Nguyên nhân đau 1 bên họng là gì? Giải pháp điều trị tốt nhất
Hầu hết các bệnh viêm họng là do vi-rút hoặc vi khuẩn gây ra và có thể được kiểm soát tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một nguyên nhân bất thường có thể khiến bạn bị đau họng và cần được chăm sóc chuyên sâu hơn, đặc biệt là khi cơn đau họng xảy ra dai dẳng không dứt.
Bài viết này sẽ khám phá một số nguyên nhân bất thường gây đau họng – bao gồm các vấn đề có thể gây đau một bên họng hoặc một vùng cụ thể trong cổ họng của bạn và cách điều trị chúng.
Đau họng một bên là bệnh gì?
Đau một bên họng là tình trạng đau rát họng kèm theo ngứa, gây khó chịu và đau cô họng bên phải hoặc bên trái. Người bệnh có cảm giác đau hơn khi nuốt nước bọt hoặc khi nói chuyện.
Tình trạng này có thể là biểu hiện niêm mạc họng bị tổn thương hoặc cơ quan gần họng bị tổn thương gây ảnh hưởng đến một bên họng.
Đau một bên họng có thể là dấu hiệu niêm mạc họng bị tổn thương hoặc cơ quan gần họng bị tổn thương
Các triệu chứng đau 1 bên họng
Tùy vào các nguyên nhân gây đau một bên họng mà có thể kèm theo các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh có thể có những dấu hiệu như sau:
- Vùng họng bị đau và sưng đỏ, phần họng bị tổn thương có xu hướng đau hơn
- Rát 1 bên cổ họng.
- Khi nuốt có cảm giác vướng và khó chịu thậm chí gây đau đớn khiến người bệnh không muốn ăn uống.
- Có dấu hiệu kích thích đường hô hấp trên như là ho, thường là ho khan hoặc có đờm trắng, hắt hơi.
- Một số ít trường hợp có thể xuất hiện chảy nước mũi trong, nghẹt mũi hoặc có máu trong nước bọt,…

Những nguyên nhân bị viêm họng một bên
Viêm amidan
Amidan là khối mô bạch huyết tròn ở phía sau cổ họng, mỗi một bên cổ họng có một amidan, ngay sau lưỡi. Chức năng chính là ngăn chặn sự tấn công của virus và vi khuẩn đến cơ thể, ngoài ra amidan cũng tiết các kháng thể tự nhiên, giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Khi amidan không còn khả năng chống lại vi khuẩn hoặc virus sẽ dẫn tới bị viêm. Đôi khi chỉ một bên amidan bị viêm nên chỉ gây đau một bên cổ họng.
Các dấu hiệu ban đầu là đau họng và kèm theo một vài triệu chứng sau:
- Sốt
- Nghẹt mũi và sổ mũi
- Sưng hạch bạch huyết
- Amidan sưng đỏ và ứ mủ
- Khó nuốt, đau đầu
>>> Nếu bạn bị đau họng kèm với sốt, bạn có thể đọc ngay bài viết sau để biết rõ hơn nguyên nhân và cách chữa trị: Đau họng và sốt – Cách trị tại nhà bạn cần biết
Do áp xe quanh amidan
Đây là tình trạng nhiễm trùng tạo ra khối mủ ở phía sau amidan. Tình trạng này là biến chứng của viêm amidan do vi khuẩn gây ra, thường gặp các triệu chứng như:
- Sốt cao 39-40 độ, mệt mỏi, ăn uống kém
- Đau dữ dội một bên họng
- Khó khăn khi nuốt, khàn tiếng
- Hôi miệng, chảy nước dãi
- Đau tai ở bên họng bị đau
Người bị áp xe quanh amidan cần được điều trị ngay lập tức. Bác sĩ có thể sử dụng kim nhỏ để dẫn lưu mủ và kê thêm kháng sinh để chữa trị sau khi dẫn lưu áp xe.
Sỏi Amidan
Tình trạng viêm amidan mãn tính có thể làm tích tụ thức ăn, chất tiết của mô và xác vi khuẩn trong các ngách của amidan, từ đó hình thành sỏi amidan. Bị sỏi amidan ngoài làm cho người bệnh có cảm giác vướng khi nuốt mà còn gây tình trạng hôi miệng ở người bệnh và đôi khi còn khạc ra viên sỏi có kích thước bằng một nửa hạt cơm, màu vàng nhạt và có mùi rất hôi. Có thể loại bỏ sỏi nhỏ hơn tại nhà, nhưng những viên sỏi lớn hơn và viêm amidan tái phát có thể được điều trị bằng cách cắt bỏ amidan (cắt amidan).

