Khiếm thính ở trẻ em

Khiếm thính ở trẻ em

THS.BS.CKII. Trương Kim Tri

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

THS.BS.CKII. Trương Kim Tri

Trưởng Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn - Khoa Tai Mũi Họng

Định nghĩa Khiếm thính ở trẻ:

  • Là em bé không nói được vì bé không nghe tiếng nói và không bắt chước được.
  • Là trẻ khiếm khuyết thính giác nặng (IV) và sâu (V) mà không phát hiện và can thiệp kịp thời dẫn đến không nói được.
  • Khiếm thính ở trẻ có thể do bất thường từ tai ngoài, tai giữa hay từ tai trong trở lên.

Lưu ý: trong bài này ta nói bệnh lý khiếm thính (điếc câm) ở trẻ, tức là điếc từ tai trong trở lên là chính.

Khiếm thính ở trẻ

Phân loại khiếm thính ở trẻ:

Trước đây:

Khiếm thính (Điếc Câm) được chia làm 2 loại: Khiếm thính (Điếc Câm) bẩm sinh và Khiếm thính (Điếc Câm) mắc phải, tương ứng với 2 nhóm nguyên nhân:

  • Khiếm thính (điếc câm) bẩm sinh: Viêm trong bào thai (do Rubella), thoái hóa thần kinh do di truyền, do cha mẹ nghiện rượu, do đồng huyết thống của cha mẹ do yếu tố Rh (-) của mẹ.
  • Khiếm thính (điếc câm) mắc phải: Viêm màng não, viêm não, viêm tai hoại tử (do cúm, sởi), chấn thương khi đẻ, đẻ non, giang mai bẩm sinh, nhiễm độc thuốc (streptomycin)

Ngày nay:

Ta thường phân thành 2 nhóm chính: nhóm nguyên nhân do di truyền và nhóm không do di truyền.

Nhóm do di truyền, lại có 2 nhóm chính là:

  • Nhóm nằm trong hội chứng
    • Trội (Dominant): HC Alport, Apert, Treacher Collin, Waardenburg
    • Lặn (Recessive): HC Jervell và Nielsen, Pendred, Usher
    • X-linked
  • Nhóm không nằm trong hội chứng
    • Điếc thể lặn autosomal
    • Điếc thể trội autosomal
  • Ngoài ra do bất thường Nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Turner

Nhóm không do di truyền lại có 3 nhóm chính là:

  • Trước sanh: Bệnh ban đào (Rubella), Cytomegalovirus, Giang mai, Bệnh Toxoplasma, Ngộ độc tai (Ks nhóm Aminosid, lợi tiểu…)
  • Trong sanh: Ngạt thiếu oxy, chấn thương sản khoa, Tăng bilirubin máu, Viêm màng não, Mẹ nhiễm trùng, Sanh non, Ngộ độc thuốc…
  • Sau sanh: Viêm màng não, Quai bị, Sởi, Nhiễm trùng và nhiễm virus, Ngộ độc thuốc…

Trường hợp khiếm thính từ trong bụng mẹ có điều trị được không?

  • Khiếm thính ở trẻ từ trong bụng mẹ hay khiếm thính ở trẻ bẩm sinh, trước sanh:
  • Loại khiếm thính này cũng có rất nhiều nguyên nhân như đã nói ở trên.
  • Có nhiều mức độ khiếm thính tương ứng.
  • Với sự tiến bộ của y học ngày nay nói chung và mảng Tai – Thính học nói riêng, tất cả các loại và mức độ khiếm thính ở trẻ đều có phương án xử lý của nó. Các cách giải quyết: phẫu thuật tai ngoài, tai giữa, máy trợ thính, cấy hỗ trợ thính giác đường xương, cấy rung tai giữa, cấy điện cực ốc tai đến cấy thính giác thân não (Auditory Brainstem Implant = ABI). Các phương pháp này đều có thể hỗ trợ thính giác rất tốt cho trẻ. Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và hòa nhập xã hội nếu được phát hiện và xử lý sớm.
  • Nhưng khiếm thính từ trong bụng mẹ hay gặp nhất là khiếm thính do tổn thương tại ốc tai. Loại khiếm thính ở trẻ này hay gặp với mức độ từ nặng đến sâu. Phương tiện hỗ trợ đầu tiên là máy trợ thính, sau 03-06 tháng mà không thấy cải thiện, bệnh nhi sẽ được cân nhắc xem xét cấy điện ốc tai. Còn những trường hợp điếc sau ốc tai thì phương pháp phẫu thuật duy nhất là cấy thính giác thân não, nhưng phương pháp này chưa được triển khai ở nước ta.

Khiếm thính ở trẻ từ trong bụng mẹ

Những thiệt thòi của trẻ bị khiếm thính:

  • Khi trẻ bị khiếm thính không nghe được, chắc chắn sẽ không nói được. Do đó, sự giao tiếp sẽ phải thực hiện qua các hình thức trao đổi khác như ngôn ngữ điệu bộ , hình môi… Ngôn ngữ và trí tuệ chắc chắn sẽ không phát triển được một cách bình thường. Và tính tình cũng vậy, cho nên tính giao lưu xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suốt cuộc sống của bệnh nhân.
  • Trẻ không nghe được nếu không phát hiện và can thiệp sớm sẽ không nói được. Dân gian hay gọi là điếc câm, thực chất bộ phận phát âm hoàn toàn bình thường.

