Chỉnh nha là gì? Các phương pháp chỉnh nha an toàn và hiện đại
Bạn có thể tự ti trong giao tiếp với mọi người khi gặp phải các vấn đề về răng như: răng hô, răng khấp khểnh, răng móm…Hiện nay chỉnh nha sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này. Vậy chỉnh nha là gì? Có những phương pháp chỉnh nha nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Chỉnh nha là gì?
Chỉnh nha là một phương pháp điều trị nha khoa chuyên sâu, nắn chỉnh răng về lại đúng hướng, đúng vị trí. Từ đó giúp cải thiện khả năng ăn nhai, mang lại nụ cười thẩm mỹ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp, đồng thời ngăn ngừa các bệnh về răng miệng và một số bệnh toàn thân liên quan.
Hiện nay nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao nên chỉnh nha trở nên phổ biến hơn vì không giới hạn độ tuổi điều trị. Để đạt hiệu quả cao khi chỉnh nha, bạn cần có một hàm răng khỏe mạnh và sức khỏe ổn định.
Các trường hợp cần chỉnh nha
Các trường hợp cần can thiệp chỉnh nha phải kể đến như:
- Răng hô: là tình trạng hàm răng phía trên chìa ra quá mức so với răng hàm dưới gây ra cảm giác mũi gãy mất đi vẻ đẹp thẩm mỹ của khuôn mặt. Đây là tình trạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng, có xu hướng nặng dần theo thời gian. Vì thế cần được can thiệp chỉnh nha càng sớm càng tốt .
- Răng chen chúc, khấp khểnh: là tình trạng răng mọc không đều nhau, chìa ra, thụt vào hoặc mọc chồng lên nhau do xương hàm bị hẹp gây ra. Những vị trí răng mọc chen chúc thường dễ tích tụ mảng bám rất khó vệ sinh dẫn đến các vấn đề về răng miệng như viêm lợi, sâu răng .
- Khớp cắn hở: gặp phải khi hàm răng trên và hàm răng dưới ở trạng thái nghỉ nhưng vẫn có một khoảng hở, không thể chạm nhau. Trong trường hợp này sẽ gây khó khăn trong việc ăn uống hàng ngày, thức ăn không được nghiền nát, giảm cảm giác ngon miệng. Về lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh lý về tiêu hoá, dạ dày.
- Khớp cắn sâu: khi hai hầm ở trạng thái cắn chặt thì răng hàm trên sẽ bao trùm nhiều lên răng hàm dưới. Tình trạng này gây đau và tổn thương nướu do rìa răng hàm dưới va chạm vào bề mặt trong nướu của răng hàm trên.
- Răng thưa, hở kẽ: là tình trạng răng mọc cách xa nhau, không khít sát, tạo khoảng trống giữa các răng. Khi gặp phải trường hợp này răng rất dễ yếu lung lay, thức ăn dễ mắc vào các kẽ răng khiến khó vệ sinh.
- Răng móm, khớp cắn ngược: trong trường hợp này xương hàm dưới phát triển quá dài đưa ra trước quá mức so với xương hàm trên gây ra tình trạng mặt lưỡi cày. Điều này không những làm mất thẩm mỹ mà còn tác động tới hoạt động ăn nhai của hàm. Về lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ bị hỏng, rụng nhóm răng cửa hàm trên nếu không được hỗ trợ chỉnh nha.
- Khớp cắn sâu: đặc điểm của tình trạng này là răng hàm trên trùm quá nhiều lên răng hàm dưới khi hai hàm cắn lại với nhau. Khớp cắn sâu gây ra cử động hàm thiếu nhịp nhàng do tiếp xúc mặt nhai không chuẩn, có thể gây nhức nhối khớp thái dương hàm.
>>> Xem thêm: Viêm xương hàm là gì? Nguyên nhân, các triệu chứng, và cách điều trị
Khi nào nên chỉnh nha?
Độ tuổi đầu tiên thích hợp để chỉnh nha là khi trẻ từ 7 đến 9 tuổi. Trong giai đoạn này bác sĩ sẽ theo dõi hàm răng hỗn hợp (răng sữa và răng vĩnh viễn) với mục đích dự phòng, can thiệp, nắn chỉnh những sai lệch, đồng thời tạo khoảng xương hàm phù hợp cho các răng vĩnh viễn sắp mọc. Can thiệp chỉnh nha sớm ở tuổi này thường ít gây đau đớn và khó chịu.
