Đau bao tử: Nguyên nhân, triệu chứng, các biến chứng và cách điều trị
Đau bao tử (hay còn gọi là Đau dạ dày) là bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 45% dân số sinh sống ở các thành phố lớn mắc phải bệnh. Không những khiến người bệnh cảm thấy khó chịu mà chứng bao tử bị đau còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lủng dạ dày, ung thư dạ dày. Vì thế, hãy cùng tìm hiểu chi tiết thông tin của bệnh qua bài viết sau để phòng ngừa hiệu quả.
Đau dạ dày là bệnh gì?
Đau bao tử hay còn gọi là đau dạ dày là dấu hiệu cho thấy lớp niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương. Nguyên nhân là do axit dịch vị dạ dày (HCl) làm bỏng niêm mạc hay viêm nhiễm ở bên trong bao tử dẫn đến tình trạng viêm, loét dạ dày. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đau bao tử có thể chuyển biến thành bệnh nguy hiểm liên quan như viêm dạ dày, ung thư dạ dày,…gây nguy hiểm cho cơ thể người bệnh.
>>> Xem thêm về các bệnh thường gặp ở dạ dày phổ biến hiện nay và cách phòng ngừa
Nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày
Dưới đây là một số nguyên nhân làm bao tử bị đau:
Nhiễm khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter Pylori lây nhiễm qua đường ăn uống không vệ sinh, chúng ký sinh trong niêm mạc bao tử, tá tràng, khoang miệng và nước bọt của người mắc bệnh. Bao tử có tình trạng viêm loét là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn HP sinh sôi và tác động làm biến đổi cấu trúc tế bào, gây viêm niêm mạc, dẫn đến các căn bệnh liên quan đến bao tử, thậm chí là ung thư.
Loét dạ dày tá tràng
Sử dụng thuốc kháng viêm NSAID như ibuprofen, phenylbutazon, indomethacin, đặc biệt là aspirin đều có tác dụng giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin (vai trò bảo vệ niêm mạc), từ đó gây tình trạng bao tử bị đau.
Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày tá tràng
Đây là nguyên nhân xảy ra sau khi uống nhiều rượu bia, ăn đồ ăn cay nóng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid và Aspirin.
Căng thẳng kéo dài
Khi ở trong trạng thái căng thẳng, phản ứng “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy” trong hệ thống thần kinh trung ương sẽ được kích hoạt khiến máu huyết lưu thông ở bao tử không còn hoạt động tốt, làm tăng tiết cortisol kích thích tế bào viền tiết HCl kéo dài làm tổn thương bao tử. Khi máu lưu thông kém, sự co thắt ở dạ dày cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng sẽ co thắt mạnh hoặc yếu hơn làm rối loạn quá trình điều tiết dịch vị của bao tử.
Chứng khó tiêu chức năng
Đối với nguyên nhân này, người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát, buồn nôn, đầy hơi, ợ hơi và cảm thấy no sớm ngay đầu bữa ăn hoặc khó chịu ngay sau bữa ăn.
Chảy máu dạ dày
Gây đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phân đen.
Ung thư dạ dày
Khi xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đi ngoài phân đen, nôn ra máu… thì người bệnh đang ở giai đoạn bệnh nghiêm trọng nhất của đau dạ dày – ung thư dạ dày. Đây là cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng nghiêm trọng của đau dạ dày.
Tác dụng phụ của các loại thuốc giảm đau, kháng sinh
Người bệnh nên cẩn thận với các loại thuốc sau vì đây có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho dạ dày:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, các loại thuốc giảm đau Opioid mạnh như Oxycodone, Hydrocodone,..
- Thuốc kháng sinh
- Các thực phẩm chức năng bổ sung sắt
- Thuốc điều trị ung thư
Chế độ sinh hoạt không khoa học
Ăn uống không đúng giờ, ăn quá nhanh, ăn quá no, nhai không kỹ, ăn uống không vệ sinh, ăn nhiều đồ cay nóng, lạm dụng thuốc, rượu, bia, chất kích thích…
Dưới đây là một số điều dễ dẫn đến chứng đau bao tử:
- Ăn uống không đúng giờ, hay bỏ bữa hoặc ăn quá khuya
- Ăn quá nhanh, ăn quá no hoặc để bụng trong quá đói
- Nhai không kỹ
- Ăn uống không vệ sinh
- Ăn nhiều đồ cay nóng
- Vừa ăn vừa xem tivi, chơi game, học bài hay đọc sách
- Lạm dụng thuốc, rượu, bia, chất kích thích…
Nhóm nguyên nhân ít gặp
Đau bao tử còn có thể do bệnh Crohn, hội chứng Zollinger- Ellison…đây là nhóm nguyên nhân hiếm gặp ở người bệnh.
