Điều Trị Suy Tim

Chẩn đoán và cách điều trị suy tim theo từng giai đoạn của bệnh

BS.CKI. Lê Thị Diệu Hồng

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

BS.CKI. Lê Thị Diệu Hồng

Bác sĩ Chuyên Khoa Tim Mạch


Suy tim là một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường ngày của người bệnh . Vậy cách chẩn đoán suy tim như thế nào? Điều trị suy tim theo từng giai đoạn cụ thể ra sao? Trong bài viết dưới đây sẽ đề cập cụ thể hơn.

Suy tim là bệnh lý như thế nào?

Suy tim là hội chứng lâm sàng phức tạp, tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim. Tình trạng suy tim khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu.

Khi gặp phải bệnh lý suy tim, cơ tim không đủ khả năng bơm máu để cung cấp máu và oxy cho cơ thể khiến người bệnh luôn cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Trên lâm sàng có nhiều cách phân loại suy tim, dựa trên nguyên nhân gốc, khả năng bơm máu của tim, thời gian tiến triển bệnh, vị trí buồng tim… Một số loại suy tim thường gặp như:

  • Suy tim tâm thu (suy tim phân suất  tống máu giảm) : xảy ra khi khả năng co bóp,  bơm máu đến động mạch chủ và các nhánh khác để nuôi các cơ quan khác  giảm do giãn các buồng tim, đặc biệt là buồng tim trái.Phân suất tống máu bình thường >50%, khi suy tim tâm thu phân suất tống máu còn ≤ 40%.
  • Suy tim tâm trương (suy tim phân suất tống máu bảo tồn) : xảy ra khi cơ tim dày hoặc cứng lên , không còn co giãn tốt để chứa máu trong giai đoạn tâm trương.
  • Suy tim trái : trong trường hợp này chức năng bơm máu của buồng tim trái bị suy giảm.
  • Suy tim phải : tim phải không thể bơm đủ máu để đẩy máu từ phổi trở lại hệ tuần hoàn.
  • Suy tim cấp : tình trạng bệnh tiến triển nhanh chóng và ngắn trong vài giờ hoặc vài ngày. Các triệu chứng thường xảy ra đột ngột , đe doạ tính mạng và cần điều trị ngay lập tức.
  • Suy tim mạn : thường tiến triển kéo dài theo thời gian có liên quan đến các bệnh nền như tăng huyết áp,bệnh mạch vành, tiểu đường. Khi gặp phải tình trạng này cần phải quản lý lâu dài để kiểm giảm triệu chứng và ngăn ngừa chức năng tim suy giảm thêm.

>>> Để biết suy tim sẽ có những dấu hiệu nhận diện nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết: Dấu hiệu bị suy tim – Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Điều trị suy tim ở giai đoạn A

Ở giai đoạn này bệnh nhân mới chỉ có nguy cơ cao mắc suy tim chứ chưa có bệnh tim thực thể hoặc triệu chứng suy tim điển hình. Người bệnh thường có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý liên quan như : tăng huyết áp, đái tháo đường, động mạch vành, thấp khớp, gia đình có người mắc bệnh tim…Do đó trong giai đoạn này , người bệnh cần có một lối sống lành mạnh và điều trị các bệnh lý liên quan có nguy cơ dẫn đến suy tim.

  • Tránh sử dụng các chất kích thích làm tăng suy tim như: thuốc lá, rượu bia, ma tuý…
  • Ở bệnh nhân rối loạn nhịp nhanh: cần kiểm soát nhịp thất hoặc phục hồi nhịp xoang.
  • Điều trị bệnh lý tuyến giáp (suy giáp, cường giáp) theo đúng khuyến cáo của bệnh
  • Nếu gia đình có người mắc các bệnh về tim bác sĩ cần chỉ định thăm dò cận lâm sàng như: đo phân suất tống máu EF bằng siêu âm tim.
  • Bệnh nhân có tiền sử bệnh về tim mạch do xơ vữa động mạch, huyết áp cao, tiểu đường có thể ức chế men chuyển để phòng ngừa suy tim.

