Tổng hợp 11 triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em ba mẹ nên lưu ý
Bệnh viêm tai giữa là bệnh lý có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Điều đáng nói là nếu tai giữa bị viêm mà không phát hiện và chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng rất nguy hiểm không chỉ ở tai, mà nguy hiểm hơn là biến chứng đối với não. Đặc biệt căn bệnh này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, chúng ta nên chú ý hơn về dấu hiệu viêm tai giữa tại bài viết sau để có phương pháp điều trị sớm bệnh lý này.
Viêm tai giữa là bệnh gì?
Viêm tai giữa là bệnh nhiễm trùng ở niêm mạc tai giữa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở trẻ em. Nhiễm trùng lúc đầu chỉ giới hạn ở niêm mạc của hòm tai, sau đó lan rộng ra hệ thống thông bào của xương thái dương và các thành xương của hòm nhĩ. Viêm tai giữa thường có 2 dạng: viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính. Thông thường nếu cách trị viêm tai giữa không triệt để dễ dẫn tới viêm mạn tính và biến chứng sang các cơ quan khác.

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Nguyên nhân viêm tai giữa thường gặp nhất là do nhiễm các tác nhân như phế cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, khuẩn gram âm như H. influenzae, Moraxella catarrhalis, các loại virus như RSV, virus gây cảm lạnh thông thường làm tổn thương các tế bào biểu mô đường hô hấp trên. Các virus, vi khuẩn này có thể trực tiếp gây ra viêm tai giữa hoặc gây viêm nhiễm vùng hầu họng, amidan, VA… sau đó lây lan đến vùng tai giữa.

Bên cạnh nguyên nhân nêu ở trên, viêm tai giữa thường gặp ở trẻ còn do cấu trúc của vòi nhĩ thường ngắn và hẹp, nằm hơi ngang hơn so với tai người lớn. Vòi nhĩ là bộ phận nối liền tai giữa với vòm họng, có tác dụng đưa dịch tiết từ hòm nhĩ về họng. Do vậy nếu vòi nhĩ bị tắc, dịch tiết này sẽ bị lưu lại ở tai giữa gây nên các biểu hiện của viêm tai giữa.
Dấu hiệu viêm tai giữa bạn nên chú ý
Đối với trẻ em
Ở trẻ em, khi bị viêm tai giữa thường có các triệu chứng:
- Sốt cao, thường dao động ở 39-40 độ.
- Quấy khóc, bỏ bú
- Ăn uống kém, nôn, thậm chí co giật.
- Với những trẻ lớn, trẻ có thể kêu đau tai, ù ai, có thể kèm theo chảy mủ tai.
- Ở trẻ nhỏ hơn khi chưa biết nói, thường sẽ lấy tay dụi vào tai hoặc hay lắc đầu.
- Đi ngoài phân lỏng hoặc tiêu chảy, xuất hiện cùng với triệu chứng sốt.
- Khi nằm, trẻ thường cảm thấy bứt rứt khó chịu, ngủ không sâu giấc.
- Nội soi tai thấy màng nhĩ đỏ, phồng, mủ trong ống tai, mất tam giác sáng.
- Khả năng nghe bị kém đi
- Khi đi dễ ngã do mất thăng bằng.
- Không cho ba mẹ đụng vào tai của mình do bị đau.

Các triệu chứng viêm tai giữa trẻ em rất dễ nhận biết khi cha mẹ quan sát trẻ. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và tiến hành điều trị sớm. Viêm tai giữa tiến triển rất nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
>>> Tìm hiểu thêm về bệnh viêm tai giữa trẻ em qua tài liệu sau:
Nguồn: Otitis Media in Children: Review Article – Open Journal of Pediatrics, 2014, 4, 47-53
Đối với người lớn
Dấu hiệu viêm tai giữa ở người lớn dễ nhận biết nhất là đau tai. Có trường hợp đau lan lên đầu khiến tai tê bì, cảm giác nhói hoặc giật giật tai, sờ vào tai thấy nóng và hơi sưng viêm. Bên cạnh đó, có thể cảm thấy ù tai, giảm khả năng nghe, có cảm giác nặng tai và ọc ọc trong tai.
Đối với các trường hợp viêm tai giữa mạn tính, thường xuất hiện dịch mủ màu vàng từ tai chảy ra ngoài, có thể có hoặc không kèm theo mùi hôi. Khi thay đổi thời tiết, giao mùa hiện tượng này gặp thường xuyên hơn.

Cách điều trị viêm tai giữa
Khi nhận thấy có các dấu hiệu viêm tai giữa, bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Khi ở giai đoạn sớm, việc điều trị sẽ cho hiệu quả cao và ít biến chứng.
Điều trị bằng thuốc
Khi phát hiện viêm tai giữa, điều trị nội khoa bằng thuốc là rất cần thiết. Các thuốc sử dụng toàn thân bao gồm kháng sinh, kháng viêm, giảm phù nề, giảm đau hạ sốt. Thời gian dùng thuốc dao động 7-14 ngày hoặc kéo dài hơn tuỳ tình trạng bệnh. Tại chỗ viêm cần hút sạch mũi, rửa mũi, rửa tại và nhỏ thuốc để tránh bít tắc ống tai.
Lưu ý không tự ý sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Thay vào đó, bạn cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, kê đơn thuốc phù hợp với nguyên nhân gây viêm tai giữa.