Độ tuổi lý tưởng nhất để can thiệp chỉnh nha là khoảng 12 đến 16 tuổi. Ở độ tuổi này xương hàm đã phát triển vững chãi, răng trên hàm đã mọc đầy đủ rất phù hợp với việc chỉnh nha. Chỉnh nha ở trẻ em có thể không cần nhổ răng, ít gây đau đớn do xương còn mềm, răng dễ di chuyển hơn, không gây đau nhiều như niềng răng ở người lớn. Không những thế thời gian chỉnh nha ở trẻ em sẽ được rút ngắn và hiệu quả duy trì ổn định dài lâu hơn so với người lớn vì xương hàm ở trẻ em đang còn dễ tác động.
Tuy nhiên người lớn hoàn toàn có thể chỉnh nha khi đảm bảo điều kiện răng chắc khoẻ, sức khoẻ bình thường. Do răng và xương đã phát triển hoàn thiện nên khi chỉnh nha ở người lớn sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn. Cùng với đó thì thời gian, số lần phải tái khám tại trung tâm nha khoa sẽ nhiều hơn dẫn đến mất nhiều chi phí niềng răng hơn ở trẻ em. Chính vì thế bạn nên can thiệp chỉnh nha càng sớm càng tốt.
Đối với bệnh nhân cao tuổi mà vẫn muốn chỉnh nha thì cần có sự tham khám của bác sĩ có chuyên môn cao để đưa ra phác đồ điều trị chính xác và đảm bảo tiên lượng tốt.
Thời gian chỉnh nha ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào : độ tuổi, các bất thường của răng. Thông thường thời gian có thể dao động từ 6 tháng đến 3 năm. Trong một số trường hợp phức tạp, thời gian chỉnh nha có thể kéo dài hơn 3 năm. Trong thời gian đầu điều trị chỉnh nha, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên,trung bình 1 lần/tuần. Sau khi khí cụ được tháo bỏ, tình trạng răng đã ổn định thì chỉ cần tái khám duy trì từ 6 tháng đến 1 năm/lần.
>>> Nếu bạn đang bị đau xương hàm, vậy đừng bỏ qua bài viết: Đau xương hàm mặt – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Các phương pháp chỉnh nha phổ biến
Chỉnh nha tháo lắp
Chỉnh nha tháo lắp và phương pháp sử dụng loại hàm có thể lắp vào, tháo ra tuỳ ý. Hàm được chỉ định để điều chỉnh một nhóm răng hay một răng, có cấu tạo phù hợp với từng tình trạng sai lệch trên răng. Đối với phương pháp này bệnh nhân có thể chủ động mang hàm mỗi ngày, có thể đeo cả khi đi ngủ. Ưu điểm của hàm tháo lắp là thực hiện nhanh, chi phí thấp, thoải mái, tiện lợi, có thể tháo ra khi cần thiết. Tuy nhiên hiệu quả nắn chỉnh của hàm sẽ không cao nếu bệnh nhân không tự giác đeo hàm thường xuyên, dễ hư hỏng, dễ mất.
>>> Để điều trị tình trạng hàm lệch, xem ngay bài viết: Tìm hiểu về tình trạng lệch hàm và quy trình chỉnh hàm bị lệch an toàn
Chỉnh nha bằng hệ thống mắc cài (niềng răng)
Mắc cài titan
Mắc cài titan là loại mắc cài đầu tiên và phổ biến nhất trong các phương pháp chỉnh nha. Với phương pháp này nha sĩ sẽ sử dụng mắc cài làm bằng nguyên liệu titan để nắn chỉnh răng cho người bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí hợp lý, nhẹ nhưng vẫn đảm bảo độ bền của khung niềng, phù hợp đối với cả người bị dị ứng kim loại, không gây viêm nướu. Nhược điểm nhỏ của chỉnh nha bằng mắc cài titan là có tính thẩm mỹ thấp (mắc cài có màu lộ rõ trên răng ), gây ra cảm giác vướng víu, cộm, khó chịu.
>>> Viêm nướu, sưng nướu là một trong những biểu hiện của tình trạng gãy xương hàm, xem thêm qua bài viết: Tình trạng tiêu xương hàm? Các biện pháp phòng ngừa tiêu xương hàm
Mắc cài sứ
Loại mắc cài sử dụng trong phương pháp này được làm từ chất liệu sứ và một số vật liệu vô cơ có màu trong suốt hoặc cùng màu với răng. Phương pháp này có tính thẩm mỹ tương đối cao giúp người bệnh tự tin hơn khi sử dụng. Vật liệu nha khoa sử dụng công nghệ cao, lành tính nên độ bền cao và ít gây kích ứng, duy trì hiệu quả ổn định trong thời gian dài. Một lưu ý nhỏ cho người sử dụng mắc cài sứ là do làm từ chất liệu dễ vỡ nên cần hạn chế đồ ăn cứng, dính.