Phát hiện và can thiệp sớm bằng cách nào?

  • Thông thường cha, mẹ thấy con không phản ứng tốt với âm thanh, môi trường xung quanh. Và thấy con ngày càng lớn mà chưa chịu nói bập bẹ như những trẻ khác. Lúc này cha, mẹ mới đưa con đi khám Tai Mũi Họng, phát hiện khiếm thính nặng. Do đó, sẽ bỏ qua những giai đoạn quí báu (thời gian vàng) để can thiệp hỗ trợ thính giác cho trẻ.
  • Dấu hiệu không nghe được, chậm nói là những dấu hiệu tốt để phát hiện trẻ khiếm thính. Nhưng không phải là yếu tố phát hiện sớm nhất trẻ khiếm thính. Ngày nay với sự phát triển và tiến bộ vượt bậc của y học, chúng ta có thể phát hiện cũng như can thiệp hỗ trợ thính giác cho trẻ nghe kém từ rất sớm. Chúng ta có thể tầm soát sớm bằng các chương trình tầm soát với các kỹ thuật đo thính giác tiên tiến phù hợp với mỗi giai đoạn lứa tuổi khác nhau. ( Hiện đang được thực hiện tại Khoa Tai – Thính học Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn).

kỹ thuật đo thính giác tiên tiến

  • Tùy mức độ nghe kém trẻ sẽ có những phương án can thiệp hỗ trợ thính giác khác nhau. Ví dụ như:
    • Máy trợ thính có thể can thiệp ở giai đoạn trước 6 tháng tuổi.
    • Cấy điện cực ốc tai với giai đoạn là thời gian vàng theo quan điểm hiện nay là từ 12-24 tháng tuổi. Kết hợp tham gia các chương trình huấn luyện ngôn ngữ, … Nhằm phục hồi thính giác kịp thời để trẻ có thể phát triển ngôn ngữ và lời nói, đúng với lứa tuổi sinh lý của mình.

Các kỹ thuật đo thính giác hiện nay đang được áp dụng tại Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn.

  • Âm ốc tai (OAE – Oto Acoustic Emission), có thể thực hiện ngay khi trẻ mới sinh, hết sức nhanh, đơn giản và kinh tế, có thể lặp lại để theo dõi rất tiện lợi.
  • Đo nhĩ lượng và Phản xạ cơ bàn đạp.
  • Đánh giá sức nghe qua test hành vi BOA (Behavioural Observation Audiometry)
  • Đo thính lực hành vi có hỗ trợ hình ảnh (Visual reinforcement audiometry).
  • Điện thính giác thân não (ABR)
  • Đáp ứng tình trạng bền vững thính giác (ASSR)

Hiệu quả điều trị:

  • Nếu trẻ phát hiện khiếm thính và được can thiệp từ sớm thì hiệu quả điều trị sẽ rất ngoạn mục. Kể cả những trường hợp trẻ điếc nặng và sâu không đáp ứng với máy trợ thính. Trẻ được chỉ định cấy điện ốc tai sớm (lưu ý giai đoạn thời gian vàng 12-24 tháng). Và tham gia đầy đủ chương trình huấn luyện ngôn ngữ. Thì bé sẽ phát triển như những đứa trẻ bình thường khác.

Lời khuyên của Bác sĩ?

Phòng bệnh để hạn chế sinh ra các em bé khiếm khuyết thính giác bằng:

  • Chống các bệnh có thể gây ra điếc gia truyền hoặc điếc trẻ em như: giang mai, nghiện rượu, dịch viêm màng não.
  • Tránh hôn nhân giữa những người bị điếc bẩm sinh, người trì độn, người có bệnh động kinh.
  • Cấm các cuộc hôn nhân giữa những người đồng huyết thống.
  • Phải theo dõi chức năng nghe khi dùng các thuốc có thể tác hại đến ốc tai như kháng sinh nhóm aminosid, quinine, salisylat natri…
  • Tránh phát hiện trễ trẻ em khiếm thính. Tham gia các chương trình tầm soát thính giác cho trẻ ngay từ khi mới sinh. Với việc sử dụng các kỹ thuật đo thính giác tiên tiến hiện nay sẽ giúp tầm soát sớm bệnh lý khiếm thính. (Hiện đang được thực hiện tại Khoa Tai – Thính học Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn).
  • Khi đã phát hiện và xác định trẻ khiếm thính gia đình cần lên kế hoạch để can thiệp phục hồi thính giác sớm nhất cho trẻ. Tạo cơ hội cho trẻ có thể phát triển như những trẻ bình thường khác.
  • Xin chia sẽ thêm với những gia đình không may có em bé bị khiếm thính mà không đáp ứng với máy trợ thính và có khả năng tài chính khó khăn. Để các bé được tiếp cận cấy điện ốc tai, và có thể tham gia cấy điện ốc tai với các chương trình, chính sách hỗ trợ trả góp rất ưu đãi (mà không cần thế chấp) từ các công ty thiết bị ốc tai điện tử. Tạo cơ hội cho trẻ có thể phát triển hòa nhập xã hội 1 cách bình thường.

Khi có thắc mắc các bệnh lý về Tai hãy liên hệ các Bác sĩ khoa Tai Thính Học Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để được tư vấn và hướng dẫn tận tình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+