Điều trị suy tim ở giai đoạn B

Bệnh nhân được xếp vào giai đoạn B khi đã có bệnh tim thực thể nhưng chưa xuất hiện triệu chứng suy tim. Cụ thể bệnh nhân đã mắc những bệnh lý liên quan đến cấu trúc tim như hẹp van tim, hở van tim, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim tuy nhiên chưa xuất hiện triệu chứng suy tim trên lâm sàng. Các chỉ định điều trị trong giai đoạn này bao gồm:

  • Áp dụng các chỉ định điều trị trong giai đoạn A.
  • Ức chế β hay ức chế men chuyển áp dụng cho người bệnh sau nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp phân suất tống máu giảm dù không có tiền sử nhồi máu cơ tim vẫn cần áp dụng chỉ định này.
  • Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, phân suất tống máu giảm nhưng không dung nạp được ức chế men chuyển thì dùng chẹn thụ thể Angiotensin II.
  • Tái tưới máu động mạch vành, phẫu thuật sửa van hay thay van tim được chỉ định kể cả khi không có triệu chứng suy tim.
  • Cấy máy tạo nhịp phá rung (ICD) cho người không có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và phân suất tống máu ≤ 30%.

Điều trị suy tim ở giai đoạn C

Được định nghĩa khi bệnh nhân có bệnh tim thực thể, hiện tại hoặc tiền sử có triệu chứng suy tim. Khi suy tim ở giai đoạn này, bệnh nhân thường gặp phải các triệu chứng như: đau thắt ngực, khó thở, hụt hơi, ho khan,mệt mỏi, sưng bàn chân, mắt cá chân…Các biện pháp điều trị cần áp dụng đúng chỉ định và phối hợp cẩn thận để tránh tăng nặng tình trạng suy tim hoặc vì tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể bỏ điều trị.

Các biện pháp điều trị suy tim giai đoạn C bao gồm:

  • Áp dụng tất cả các chỉ định ở giai đoạn A và giai đoạn B.
  • Dùng thuốc lợi tiểu và hạn chế muối trong chế độ ăn để kiểm soát quá trình quá tải tuần hoàn.
  • Thuốc ức chế  β kết hợp Invibradine khi nhịp xoang và tần số tim ≥ 70 lần/phút: dùng trong tất cả các trường hợp suy tim nếu bệnh nhân không có chống chỉ định. Khởi đầu với liều thấp, tăng dần mỗi 2-4 tuần cho đến khi đạt liều tối đa theo khuyến cáo hoặc liều tối đa bệnh nhân dung nạp được.
  • Thuốc ức chế men chuyển , chẹn thụ thể Angiotensin II ( nếu bệnh nhân không dung nạp thuốc ức chế men chuyển), Digitalis, Omega 3 và thuốc kháng Aldosterone.
  • Cấy máy tạo nhịp phá rung (ICD), liệu pháp tái đồng bộ cơ tim và dùng thiết bị hỗ trợ thất.
  • Rèn luyện thể lực theo chương  trình thiết kế áp dụng riêng cho bệnh nhân bị suy tim.
  • Tránh dùng thuốc chống loạn nhịp, kháng viêm không steroid hoặc ức chế COX-2.
  • Không dùng thuốc chẹn kênh Canxi thường xuyên.

Điều trị suy tim ở giai đoạn D

Khi đã đến giai đoạn cuối suy tim có nguy cơ kháng trị, cần can thiệp đặc biệt. Ở giai đoạn D người bệnh có bệnh lý tim nền nặng kèm theo việc đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với điều trị. Điểm quan trọng và cơ bản trong điều trị suy tim giai đoạn cuối là định lượng, xử trí cẩn thận tình trạng ứ dịch. Biện pháp cụ thể là:

  • Sử dụng thuốc lợi tiểu một cách thận trọng giúp kiểm soát tình trạng ứ dịch. Lưu ý khi sử dụng quá liều có thể gây ra thiếu dịch khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Truyền tĩnh mạch thuốc vận mạch và thuốc giãn tĩnh mạch ngoại vi.
  • Đối với bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có triệu chứng nặng tiên lượng xấu , không đáp ứng các phương pháp trị liệu khác thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định ghép tim. Trong trường hợp này cần đảm bảo thể trạng của bệnh nhân được ghép tim phải tương đối, giao tiếp tốt và cảm xúc ổn định. Sau phẫu thuật cần phải tuân thủ thực hiện những điều trị tích cực.

Các trường hợp sau đây chống chỉ định ghép tim:

  • Đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng.
  • Nghiện rượu hoặc sử dụng các chất gây nghiện.
  • Có tiền sử điều trị ung thư trong vòng 5 năm trở lại.
  • Đang mắc các bệnh khác có tiên lượng xấu.
  • Đang có bệnh lý tâm thần chưa được điều trị, cảm xúc thất thường.

