Bệnh Viêm Xoang – Quan điểm Điều trị tích cực
Bệnh Viêm Xoang và Quan điểm Điều trị tích cực
tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn
Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn
Bệnh Viêm Xoang bắt đầu là tình trạng phù nề niêm mạc các xoang, sau đó gây tắc lỗ thông các xoang thông ra hốc mũi, rồi tiếp theo thoái hóa niêm mạc các xoang, các xoang tụ dịch, mủ, thoái hóa polype, làm nghẹt mũi, chảy dịch, cản trở đường thở; gây viêm nhiễm liên miên đường hô hấp; nhức đầu vai gáy, đau rát cổ, khạc đàm và khịt mũi thường xuyên. Bệnh viêm xoang nặng có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng não, não.
I. Giải phẫu và Sinh lý Mũi – Xoang:
1. GIẢI PHẪU SƠ LƯỢC MŨI XOANG:
Khuôn mặt được cấu tạo bởi nhiều xương nhỏ ghép lại, trong đó phần lớn là xương rỗng. Xoang chính là những hốc rỗng trong các xương mặt. Các xoang có liên quan đặc biệt tới hốc mũi và cơ quan lân cận. Trong khoang mũi có 8 nhóm xoang xếp thành bốn đôi cân đối hai bên hốc mũi; mỗi bên mặt có 1 xoang hàm, 1 xoang trán, 1 xoang bướm và có từ 15 – 17 xoang sàng.
- Xoang hàm: là xoang lớn nhất, nằm ở dưới hốc mắt, ngay bên cạnh mũi. Khi viêm xoang thường có cảm giác đau hai bên mát.
- Xoang trán: là hai hốc rỗng, nằm trong xương trán, phía trong tương ứng với đầu lông mày. Tùy mỗi người xoang trán có thể nhỏ hay lớn. Viêm xoang trán thường nhức vùng chân mày và hốc mắt.
- Xoang sàng: là nhiều hốc nhỏ (gọi là tế bào sàng) nằm dọc từ trước ra sau giữa hốc mắt và hốc mũi, rất phức tạp nên người ta gọi là mê đạo sàng. Xoang sàng là xoang nhỏ nhất, xoang sàng lớn nhất bằng hạt lạc (đậu phộng), xoang nhỏ chỉ bằng hạt đậu xanh. Viêm xoang sàng thường chảy dịch xuống họng gây đau rát cổ, thường xuyên khạc, khịt mũi. Do cấu tạo phức tạp của xoang sàng nên các xoang sàng là các xoang bị viêm và thoái hóa đầu tiên.
- Xoang bướm: nằm ở dưới sàn sọ, là xoang nằm sâu nhất trong khoang mũi, liên quan với thần kinh thị và động mạch cảnh trong. Viêm xoang bướm thường gây nhức đỉnh đầu sau gáy, giảm thị lực.
2. SINH LÝ MŨI XOANG
Xoang là các hốc rỗng trong trong xương mặt. Thành trong các xoang được lót bởi lớp niêm mạc lông chuyển, tiết nhầy, các lớp niêm mạc tiết nhầy luôn luôn di chuyển theo một chiều về phía lỗ thông, chúng hoạt động như những cây chổi, quét các chất nhầy, vật lạ, xác vi khuẩn ra khỏi các xoang qua lỗ thông đưa ra hốc mũi. Bình thường các xoang đều thóang, khô và sạch, niêm mạc tiếp xúc trực tiếp với oxy ngoài môi trường.
Chức năng của xoang:
- Hấp thu oxy từ môi trường không khí.
- Làm ẩm không khí trước khi vào phổi bởi lớp niêm mạc lót.
- Sưởi ấm không khí trước khi vào phổi, luôn cân bằng với nhiệt độ cơ thể.
- Làm nhẹ trọng lượng khối xương đầu mặt.
- Đảm bảo sự cân bằng cần thiết giữa mặt và sọ, làm cho mặt được cử động thuận lợi hơn.
- Cộng hưởng âm thanh.
II. Bệnh học Viêm Xoang:
Bình thường các xoang được bố trí cân đối và đối xứng hai bên hốc mũi giúp cho sự trao đổi không khí với môi trường. Nhưng ở người có bất thường về giải phẫu thường dẫn đến bệnh viêm xoang.
1. BẤT THƯỜNG VỀ GIẢI PHẪU TRONG HỐC MŨI:
- Vẹo vách ngăn.
- Phát triển quá mức của mỏm móc.
- Cuốn mũi giữa phát triển quá mức (Conchabullosa) làm hẹp khe mũi.
- Quá phát cuốn mũi dưới.
- VA phì đại.
Các khe mũi nhiều dịch nhầy đặc trong bệnh viêm xoang
Các bất thường về giải phẫu nêu trên gây ra sự cản trở thông khí và hạn chế dẫn lưu dịch trong hốc mũi, dẫn đến sự rối loạn sinh lý các xoang, là yếu tố thuận lợi dẫn đến bị bệnh viêm xoang.
2. MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ ĐỊA DỊ ỨNG:
Ngày nay, khi đô thị hóa ngày càng tăng, mật độ dân cư sống trong thành phố cao, khí thải từ nhà máy, xe cơ giới, bụi xây dựng, nấm mốc và phần hoa cỏ là các yếu tố môi trường không thuận lợi dễ nảy sinh bệnh viêm xoang. Người ta thấy rằng dân thành thị thường bị bệnh viêm mũi xoang, bệnh đường hô hấp cao hơn dân nông thôn. Viêm mũi dị ứng thường kết hợp với hen nhất là ở trẻ em. Mỗi người có sự thích nghi và đáp ứng với môi trường sống khác nhau, cùng điều kiện sống và làm việc như nhau nhưng người có cơ địa dị ứng và có bất thường về cấu trúc giải phẫu dễ mắc bệnh viêm xoang hơn.
3. BỆNH VIÊM XOANG LÀ GÌ?
Bệnh viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc lót ở trong xoang, gây tắc các lỗ thông xoang, nhất là những xoang nhỏ như xoang sàng.
Có hai loại viêm xoang:
- Bệnh viêm xoang cấp: là tình trạng viêm xoang trong một thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm. Nếu điều trị và chăm sóc tốt bệnh viêm xoang cấp sẽ khỏi.
- Bệnh viêm xoang mãn: do viêm xoang cấp không được điều trị khỏi, ít nhất 4 đợt viêm xoang cấp, tái phát gây tắc lỗ thông thông xoang, biến đổi chức năng thông khí, các xoang chứa dịch hay mủ. Để điều trị bệnh viêm xoang mãn cần điều trị thuốc kết hợp với thủ thuật. Nếu điều trị nội khoa không khỏi, cần được phẫu thuật.
4. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM XOANG:
- Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh viêm xoang là do viêm mũi, sau cảm cúm, viêm họng, hay sâu răng. Ngoài ra có thể do nhảy cầu, lặn khi đi bơi, do áp lực thay đổi đột ngột khi đi máy bay, hay có dị vật ở mũi, …hoặc có thể do biến chứng của các bệnh cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu khuẩn.
- Vi sinh vật gây bệnh viêm xoang cũng là những vi sinh vật gây viêm nhiễm đường hô hấp trên.
- Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm xoang như: môi trường ô nhiễm, ăn ở kém vệ sinh, vẹo vách ngăn, dị ứng, u lành, u ác ở mũi; tình trạng viêm nhiễm ở phổi, viêm phế quản mãn, giãn phế quản, kết hợp bệnh viêm xoang, giãn phế quản với dị tật tim sang phải.
5. BỆNH VIÊM XOANG CẤP:
- Bệnh viêm xoang trán, sàng cấp: khởi đầu như xổ mũi thông thường kéo dài 5-6 ngày rồi xuất hiện những cơn đau đặc biệt của viêm xoang trán: cơn đau phía trên ổ mắt, ở một bên với chu kỳ 2 lần mỗi ngày. Cơn đau tăng dần từ sáng đến giữa trưa thì đạt mức tối đa. Khi đó, mũi chảy nhiều mủ, xoang vơi đi và cơn đau dịu xuống, đến chiều lại tái diễn cơn đau đó. Đôi khi kèm chảy nước mắt, mắt đưa đi đưa lại cũng đau, da vùng xoang tăng cảm giác, chỉ sờ cũng đau, khi ấn vị trí dây thần kinh trên hốc mắt, đau nhói trong ổ mắt.
- Bệnh viêm xoang hàm cấp bắt đầu như sổ mũi thông thường nhưng kéo dài rồi xuất hiện cơn đau ở vùng dưới ổ mắt, ở một bên, cảm giác đau xuyên về một phía hàm răng, đau tăng khi gắng sức, khi nhai, khi nằm, ấn đau dưới ổ mắt. Niêm mạc hốc mũi xung huyết.
- Bệnh viêm xoang do răng thường có sâu răng hàm nhỏ hoặc răng hàm, với ổ áp xe quanh chân răng, mủ chảy vào trong xoang. Bệnh nhân đau nhức răng dữ dội, lợi quanh răng thường sưng, vài ngày sau mủ thối đổ ồ ạt vào xoang qua ngả chân răng.
- Bệnh viêm xoang sàng cấp ở trẻ em có thể gặp ở thời kỳ 2-4 tuổi. Bệnh có thể xuất hiện sau một đợt viêm mũi nhiễm trùng hoặc sau một đợt sổ mũi thông thường, viêm VA. Do xoang sàng nằm sát với thành trong ổ mắt, do đó dễ gây biến chứng vào mắt nên dấu hiệu về mắt xuất hiện rất sớm. Triệu chứng: sưng nề mi trên, góc trên trong của ổ mắt sưng đỏ, chạm vào rất đau. Trong tình trạng nặng hơn, mắt có thể bị phù, nhãn cầu bị đẩy lệch xuống dưới, ra trước ngoài.
