Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ

Thời gian gần đây, Khoa Mắt _ Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn đã và đang tư vấn, điều trị cho rất nhiều trường hợp đau mắt đỏ. Nhận thấy Đau mắt đỏ đã trở thành dịch trong toàn thành phố, chúng tôi xin đưa ra một vài thông tin cơ bản để giúp mọi người có thêm kiến thức trong việc chăm sóc, phòng ngừa căn bệnh này cho bản thân cũng như gia đình, đặc biệt là các em nhỏ đang trong độ tuổi đi học.

Thế nào là Đau mắt đỏ?

Viêm kết mạc là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng, dị ứng, hóa chất ….

Đau mắt đỏ là từ ngữ thường dùng cho trường hợp Viêm kết mạc nguyên nhân do virus, bệnh rất dễ lây lan và phát triển thành dịch ở vùng mật độ dân cư đông đúc, vệ sinh kém như thành thị, nước đang phát triển…và thường có thể tự khỏi trong khoảng một hoặc hai tuần.

Đau mắt đỏ

Nguyên nhân và biểu hiện của Đau mắt đỏ:

  • Nguyên nhân chính là do virus (thường là Adeno virus).
  • Bệnh có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt, mắt đỏ, chói, đau nhức, chảy nước mắt, ngứa, cộm xốn, ghèn (dịch tiết) thường trong và dính hoặc ghèn vàng, xanh khi kèm thêm tình trạng nhiễm khuẩn. Hoặc các biểu hiện toàn thân của một tình trạng nhiễm siêu vi như: sốt, đau họng, nổi hạch cổ, dưới hàm, sau tai…
  • Bệnh gây kích thích mắt nhiều nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực.Tuy nhiên cũng có trường hợp nặng, không theo dõi điều trị sẽ dẫn đến mờ mắt hoặc mù do tổn thướng giác mạc.

Phương pháp điều trị:

  • Thuốc diệt virus gây bệnh hiện chưa có, các thuốc diệt virus khác không cần thiết.
  • Thuốc kháng sinh chỉ cần thiết khi có kèm thêm tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng dị ứng chỉ dùng để làm giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

Cách chăm sóc khi bị Đau mắt đỏ:

  • Khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu của bệnh: Mắt đỏ, nhìn chói, đau nhức, chảy nước mắt, ngứa, xốn, ghèn hoặc sốt, ho, đau họng, nổi hạch cổ, dưới hàm, sau tai…
  • Dùng thuốc theo toa với sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Rửa tay trước và sau khi nhỏ thuốc.
  • Không dụi mắt bằng tay.
  • Dùng khăn giấy lau mắt rồi bỏ và chỉ dùng cho từng mắt riêng lẽ.
  • Mang kính và khẩu trang khi đi đường, hạn chế tiếp xúc người lành, hạn chế đến những nơi trung tâm, đông người.

Khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu của bệnh

Cách phòng ngừa trong mùa dịch:

  • Phòng bệnh luôn là vấn đề được quan tâm nhất trong các mùa dịch.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt…
  • Nên mang kính và khẩu trang khi đi đường.
  • Thường xuyên rửa tay, mặt sạch sẽ nhiều lần trong ngày với xà phòng và nước ấm.
  • Hạn chế đến những nơi đông người như bệnh viện, siêu thị, các trung tâm giải trí.
  • Có thể nhỏ nước muối (NaCl 0,9%) để vệ sinh mắt nhiều lần trong ngày.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+