Viêm Họng Cấp Là Gì

Bệnh viêm họng cấp là gì? Các triệu chứng và cách phòng ngừa

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Viêm họng cấp rất dễ mắc phải đặc biệt là trẻ nhỏ trong thời điểm giao mùa. Khi mắc phải chúng ta dễ bị mệt mỏi và nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận, thấp tim. Để hiểu rõ hơn viêm họng cấp là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị, hãy tham khảo bài viết dưới đây đến từ Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng của Bệnh Viện Tai Mũi Họng Quốc Tế Sài Gòn.

Tìm hiểu viêm họng cấp là gì?

Viêm họng là tình trạng viêm các niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng. Viêm họng cấp là niêm mạc miệng họng đang trong tình trạng viêm cấp tính. Tình trạng có thể xuất hiện riêng biệt hoặc thường kết hợp với viêm Amidan khẩu cái. Ngoài ra còn kèm thêm viêm mũi, viêm xoang …. hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi… Hiện nay, thường gặp nhất là viêm họng đỏ cấp thể thông thường.

viêm họng cấp gây đau họng
Viêm họng cấp là bệnh lý phổ biến

Các nguyên nhân gây viêm họng

Viêm họng cấp được xem là bệnh lý khá phổ biến, rất hay gặp ở cả đối tượng người lớn lẫn trẻ em, vậy tác nhân gây viêm họng cấp là gì? Thống kê cho thấy nguyên nhân gây viêm họng cấp phần lớn là virus hoặc vi khuẩn.

  • Chủ yếu là do virus (chiếm tới 60-80%): các virus thường gặp như virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus, virus cúm, virus parainfluenzae, virus Herpes, virus Zona,..
  • Vi khuẩn (chiếm 20-40%): đây là các vi khuẩn thường gây viêm họng cấp gồm liên cầu tan huyết nhóm A, Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella catarrhalis và các vi khuẩn kỵ khí.

Nguyên nhân bệnh sinh của viêm họng cấp chủ yếu là do thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa lạnh. Bắt đầu bằng sự nhiễm virus khiến sức đề kháng của cơ thể giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

>>> Xem thêm về viêm họng cấp ở người lớn và trẻ em qua tài liệu sau:

Nguồn: European Journal of Pediatrics

Triệu chứng thường gặp của viêm họng cấp

Viêm họng cấp thường xảy ra đột ngột. Triệu chứng chung thường gặp ở tất cả các bệnh nhân là sốt vừa 38 – 39°C hoặc sốt cao, người có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn. Ngoài ra, tùy vào căn nguyên bệnh là virus hay vi khuẩn mà có sự khác nhau trong triệu chứng như sau:

Viêm họng cấp do virus

  • Nhiễm Adenovirus (coxsackie và echovirus): thời gian ủ bệnh do nhiễm Adenovirus thường kéo dài từ 2-4 ngày. Triệu chứng do adenovirus gây ra là sốt, xung huyết ở hầu họng, phì đại Amidan. Xuất hiện hạch cổ sưng to và họng tiết đờm. Viêm họng do adenovirus còn có hiện tượng viêm kết mạc, gây ra hội chứng sốt – kết mạc – họng. Thời gian mắc bệnh kéo dài khoảng 7 ngày, trẻ em có thể bị tái nhiễm adenovirus nhiều lần.
  • Nhiễm Enterovirus: thường gặp là coxsackie và echovirus. Chúng gây ra các triệu chứng như đau họng, sốt, họng xung huyết. Ngoài ra có thể bị viêm hạch cổ và Amidan xuất tiết. Enterovirus thường gây bệnh vào mùa hè, các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau vài ngày.
  • Nhiễm virus Herpangina: triệu chứng đặc trưng của nhiễm virus Herpangina trong viêm họng cấp là các tổn thương dạng mụn nước, kích thước 1-2mm. Các mụn nước này có màu trắng xám, phân bố rải rác sau hầu họng, gây đau. Ban đầu chúng là các mụn nước được bao bởi hồng ban, sau đó loét ra khiến cổ họng rất đau. Cơ thể sẽ phản ứng lại bởi triệu chứng sốt cao đến 39,5°C kèm cơn đau đầu dữ dội, cơ thể mệt mỏi mất nước. Các triệu chứng do nhiễm virus Herpangina thường kéo dài khoảng 7 ngày.
  • Nhiễm Coxsackie A16: virus này cũng gây ra các mụn nước và  loét ra ở vùng hầu họng, gây đau. Các mụn nước còn mọc lên ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ít mọc trên người. Coxsackie A16 chỉ gây sốt nhẹ và triệu chứng của bệnh kéo dài khoảng 1 tuần.
  • Nhiễm virus herpes simplex (HSV): triệu chứng do HSV thường là sốt cao kèm theo viêm nướu răng cấp tính. Xuất hiện các mụn nước khắp phần trước của miệng và môi, chúng có thể loét gây đau và xót.
  • Nhiễm virus sởi: triệu chứng gồm sốt cao, ho, sổ mũi và viêm kết mạc, hầu họng có thể xung huyết nhiều và lan tỏa. Amidan trong trường hợp này không bị sưng và không tiết dịch. Khám thấy đốm Koplik, có màu trắng hoặc xanh trắng, trên niêm mạc lợi gần răng hàm dưới. Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi khi nhiễm virus sởi thường dễ nhận biết bởi các triệu chứng nổi bật ở miệng.