- Bệnh viêm xương tủy hàm trên, giả dạng viêm xoang hàm xuất hiện ở trẻ còn bú thường từ 1-3 tháng, do tuổi này xoang vẫn còn nhỏ, vì vậy thường viêm phần xương của xương hàm trên. Nguyên nhân thường do nhiễm tụ cầu khuẩn của xương hàm trên. Các triệu chứng má sưng, mũi chảy mủ, lợi răng sưng, có khi có lỗ rò.
6. BỆNH VIÊM XOANG MÃN:
6.1. Nguyên nhân:
- Viêm mũi mãn tính từ bé kéo dài, lớn lên có thể biến thành viêm xoang mãn tính.
- Viêm VA thường xuyên, VA quá phát.
- Ở người lớn sau một một đợt viêm xoang cấp tính, nếu chữa không dứt điểm có thể biến thành viêm xoang mạn tính.
- Viêm mũi dị ứng
- Nhiễm nấm trong xoang
- Vẹo vách ngăn
- U hốc mũi
- Polype hốc mũi nguyên phát
6.2. Triệu chứng:
- Nghẹt mũi: nghẹt mũi thường xuyên, dùng thuốc co mạch giảm thời gian ngắn sau đó bị nghẹt lại. Ngủ trong phòng máy lạnh, dưới quạt gây nghẹt mũi tăng lên.
Nghẹt mũi thường xuyên.
- Chảy dịch: dịch thường đặc và có màu trắng, xanh hay vàng. Viêm xoang do nấm dịch chảy thành dòng từ lỗ thông xoang xuống họng, dịch dai.
- Khạc đàm: do dịch từ xoang chảy xuống họng nên người bệnh phải khạc, khịt mũi thường xuyên, hay hắng giọng.
- Đau rát cổ: dịch chảy xuống họng gây đau rát cổ, dễ nhầm do viêm amidan.
- Nhức đầu: nhức đầu không phải là triệu chứng đầu tiên trong viêm xoang. Nhức đầu xảy ra khi có những đợt bội nhiễm. Nhức đầu tăng gây nghẹt mũi. Nhức đầu nhiều ở người bị vẹo vách ngăn, quá phát cuốn giữa đè vào vách ngăn. Tính chất của nhức đầu cũng thay đổi tùy người, tùy từng vị trí của xoang bị viêm. Đợt viêm cấp thường nhức đầu dữ dội, sợ ánh sáng, nhưng viêm mãn thường nhức đầu âm ỉ, vùng đỉnh đầu, sau gáy lan xuống vai hai bên, đôi khi viêm xoang gây viêm tai giữa do tắc vòi nhĩ. Viêm nhóm xoang trước thường nhức đầu vùng trán, vùng mặt , nhức mắt có khi nhức đầu theo giờ nhất định, nhức đầu về buổi sáng. Viêm nhóm xoang sau thường nhức đầu vùng sau, nhức ê ẩm vùng chẩm vùng gáy lan xuống vai.
- Ho: do dịch từ xoang chảy xuống họng nên gây ho. Ho là phản xạ nhằm đẩy dịch không chảy vào thanh khí quản.
- Viêm phế quản, viêm phổi: trẻ nhỏ do nuốt phải chất dịch tiết từ xoang với VA, amidan, thường gây viêm phế quản tái diễn, viêm dạ dày-ruột, ho từng cơn.
- Viêm tai giữa tắc vòi nhĩ: gây đau tai, nặng có thể viêm tai giữa thanh dịch, màng nhĩ lõm. Khi đi máy bay hay bị đau tai.
7. CÁC DẠNG BỆNH VIÊM XOANG MÃN:
7.1. Viêm mũi xoang dị ứng:
Viêm mũi xoang dị ứng tổn tại ở người bị viêm xoang có tiền sử dị ứng, như vậy họ có hai bệnh là viêm xoang và dị ứng. Người bệnh bị dị ứng, do vậy niêm mạc trong các xoang bị phù nề, tiết dịch thường xuyên làm tắc các lỗ thông xoang, niêm mạc bị thoái hóa thành polype trong xoang hay hốc mũi, thậm chí cuốn mũi giữa, cuốn mũi dưới cũng thoái hóa polype. Ngứa mũi, hắt xì, chảy nước mũi, nghẹt mũi là các triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng. Bệnh diễn tiến từ từ sẽ xuất hiện polype trong xoang và hốc mũi, tiến đến không còn thở được bằng mũi và không ngửi được mùi. Nhiều trường hợp nấm xuất hiện trong bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Trên phim CT mờ một phần hay toàn bộ các xoang.
Hình A: viêm mũi dị ứng, cuốn mũi phù nề thoái hóa bít kín khe mũi, người bệnh không thể thở được qua đường mũi;
Hình B: niêm mạc khe mũi dị ứng, phù nề thoái hóa polype;
Hình C: VA che kín cửa mũi sau, nhiều dịch tiết trong hốc mũi trong viêm mũi xoang dị ứng, viêm VA trẻ em.
