bằng kháng sinh và có dấu hiệu của biến chứng viêm xoang mũi.

chản đoán viêm xoang mũi bằng phương pháp chụp CT
Chụp CT có thể xác định được phạm vi và mức độ nghiêm trọng của viêm xoang mũi

Cách điều trị khi phát hiện bị bệnh viêm xoang mũi

Với nhịp độ đô thị hóa ngày càng tăng cao, ô nhiễm môi trường lan rộng từ đó dẫn đến nhiều người thành thị bị mắc bệnh viêm xoang mũi hơn người dân ở nông thôn. Dưới đây là một vài biện pháp điều trị khi phát hiện bị bệnh viêm xoang mũi:

Phương pháp điều trị đơn giản tại nhà

Dùng nước muối

Bạn có thể sử dụng nước muối để rửa mũi hàng ngày vì khả năng làm sạch rất tốt của nó. Tuy nhiên, không nên dùng nước muối tự pha vì bạn không thể nào đảm bảo có thể pha được nồng độ chuẩn, khi nồng độ muối quá cao, điều này có thể làm lớp niêm mạc mũi của bạn bị tổn thương, còn khi nồng độ muối quá thấp, khả năng sát khuẩn cũng không được đảm bảo. Vì vậy, hãy sử dụng nước muối sinh lý được bán tại các nhà thuốc, quầy thuốc uy tín.

Nước muối sinh lý sát khuẩn mũi
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn mũi hàng ngày

Dùng mật ong

Vì hệ thống miễn dịch yếu ớt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng tấn công vào cơ thể. Nhưng, trong mật ong có chứa các acid hữu cơ và Flavonoid phenolic giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa viêm xoang mũi tái phát.  Cách thức sử dụng mật ong ngăn ngừa viêm xoang mũi như sau:

  • Cách 1: chanh pha với mật ong, duy trì 2 – 3 lần/ngày
  • Cách 2: Dùng tỏi đập dập sau đó trộn cùng 2 muỗng mật ong, dùng hỗn hợp này trước mỗi bữa ăn hằng ngày.
  • Cách 3: dùng mật ong ngâm với gừng mỗi ngày
Mật ong ngăn ngừa viêm xoang mũi tái phát
Mật ong giúp tăng sức đề kháng và ngăn ngừa viêm xoang mũi tái phát

Dùng tỏi

  • Xông mũi bằng tỏi: bóc vỏ, đập dập tỏi, cho tỏi vào một chén nước sôi, dùng khăn trùm đầu lại hoặc chụm tay vào miệng chén để hở một lỗ nhỏ đủ để hít tinh chất tỏi vào mũi. Việc này có thể làm loãng lớp nhầy trong xoang, giảm đau nhức, nghẹt mũi, giúp người bệnh dễ thở hơn.
  • Ăn tỏi sống: không những giúp người bệnh cải thiện bệnh viêm xoang mũi mà ăn tỏi sống còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa cảm cúm, chống oxy hóa, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, Alzheimer..Tuy nhiên, sử dụng tỏi sống đúng cách mới mang lại hiệu quả điều trị:
    • Không ăn tỏi sống lúc đói vì điều này có thể kích thích niêm mạc dạ dày, gây đau và ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
    • Người đang có bệnh lý về thận, gan, mắt không nên dùng tỏi sống.
    • Cần lưu ý đối với việc điều trị viêm xoang mũi bằng cách nhỏ nước tỏi vào mũi để rửa, việc này có thể làm phù nề niêm mạc mũi, gây viêm nhiễm là khiến  tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Do đó, khi muốn nhỏ nước tỏi vào mũi, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  • Lưu ý: đối với người có tiền sử tiểu đường, cao huyết áp, đang sử dụng thuốc chống đông máu, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi khi điều trị viêm xoang mũi bằng tỏi cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn.
Tỏi làm giảm các triệu chứng viêm xoang mũi
Tỏi có thể làm loãng lớp nhầy trong xoang, giảm đau nhức, nghẹt mũi, giúp người bệnh dễ thở hơn

Phương pháp xông hơi

Giữ xoang thông thoáng và duy trì độ ẩm nhất định cho lớp niêm mạc là việc rất cần thiết trong điều trị viêm xoang mũi. Đối với phương pháp xông hơi, hơi ấm của nước sẽ giúp làm dịu, giảm đau nhức các mô xoang, mũi được thông thoáng và dễ chịu hơn.

Các biện pháp tăng cường dẫn lưu mủ

Các lựa chọn điều trị viêm xoang mũi bằng biện pháp tăng cường dẫn lưu mủ không kháng sinh tiêu chuẩn, bao gồm steroid tại chỗ, thuốc co mạch tại chỗ, thuốc tiêu nhầy hoặc xịt nước muối vào mũi. Các dạng thuốc này làm cho màng sưng co lại, giảm tình trạng sưng tấy, đau nhức, có thể sử dụng trong một thời gian nhất định và mất ít nhất khoảng 10 ngày mới có tác dụng.