Viêm họng cấp có mụn nước do virus Coxsackie đặc trưng là sốt đột ngột với đau họng, nhức đầu, chán ăn, và đau cổ. Trong 2 ngày sau khi khởi phát, có thể tới 20 ngày (trung bình là 4-5) xuất hiện ban sẩn máu xám đường kính 1-2 mm và bọng nước với quầng đỏ. Trong 24 giờ tiếp theo, các tổn thương sẽ trở nên loét nông, hiếm khi đường kính > 5 mm và hồi phục trong vòng từ 1 đến 7 ngày.

Viêm họng cấp do virus, vi khuẩn
Bệnh viêm họng cấp do virus, vi khuẩn và nấm mốc gây nên

Viêm họng cấp do nhiễm khuẩn

  • Liên cầu khuẩn nhóm A: đây là nguyên nhân được quan tâm nhất của viêm họng cấp. Việc chẩn đoán chính xác và điều trị viêm họng cấp do liên cầu nhóm A (GAS) hoặc Streptococcus pyogenes chiếm khoảng 15% tổng số các đợt viêm họng. Do các di chứng sau viêm họng gây ra bởi GAS khá nặng như sốt thấp khớp cấp (ARF) và viêm cầu thận cấp (AGN) và có thể dẫn đến tử vong. Triệu chứng đặc trưng do GAS gây ra là sốt và đau họng khởi phát đột ngột. Người bệnh cảm thấy đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể thấy như ho, viêm kết mạc, tổn thương và loét niêm mạc họng rải rác, khàn tiếng, tiêu chảy. Ở hầu họng thấy xung huyết rõ rệt, có các đốm xuất huyết trong miệng và họng. Amidan sưng đỏ, to lên và xuất hiện các hốc mủ. Ở lưỡi có thể bị sưng đỏ các nhú lưỡi. Các hạch ở cổ có thể sưng to nhưng sờ mềm. Xét nghiệm thấy bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.
  • Sốt tinh hồng nhiệt: đây là triệu chứng điển hình do nhiễm 1 chủng GAS có độc tố hồng cầu, thường là ngoại độc tố A. Cơ thể lúc này sẽ xuất hiện các ban đỏ đầu tiên ở trên mặt và lan ra toàn thân trong 24h. Các ban đỏ này sau vài ngày sẽ bong ra, nhìn như bị cháy nắng nhẹ trên da. Ngoài ra, sốt tinh hồng nhiệt trong viêm họng cấp còn có các triệu chứng như ho, viêm kết mạc, viêm thanh quản, hôi miệng, chảy máu cam hoặc tiêu chảy.
  • Nhiễm khuẩn trong tăng bạch cầu đơn nhân: Viêm họng cấp tính thường xảy ra với bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus Epstein-Barr (EBV). Triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm họng cấp nhẹ hoặc nặng. Amidan sưng to có thể gây tắc nghẽn đường thở, ban đỏ và xuất tiết Amidan. Các hạch bạch huyết ở cổ có thể sưng to và sờ vào thấy hơi mềm.
  • Nhiễm khuẩn Fusobacterium Necrophorum: đây là vi khuẩn kỵ khí mang gram (-), là nguyên nhân gây viêm họng cấp ở cả trẻ em và người lớn. Viêm họng do Fusobacterium Necrophorum có thể xuất hiện thêm viêm tắc tĩnh mạch cảnh trong đi kèm, gây ra hội chứng Lemierre. Các triệu chứng ở bệnh nhân bắt đầu bởi sốt, đau họng, viêm họng xuất tiết và/hoặc áp xe thành sau họng. Lâu ngày, các triệu chứng đó kéo dài khiến bệnh nhân có biểu hiện của nhiễm độc, cổ sưng và đau dữ dội.
