Biến chứng hạ đường huyết do đái tháo đường
Hạ đường huyết là một biến chứng cấp tính hay gặp ở bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân (BN) đang sử dụng thuốc viên hạ đường huyết sulfonylurea hoặc tiêm insulin. Hạ đường huyết dễ xảy ra ở nhóm bệnh nhân cao tuổi hoặc có rối loạn chức năng gan, thận. Biến chứng này còn có thể là hậu quả của việc hoạt động thể lực quá mức mà không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc sử dụng các chất kích thích. Khi phát hiện có triệu chứng của hạ đường huyết phải điều trị kịp thời nếu không điều trị bệnh nhân có thể co giật, hôn mê và gây ra các biến chứng không mong muốn khác.
Triệu chứng Hạ đường huyết thường gặp:
- Triệu chứng của rối loạn thần kinh tự động: lo lắng, run tay chân, vã mồ hôi, hồi hộp, cảm giác đói cồn cào.
- Triệu chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương: Cảm giác mệt, chóng mặt, đau đầu, nhìn mờ, lơ mơ, nói khó, mất tập trung, rối loạn hành vi, hôn mê, co giật thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định: Dựa vào tam chứng Whipple:
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng: rối loạn thần kinh tự động và rối loạn hệ thần kinh trung ương.
- Nồng độ glucose máu <3,9 mmol/l
- Triệu chứng lâm sàng mất đi khi nồng độ glucose máu trở về bình thường.
Chẩn đoán nguyên nhân:
- Quá liều thuốc insulin hoặc sulfonylurea
- Bỏ bữa hoặc ăn không đầy đủ
- Uống rượu
- Điều trị không đúng chỉ dẫn
- Hoạt động thể lực quá sức
Điều trị:
- Ngừng các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin đang dùng.
- Trường hợp hạ đường huyết nhẹ, bệnh nhân tỉnh táo thì:
- Ăn ngay bánh, hoa quả, nước ngọt có sẵn
- Nếu không đỡ cần uống tối thiểu 15g đường pha nước (3 miếng đường hoặc 3 thìa cà phê đường pha trong 100ml nước).
- Truyền tĩnh mạch dung dịch glucose trong trường hợp hạ đường huyết nặng, ý thức không tỉnh táp, bệnh nhân không thể ăn bằng đường miệng.
- Tiêm tĩnh mạch 20 – 50 ml glucose 20%
- Tiếp theo truyền đường glucose 5% (hoặc G 10%) duy trì đường máu > 5,6 mmol/l.
- Chú ý ở người bệnh lớn tuổi, chức năng thận suy giảm, hạ đường huyết do dùng các thuốc viên uống hạ đường huyết tác dụng kéo dài thì biểu hiện của hạ đường huyết có thể kéo dài nên việc chấm dứt điều trị cần cân nhắc kĩ.
Phòng Bệnh
- Cần trang bị những kiến thức về bệnh, biết được những biểu hiện của bệnh và các cách xử trí tại nhà: do hạ đường huyết thường hồi phục rất nhanh sau khi được bổ sung glucose. Đối với những người hay gặp chứng hạ đường huyết nên mang theo những viên đường hoặc kẹo ngọt để phòng trường hợp xuất hiện cơn hạ đường huyết đột ngột.
- Có chế độ ăn uống, tập luyện khoa học. Không nên nhịn ăn hoặc bỏ bữa. Cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ, không uống thuốc khi không ăn hay vận động thể lực gắng sức.
- Thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn bệnh kịp thời. Thực hiện khám tầm soát sức khỏe định kỳ, đặc biệt tầm soát đái tháo đường và biến chứng 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|