Do hạch bạch huyết bị sưng
Hạch bạch huyết (hạch lympho) có vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chúng hoạt động như những cái bẫy để ngăn nhiễm trùng không lây lan. Khi hạch bạch huyết sưng lên, báo hiệu người bệnh có thể gặp phải các tình trạng như viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tai, răng…Vì vị trí chúng nằm gần hai bên cổ nên khi bị sưng có thể gây đau một bên họng. Tùy vào từng nguyên nhân, các hạch bạch huyết bị sưng có thể được chữa trị bằng thuốc kháng sinh hoặc chườm ấm giúp làm giảm sưng tấy.
Các nguyên nhân khác gây đau một bên họng
Đau một bên cổ họng có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:
Viêm xoang
Dịch tiết và dịch viêm do tình trạng viêm xoang gây ra sẽ chảy xuống họng, kèm theo các vi khuẩn gây hại dẫn đến ngứa họng, vướng họng, ho và đau một bên khoang họng. Viêm xoang không được điều trị đúng cách và kịp thời rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Tay chân miệng
Các vết loét do bệnh tay chân miệng gây ra có thể xuất hiện ở thành họng hoặc một bên họng và gây đau rát một bên họng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở người trưởng thành.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng acid trong dạ dày bị đẩy lên và đi ngược vào thực quản, lên cổ họng và đường hô hấp trên. Điều này có thể tồi tệ hơn khi bạn nằm. Do đó, người bị trào ngược dạ dày thực quản khi nằm nghiêng một bên, acid bị trào ngược gây ảnh hưởng đến một bên cổ họng gây đau một bên họng. Một vài triệu chứng khác của bệnh là khàn tiếng, bị nóng rát trong miệng, có cảm giác nghẹn cổ họng…Trào ngược dạ dày thực quản được xem là tình trạng phổ biến, tuy nhiên vẫn có thể hạn chế nó bằng cách tránh dùng thực phẩm cay, đồ uống có cồn…Nên điều trị sớm để tránh dẫn tới các tổn thương cổ họng và thực quản.
Viêm niêm mạc dây thanh quản
Có hai dây âm thanh nằm trong thanh quản. Hai dây này thường đóng mở nhịp nhàng để tạo ra âm thanh. Khi các dây bị sưng lên hay bị kích ứng, có thể khiến người bệnh cảm thấy đau và làm thay đổi giọng nói. Khi hoạt động cổ họng quá nhiều, quá lâu cũng có thể làm tổn thương dây thanh quản. Khi một dây thanh quản bị kích ứng nhiều hơn dây còn lại có thể hình thành tổn thương ở một bên cổ họng, làm phần cổ họng đó bị đau.
Ung thư vòm mũi họng
Đây là nguyên nhân hiếm gặp. Khi khối u vòm mũi họng phát triển, nó sẽ chèn ép hạch bạch huyết và gây đau rát họng, kể cả khi nuốt nước bọt. Giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh đau nhẹ một bên họng, chưa nổi hạch. Giai đoạn tiếp theo, triệu chứng bệnh trở nên rõ ràng hơn, bao gồm đau đầu, mờ mắt, ù tai, chảy máu cam, khạc nước bọt ra máu và khàn tiếng kéo dài. Bên cạnh đó sự có mặt của khối u ngay vòm họng khiến việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn hơn và gây cảm giác đau nhức.
Điểm khác biệt là ung thư vòm họng thường gây đau rát ở một bên cổ họng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp khác.
>>> Đau họng khạc ra máu ngoài là dấu hiệu của ung thư vòm họng, còn là dấu hiệu của một số bệnh khác như ung thư phế quản, lao phổi,… Đọc ngay bài viết sau: Bị đau họng khạc ra máu – Dấu hiệu cảnh giác các bệnh nguy hiểm
Đau dây thần kinh lưỡi – hầu
Đau dây thần kinh lưỡi – hầu là tình trạng xảy ra đột ngột, hiếm gặp và gây ra các cơn đau dữ dội ở quanh ống tai, amidan, lưỡi, hàm hoặc một nửa mặt. Đau dây thần kinh lưỡi – hầu thường ở phía sau cổ họng hoặc lưỡi. Biểu hiện điển hình là khi nuốt có thể cảm thấy đau và cơn đau kéo dài từ vài giây đến vài phút.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh đau họng một bên
Ở giai đoạn đầu, đau một bên họng chỉ có thể khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, khó nuốt, khi nuốt có cảm giác đau khiến ăn khó, mệt mỏi. Một vài trường hợp có thể khàn tiếng hoặc mất tiếng.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp đặc biệt, đau họng một bên khi không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như áp xe quanh amidan, viêm amidan… có thể gây suy hô hấp, nhiễm trùng toàn thân.