Mắc cài composite
Mắc cài được sử dụng được làm từ chất liệu composite, có màu trong suốt đảm bảo tối đa tính thẩm mỹ cho người dùng với mức chi phí hợp lý. Mắc cài composite có khả năng chịu lực tốt, khó có thể bung mắc cài, đặc biệt không gây kích ứng cho mọi đối tượng sử dụng.
Chỉnh nha bằng Invisalign
Chỉnh nha bằng Invisalign là phương pháp nắn chỉnh răng mang đến nhiều ưu điểm vượt trội cả hiệu quả điều chỉnh răng và tính thẩm mỹ cao. Phương pháp này thực hiện di chuyển răng trên cung hàm bằng khay trong suốt vô hình mà không cần sử dụng đến dây cung và mắc cài. Chính vì thế không ai biết bạn đang chỉnh răng, có thể tháo khay ra để ăn uống, vệ sinh răng miệng, tạo cảm giác thoải mái và không gây đau.
Trong kỹ thuật chỉnh nha bằng Invisalign các khay trong suốt được lắp toàn bộ vào cung răng với những điểm tạo lực để đưa răng đến vị trí mong muốn. Trung bình mỗi khay Invisalign mang lại hiệu quả di chuyển răng khoảng 0,25mm khi đeo trong 2 tuần. Thông thường để hoàn thành kế hoạch chỉnh nha người bệnh cần đeo khoảng 20 đến 40 khay Invisalign. Phương pháp này phù hợp với người trưởng thành, công việc bận rộn, phải giao tiếp nhiều.
>>> Đọc thêm: Bị gãy xương hàm mặt – Cách điều trị gãy xương hàm
Những câu hỏi thường gặp về phẫu thuật chỉnh nha
Khi điều trị chỉnh nha cần vệ sinh răng miệng như thế nào ?
Khi đang đeo các khí cụ chỉnh nha việc giữ vệ sinh răng miệng là vô cùng quan trọng vì các mảng thức ăn rất dễ bám vào các khoảng trống nhỏ ở mắc cài hay dây cung. Nếu không vệ sinh tốt sẽ gây ra sâu răng và các bệnh về nướu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn làm gián đoạn quá trình chỉnh nha. Vì vậy sau mỗi bữa ăn cần vệ sinh răng miệng bằng kem đánh răng có hoạt chất fluor và bàn chải lông mịn, dùng bàn chải kẽ và chỉ nha khoa, nước súc miệng để loại bỏ các mảng bám còn sót lại. Ngoài ra bạn cần đến gặp nha sĩ để lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần giúp cho lợi và răng chắc khỏe.
Cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống khi thực hiện chỉnh nha?
Khi thực hiện chỉnh nha cần lưu ý một số vấn đề khi ăn uống để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả niềng răng như :
- Khi mới niềng răng có thể gặp phải tình trạng cộm, đau nhức. Giai đoạn này bạn nên ăn đồ ăn mềm như cơm, cháo, súp, nước ép, sinh tố …
- Nên cắt thức ăn thành miếng nhỏ để dễ nhai, nuốt và không tạo nhiều áp lực lên răng.
- Tránh các loại đồ ăn quá cứng như sườn, chân gà vì có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình chỉnh nha .
- Hạn chế các đồ ăn có tính chất dính như kẹo dẻo, kẹo dừa… vì chúng có thể dính vào răng hay mắc cài, gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng.
- Hạn chế các đồ ăn, đồ uống nhiều đường, nhiều tinh bột vì có thể gây ra sâu răng và phát triển các bệnh về lợi.
Có cần nhổ răng khi chỉnh nha không và nhổ những răng nào?
Tùy theo tình trạng bất thường của răng (răng hô, răng móm, răng chen chúc, khớp cắn sâu, khớp cắn ngược…), mức độ nặng nhẹ và phương pháp chỉnh nha, các nha sĩ sẽ quyết định việc có nhổ răng không và nhổ những răng nào nếu cần. Trong trường hợp bắt buộc phải nhổ răng thì nha sĩ sẽ cân nhắc nhổ răng nào để tối ưu nhất : ưu tiên nhổ những răng ít ảnh hưởng đến sức nhai và thẩm mỹ, những răng có bệnh lý nha khoa, răng khôn. Niềng răng Invisalign thông thường sẽ ít phải nhổ răng hơn so với niềng răng mắc cài.
Trên đây là một số thông tin, kiến thức về chỉnh nha và các phương pháp chỉnh nha an toàn, hiện đại. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về các phương pháp chỉnh nha, có những cân nhắc chỉnh nha cho bản thân để có một nụ cười toả sáng, tự tin hơn.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/