Điều trị theo chuyên khoa
Tùy theo mức độ viêm tai giữa, bác sĩ sẽ cân nhắc để trẻ nhập viện điều trị.
Đối với trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách vệ sinh tai hàng ngày và nhỏ thuốc nhỏ tai đúng liều lượng.
Điều trị theo chuyên khoa là cách làm giảm nhanh chóng các dấu hiệu của viêm tai giữa ở những trường hợp viêm tai giữa có chỉ định chích rạch màng nhĩ – ống thông khí (viêm tai giữa cấp tái diễn: trên 3 đợt viêm tai giữa cấp trong 6 tháng hoặc trên 4 đợt viêm tai giữa cấp trong 12 tháng hoặc thính lực giảm trên 20 dB) – mổ khoét xương chủm.

Một số lưu ý khi điều trị viêm tai giữa cho trẻ em
Trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm tai giữa, do đó cần lưu ý một số điểm sau đây khi điều trị bệnh viêm tai giữa cho trẻ:
Không tự ý sử dụng thuốc. Trẻ em là đối tượng rất đặc biệt nên khi sử dụng bất kể thuốc gì đều cần có sự tư vấn của người có chuyên môn. Khi sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh không đúng phổ kháng khuẩn sẽ kéo dài thời gian hồi phục của tai giữa, gây ra các biến chứng viêm tai giữa như thủng màng nhĩ, áp xe, viêm màng não, liệt dây VII ngoại biên.

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm tai giữa hiệu quả cho trẻ em
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, bạn có thể tham khảo các phương pháp sau đây:
- Vệ sinh tai đúng cách cho trẻ. Không sử dụng những dụng cụ quá cứng hoặc sắc để lấy ráy tai làm tổn thương niêm mạc trong tai hoặc tổn thương màng nhĩ. Ở trẻ em lớp niêm mạc này rất mỏng và dễ tổn thương. Thủng màng nhĩ cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm tai giữa.
- Vệ sinh tay chân cho trẻ, hạn chế nhiễm khuẩn vùng mũi họng. Với trẻ nhỏ, cần định kỳ vệ sinh đồ chơi vì trẻ nhỏ thường có thói quen cho bất cứ đồ gì trên tay vào miệng.
- Đưa trẻ đi tiêm phòng vacxin đầy đủ, đúng độ tuổi.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì đến khi trẻ đủ 2 tuổi. Sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể tự nhiên giúp trẻ tăng cường đề kháng.
- Cho trẻ bú bình đúng tư thế, hạn chế sặc sữa.
- Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm vùng mũi họng, hạn chế lây nhiễm sang tai giữa.

Viêm tai giữa để lại những biến chứng gì?
Viêm tai giữa là bệnh nhiễm trùng khá đơn giản, không để lại biến chứng nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt. Bệnh viêm tai giữa điều trị không tốt để tái đi tái lại nhiều lần, sẽ chuyển sang mạn tính và để lại nhiều biến chứng phức tạp như:
- Thủng nhĩ.
- Xơ nhĩ, xơ dính, xẹp lõm.
- Biến chứng thần kinh: Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
- Biến chứng nội sọ: Áp xe, viêm màng não.
- Suy giảm thính lực. Ở trẻ em, giảm thính lực có thể dẫn tới việc chậm phát triển ngôn ngữ và một số kỹ năng do khả năng nghe kém.
Các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não, mủ dưới màng cứng, áp xe ngoài màng cứng, huyết khối xoang bên, não úng thủy rất hiếm xảy ra. Ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh, các biến chứng nội sọ vẫn chậm cải thiện, đặc biệt ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

>>> Tìm hiểu thêm về bệnh viêm tai giữa cấp trẻ em qua video của BS. Đỗ Nhật Kỳ:
Một số thắc mắc về dấu hiệu viêm tai giữa
Tại sao bị viêm tai giữa?
Ngoài những nguyên nhân đã nêu ở trên, nếu bạn để nước vào tai thường xuyên cũng gây ra viêm tai giữa. Bên cạnh đó, người có tật hở hàm ếch cũng khả năng bị viêm tai giữa nhiều hơn.
Dấu hiệu nguy hiểm của viêm tai giữa?
Khi mắc bệnh viêm tai giữa, các dấu hiệu sau đây cảnh báo nguy hiểm cần phải đi khám ngay:
- Dịch chảy từ tai có màu vàng, mùi hôi thối, thời gian chảy dịch kéo dài trên 3 tháng.
- Khả năng nghe giảm sút, trẻ nhỏ khi gọi chậm quay đầu về phía có âm thanh, trẻ ở giai đoạn tập đi và tập nói chậm phát triển ngôn ngữ.
- Chóng mặt thường xuyên, ù tai, đau tai.
Bệnh viêm tai giữa có mấy loại?
Bệnh viêm tai giữa chia làm 2 loại: Viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa cấp tính: Thường kéo dài trong vòng 3 tuần ở tai giữa, là viêm nhiễm thường gặp nhất chỉ sau bệnh viêm đường hô hấp. Viêm cấp tính thường khởi phát và biểu hiện rầm rộ với các dấu hiệu rất đặc trưng, dễ nhận biết.
Viêm tai giữa mạn tính: Là tiến trình viêm nhiễm không hồi phục của tai giữa và xương chũm, kéo dài trên 3 tháng. Viêm tai giữa mạn tính biểu hiện âm thầm hơn nhưng lại khó điều trị và để lại nhiều biến chứng phức tạp hơn.
Nếu bạn hay bị đau tai hoặc đau tai kéo dài, có thể đó là dấu hiệu viêm tai giữa. Viêm tai giữa sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, đặc biệt là trẻ em. Nếu phát hiện các triệu chứng này sớm, phụ huynh nên đưa con em đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất sẽ tránh được các biến chứng như nhiễm trùng các bộ phận khác của đầu, mất thính lực, ảnh hưởng đến vấn đề ngôn ngữ, lời nói.
Hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn nếu bạn đang gặp vấn đề về bệnh và cần được tư vấn nhé!
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/