Viêm mũi xoang dị ứng thường kết hợp với hen, nếu điều trị viêm mũi xoang dị ứng tốt ít bị lên cơn hen.
7.2. Viêm xoang polype mũi:
Đây là biểu hiện nặng hơn ở người viêm mũi xoang dị ứng, lâu dài sẽ dẫn đến polype mũi. Polype mũi là hiện tượng thoái hóa niêm mạc xoang bởi tình trạng viêm mãn tính, phù nề, cuối cùng polype mũi xuất hiện tại khe mũi, hốc mũi làm cản trở sự lưu thông khí qua mũi, gây nghẹt mũi liên miên, chảy mũi, giảm mùi. Lâu dài gây tình trạng hốc mũi bị giãn rộng, polype lòi ra cửa mũi trước, thòng vào cửa mũi sau, phá hỏng xương hốc mũi làm xương hốc mũi mỏng như vỏ quả bóng bàn, lấy tay ấn vào có hiện tượng lõm khi bỏ tay ra thành xương lại bật lên. Thay đổi hình dạng hốc mũi, làm cho mũi không còn chiều cao.
Tai mũi họng Sài Gòn – Hình ảnh polype mũi ở người bệnh viêm mũi xoang dị ứng – polype mũi.
7.3. Viêm mũi xoang trẻ em:
Viêm mũi xoang trẻ em thường gặp ở trẻ em bị viêm mũi kéo dài, viêm VA, dị ứng. Do hốc mũi trẻ rất hẹp, khi bị viêm mũi họng, viêm VA niêm mạc hốc mũi phù nề, xuất tiết lại càng làm cho tình trang nghẹt mũi tăng lên, trẻ phải há mồm để thở, khi bú phải dừng lại để há mồm thở. Đồng thời khi bị viêm, cuốn mũi sưng làm hẹp khe mũi, sự dẫn lưu từ các xoang bị cản trở, ứ dịch trong xoang gây ra viêm xoang.
Triệu chứng: Ngẹt mũi, chảy mũi, ho do đàm nhớt chảy xuống họng gây viêm thanh quản, viêm phế quản kéo dài, nặng có thể viêm phổi. Trẻ chán ăn, đi cầu phân lỏng, đầy bụng do nuốt phải dịch và mủ từ xoang chảy xuống. Có thể gây viêm tai giữa mãn tính. Trẻ hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc.
7.4. Viêm mũi teo (Ozene – dân gian gọi là trĩ mũi):
Viêm mũi teo cho đến nay chưa xác định được nguyên nhân, biểu hiện lâm sàng của viêm mũi teo là niêm mạc cuốn mũi giữa, niêm mạc cuốn mũi dưới, niêm mạc vách ngăn, niêm mạc hốc mũi bị mất chất, thường bị phủ một lớp mày xanh, vàng, hôi. Lâu dần hốc mũi bị ăn rỗng, nhưng người bệnh vẫn cảm giác mình bị nghẹt.
Niêm mạc hốc mũi bị che bởi lớp vảy xanh, hôi, hốc mũi bị mất chất. Trong bệnh viêm mũi teo.
7.5. Viêm xoang do răng:
Viêm xoang do răng thường xảy ra một bên. Do răng tiền hàm, răng hàm bị viêm, mủ theo chân răng chảy vào xoang hàm gây ra viêm xoang hàm do răng. Triệu chứng đau sưng một bên mặt, chân răng hư có thể thấy mủ chảy ra rất thối. Chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, nội soi hốc mũi và chụp CT xoang.
7.6. Viêm xoang do nấm:
Viêm xoang do nấm thường xảy ra trên người có bệnh viêm xoang mãn tính, viêm xoang polype mũi. Có hai thể viêm xoang do nấm:
a. Viêm xoang không xâm lấn:
- Viêm xoang dị ứng nấm (AFS: Allergic Fungal Sinusitis)
- U nấm xoang(sinus Mycetoma)
b. Viêm xoang xâm lấn:
- Viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính[Acute (Fulminant) Invasive Fungal Sinusitis].
- Viêm xoang do nấm xâm lấn u hạt(Granulomatous Invasive Fungal Sinussitis)
- Viêm xoang do nấm xâm lấn mãn tính (Chonic Invasive Fungal Sinusitis)
Viêm xoang do nấm cần được lưu ý ở người bệnh bị viêm xoang mãn tính, dị ứng có polype mũi, đã phẫu thuật nhiều lần không khỏi.
Biểu hiện lâm sàng là triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính, chữa trị lâu ngày không khỏi. Chẩn đoán xác định dựa vào hình ảnh nội soi thấy mủ chảy thành dòng từ lỗ thông xoang xuống thành sau họng, màu trắng hay vàng, dai. Khi soi tươi có sợi tơ nấm. CT Scanner có hình ảnh cản quang trong xoang.
Dịch màu trắng hay vàng chảy thành dòng ở khe mũi giữa ở bệnh viêm xoang do nấm
III. Chẩn đoán Bệnh Viêm Xoang:
Chẩn đoán viêm xoang cần dựa vào:
- Bệnh cảnh lâm sàng khi khám người bệnh khai, Bác sĩ lắng nghe và ghi nhận.