Chẩn đoán bệnh đau họng một bên như thế nào?
Tùy vào các biểu hiện, thời gian và các dấu hiệu đi cùng của triệu chứng đau một bên họng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng như:
- Nội soi Tai Mũi Họng: phát hiện những bất thường trong mũi, thanh quản và amidan
- Xét nghiệm máu: phát hiện được nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hay virus
- Xét nghiệm dịch hầu họng: chẩn đoán nguyên nhân gây đau họng một bên.

Biện pháp làm giảm đau một bên họng tại nhà đơn giản
Khi bị đau một bên họng, người bệnh có thể thử những biện pháp sau để giảm cảm giác đau tại nhà:
- Súc miệng bằng nước muối 2 lần/ ngày để làm sạch họng
- Chườm ấm cổ họng bằng khăn ấm hoặc túi chườm
- Duy trì dịch trong họng bằng cách xông mũi bằng nước ấm. Thực hiện 5-10 phút mỗi lần, làm vài lần mỗi ngày giúp giảm đau
- Bổ sung nước cho cơ thể để tăng cường sức đề kháng chống lại sự mất nước do bệnh gây ra.
- Uống nước ấm, trà ấm có thể giúp làm dịu cơn đau họng, đặc biệt người bệnh nên pha với một thìa mật ong. Mật ong được biết đến với khả năng bao phủ cổ họng và mang lại cảm giác dễ chịu thay vì dùng nước lạnh hay nước đá
- Đối với trường hợp đau họng nặng, tránh ăn các thực phẩm cay, cứng và nên ăn các thực phẩm dạng lỏng như cháo, súp ấm, sữa ấm…
- Tránh uống nước cam, quýt vì chúng có thể làm cổ họng bị kích thích
>>> Để giảm đau họng, bạn có thể xem ngay bài viết: Đau họng nên uống thuốc gì? 10 loại thuốc điều trị bạn nên biết

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Khi gặp phải các triệu chứng đe dọa đến tính mạng như sau, người bệnh cần phải đi gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời:
- Khó thở
- Khó nuốt, không thể nuốt thức ăn
- Choáng váng, ngất xỉu
- Sốt cao (nhiệt độ vượt quá 39 độ) không hạ nhiệt
- Đau tai, đau đầu dữ dội
- Hạch bạch huyết sưng to
- Xuất hiện các khối u không đau ở cổ
- Thời gian khàn giọng kéo dài từ 2 tuần
- Đau họng một bên nghiêm trọng kéo dài hơn một tuần
>>> Đau họng lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng hoặc một số bệnh khác như viêm xoang, viêm họng trào ngược.
Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn là địa chỉ thăm khám tai mũi họng chuyên sâu với cơ sở vật chất hiện đại, chuẩn quốc tế, đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, tận tâm với bệnh nhân và đặc biệt là có đầy đủ chuyên môn điều trị, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thăm khám các vấn đề liên quan đến tai mũi họng của hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Nếu bạn đang bị đau họng một bên và kèm theo các triệu chứng nặng kể trên thì hãy đến ngay Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn hoặc các bệnh viện, phòng khám uy tín khác để được khám và có phương pháp điều trị kịp thời.
Những câu hỏi thường gặp liên quan đến đau một bên họng
Đau họng một bên kéo dài bao lâu?
Tình trạng này thường kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào nguyên nhân hơn là vị trí đau. Một số trường hợp sẽ khỏi trong vòng một tuần hoặc có thể lâu hơn, nhưng những tình trạng nghiêm trọng hơn hoặc do nguyên nhân khác như ung thư, có thể kéo dài lâu hơn nữa.
Bạn có thể bị liên cầu khuẩn ở một bên cổ họng không?
Nhiễm trùng liên cầu khuẩn thường gây đau ở cả hai bên cổ họng. Mặc dù liên cầu khuẩn có thể dẫn đến các biến chứng như áp xe quanh amidan, trong đó cơn đau có thể chỉ giới hạn ở một bên, nhưng hầu hết các trường hợp đều gây ra cơn đau ở cả hai bên cổ họng.
Đau một bên họng có thể đáng lo ngại, nhưng hầu hết các trường hợp không nghiêm trọng. Nếu tình trạng này không cải thiện trong nhiều tuần hoặc người bệnh cảm thấy thấy khó thở hoặc khó nuốt, hãy đến ngay các cơ sở Y tế để khám và nhận được những tư vấn cụ thể đối với tình trạng bệnh.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/