Biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường

Biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường

Biến chứng mạch máu lớn của bệnh đái tháo đường chính là tình trạng xơ vữa động mạch lớn và vừa kèm theo các hậu quả của nó. Xơ vữa động mạch được cho là kết hợp tình trạng viêm và tổn thương ở lớp nội mạc mạch máu, các tiểu phân tử mỡ xấu LDL bị oxid hóa sẽ thâm nhập vào thành mạch máu, kích hoạt sự thâm nhập tế bào viêm và tăng sinh lớp cơ trơn ở thành mạch, tích tụ collagen, tạo nên mảng xơ vữa động mạch chưa được hoàn toàn hiểu rõ. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ xơ vữa động mạch nhiều hơn và ở lứa tuổi sớm hơn đối với người không bị đái tháo đường.

Biến chứng mạch máu lớn chiếm tới 80% các nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Biến chứng mạch máu lớn bao gồm: bệnh động mạch vành tim, tai biến mạch não, bệnh mạch máu ngoại vi.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi > 45.
  • Yếu tố gen
  • Tăng huyết áp
  • Có rối loạn chuyển hóa lipid
  • Kiểm soát đường huyết kém, nồng độ HbA1c cao.
  • Tiền sử gia đình có bệnh tim mạch sớm (nam < 55 tuổi, nữ <60 tuổi).
  • Hút thuốc lá, nghiện bia, rượu.
  • Béo phì.
  • Microalbumin niệu dương tính.

Bệnh mạch vành

Tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường có thể gặp ở người trẻ tuổi và có thể có những biểu hiện lâm sàng không điển hình. Tổn thương xơ vữa động mạch vành trong đái tháo đường thường có tính chất lan tỏa, ở nhiều vị trí và nhiều nhánh động mạch. Xơ vữa động mạch vành dẫn đến bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim thường có tiên lượng xấu.

  • Triệu chứng:
    • Cơn đau thắt ngực: đau thắt ngực mờ nhạt, không điển hình, gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng, thậm chí nhồi máu cơ tim cấp không có đau ngực.
    • Nhồi máu cơ tim: có khi phát hiện tình cờ trước dấu hiệu nhồi máu cũ trên điện tâm đồ, có khi là cơn đau thắt ngực dữ dội điển hình. Đôi khi chính nhờ dấu hiệu nhồi máu cơ tim mà bệnh đái tháo đường mới được phát hiện.
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim

  • Chẩn đoán: dựa vào các triệu chứng lâm sàng hoặc kết quả điện tâm đồ, chụp mạch vành xác định vị trí tổn thương của bệnh.
  • Điều trị: Không có điều trị đặc hiệu nào cho bệnh mạch vành trong đái tháo đường. Các phương pháp điều trị như: chụp động mạch vành, phẫu thuật tạo hình mạch máu bằng sóng, phẫu thuật tái tạo tuần hoàn là những phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao và phải có sự quyết định của các chuyên gia tim mạch.
  • Biện pháp dự phòng:
    • Kiểm soát đường huyết chặt chẽ.
    • Điều trị có hệ thống các rối loạn chuyển hóa lipid
    • Ngưng hút thuốc lá
    • Kiểm soát đường máu trong và sau nhồi máu cơ tim: làm tăng khả năng cứu sống người bệnh. Mức đường máu > 5.6 mmol/l (110mg/dl) làm tăng nguy cơ tử vong và suy tim ở người bệnh nhồi máu cơ tim.

Bệnh mạch máu não:

Đái tháo đường làm gia tăng tỉ lệ mắc, tử vong, thường để lại di chứng nặng nề đối với các trường hợp bị tai biến mạch não. Nhồi máu não, đặc biệt là nhồi máu ổ khuyết gặp nhiều hơn so với xuất huyết não.

  • Triệu chứng:
    • Liệt nửa người, liệt mặt, nói khó, nuốt khó, thất ngôn, rối loạn cảm giác nửa người, rối loạn thị giác, mất thăng bằng, ….
    • Rối loạn ý thức
    • Đau đầu, buồn nôn gặp trong chảy máu dưới nhện
  • Chẩn đoán: Siêu âm Doppler là phương phương pháp tốt nhất không xâm lấn để phát hiện tổn thương động mạch vùng cổ. Ngoài ra có thể chụp CT Scanner sọ não để chẩn đoán xác định.
  • Điều trị: sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ điều trị.

Bệnh mạch máu ngoại vi:

Bệnh xảy ra khi các mạch máu ở chân bị hẹp, tắc bởi các mảng xơ vữa khiến dòng máu tới chân và bàn chân bị giảm đi (bệnh lý bàn chân). Bệnh lý bàn chân đái tháo đường ngày càng được nhiều người quan tâm do tính phổ biến của bệnh. Một tổn thương rất nhỏ ở bàn chân cũng có thể gây loét và cắt cụt chi. Nguy cơ cắt cụt chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 15 – 46 lần so với người không bị đái tháo đường.

  • Triệu chứng:
    • Đau cách hồi, đau khi đi bộ
    • Đau chân ở tư thế nằm, tăng lên về đêm.
    • Chân lạnh, tím đỏ ở phần dưới, ở ngón chân.
    • Cảm giác tê bị kim châm
    • Teo các cơ liên đốt.
    • Vết loét, hoại tử, có thể kèm nhiễm trùng dẫn đến cắt cụt.
    • Tiến triển tới hoại tử có tiên lượng xấu.
Chân lạnh, tím đỏ ở phần dưới, ở ngón chân.
Chân lạnh, tím đỏ ở phần dưới, ở ngón chân.

  • Chẩn đoán qua thăm khám: tình trạng da, màu sắc, nhiệt độ da, tình trạng mạch của động mạch, tình trạng các cơ cẳng chân và bàn chân; qua siêu âm Doppler kết hợp với đo huyết áp ; đo phân áp O2 qua da ở tiếp điểm có triệu chứng hoại thư hay ở vị trí dự kiến phẫu thuật; chụp động mạch cảnh.
  • Điều trị:
    • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
    • Sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ.
    • Luyện tập phục hồi chức năng.
    • Hạn chế thuốc lá và giảm cân.
    • Kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, tình trạng rối loạn lipid máu
  • Phòng bệnh: Kiểm tra định kỳ sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra định lượng microalbumin thường xuyên. Thực hiện khám tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+