- Nội soi hốc mũi đánh giá tình trạng hốc mũi, niêm mạc khe giữa, khe trên, cuốn mũi giữa, cuốn mũi dưới, lỗ thông các khe.
- CT Scanner mũi xoang đánh giá bên trong các xoang.
- Siêu âm mũi đánh giá sự thông khí của mũi.
IV. Điều trị Bệnh Viêm Xoang:
Hiện nay khoảng 15% dân số bị bệnh viêm xoang. Bệnh viêm xoang ngày càng tăng lên theo nhịp độ đô thị hóa, do ô nhiễm môi trường, dân thành thị bị viêm xoang nhiều hơn dân nông thôn.
Do chưa hiểu thấu đáo cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm xoang nên ngày xưa khi chưa có nội soi người ta chỉ điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật xoang hàm. Như ta biết mỗi người chúng ta có khoảng bốn chục xoang mặt, nhưng chỉ mổ có một còn nhiều xoang chưa được giải quyết, các xoang bệnh vẫn viêm nên bệnh viêm xoang vẫn còn.
Ngày nay với phương tiệm máy móc y tế hiện đại, Bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, giải quyết vấn đề bệnh viêm xoang toàn diện và triệt để hơn. Nếu chữa trị bệnh viêm xoang theo đúng các nguyên tắc dưới đây bệnh viêm xoang sẽ khỏi.
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm xoang phải giải quyết được các vấn đề:
- Tái tạo lại sự dẫn lưu dịch, không khí vào các xoang.
- Loại bỏ các yếu tố bất thường về giải phẫu hốc mũi.
- Giải quyết vấn đề dị ứng.
- Phục hồi lại chức năng xoang.
- Môi trường sống tốt.
- Chăm sóc thường xuyên.
Tùy thuộc mức độ viêm xoang mà bác sĩ đề nghị phương pháp điều trị phù hợp.
1. ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA:
1.1. Bệnh viêm xoang cấp:
Trường hợp viêm xoang cấp, viêm xoang mãn nhưng lỗ thông các xoang còn tốt, khe mũi thông thoáng, niêm mạc phù nề nhẹ, chỉ cần điều trị nội khoa với kháng sinh, kháng histamin, kháng viêm, thuốc co mạch, xịt nước muối sinh lý một đợt từ 7 – 14 ngày.
1.2. Bệnh viêm xoang mãn:
Trường hợp viêm xoang mãn xảy ra thường xuyên, khe mũi giữa niêm mạc phù nề, cuốn mũi giữa niêm mạc thoái hóa nhẹ, đuôi cuốn mũi dưới quá phát cần phải phối hợp rửa xoang bằng phương pháp Proetz, xịt nước muối sinh lý và uống thuốc. Việc rửa mũi định kỳ có tác dụng làm sạch các vật lạ bám vào niêm mạc mũi giúp.
2. PHẪU THUẬT:
Phẫu thuật trong trường hợp điều trị nội khoa không khỏi, bệnh viêm xoang gây thoái hóa niêm mạc trong xoang, polype mũi, viêm xoang do nấm, vẹo vách ngăn gây nghẹt mũi, bất thường về giải phẫu, quá phát cuốn mũi giữa, quá phát cuốn mũi dưới.
2.1. Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS – Function Endoscopic Sinus Surgery):
Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng nhằm giải quyết tình trạng bất thường về giải phẫu, viêm xoang do tắc lỗ thông, do thoái hóa phức hợp phễu, viêm xoang ở trẻ em.
2.2. Phẫu thuật nội soi mũi xoang triệt căn (RESS – Radical Endoscopic Sinus Surgery):
- Phẫu thuật nội soi mũi xoang triệt căn được chỉ định trong trường hợp viêm xoang polype mũi, thoái hóa niêm mạc nhiều xoang (phim CT Scanner), viêm xoang do nấm.
- Đây là một kỹ thuật khó đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm, nắm chắc giải phẫu vì phải lấy bỏ niêm mạc các xoang sàng sau, xoang bướm thoái hóa polype.
- Tai biến hay gặp trong phẫu thuật này là vỡ sàn sọ, đứt động mạch sàng, rách màng não, rách bao ổ mắt.
Trường hợp viêm xoang do nấm phải lấy sạch, rửa sạch tổ chức nấm, đặt thuốc chống nấm và rửa thuốc chống nấm sau mổ một tháng.
2.3. Thuốc điều trị sau mổ:
Tùy theo bệnh tích khi mổ bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh phù hợp giúp cho không bị nhiễm trùng sau mổ. Kháng Histamine, kháng viêm, giảm đau cũng cần được sử dụng.