Các bệnh dễ gây nhầm lẫn với đau dạ dày
Do các triệu chứng của đau dạ dày rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sau:
- Viêm tụy cấp
- Bán tắc ruột
- Tắc ruột
- Sỏi mật
- U tụy
- U đường mật
- Ngộ độc thực phẩm
Nhận diện vị trí đau dạ dày
Theo BS. Mai Thị Diệu Trinh – Bác sĩ Khoa Tiêu hóa Phòng Khám Đa khoa Quốc tế Sài Gòn, các cơn đau dạ dày thường mang tính chu kỳ, đi kèm theo là cảm giác nóng rát, cồn cào, đau âm ỉ hoặc đau từng cơn dai dẳng đến liên tục. Dựa vào các tính chất đau đặc trưng, có thể nhận diện các vị trí đau như sau:
- Đau vùng thượng vị: Đây gần như là vị trí đau điển hình nhất và thường đi kèm với các dấu hiệu như nóng rát, đau âm ỉ, căng tức rất khó chịu-cơn đau thường lan sang ngực và phía sau lưng
>>> Đau vùng thượng vị cũng là một dấu hiệu của viêm dạ dày mà bạn không nên xem thường
- Đau phía trên bên trái: Ở vùng hạ sườn trái cũng có một phần của bao tử, vì vậy khi có bất kỳ tổn thương gì, cơn đau dạ dày cũng sẽ do đó mà xuất hiện. Các cơn đau sẽ lan theo dây thần kinh dẫn tới có cảm giác đau ở phía trên bên trái hay vùng hạ sườn trái. Ngoài bao tử, vùng phía trên bên trái còn là vị trí của mật, tụy… Do vậy, ngoài vị trí cơn đau cần theo dõi thêm về thời gian đau, hướng lan của cơn đau, sự ảnh hưởng của bữa ăn đến cơn đau… để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Đau vùng giữa bụng: Các cơn đau bụng âm ỉ có tính chu kỳ, tăng lên hoặc giảm đi sau bữa ăn có thể là dấu hiệu sớm tình trạng bao tử bị đau. Ví dụ loét hành tá tràng sẽ xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng giữa, còn càng tăng vào lúc đói khi ăn vào sẽ hết đau. Tuy nhiên, nếu bạn bị loét dạ dày thì triệu chứng sẽ trái ngược, thay vì đau sau bữa ăn, bạn sẽ đau trong lúc ăn.
Triệu chứng khi bị đau dạ dày thường gặp
Dưới đây là một số triệu chứng đau bao tử khác như:
- Dấu hiệu đầu tiên của đau bao tử là xuất hiện các cơn đau bụng âm ỉ có thể sau khi ăn hay 1-2 tiếng sau khi ăn (sau cơn đói) do bao tử phải co bóp nghiền trộn thức ăn, khi đó thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các vùng tổn thương, có nhiều trường hợp bị đau vào ban đêm.
- Các cơn đau thường dễ rơi vào thời điểm giao mùa – thời điểm sức đề kháng của cơ thể bị giảm. Đây cũng là thời điểm các vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh nhất đặc biệt là vi khuẩn HP.
- Khi bệnh đau bao tử trở nên nghiêm trọng, các cơn đau bụng sẽ xuất hiện đột ngột (đau bụng bất thường) hoặc lặp đi lặp lại hàng tuần.
- Chướng bụng kèm theo buồn nôn, nôn
- Ợ chua liên tục và trào ngược axit
- Ợ hơi
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân
- Khó ăn, khó nuốt, trào ngược thực quản, nóng cổ, ngực và rát họng
- Nôn, đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
Một số lưu ý khác:
- Hơn 10 – 20% bệnh nhân đau bao tử không có dấu hiệu đau thượng vị, nên rất khó để nhận biết tình trạng đau bao tử ở giai đoạn đầu. Thông thường thời gian đau ngắn hơn nhiều so với thời gian nghỉ đau nếu như thời gian nghỉ đau giảm tức là đã có biến chứng.