  • Nhiễm khuẩn Arcanobacterium: viêm họng cấp tính và phát ban đỏ do Arcanobacterium gây ra thường có triệu chứng sốt nhẹ, xung huyết hầu họng, dịch tiết từ Amidan trắng đến xám, viêm hạch cổ. Có thể xuất hiện chấm xuất huyết ở lưỡi và lòng bàn tay. Cũng có phát ban sốt tinh hồng nhiệt ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân gây ngứa và ít bong tróc. Bệnh viêm họng cấp tính do Arcanobacterium thường gặp hơn ở thanh thiếu niên.
  • Nhiễm khuẩn bạch hầu: chủng vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có độc tố gây ra nhiễm trùng hầu họng. Chúng ủ bệnh khoảng 1-5 ngày. Các triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ, đau họng, chán ăn, khó chịu. Trên Amidan và thành họng có các màng màu xám xuất hiện trong vòng 1-2 ngày nhưng đôi khi cũng thấy ở thanh quản và khí quản.
  • Nhiễm khuẩn lậu cầu Neisseria gonorrhoeae: Viêm họng cấp do lậu cầu thường không có triệu chứng và tự khỏi sau đó. Một số bệnh nhân có thể có triệu chứng viêm Amidan có mủ, loét.
  • Nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenzae type B: vi khuẩn này thường gây ra viêm thanh thiệt và viêm khí quản. Triệu chứng cấp tính là sốt và đau họng nghiêm trọng. Sau đó bệnh tiến triển khá nhanh chóng gây tổn thương đường thở khiến bệnh nhân chảy nước bọt, nói lắp hoặc nói khó.
Nhận diện viêm họng cấp
Dấu hiệu khác nhau giữa viêm họng cấp do vi khuẩn và virus

Chẩn đoán triệu chứng viêm họng cấp

Khám sức khỏe tổng quát

Khi có dấu hiệu khó chịu trong người, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh và chẩn đoán xác định để điều trị viêm họng cấp bởi các dấu hiệu sau:

  • Bệnh nhân có biểu hiện sốt đột ngột, đau nhức người.
  • Họng đau rát, có thể có ho khan hoặc ho có đờm.
  • Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, Amidan sưng nề, có thể có chấm mủ trắng.
  • Khám hạch ở góc hàm: hạch di động, ấn đau.
Dấu hiệu amidan sưng đỏ và có chấm trắng
Amidan sưng đỏ và có chấm mủ trắng do viêm họng cấp

Chẩn đoán bằng các xét nghiệm

Bệnh viêm họng cấp bội nhiễm được chẩn đoán bởi xét nghiệm công thức máu: Giai đoạn đầu của bệnh thì bạch cầu trong máu không tăng nhưng nếu bội nhiễm thì trong kết quả máu sẽ thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.

Trong trường hợp nghi căn nguyên do vi khuẩn, bệnh nhân cần phết dịch họng để nuôi cấy tìm chính xác vi khuẩn gây bệnh từ đó xây dựng xây dựng kháng sinh đồ điều trị hiệu quả, hạn chế trường hợp bị lờn thuốc.

