KHÁM PHỤ KHOA ĐỊNH KỲ- MỘT VIỆC NÊN LÀM
KHÁM PHỤ KHOA ĐỊNH KỲ- MỘT VIỆC NÊN LÀM
Mỗi lần khám phụ khoa định kỳ, bệnh nhân và thầy thuốc chủ động việc phát hiện bệnh, như thế việc điều trị sẽ dễ dàng và không bị tốn kém.
Chủ quan, không quan tâm tới vùng kín là “hội chứng” thường gặp phải của phụ nữ thời hiện đại. Quan điểm của chị em là không có bệnh thì không phải đi khám, nhưng trên thực tế, nhiều phụ nữ khi khám mới phát hiện mình bị viêm nhiễm đường sinh dục, có u xơ tử cung, ung thư tử cung…
Vì vậy, không nên chủ quan cho rằng không nhất thiết phải khám phụ khoa định kỳ. Bạn phải biết rằng, mỗi lần khám phụ khoa định kỳ, bệnh nhân và thầy thuốc chủ động việc phát hiện bệnh, như thế việc điều trị sẽ dễ dàng và không bị tốn kém. Đối với những phụ nữ đã sinh đẻ, phụ nữ trên 35 tuổi và đang thời kỳ tiền mãn kinh thì việc khám phụ khoa định kỳ còn giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, u xơ tử cung, ung thư tử cung…
Chỉ khi thấy có các dấu hiệu triệu chứng điển hình thì mới đi khám bệnh, lúc đó bệnh đã tiến triển nặng, sẽ tốn kém công sức, tiền bạc mà đôi khi không mang lại hiệu quả điều trị cao vì bệnh phụ khoa dễ bị mắc lại. Khám phụ khoa định kỳ, chị em còn được bác sĩ tư vấn về sức khỏe sinh sản, về cách phòng, tránh thai an toàn, hiệu quả, cách giữ vệ sinh cá nhân, phát hiện được những rối loạn về nội tiết, tâm lý… để từ đó có phương hướng điều trị.
Kể cả không có triệu chứng gì, các bác sĩ có lời khuyên chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 lần/năm, còn đối với những người có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa thì 6 tháng/lần đi kiểm tra để chăm sóc sức khỏe, tầm soát được các bệnh phụ khoa và phát hiện sớm những dấu hiệu của các bệnh phụ khoa .
Các chỉ định siêu âm xét nghiệm cần làm đối với phụ nữ như sau:
- Siêu âm phần phụ và vú.
- Soi cổ tử cung: chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục dưới.
- Soi tươi dịch âm đạo: chẩn đoán các mầm bệnh gây viêm nhiễm đường sinh dục dưới như: vi khuẩn, nấm, trùng roi, lậu,…
- Xét nghiệm Chlamydia: tìm vi khuẩn có khả năng gây vô sinh.
- Xét nghiệm HPV (Human Papilloma Virus): tìm virus gây ung thư cổ tử cung.
- Phết tế bào âm đạo – cổ tử cung (xét nghiệm PAP-Smear): phát hiện sớm rối loạn tế bào tiền ung thư cổ tử cung, âm đạo.
- Xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 125: Marker chẩn đoán sớm và theo dõi ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 15-3: Marker chẩn đoán sớm và theo dõi ung thư vú.
- Sinh thiết cổ tử cung: chẩn đoán chính xác các bất thường ở cổ tử cung.
- Cấy dịch âm đạo: tìm vi khuẩn gây bệnh, dùng kháng sinh thích hợp.
Người viết : Bs. Trần Thị Hồng Quyên