Đái tháo đường trong giai đoạn thai kỳ
Khoảng 2-8% số phụ nữ có thai bị giảm dung nạp glucose, thường xảy ra ở nửa thời gian sau của thai kỳ. Tần suất mắc bệnh phụ thuộc vào chủng tộc và tăng lên ở những người béo bụng hoặc người có tiền sử gia đinh bị đái tháo đường.
Trong ba tháng đầu của thai kỳ do tăng cung cấp glucose cho thai dẫn đến giảm mức glucose máu đói ở mẹ. Glucose máu thai phụ thường dao động trong khoảng 3,1 – 3,6 mmol/l. Bên cạnh đó sự giảm nồng độ hầu hết các acid amin và thúc đẩy tổng hợp xê tôn. Đến ba tháng giữa và ba tháng cuối có sự gia tăng kháng Insulin ở thai phụ do tăng các hormone gây kháng insulin làm cho mức insulin máu của người mẹ thường tăng gấp 2 -3 lần bình thường ở quý ba của thai kỳ, đến ba tháng cuối thai kỳ, sự kháng insulin rõ rệt nên liều dung sẽ tăng lên
Phòng bệnh: Kiểm tra định kỳ sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra định lượng microalbumin thường xuyên. Thực hiện khám tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.
Định nghĩa:
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Định nghĩa này không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước hay là xảy ra đồng thời với quá trình mang thai.
Những đối tượng có nguy cơ cao trong đái tháo đường thai kỳ:
- BMI > 25
- Tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ ở lần có thai trước.
- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường
- Tiền sử đẻ con to 4000 gr
- Đa ối
- Cân nặng thai to hơn so với tuần tuổi của lần mang thai hiện tại.
- Có đường niệu
Đối với đối tượng này thì cần được chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết sớm hơn và lần khám sản khoa đầu tiên của thai kỳ.
Theo dõi đường máu và điều trị đái tháo đường thai kỳ
Theo dõi đường máu:
Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ theo dõi đường máu ít nhất bốn lần trong ngày vào các thời điểm: đói buổi sáng, đường máu sau bữa ăn một giờ hoặc hai giờ. Giảm số lần thử đường máu hai ngày/ tuần (4 lần/ngày) nếu sau 1 tuần theo dõi các giá trị glucose máu đạt mục tiêu. Đối với bệnh nhân có chỉ định dung insulin thì theo dõi đường máu 6 lần/ngày, hằng ngày vào trước các mũi tiêm, sau ăn một giờ hoặc hai giờ.
Các phương pháp điều trị:
- Chế độ tập luyện: tập luyện vừa phải có tác dụng làm giảm đường máu ở người mẹ. Đối với các phụ nữ có thai nếu không chống chỉ định về sản khoa hoặc nội khoa được khuyến cáo tập luyện ở mức vừa phải và được coi là một phần của chế độ điều trị. Chế độ luyện tập có thể áp dụng như: đi bộ vào thời gian một giờ sau mỗi bữa ăn chính từ 15 – 20 phút giúp kiểm soát nồng độ đường máu sau ăn. Bơi cũng là một bài tập tốt, có thể tham gia lớp tập thể dục với cường độ thấp, nếu thấy mệt mỏi thì cần ngừng tập và nghĩ ngơi. Trong quá trình luyện tập không để nhịp tim quá 140chu kỳ/phút và không để nhịp tim nhanh kéo dài 20 phút. Các hoạt động nên tránh trong thai kỳ như: quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ chạy bộ, lặn có bình khí nén.
- Chế độ ăn: cần được tư vấn về dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý, cung cấp đủ calo và các chất dinh dưỡng cho người mẹ cũng như phù hợp với mục tiêu kiểm soát đường máu:
- Đánh giá khẩu phần ăn hiện tại
- Cân bằng lượng calo để giữ cân nặng tối ưu:
- Lượng calo ăn vào 25 – 35 kcal/kg cân nặng lý tưởng.
- Tăng cân 0.45kg/ tháng đối với 3 tháng đầu, tăng 0.2 – 0.35 kg/tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tăng trung bình từ 10 -12.5kg trong cả quá trình mang thai.
- Lượng calo cần để nuôi thai trong một ngày tăng them tùy theo tuần tuổi của thai, ở thời điểm quý 1 khoảng 100kcal/ngay, từ quý 2 cần them 200 – 300kcal/ngày ( 1 cốc sữa)
- Phân chia lượng calo và carbohydrate thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ, bữa phụ buổi tối gồm carbonhydrate phức và có thịt. Tổng lượng calo phân chia: 20% cho bữa sang, 30% cho bữa trưa, 30% cho bữa tối và 20% cho các bữa phụ. Tránh dung các bữa ăn quá nhiều hoặc quá no.
