Dây thanh quản nằm ở đâu? Hoạt động, vai trò và các bệnh liên quan
Thanh quản đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát ra âm thanh. Từ giọng nói, phản xạ ho, nấc, hắt hơi hay tiếng cười, tiếng khóc đều có sự tham gia của thanh quản. Vậy dây thanh quản nằm ở đâu, cơ chế hoạt động như thế nào mà có thể tạo ra âm thanh? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết thông tin ngay sau đây nhé.
Dây thanh quản là gì?
Dây thanh quản là một phần của đường hô hấp, có vai trò trong việc phát âm, dẫn khí, nói và nuốt. Thanh quản có hình ống, phía trên thông với hầu, phía dưới là khí quản và có khả năng di động.
Dây thanh quản nằm ở đâu?
Dây thanh quản nằm ở cổ – vị trí ngay dưới nơi đường hầu họng tách thành thực quản và khí quản. Thanh quản ở phía trước yết hầu. Thanh quản dài khoảng 5cm kéo dài từ vị trí đốt sống cổ C2 đến C6. Ở trẻ em, thanh quản nằm ở đoạn C2-C3 và có sự phát triển đồng thời với cơ quan sinh dục. Vì thế mà khi trẻ đến tuổi dậy thì, giọng nói sẽ có sự thay đổi, khác nhau giữa nam và nữ.
Đây là cấu tạo chỉ có ở động vật 4 chân với chức năng thở và phát ra âm thanh.
Cấu tạo của thanh quản
Thanh quản được cấu tạo chủ yếu từ các sụn, nối với nhau bởi các nhóm cơ, khớp, màng có khả năng đàn hồi. Nhìn bên ngoài, thanh quản khá giống hình tháp 3 mặt. Phía trong thanh quản được phủ bởi các lớp niêm mạc tạo thành các xoang cộng hưởng âm thanh, trong đó các dây thanh âm sẽ rung lên tạo thành âm thanh khi có luồng không khí đi qua. Chính bởi cấu tạo phức tạp nên thanh quản có khả năng di động lên xuống khi chúng ta nói, nuốt hoặc cúi, ngửa đầu.
Cơ chế tạo âm thanh của thanh quản
Khi bạn đã biết dây thanh quản nằm ở đâu thì hãy cùng tìm hiểu cơ chế tạo âm thanh của nó như thế nào.
Hiểu một cách đơn giản, âm thanh được tạo ra là nhờ luồng không khí được đẩy ra từ phổi thông qua việc co cơ hoành, cơ gian sườn, cơ rộng bụng. Luồng khí này sẽ được đẩy qua khe thanh môn làm nó rung chuyển và tạo ra âm thanh. Các cơ thanh quản có vai trò điều khiển sự căng và vị trí các nếp gấp thanh âm, phối hợp với vị trí của lưỡi, môi, miệng, hầu tạo thành những âm thanh với tần số và cao độ khác nhau.
Bên cạnh khả năng tạo âm thanh, khi chúng ta ho, hắt hơi hoặc cười cũng tạo ra những kiểu âm thanh khác nhau thông qua sự thay đổi mức độ của luồng khí đi qua khe thanh môn. Âm thanh tạo ra bởi thanh quản có sự khác nhau giữa các độ tuổi, giới tính.
Thanh quản có chức năng gì đối với cơ thể?
Cùng với chức năng tạo ra âm thanh, thanh quản còn đóng vai trò quan trọng trong hệ hô hấp:
- Tham gia vào chức năng hô hấp: Đây là chức năng quan trọng để duy trì sự sống. Bình thường không khí sẽ lưu thông từ ngoài vào phổi và ngược lại thông qua sự đóng mở của nắp thanh môn. Trường hợp thanh môn không mở được vì bất kể lý do gì đều dẫn tới tình trạng khó thở, thiếu oxy đến các tế bào, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Bảo vệ đường hô hấp dưới khỏi các tác động bên ngoài, đặc biệt là khi gặp dị vật đường thở. Khi có dị vật rơi vào đường thở, thanh quản tạo ra áp lực để đẩy dị vật ra ngoài.