2.4. Chăm sóc sau mổ:
Chăm sóc sau mổ xoang đóng vai trò rất quan trọng. Loại bỏ dịch viêm, máu bầm giúp cho các xoang mau lành, giảm nghẹt mũi, người bệnh bớt nhức đầu. Ngày thứ hai lấy bỏ bấc hay Merocel trong mũi. Cần hút dịch động sau mổ một tuần, sau đó chăm sóc định kỳ một hay hai tuần một lần cho đến khi khỏi bệnh, khoảng sau mổ 2 tháng. Ngoài ra cần xịt nước muối sinh lý sau mổ giúp cho vết mổ sạch, thông thoáng và mau lành.
2.5. Chế độ dinh dưỡng:
Sau mổ người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường ít nhất 4 giờ. Chế độ ăn nhẹ sữa, súp, cháo đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Ngày thứ hai có thể ăn cơm.
V. Quan điểm Điều trị Bệnh Viêm Xoang tích cực tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn:
1. BÀN VỀ PHẪU THUẬT XOANG KINH ĐIỂN:
- Vào khoảng trước những năm 1980 việc chẩn đoán viêm xoang được dựa vào phim Xquang Blonedeau – Hirtz. Với phim này rất khó xác định chính xác các xoang nào bị viêm và mức độ tổn thương.
- Khám Tai mũi họng được thực hiện bởi đèn trán, do vậy rất khó để quan sát trong các khe mũi.
Việc phẫu thuật mổ xoang được thực hiện chủ yếu là mổ xoang hàm (Calwelluc). - Như ta đã biết, mỗi bên hốc mũi có khoảng 20 xoang, khi viêm xoang thường viêm cả 40 xoang. Khi phẫu thuật mới chỉ mổ một xoang hàm, như vậy còn gần bốn mươi xoang viêm chưa được xử trí, và do đó bệnh viêm xoang vẫn còn.
2. TẠI SAO ĐÃ PHẪU THUẬT NỘI SOI MŨI XOANG, BỆNH VIÊM XOANG VẪN CHƯA KHỎI?
Một số thiếu sót mà sau mổ xoang, bệnh viêm xoang vẫn chưa khỏi:
a. Chẩn đoán thiếu chứng cứ:
Để chẩn đoán bệnh viêm xoang cần phải khám lâm sàng, khai thác bệnh sử, nội soi hốc mũi và chỉ định phẫu thuật phải có CT Scanner xoang. Các chứng cứ sẽ hỗ trợ giúp cho thầy thuốc có chẩn đoán đúng và có hướng xử trí tốt nhất. Nhiều người bệnh được phẫu thuật chỉ với phim Blonedeur là không đủ. Người bệnh khi bị viêm xoang mãn tính thường có nhiều xoang hư nhất là các xoang sàng.
b. Chưa xử lý bất thường về giải phẫu trong hốc mũi:
Các bất thường về giải phẫu trong hốc mũi làm tăng tình trạng viêm xoang như vẹo vách ngăn, qúa phát cuốn mũi giữa, bất thường về phức hợp lỗ thông xoang, bất thường mỏm móc, u hốc mũi, VA quá phát lại không được giải quyết triệt để nên vẫn gây rối loạn sự lưu thông khí giữa hốc mũi với các xoang.
c. Phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm:
Cấu tạo giải phẫu các xoang mặt rất phức tạp nên người ta gọi vùng xoang sàng là mê đạo sàng, để chỉ sự phức tạp ngóc ngách như mê cung trong xoang, như vậy sự dẫn lưu cũng rất phúc tạp. Do phẫu thuật viên khám chưa kỹ, chẩn đoán thiếu kết hợp lâm sàng, nội soi và CT Scanner. Do vậy đưa ra phương pháp xử trí chưa tối ưu.
d. Chưa lấy hết bệnh tích:
Mê đạo sàng phức tạp, sát sàn sọ, mảnh sàng và hốc mắt, nhiều xoang viêm, thoái hóa không còn mốc giới hạn. Việc lấy sạch bệnh tích khi phẫu thuật cần phải làm chính xác, an toàn, nhưng đây là vấn đề khó, do vậy nhiều Bác sĩ gần như bỏ lại nhóm xoang sàng sau và xoang bướm.
e. Chăm sóc sau mổ chưa tốt:
Người bệnh không được chăm sóc sau mổ, nên việc dẫn lưu các xoang mới mổ chưa tốt. Hơn nữa khi chăm sóc là lúc Bác sĩ phẫu thuật viên kiểm tra xem cần can thiệp chỗ nào cho tốt.
f. Viêm mũi xoang dị ứng:
Phần lớn người bị bệnh viêm xoang có liên quan đến viêm mũi dị ứng. Nhưng khi phẫu thuật nội soi mũi xoang lại không lưu ý đến bệnh dị ứng trên người bệnh, chỉ giải quyết vấn đề viêm xoang, do vậy dị ứng luôn hiện diện.
g. Thiếu vệ sinh hốc mũi:
Môi trường sống không sạch như môi trường sống thiếu thông khí, bụi, nấm mốc, phấn hoa cỏ, thực phẩm gây dị ứng ở người có cơ địa dị ứng cũng góp phần làm cho niêm mạc các xoang ngày một phù nề. Hốc mũi không được xịt, rửa thường xuyên.
h. Thuốc:
Thuốc uống hay xịt đóng vai trò quan trọng sau mổ. Bình thường cần uống thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng Histamine khoảng 3 tuần sau mổ, nếu viêm xoang do nấm nếu thấy cần nên uống thuốc chống nấm 2 tuần. Rửa mũi vào tuần thứ ba sau mổ. Do không thực hiện tốt việc uống thuốc cũng góp phần làm viêm sau mổ.
3. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM XOANG TÍCH CỰC TẠI BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN:
Nhằm khắc phục các khiếm khuyết trong mổ nội soi mũi xoang, bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn thực hiện điều trị viêm xoang tích cực dựa trên nguyên tắc sau:
a. Khám Tai mũi họng nội soi:
Đưa công nghệ cao nội soi vào khám Tai mũi họng, nhờ vậy khi khám Bác sĩ có thể phát hiện được các bệnh tích như viêm VA, viêm xoang, polype khe mũi, u hốc mũi, ung thư vòm, ung thư thanh quản, viêm tai giữa…
b. Chẩn đoán chính xác dựa vào chứng cứ:
Dựa vào bệnh sử người bệnh kể, hình ảnh nội soi, hình ảnh CT Scanner, siêu âm mũi, thính lực đồ… là các chứng cứ khách quan giúp cho chẩn đoán đúng và chính xác.
c. Chỉ định phẫu thuật đúng và đủ:
Chỉ định phẫu thuật chỉ được đề nghị khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả và dựa trê các chứng cứ khi chẩn đoán, như vậy việc chỉ định phẫu thuật sẽ chính xác và hướng xử trí sẽ tối ưu.
d. Phẫu thuật sạch bệnh tích, hố mổ đẹp và thoáng:
Dựa vào bệnh cảnh lâm sàng, tiền căn, nội soi và hình ảnh CT Scanner phẫu thuật viên sẽ phẫu thuật lấy sạch bệnh tích, đảm bảo khỏi bệnh sau mổ. Việc lấy sạch bệnh tích đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm vững giải phẫu, bệnh học và có kinh nghiệm.
Khi hố mổ đẹp việc dẫn lưu trong xoang dễ dàng, không dính, sự lưu thông khí vào phổi thuận tiện, người bệnh không bị nghẹt mũi.
e. Giải quyết vấn đề dị ứng:
Dị ứng là một bệnh toàn thân, ở người bị viêm mũi dị ứng thường bị viêm xoang đi kèm. Do vậy giải quyết vấn đề dị ứng trước, trong và sau mổ là yếu tố quan trọng gip1 cho điều trị viêm mũi xoang thành công. Rửa mũi định kỳ mỗi 2 tuần một lần. Xịt nước muối sinh lý ngày vài lần nhằm loại bỏ các dị nguyên bám vào niêm mạc mũi. Thuốc kháng Histamine cần được điều trị ở người dị ứng theo mùa hay dị ứng phấn hoa cỏ.
f. Chăm sóc sau mổ định kỳ:
Chăm sóc sau mổ đóng vai trò quan trọng, hút dịch trong hố mổ sau mổ một tuần và chăm sóc định kỳ mỗi hai tuần sau mổ giúp cho hốc mũi thông thoáng, không dính và người bệnh không bị nghẹt mũi. Trong thời gian chăm sóc sau mổ hai tháng nên kết hợp với xịt nước muối sinh lý ngày vài lần.
g. Hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc:
Hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc là một phần của điều trị tích cực, Bác sĩ chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn còn người bệnh tự chăm sóc tại nhà sau thời gian phẫu thuật mới là nhân tố chính giúp cho mau lành bệnh.
h. Thầy thuốc kinh nghiệm và tận tâm:
Thầy thuốc phải là người có tâm, luôn coi người bệnh là ân nhân của mình, chính người bệnh trả lương cho Bác sĩ. Thầy thuốc có kinh nghiệm cộng với lương tâm là yếu tố quan trong trong việc điều trị và chăm sóc. Chăm sóc, thăm nom và hướng dẫn người bệnh là yêu cầu không thể thiếu giúp cho người bệnh mau lành.
4. PHẪU THUẬT DỰA TRÊN CT XOANG, NỘI SOI MŨI XOANG:
Ngày nay cùng với tiến bộ của khoa học, máy chụp cắt lớp điện toán (CTscan) ra đời giúp cho việc khảo sát các xoang chính xác hơn, dựa vào CT Scanner có thể đánh giá vị trí xoang viêm, mức độ hư hại niêm mạc. Phẫu thuật viên xác định được các xoang bị viêm, có thể lấy sạch bệnh tích các xoang bị viêm, nhất là xoang sàng sau và xoang bướm, nhờ vậy bệnh viêm xoang sẽ khỏi.