Chẩn đoán suy tim tại Hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn

Không chỉ những bệnh nhân đã có tình trạng suy tim mà cả nhóm đối tượng ở độ tuổi trung niên từ 45 tuổi trở lên cũng cần sàng lọc suy tim định kỳ.

Tại hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn , khi đăng ký gói khám suy tim bệnh nhân sẽ được xác định tình trạng suy tim, mức độ suy tim(nếu có), nguyên nhân gây suy tim và các bệnh lý đi kèm khác để có hướng điều trị kịp thời và phù hợp nhất. Với những người ở độ tuổi trung niên (nhóm tuổi nguy cơ) nhưng chưa có triệu chứng suy tim cần khám định kỳ sàng lọc bệnh tim định kỳ hàng năm nhất là người nghiện rượu, nghiện thuốc lá hoặc bị béo phì.

Một gói khám suy tim tại hệ thống Đa khoa Quốc tế sài Gòn bao gồm các nội dung: khám chuyên khoa Nội tim mạch, các xét nghiệm máu cơ bản, siêu âm tim, định lượng peptide lợi niệu trong máu, điện tâm đồ, chẩn đoán hình ảnh tim mạch (chụp tim phổi phẳng, chụp động mạch vành, chụp MRI tim, chụp xạ hình cơ tim).

Hãy đến với hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn để được thăm khám và chẩn đoán suy tim sớm nhất. Phát hiện bệnh sớm góp phần giúp điều trị bệnh lý hiệu quả hơn.

Những thắc mắc thường gặp về vấn đề điều trị suy tim

Cần điều chỉnh lối sống như thế nào trong quá trình điều trị bệnh suy tim?

Việc thay đổi lối sống tích cực góp phần không nhỏ đem lại hiệu quả trong điều trị suy tim:

  • Ăn nhạt, giảm bớt lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Cân bằng các chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng.
  • Giảm cân đối với bệnh nhân bị béo phì, thừa cân.
  • Hạn chế rượu,bia ,các chất kích thích, bỏ hút thuốc lá
  • Luyện tập thể dục, thể thao một cách tích cực để nâng cao thể trạng.

Những nguyên nhân nào dẫn đến bệnh suy tim?

Suy tim là hội chứng bệnh lý và là diễn biến cuối cùng của tất cả các bệnh liên quan đến tim mạch. Các nguyên nhân có thể dẫn đến suy tim như:

  • Bệnh nhân có bệnh lý mạch vành (nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành nhẹ): tình trạng bệnh kéo dài gây tổn thương cơ tim dẫn đến sức bóp của cơ tim bị giảm, lâu ngày dẫn đến suy tim.
  • Mắc các bệnh lý về van tim như hẹp, hở van tim; bệnh lý tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ đều dẫn đến suy tim.
  • Các nguyên nhân ngoài tim gây ra suy tim như: bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản, tiểu đường, huyết áp cao, cường giáp, bệnh nhân sử dụng thuốc do bị ung thư.

Các triệu chứng hay gặp phải khi bị bệnh suy tim là gì?  

Một số triệu chứng hay gặp phải ở bệnh lý suy tim cần lưu ý như:

  • Khó thở: hay gặp khi nằm tư thế đầu thấp, khi hoạt động gắng sức (đi bộ, leo cầu thang, bê vật nặng) thậm chí khó thở, thở gấp ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Đau thắt ngực: có cảm giác đau ngực trái trước tim, ngực như bị thắt nghẹn.
  • Có hiện tượng phù nề : gặp phải do chức năng tim suy giảm, lưu lượng máu tống đi giảm, máu theo tĩnh mạch về tim bị ứ lại. Điều này làm cho mao mạch căng lên, dịch bị thoát qua thành mao mạch dẫn đến hiện tượng phù.
  • Mệt mỏi, chóng mặt, kiệt sức: chức năng tim suy giảm khiến cho các hoạt động thường ngày của người bệnh cũng trở nên khó khăn, thường rất hay bị kiệt sức.

Tóm lại việc chẩn đoán suy tim chính xác sẽ giúp việc điều trị suy tim được kịp thời và hiệu quả hơn. Hi vọng qua bài viết trên bạn sẽ hiểu hơn về bệnh lý suy tim , có một lối sống tích cực trong phòng ngừa hay điều trị bệnh cho bản thân và người thân trong gia đình.
Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+