Thuốc co mạch tại chỗ làm giảm triệu chứng viêm xoang mũi
Các dạng thuốc co mạch tại chỗ giúp giảm tình trạng sưng tấy, đau nhức của viêm xoang mũi

Điều trị bằng kháng sinh

Việc lựa chọn kháng sinh còn phụ thuộc vào tình trạng viêm xoang cấp tính, mãn tính hay tái phát. Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu quả của các kháng sinh như sau:

  • Levofloxacin, Moxifloxacin và Amoxicillin/Clavulanate – Trên 90%
  • Amoxicillin liều cao, Cefpodoxime proxetil, Cefixime, Cefuroxime axetil và Trimethoprim-sulfamethoxazole – 80-90%
  • Clindamycin, Doxycycline, Cefprozil, Azithromycin, Clarithromycin và Erythromycin – 70-80%
  • Cefaclor – 50-60%
Điều trị bệnh viêm xoang bừng thuốc kháng sinh Amoxicillin/Clavulanate
Tỷ lệ hiệu quả của Amoxicillin/Clavulanate khi trị bệnh viêm xoang mũi là hơn 90%

Trên cơ sở hướng dẫn điều trị của Sinus and Allergy Health Partnership (Hiệp hội dị ứng và Xoang) đối với viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn, người bệnh viêm xoang mũi được chia thành 3 nhóm như sau:

  • Người trưởng thành mắc bệnh nhẹ chưa dùng kháng sinh: khuyên dùng Amoxicillin/Clavulanate với liều dùng của Amoxicillin là 1,5-3,5g/ngày, Cefpodoxime proxetil hoặc Cefuroxim được khuyến cáo là liệu pháp ban đầu.
  • Người trưởng thành mắc bệnh nhẹ đã dùng kháng sinh trong 4-6 tuần trước đó và mắc bệnh viêm xoang mũi mức độ trung bình: nên dùng Amoxicillin/Clavulanate với liều dùng của Amoxicillin là 3-3,5g, Cefpodoxime proxetil hoặc Cefixime.
  • Người lớn mắc bệnh trung bình đã dùng kháng sinh trong 4-6 tuần trước đó: nên dùng Amoxicillin/Clavulanate, Levofloxacin, Moxifloxacin hoặc Doxycycline.
  • Doxycycline hoặc Clarithromycin (hoặc Erythromycin trong thai kỳ), có thể là lựa chọn thay thế trong trường hợp người bệnh bị dị ứng với Penicillin hoặc không dung nạp với Phenoxymethylpenicillin.
Dùng Doxycycline trị bệnh viêm xoang
Có thể dùng Doxycycline trị bệnh viêm xoang khi dị ứng với Penicillin

Phòng ngừa bệnh viêm xoang mũi

Để phòng ngừa bệnh viêm xoang mũi bạn nên có một lối sống lành mạnh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng:

  • Rửa tay kỹ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm trùng hô hấp hay cảm cúm.
  • Nói không với hút thuốc và những khu vực có khói, ô nhiễm không khí nặng.
  • Cố gắng không tiếp xúc với bất kỳ tác nhân gây dị ứng.
  • Vệ sinh chỗ ở, nơi làm việc sạch sẽ
  • Tiêm vacxin phòng ngừa cúm hàng năm
Phòng ngừa bệnh viêm xoang mũi
Rửa tay kỹ, viêm vacxin ngừa cúm, không hút thuốc là một trong những cách ngừa viêm xoang mũi

Đối với viêm xoang mũi, việc được chăm sóc và dùng thuốc đúng cách có thể giúp người bệnh khỏi bệnh trong vòng 7-14 ngày. Tuy nhiên, đối với người bị viêm xoang mũi mạn tính hay tái phát, thăm khác bác sĩ chuyên khoa tai Mũi Họng là điều cần thiết để có phương pháp điều trị cũng như lời khuyên phù hợp.

>>> Xem thêm về bệnh viêm xoang qua video hình họa sau:

Các câu hỏi thường gặp về bệnh viêm xoang mũi

Bị viêm xoang mũi có đi máy bay được không?

Khi ở trên máy bay, áp suất bên trong cabin thay đổi. Vì vậy, không khí bên trong xoang của  có thể giãn ra hoặc co lại theo áp suất. Nếu các xoang của bạn bị tắc hoặc bị viêm, không khí bên trong chúng sẽ bị mắc kẹt, điều này có thể gây đau. Nếu bắt buộc phải bay, hãy sử dụng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ thông mũi trước khi máy bay cất cánh và hạ cánh để giúp giảm bớt các triệu chứng hoặc thực hiện thao tác Valsalva: bịt mũi và cố gắng thở ra bằng miệng.

Polyp mũi là gì?

Polyp mũi là vết sưng của niêm mạc mũi và xoang. Chúng trông giống như những quả nho nhỏ hoặc chùm nho ở trong mũi. Các polyp mũi có thể gây tắc mũi, hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi và làm giảm vị giác, khứu giác. Polyp mũi có thể được điều trị bằng thuốc xịt mũi corticosteroid. Lúc đầu, người bệnh được khuyến nghị sử dụng trong vòng ba tháng, nếu thuốc có tác dụng người bệnh được khuyến cáo tiếp tục duy trì. Nhưng nếu thuốc xịt mũi không hiệu quả, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ polyp mũi của người bệnh. Tuy nhiên, polyp mũi có thể tái phát trở lại.

Các xoang nằm ở đâu?

Xoang là không gian chứa đầy không khí xung quanh mũi và mắt. Chúng được tìm thấy ở:

  • bên trong xương gò má
  • đằng sau trán, phía trên mắt
  • phía sau sống mũi và phần trên của mũi, giữa hai mắt
  • nằm sâu phía sau phần trên của mũi và giữa hai mắt

Mong rằng những thông tin trong bài viết mà chúng tôi đã cung cấp sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn chi tiết về căn bệnh viêm xoang mũi này. Nếu có một trong những dấu hiệu như đã kể trên, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tư vấn và đưa ra các phương pháp điều trị hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Với hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn là nơi bạn có thể cân nhắc khi cần thăm khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến Tai Mũi Họng nói chung và viêm xoang mũi nói riêng. Với đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, chuyên môn cao, luôn đồng hành cùng người bệnh và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại… sẽ làm quý khách yên tâm và hài lòng.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+