Tùy theo bệnh tích viêm xoang mà phẫu thuật viên đề nghị phẫu thuật phù hợp:
- Nếu chỉ tắc các lỗ thông xoang, bất thường giải phẫu, quá phát cuốn mũi, niêm mạc trong xoang còn tốt, chỉ cần phẫu thuật mở khe giữa.
- Nếu niêm mạc các xoang thoái hóa làm tắc các lỗ thông xoang, cần phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS), nhằm lấy bệnh tích các xoang hư, mở lỗ dẫn lưu các xoang, giúp cho sự tái hồi phụ chức năng trong các xoang.
- Nếu viêm xoang thoái hóa polype trong các xoang, tắc hoàn toàn lỗ thông các xoang, polype khe mũi hay hốc mũi cần lấy sạch bệnh tích và lấy bỏ các xoang viêm, cần phẫu thuật nội soi mũi xoang triệt căn (RESS)
- Trong trường hợp viêm mũi xoang dị ứng, polype mũi, quá phát cuốn mũi giữa cần cắt bán phần cuốn mũi giữa hay đốt niêm mạc cuốn mũi dưới bằng Coblator.
- Viêm xoang do nấm cần phẫu thuật lấy sạch tổ chức nấm, đặt thuốc chống nấm.
Các phẫu thuật được thực hiện bởi quy trình nghiêm ngặt giúp tránh sai sót và tai biến trong phẫu thuật. Hơn nữa bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn luôn thực hiện phẫu thuật nội soi mũi xoang theo qui trình chuẩn JCI nên kết quả sau phẫu thuật đều đạt chất lượng cao, tỷ lệ khỏi bệnh viêm xoang cao giúp chất lượng cuộc sống của người bệnh tốt hơn.
VI. Đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện:
- Phẫu thuật viên là các Bác sĩ của Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, có đạo đức, được đào tạo chính qui. Bệnh viện thực hiện đào tạo các Bác sĩ của bệnh viện theo quan điểm “Kiến thức giỏi, kỹ thuật tốt”. Kiến thức được đào tạo tại trường đại học, đào tạo nước ngoài, đào tạo sâu chuyên ngành, luôn theo kịp các phương pháp điều trị mới nhất về tai mũi họng của thế giới.
- Bác sĩ của bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn đều được học và thực hành mổ xoang trên xác trước khi mổ trên người, khi mổ được hướng dẫn cụ thể bởi chuyên gia có kinh nghiệm nên nắm chắc các mốc phẫu thuật, kỹ thuật mổ tốt.
VII. Trang thiết bị Y tế hiện đại của Bệnh viện:
Tiêu chí của bệnh viện là xây dựng bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn hiện đại, khám và điều trị bệnh tai mũi họng kỹ thuật cao. Từ đó đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, bệnh viện khách sạn, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh với dịch vụ y tế tốt giúp cho người bệnh tai mũi họng có thể điều trị tại bệnh viện không phải ra nước ngoài tốn kém. 100% các ca phẫu thuật mũi xoang, nạo VA đều được thực hiện dưới máy nội soi hiện đại.
VIII. Quá trình Chăm sóc Toàn diện:
1. CHĂM SÓC VỀ Y TẾ:
Bệnh nhân được chăm sóc bởi đội ngũ điều dưỡng bệnh viện 24/24 giờ ngày đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc và ăn uống cho người bệnh. Người nhà chỉ đến thăm, không phải nuôi. Mỗi người được nằm nghỉ ngơi trên giường rộng, sạch sẽ, phòng bệnh yên tĩnh.
Bác sĩ phẫu thuật viên, bác sĩ trực, Giám đốc bệnh viện thăm người bệnh thường xuyên. Các trường hợp bệnh khó, bệnh nặng luôn được theo dõi xử trí kịp thời.
Phòng bệnh tiện nghi, sạch sẽ, yên tĩnh.
2. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG:
Góp phần vào điều trị việc chăm sóc người bệnh trong thời gian nằm tại bệnh viện, việc nghỉ ngơi dưỡng bệnh, ăn uống đủ dinh dưỡng, bữa ăn ngon, sạch. Bệnh nhân được uống sữa tươi, nước ép trái cây tươibổ sung dinh dưỡng tốt mỗi ngày, ăn đủ dinh dưỡng theo chế độ bệnh lý.
Viêm xoang là một bệnh thường đi kèm với viêm mũi dị ứng. Lâu nay việc điều trị chỉ tập trung chữa trị viêm xoang còn dị ứng bị bỏ quên nên tỷ lệ khỏi bệnh chưa cao. Hiện nay Bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn áp dụng điều trị viêm xoang tích cực nên sau mổ tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cao. Nhiều người bệnh từ Mỹ, Nhật, Đức, Campuchia, Lào và người Việt các nơi trên đất nước Việt Nam đã được điều trị tại bệnh viện luôn hài lòng về dịch vụ y tế bệnh việc cung cấp, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bị bệnh viêm xoang.
Hãy liên hệ các Bác sĩ khoa Mũi Xoang Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để được tư vấn và hướng dẫn các bệnh lý về Mũi Xoang.