- Thay đổi thức ăn để có lượng carbohydrate, protein và chất bột:
- Carbohydrate: 40 – 55% tổng lượng calo hoặc >=150g/ngày
- Protein: 20% tổng lượng calo hoặc >= 74g/ngày
- Chất bột: 25 – 40% tổng lượng calo
- Chú trọng chế độ ăn nhiều chất xơ, thức ăn có chứa carbohydrate phức.
- Bổ sung sắt, acid folic, calci (0.5mg/ng), các vitamin
- Phát hiện những bệnh nhân đặc biệt có đáp ứng đường máu với một số thức ăn nhất định.
- Một số loại thức ăn cần tránh và hạn chế như thức ăn chứa nhiều chất béo như chocolate, bánh kem, bánh gato, bánh trứng, chứa nhiều năng lượng gây tăng cân quá mức. Hạn chế thức ăn chứa chất béo bão hòa như mỡ động vật, bơ. Nên ăn dầu oliu, dầu lạc. Hạn chế đường, mía, mật ong, các loại mứt, hoa quả khô, các loại nước ngọt như coca cola, nước hoa quả, một số hoa quả ngọt (nhãn, vải, nho, chuối, xoài, mít)
- Điều trị bằng thuốc: theo hướng dẫn của Bác sĩ điều trị.
Các nguy cơ cho thai nhi:
- Các dị tật bẩm sinh: đa số các dị tật bẩm sinh là nghiêm trọng và có ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ hoặc đòi hỏi phải phẫu thuật lớn để sửa chữa. tỉ lệ có dị tật ở những đứa trẻ là con của các bà mẹ được kiểm soát đường máu kém là 6 -12 % so với 2% trong trường hợp ngược lại. Các dị tật hay gặp là vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy, các dị tật thần kinh khác, dị tật tim, dị tật thận, không có hậu môn
- Thai to (>4kg): nhiều thai nhi của các bà mẹ được kiểm soát đường máu kém có trọng lượng to (so với tuổi thai), do tích trữ nhiều mỡ, dài người và tăng các tỉ số bụng – đầu, hoặc ngực – đầu. Ngưỡng đường máu gây thai to, ở thời điểm sau ăn là trên 7,2mmol/l
- Đa ối: đa ối là tình trạng có quá nhiều nước ối (> 1000ml, thường là >3000ml), có thể gây khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ, và thường kết hợp với thai to.
- Thai chậm phát triển: thai của một số bà mẹ bị đái tháo đường có thể bị kém phát triển trong tử cung, liên quan đến sự kém tưới máu cho tử cung rau thai.
- Thai chết lưu: ngoài nguyên nhân do dị tật bẩm sinh, nguy cơ gia tăng khi kiểm soát đường máu kém. Một số trường hợp chế thai có liên quan đến sản giật hoặc tiền sản giật. Một yếu tố nguy cơ khác có thể là do sự kết hợp giữa tăng đường máu của thai nhi và tình trạng thiếu oxy (hypoxia) dẫn tới nhiễm toan và rối loạn chuyển hóa cơ tim. Kiểm soát tốt đường máu của người mẹ có khả năng làm giảm rất nhiều nguy cơ bị thai chết lưu.
Nguy cơ ở trẻ sơ sinh:
- Hội chứng suy hô hấp: con của những bệnh nhân không được kiểm soát đường máu tốt có nguy cơ cao bị hội chứng suy hô hấp cấp. Các nguyên nhân có thể là do bất thường về sản xuất chất surfactant ở phổi hoặc do những biến đổi của mô liên kết dẫn tới giảm độ đàn hồi của phổi.
- Hạ đường máu: trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường máu trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ và được định nghĩa là khi đường máu dưới 1.7 mmol/l bất kể là được sinh ở tuần thứ bao nhiêu. Về triệu chứng, thường là trẻ bị hôn mê hơn là kích thích, và hạ đường máu có thể có liên quan đến tăng nồng độ insulin máu ở đứa trẻ trong và sau đẻ.
- Một số rối loạn khác: ở những đứa trẻ của các bà mẹ bị đái tháo đường là hạ calci máu < 7 mg/dl (1.75 mmol/l), tăng bilirubin máu > 15 mg/dl, da hồng cầu (hematocrite > 70%) và ăn kém.
Theo dõi sau đẻ:
Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường sau đẻ và đái tháo đường ở phụ nữ có thai nên được:
- Khuyến khích cho con bú, duy trì cân nặng bình thường, nên đi khám ngay nếu thấy có triệu chứng của tăng đường máu như khát nước, đái nhiều.
- Tiến hành test dung nạp glucose với 75 g trong 2 giờ sau khi đẻ 6- 12 tuần.
Tham khảo thông tin tổng hợp từ: Trang cung cấp kiến thức chăm sóc mẹ và bé
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|