Chẩn đoán viêm họng cấp bằng các xét nghiệm
Bệnh nhân cần phết dịch họng để tìm chính xác vi khuẩn gây bệnh khi bị viêm họng cấp do vi khuẩn

Những biến chứng của viêm họng cấp tính

Viêm họng cấp là bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày nếu như do virus gây bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm khiến bội nhiễm vi khuẩn, đặt biệt là liên cầu. Điều này khiến bệnh kéo dài hơn và có thể gặp các biến chứng về sau như:

  • Biến chứng tại chỗ: Amidan bị viêm hoặc sưng quanh Amidan, viêm tấy trong họng. Trẻ nhỏ 1-2 tuổi có thể bị áp xe thành sau họng, viêm tấy vùng cổ rất hiếm gặp nhưng tiên lượng sẽ rất nặng.
  • Biến chứng lân cận họng: Người bệnh có thể bị viêm các vị trí thông với họng như viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.
  • Biến chứng xa: Nếu viêm họng cấp căn nguyên do liên cầu tan huyết có thể gây biến chứng viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu. Trường hợp cá biệt có thể nhiễm trùng huyết.
Biến chứng xa viêm cơ tim của viêm họng cấp
Viêm họng cấp do liên cầu tán huyết có thể gây biến chứng xa như viêm cơ tim

Các biện pháp điều trị viêm họng cấp

Để điều trị viêm họng cấp triệt để, xác định được nguyên nhân là cách an toàn và nhanh khỏi bệnh nhất. Nguyên tắc là các bệnh nhân trên 3 tuổi đều phải được điều trị như một viêm họng cấp do liên cầu khi không có xét nghiệm xác định cụ thể loại virus hoặc vi khuẩn.

Điều trị bằng thuốc y tế

Bệnh nhân được kê kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các nhóm khác để tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Một số thuốc cụ thể như amoxicillin, cephalexin, erythromycin, clarithromycin… Điều trị bằng kháng sinh giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các di chứng của viêm họng do GAS như áp xe thành sau họng. Kháng sinh giúp các triệu chứng bệnh giảm nhanh và ngăn được khả năng lây nhiễm bệnh trong vòng 24h.

Ngoài ra các thuốc hỗ trợ giảm đau kháng viêm cũng được kê cho bệnh nhân như paracetamol, aspirin, alphachymotrypsin, prednisolon 5mg,… Đối với bệnh nhân đau họng quá có thể dùng thuốc bôi trực tiếp tại họng hoặc khí dung họng.

Những loại thuốc điều trị viêm họng cấp
4 loại thuốc dùng để điều trị viêm họng cấp

Phẫu thuật

Khi bị viêm họng cấp thể nặng hoặc đã có biến chứng cần chuyển đến chuyên khoa kịp thời. Chỉ định phẫu thuật khi thấy xuất hiện các áp xe thành sau họng hoặc các biến chứng khác gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Điều trị tại nhà

Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm họng cấp tại nhà có thể áp dụng là:

  • Súc họng bằng nước muối sinh lý: giúp giảm viêm và sưng trong vòm họng. Nên súc họng khoảng 1 phút khi họng đau rát hoặc đều đặn sáng tối. Tốt nhất là dùng nước muối sinh ký bán tại các nhà thuốc, không nên tự pha bằng muối ăn. Do tự pha có thể dung dịch Natri quá đậm đặc gây nguy cơ tổn thương niêm mạc họng và miệng.
  • Xông tinh dầu: đây là phương pháp khá hữu hiệu cho những người mắc bệnh ở đường hô hấp trên. Các loại tinh dầu có khả năng kháng viêm như bạc hà, sả, gừng, hoa cúc… sẽ giúp họng dịu và ẩm hơn, giảm triệu chứng sưng viêm, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn
  • Uống trà thảo dược: Các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà gừng, trà quế,… giúp cải thiện đau họng và ngạt mũi. Lưu ý nên uống trà ấm, không uống nóng quá gây tổn thương niêm mạc hơn. Có thể uống trà ấm vào mỗi sáng thức dậy để tinh thần thoải mái và giúp cổ họng được giảm đau.
  • Uống mật ong: mật ong pha ấm giúp giảm bớt các triệu chứng viêm họng. Dùng mật ong cho cả người lớn và trẻ em do giàu chất kháng viêm.
  • Xịt họng: có thể dùng thuốc xịt mũi họng không kê đơn có chứa phenol, giảm nhanh các triệu chứng khó chịu ngay tại nhà.
Điều trị viêm họng cấp tại nhà
Súc họng với nước muối sinh lý, uống mật ong, trà thảo dược, xông tinh dầu, xịt họng là các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm họng cấp tại nhà

Bệnh viêm họng có lây nhiễm không?

