Biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường
Biến chứng mạch máu nhỏ bao gồm các biến chứng mắt, thận, thần kinh. Những biến chứng này có liên quan tới tình trạng đường máu tăng cao và có thể ngăn ngừa khi đường máu được kiểm soát chặt chẽ.
Biến chứng mắt: Bệnh võng mạc mắt:
- Bệnh võng mạc mắt: là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường. Đa số người bệnh có biến chứng võng mạc không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi tổn thương tiến triển nặng. Phát hiện sớm bằng cách theo dõi thường xuyên và điều trị kịp thời sẽ giúp phòng ngừa và trì hoãn sự tiến triển của biến chứng này.
- Chẩn đoán: chủ yếu bằng phương pháp soi chụp đáy mắt.
- Bệnh võng mạc giai đoạn tiền tăng sinh: đặc trưng bởi các vi phình mạch, chấm xuất huyết, xuất tiết, phù gai thị.
- Bệnh võng mạc giai đoạn tăng sinh: đặc trưng bởi sự tăng sinh những tân mạch, tổ chức xơ lan vào hoàng điểm, xuất huyết dịch kính.
- Phòng bệnh:
- Kiểm soát huyết áp
- Không hút thuốc lá
- Sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc ở bệnh nhân Đái tháo đường chuẩn bị mang thai.
- Người bệnh cần được khám mắt ngay tại thời điểm chẩn đoán đối với đái tháo đường typ 2 và sau 3 – 5 năm đối với đái tháo đường typ 1 và được kiểm tra định kỳ hằng năm.
Biến chứng thần kinh:
- Biến chứng thần kinh là một dạng biến chứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau. Biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng thần kinh tự động là hai dạng thường gặp nhất. Khoảng 50% người bệnh đái tháo đường typ 2 có biến chứng này. Các dạng tổn thương khác như liệt dây thần kinh sọ, teo cơ ít gặp hơn.
- Chẩn đoán:
Biến chứng thần kinh tự động tim mạch:
- Triệu chứng lâm sàng: nhịp tim nhanh khi nghỉ>100 lần/ phút, nhồi máu cơ tim không triệu chứng, hạ huyết áp tư thế, rối loạn thân nhiệt.
- Phòng ngừa và điều trị: chủ yếu điều trị triệu chứng và kiểm soát đường máu. Tránh các yếu tố thuận lợi gây hạ huyết áp như: chế độ ăn ít muối, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Biến chứng thần kinh tự động tiêu hóa:
- Triệu chứng: Bệnh thần kinh ống tiêu hóa trên: nuốt nghẹn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, ợ chua, nóng hoặc đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn. Bệnh thần kinh ống tiêu hóa dưới: táo bón hoặc tiêu chảy.
- Điều trị: Nội soi dạ dày – thực quản để phát hiện bệnh. Kiểm soát tốt đường máu và điều trị triệu chứng bằng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Bệnh lý thần kinh tự động tiết niệu – sinh dục:
- Biến chứng bệnh thần kinh bàng quang như bàng quang giảm hoặc tăng hoạt động và bệnh thần kinh hệ sinh dục như: rối loạn cương dương, liệt dương đối với nam và rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, khô âm đạo, giảm cảm giác vùng bẹn, mất cảm giác kích thích tình dục đối với nữ.
- Điều trị: Kiểm soát tốt đường máu và điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh thần kinh vận mạch
- Tăng tiết mồ hôi: vùng mặt và thân, xảy ra lúc bắt đầu các bữa ăn, lúc tập thể dục hoặc vào ban đêm.
- Giảm tiết mồ hôi ở phần xa gốc chi dưới: da khô, ngứa, rụng long, bong vảy, dạn nứt, gia tăng chai chân và loạn dướng móng, tăng nguy cơ loét chân. Trường hợp nặng có thể gặp ở chi trên, phần dưới thân.
- Điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Hạ đường huyết không nhận biết:
- Đái tháo đường lâu năm dẫn đến rối loạn phóng thích Catecholamine và đôi khi cả Glucagon do mất kiểm soát thần kinh phế vị làm lu mờ dấu hiệu hạ đường huyết.
Biến chứng thần kinh ngoại vi:
- Triệu chứng:
- Cảm giác kiến bò, tê rần hay rát bỏng ở đầu ngón chân, ngón tay.
- Giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc da, cảm giác nhiệt.
- Mất cảm giác ngược lên ở chân, tay.
- Đau âm ỉ hoặc kịch phát, tăng cảm giác đau ở chân, tay và bụng nhiều về đêm.
- Điều trị: Kiểm soát tốt đường máu và điều trị triệu chứng bằng thuốc dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ.
Biến chứng thận do đái tháo đường:
Biến chứng thận do đái tháo đường chiếm gần 50% các trường hợp suy thận giai đoạn cuối, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với các bệnh nhân đái tháo đường.
Điều trị:
- Chế độ ăn giảm đạm: giảm lượng protein ăn vào từ 0.8 – 1.0 g/kg/ngày ở giai đoạn sớm của bệnh lý thận và <0.8 g/kg/ ngày ở giai đoạn muộn, có thể cải thiện chức năng thận.
- Kiểm soát huyết áp: mục tiêu huyết áp <140/80 mmHg
- Kiểm soát chặt Glucose máu HbA1c < 7%: làm giảm sự xuất hiện cũng như làm chậm tiến triển của đạm niệu ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Điều trị mỡ máu: các thuốc giảm mỡ máu được sử dụng với mục đích phòng các biến cố tim mạch.
Phòng bệnh: Kiểm tra định kỳ sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra định lượng microalbumin thường xuyên. Thực hiện khám tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|