- Tạo ra âm thanh: Chức năng này rất quan trọng giúp chúng ta có thể giao tiếp và truyền đạt thông tin với nhau.
- Chức năng ho và hắt hơi: Việc tạo phản xạ ho, hắt hơi của thanh quản có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp dưới. Bên cạnh đó, thanh quản cũng tạo ra tiếng cười với những âm thanh và tần số khác nhau. Tiếng nấc cũng được tạo thành nhờ sự phối hợp giữa cơ hoành và sự đóng mở không hoàn toàn của khe thanh môn.
Các bệnh liên quan đến thanh quản
Nhiều người không biết dây thanh quản nằm ở đâu nên khá chủ quan và có sự nhầm lẫn giữa viêm thanh quản với viêm nhiễm vùng hầu họng khác. Vì thế việc tìm hiểu triệu chứng bệnh lý liên quan đến thanh quản sẽ giúp bạn có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ cơ quan này.
Viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng niêm mạc tại thanh quản viêm nhiễm kéo dài dưới 3 tuần. Nguyên nhân và biểu hiện viêm thanh quản cấp tính rất đa dạng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ gặp bệnh lý này ở trẻ em thường cao hơn.
Biểu hiện của bệnh lý này bao gồm khàn tiếng, trẻ em có thể nghe tiếng khàn khi khóc, ho khan hoặc ho đờm. Trường hợp viêm thanh quản hạ thanh môn hay gặp ở trẻ em 1-3 tuổi, có thể có biểu hiện khó thở. Có thể kèm theo biểu hiện đau họng, nhất là khi nuốt.
Viêm thanh quản cấp tính điều trị khá dễ dàng tùy theo nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Có thể sử dụng kháng sinh phối hợp với các thuốc kháng viêm, giảm ho, long đờm, kháng H1…
Tuy nhiên, cần phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt ở trẻ em vì dễ có những cơn khó thở thanh quản, gây nguy hiểm tính mạng.
Viêm thanh quản cấp tính có thể được phân loại là truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Dạng truyền nhiễm phổ biến hơn và thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trong đó, viêm thanh quản truyền nhiễm cấp tính ở người lớn thường do các vi rút như cúm a, rhovirus, RSV gây ra.
>>> Viêm dây thanh quản, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm thanh quản mãn tính
Tình trạng viêm tại thanh quản kéo dài trên 3 tuần được coi là viêm thanh quản mạn tính. Viêm mạn tính tại thanh quản có thể làm teo hoàn toàn hoặc một phần niêm mạc thanh quản, quá sản hoặc loạn sản niêm mạc.
Những người cần nói nhiều như giáo viên, ca sĩ…, người làm việc ở điều kiện thay đổi nhiệt độ đột ngột nhiều lần trong ngày, hoặc mắc một số bệnh lý của đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm họng hạt, hoặc mắc phải hội chứng trào ngược là đối tượng có nguy cơ cao gặp bệnh lý này.
Triệu chứng của bệnh thường là thay đổi giọng nói, khàn tiếng, thường phải đằng hắng cho giọng được trong hơn, kèm theo ho khan vào buổi sáng. Tuy nhiên, để phân biệt chính xác cần phải thông qua nội soi họng thanh quản.
Viêm thanh quản mạn tính điều trị dai dẳng và cần hạn chế sử dụng giọng nói do đó người bệnh phải kiên trì. Bệnh lý này có thể tiến triển thành các xơ hạt tại thanh quản.
Ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản là tình trạng các tế bào phát triển nhanh quá mức tạo thành các khối u. Khối u này là dạng ác tính và xuất phát từ biểu mô thanh quản.
Các biểu hiện của ung thư thanh quản có thể gặp bao gồm:
- Khàn tiếng kéo dài và tăng dần, uống thuốc không đỡ.
- Ho khan kéo dài rồi ho khạc đờm nhầy lẫn máu.