- Các triệu chứng ợ chua, ợ hơi dễ nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản, đau vùng thượng vị có thể là triệu chứng của loét dạ dày, viêm tụy, sỏi mật vì thế để xác định chính xác bản thân có bị đau bao tử hay không nên tìm đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.
>>> Trào ngược dạ dày có thể gây viêm họng, xem ngay bài viết viêm họng do trào ngược – Cách điều trị hiệu quả tại nhà
Mức độ nguy hiểm của đau dạ dày
Bệnh dạ dày bị đau được chia thành 2 dạng: cấp tính và mãn tính.
Các triệu chứng ở giai đoạn cấp tính thường khởi phát đột ngột nhưng có thể chữa khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, mức độ bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu không được điều trị kịp thời, cơn đau xuất hiện với tần suất thường xuyên và người bệnh phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong như:
- Hẹp môn vị: người bệnh đau nhiều khi nằm, nôn ra thức ăn cũ từ ngày hôm trước, dẫn đến cơ thể xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, tụt cân.
- Hẹp thực quản, viêm đường hô hấp…
- Xuất huyết bao tử
- Thủng bao tử
- Ung thư bao tử
Khi có những triệu chứng bất thường như đau vùng thượng vị dữ dội, buồn nôn, nôn liên tục kéo dài quá 12 tiếng, đi ngoài ra máu, sụt cân đột ngột…người bệnh nên chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có phương án chữa trị kịp thời, hạn chế tối đa khả năng gặp biến chứng nguy hiểm.
>> Hẹp môn vị khiến thức ăn không thể tiêu hóa và đi xuống ruột, gây ứ đọng, làm tăng áp lực cho dạ dày. Từ đó dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày, xem ngay bài viết sau: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Cách chẩn đoán bệnh đau dạ dày
Để chẩn đoán đau dạ dày các bác sĩ chuyên môn sẽ thực hiện như sau:
- Đặt các câu hỏi liên quan đến vị trí, mức độ cơn đau, những thay đổi trong nước tiểu để nắm rõ tình hình hiện tại của người bệnh.
- Sau đó tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp trong đó có thể là nội soi thực quản dạ dày, siêu âm bụng, chụp X quang bụng, chụp CT, cộng hưởng từ,…
Cách điều trị đau dạ dày
Tùy thuộc vào từng nhóm nguyên nhân đau bao tử mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị đặc hiệu khác nhau:
Đối với nguyên nhân loét bao tử
Người bệnh được điều trị bằng các nhóm thuốc như:
- Ức chế bơm proton H+/K+-ATPase (PPI): tác dụng nhanh, ít tác dụng phụ (quan trọng nhất) ví dụ như: Lanzoprazole, Omeprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole…,
- Nhóm kháng thụ thể H2: Cimetidin, Ranitidine, Nizatidine, Famotidine…, nhóm chống acide chlorhydrique: muối của Aluminium (Phosphate, Trisilicate, Hydroxyde)…
- Ngoài ra còn có thuốc ức chế thụ thể M3 (ít dùng trên lâm sàng).
Đối với nguyên nhân có vi khuẩn H.Pylori
Cần dùng phác đồ điều trị H.Pylori bao gồm:
- Phối hợp kháng sinh để chống kháng thuốc của H.Pylori, Bismuth
- Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) để kháng sinh phát huy được hiệu quả diệt H.pylori cao hơn.
Tuy nhiên, dùng thuốc phải đủ liều lượng, đủ thời gian 14 ngày. Với phác đồ 3 thuốc (phối hợp 2 kháng sinh + PPI) hoặc phác đồ 4 thuốc (phối hợp 2 kháng sinh + PPI + Bismuth) ở bệnh nhân tái nhiễm vi khuẩn H.pylori thường có tỉ lệ kháng thuốc khá cao, do đó việc dùng phác đồ nào cần có sự chỉ định từ bác sĩ thì mới được sử dụng.
Điều trị đau dạ dày ngay tại nhà
- Uống đủ nước để đảm bảo quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng được diễn ra hiệu quả.
- Chia bữa ăn ra thành nhiều bữa nhỏ, khi ăn nhai chậm rãi để giảm áp lực tiêu hóa cho dạ dày.
- Tập thể dục hằng ngày để giảm căng thẳng, áp lực đồng thời nâng cao sức đề kháng cho sức khỏe.