Là một bệnh lý phổ biến như vậy thì liệu nó có lây không? Và con đường lây nhiễm của chúng trong viêm họng cấp là gì? Viêm họng cấp có thể lây từ người này sang người khác. Bệnh lây lan chủ yếu bằng nước bọt, nước mũi. Khi nhiễm virus, vi khuẩn tại đường hô hấp, chúng rất dễ lây lan. Bệnh nhân ho, hắt hơi, chảy nước mũi chính là tạo điều kiện cho chúng bay vào không khí, tiếp xúc với người khác. Để tránh lây nhiễm, mọi người cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm…

Sự lây nhiễm của viêm họng cấp
Bệnh nhân hắt hơi tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn viêm họng cấp lây cho người khác

Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

  • Vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay.
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, uống sữa, bổ sung vào chế độ ăn uống các loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, B12, C, D, Folate, Canxi, Sắt, Magie.
  • Nên vệ sinh răng miệng hằng ngày, nhất là sau mỗi bữa ăn để phòng ngừa bệnh viêm họng cấp.
  • Bảo đảm vệ sinh ăn uống, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.
  • Giữ ấm vùng hầu, cổ khi thời tiết lạnh với khăn choàng cổ, khẩu trang
  • Súc nước muối sinh lý thường xuyên trước khi đi ngủ.
  • Không tắm sau khi vận động hoặc đổ nhiều mồ hôi.
  • Và nhớ kiểm tra sức khỏe thường xuyên đề cơ thể luôn khỏe mạnh.

>>> Người bị viêm họng không nên ăn gì để mau hết bệnh và những lưu ý cần biết

Phòng bệnh viêm họng cấp thế nào
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ ngừa viêm họng cấp

Khi nào cần đến bác sĩ để chẩn đoán và điều trị

Bệnh nhân nên đến khám để được xử trí khi có các biểu hiện sau:

  • Các triệu chứng toàn thân kéo dài, sau 3 ngày mà vẫn chưa thấy đỡ.
  • Khó nói hoặc khó nuốt thức ăn.
  • Bệnh nhân thấy khó thở, khó há miệng.
  • Vùng cổ có hiện tượng sưng nề.
  • Nổi ban đỏ ở người hay bất kỳ bộ phận nào.

>>> Hiểu hơn về viêm họng cấp qua video sau:

Các câu thường gặp về viêm họng cấp

Triệu chứng phân biệt viêm niêm mạc miệng và viêm họng cấp là gì?

Trong viêm niêm mạc miệng các triệu chứng để phân biệt với  bệnh viêm họng cấp là: niêm mạc miệng đỏ, có thể thấy vết trợt, loét ở bên má, lưỡi.

Viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính khác nhau như thế nào?

Viêm họng cấp tính thường chủ yếu do nguyên nhân là các virus. Còn viêm họng mạn tính thường do môi trường sống và tiền sử các bệnh ở đường hô hấp trên khác.

Viêm họng cấp tính chỉ diễn ra trong thời gian ngắn từ vài ngày đến 2 tuần. Viêm họng mạn tính kéo dài và thường hay có những đợt tái phát viêm họng cấp.

Viêm họng cấp ở trẻ em kéo dài bao lâu?

Ở trẻ em khi bị viêm họng cấp thường sẽ khỏi sau 1-2 tuần.

Viêm họng cấp ở trẻ em có nguy hiểm hơn ở người lớn không?

Viêm họng cấp ở trẻ em có thể gây biến chứng áp xe thành sau họng hoặc viêm phổi nặng, viêm gan, viêm cơ tim, viêm màng não. Đặc biệt là khi tác nhân gây bệnh viêm họng cấp là do GAS, do vậy cần cho trẻ đi khám sức khỏe sớm khi có các dấu hiệu bất thường.

Bài viết trên đã giải đáp các thắc mắc của bạn về viêm họng cấp là gì, đồng thời hướng dẫn chi tiết các cách đơn giản để chữa trị và phòng ngừa bệnh. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm là viêm họng cấp sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng và thường tự khỏi sau 3-5 ngày nếu được theo dõi, chăm sóc và điều trị đúng cách. Đặc biệt đối với trẻ em thì cần chú ý hơn, chủ động thực hiện các phương pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe dài lâu. Nếu có vấn đề gì thắc mắc cần tư vấn thêm bạn có thể liên hệ ngay cho chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+