- Luôn có cảm giác khó chịu ở họng giống như có dị vật.
- Khó nuốt, khi có khối u lan ra ngoài thanh quản có thể gây cảm giác nuốt vướng, nghẹn, đau.
- Khó thở.
Hút thuốc lá kết hợp với rượu bia làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản. Hiện nay, tỷ lệ ung thư thanh quản đứng hàng thứ 2 sau ung thư vòm mũi họng, đa số ở nam (96,9%), độ tuổi từ 45-65.
Hướng điều trị chủ yếu hiện nay là phẫu thuật nạo bỏ khối u kết hợp với xạ trị, hoá trị và dùng thuốc.
>>> Tìm hiểu thêm về nguyên nhân liệt dây thanh quản và cách điều trị hiệu quả
>>> Tìm hiểu về ung thư thanh quản qua tài liệu sau:
Nguồn: CA CANCER J CLIN 2017;67:31–50
Các biện pháp chăm sóc tốt cho thanh quản
Bên cạnh việc tìm hiểu dây thanh quản nằm ở đâu, có chức năng như thế nào thì tìm hiểu các biện pháp giữ cho dây thanh quản khỏe mạnh, giọng nói trong trẻo, hạn chế viêm nhiễm cũng rất quan trọng. Bạn có thể áp dụng những cách mà chúng tôi đề xuất dưới đây:
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng khi thời tiết lạnh, chuyển mùa hoặc thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, đặc biệt là ở trẻ em là lứa tuổi dễ mắc viêm thanh quản.
- Hạn chế ăn đồ ăn lạnh, kem, đá, nước lạnh, bia…
- Hạn chế nói quá to, nói nhiều, gắng sức, nói trong thời gian dài. Điều này đặc biệt quan trọng ở những người có tiền sử viêm thanh quản mạn tính.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Hạn chế ăn đồ ăn quá nóng, cay, đồ ăn nhanh, chiên xào hay đồ ăn quá cứng.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như cúm….
- Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc vào khuôn viên bệnh viện.
- Súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để loại trừ vi khuẩn, virus khu trú trong khoang miệng.
- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em và người có đề kháng kém.
- Khi trẻ mắc viêm thanh quản cấp, cần theo dõi sát sao đề phòng tiến triển xấu.
Một số thắc mắc về vấn đề dây thanh quản nằm ở đâu?
Viêm thanh quản có biến chứng không?
Viêm thanh quản có thể điều trị khỏi hoàn toàn mà không để lại biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể tiến triển sang viêm phổi, viêm phế quản nhưng khá hiếm gặp.
Viêm thanh quản có gây khó thở không?
Nếu bạn đọc đến đây chắc hẳn đã biết dây thanh quản nằm ở đâu và có chức năng hô hấp quan trọng như thế nào. Tuỳ thuộc vào thể lâm sàng của bệnh lý viêm thanh quản cấp mà có thể gặp triệu chứng khó thở. Tuy nhiên, ở trẻ em, tình trạng khó thở hay gặp hơn, nhất là trong trường hợp viêm thanh quản hạ thanh môn, viêm thanh quản co thắt hoặc viêm thanh quản giả bạch hầu.
Khám viêm thanh quản ở đâu?
Thanh quản là một bộ phận nằm ở họng, do đó nếu bạn muốn đi khám viêm thanh quản, có thể tìm đến các phòng khám Tai Mũi Họng hoặc các bệnh viện có bác sĩ nội soi Tai Mũi Họng. Tại đây các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để bạn có thể biết dây thanh quản nằm ở đâu, tình trạng viêm như thế nào và phương pháp điều trị nào phù hợp.
>>> Xem thêm về ung thư thanh quản qua video sau của BS. Đỗ Kỳ Nhật – Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về chủ đề dây thanh quản nằm ở đâu và cơ chế hoạt động như thế nào. Nếu có thắc mắc cần giải đáp liên quan đến các bệnh lý Tai Mũi Họng, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/