- Tuyệt đối tránh xa các loại đồ ăn dầu mỡ, đồ cay nóng, thực phẩm béo, axit,… khiến tình trạng nặng thêm.
- Tránh nằm nhiều sau khi ăn để dễ khiến cơn đau chuyển biến nặng hơn, thậm chí xuất hiện tình trạng ợ chua khó chịu.
- Uống trà gừng giảm cơn đau viêm dạ dày do khó tiêu.
- Uống nước chanh pha baking soda làm giảm độ acid trong dạ dày và dạ dày, giúp ổn định giúp quá trình tiêu hóa.
- Không hút thuốc và uống rượu bia.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau bao tử trở nên nghiêm trọng các phương pháp trên hoàn toàn không mang lại hiệu quả, cách tốt nhất là người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên môn để chẩn đoán và điều trị hạn chế các biến chứng nguy hiểm về sau.
Giải pháp phòng ngừa đau dạ dày
Ngày nay, việc dùng thuốc để điều trị bao tử bị đau đã có những tiến bộ vượt trội. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau một thời gian ngắn vẫn rất cao. Điều này khiến người ta chú trọng hơn vào các yếu tố nguy cơ. Vì vậy, để phòng ngừa tối đa bệnh tái phát, cần lưu ý những “quy tắc vàng” sau:
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Tránh sử dụng thực phẩm cay, chua
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê
- Hạn chế nằm ngay sau khi ăn và hoạt động mạnh
- Tạo thói quen sinh hoạt điều độ, tránh làm việc quá sức dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi
- Nên ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, đảm bảo mỗi giấc ngủ kéo dài từ 7-8 tiếng
- Nên dùng riêng các đồ dùng ăn uống và nên rửa sạch kèm sát trùng bằng nước đun sôi với người có nhiễm vi khuẩn HP
- Hạn chế ăn đêm để bao tử được nghỉ ngơi
- Không tự ý mua các loại thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau và kháng viêm Nonsteroid khi chưa có chỉ định của bác sĩ
- Sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
Một số thắc mắc thường gặp về đau dạ dày
Nên làm gì khi các cơn đau bao tử xuất hiện?
Khi cơn đau bao tử xuất hiện bạn nên nằm yên để nghỉ ngơi, ngừng ngay mọi hoạt động đang làm. Nếu đang đau khi đói thì không nên ăn uống gì lúc đó hãy để bao tử có thời gian nghỉ ngơi. Có thể áp dụng các mẹo giảm đau như uống nước gừng ấm, nhai cam thảo, chườm ấm bụng,…Đối với các cơn đau kéo dài thì nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám kịp thời.
Những thói quen ăn uống xấu nào là nguyên nhân gây đau bao tử?
Những người có thói quen xấu sau đây dễ mắc phải các bệnh về bao tử: Ăn uống không điều độ, ăn quá khuya hoặc ăn không đủ bữa, ăn đồ ăn chua, cay nóng, chiên rán thường xuyên, sử dụng thực phẩm kém vệ sinh, không đảm bảo chất lượng, thực phẩm ôi thiu, hư hỏng hoặc dùng các chất kích thích như là thuốc lá, rượu bia….
Dùng những loại thuốc nào có thể gây đau bao tử?
Sử dụng các thuốc kháng sinh liều cao và thuốc kháng viêm không steroid có những tác dụng phụ không mong muốn như: viêm loét bao tử, xuất huyết bao tử….do thuốc sử dụng qua đường uống nhưng kém hòa tan trong môi trường acid của dạ dày. Các hoạt chất sẽ tích tụ trong dạ dày, gây ức chế lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến acid dạ dày ăn mòn và gây tổn thương lớp niêm mạc, từ đó gây ra những cơn đau dạ dày.
Người có nhóm máu nào dễ bị đau dạ dày?
Nhóm máu O do kháng nguyên Lewis b (là kháng nguyên quyết định nhóm máu O) có ái tính đặc biệt với vi khuẩn HP vì thế dễ bị nhiễm HP – Một trong những nguyên nhân dẫn đến đau bao tử.
Tất cả những thông tin về đau bao tử đã được chia sẻ ở bài viết trên. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, vì vậy hãy kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân tại các cơ sở uy tín, có kinh nghiệm như là Hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn. Mọi thông tin chi tiết về bệnh viện vui lòng xem tại đây.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/