Chi phí mổ viêm tai giữa? Những đối tượng nào nên phẫu thuật?
Viêm tai giữa không được điều trị và theo dõi tốt sẽ có nguy cơ gây nên các biến chứng nguy hiểm. Mổ viêm tai giữa là một phương pháp điều trị nhanh chóng, hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về chi phí mổ viêm tai giữa và các phương pháp điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích về mổ viêm tai giữa.
Vì sao tai bị chảy mủ?
Các bệnh lý đường hô hấp trên như cảm, viêm xoang, viêm amidan, viêm hạnh nhân hầu,… khi không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra chứng nhiễm trùng tai. Khi nhiễm trùng các độc tố của vi khuẩn sẽ gây ra viêm và hình thành mủ. Mủ tai chảy qua lỗ thủng của màng nhĩ và kéo dài, dai dẳng trên 6 tuần.
>>> Bệnh viêm tai giữa có mủ ở người lớn và đối tượng nên mổ viêm tai giữa.
Chảy mủ tai chính là triệu chứng điển hình của viêm tai giữa (VTG). Bệnh VTG để lâu ngày dễ tiến triển thành viêm tai xương chũm mạn tính và hình thành cholesteatoma (hòm tai có biểu mô Malpighi sừng hoá). Từ đó, các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải như: áp-xe não, viêm não, viêm màng não hoặc viêm tắc xoang tĩnh mạch bên,…
>>> Tìm hiểu thêm về biến chứng viêm tai giữa và 11 dấu hiệu viêm tai giữa nên lưu ý.
Các phương pháp phẫu thuật viêm tai giữa
Phẫu thuật xương chũm (Mastoidectomy)
Có ba phương pháp mổ viêm tai giữa tiệt căn xương chũm thường sử dụng như sau:
- Phẫu thuật xương chũm đơn thuần (Cortical Mastoidectomy): đây là phương pháp phẫu thuật bỏ đi phần ngoài của xương chũm. Giúp làm sạch các tế bào ở trong xoang chũm và mở rộng sào đạo, sào bào thượng nhĩ.
- Phẫu thuật xương chũm không hạ tường dây VII (Canal wall up mastoidectomy) hay còn gọi là phương pháp giữ nguyên thành sau ống tai: Phẫu thuật loại bỏ đi các tế bào chũm, phương pháp này tiếp cận tai giữa qua ngách mặt ( là ngách giữa cán ngắn xương đe, dây thần kinh thừng nhĩ và dây VII). Phẫu thuật giúp làm sạch các bệnh tích, đặc biệt là ở người bệnh có cholesteatoma. Phương pháp giữ nguyên thành ống sau tai giúp phòng ngừa những biến chứng tiềm tàng có thể gây nên sau phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này là có thể phục hồi chức năng nghe, không chảy tai sau PT nhưng lại có nhược điểm là nguy cơ tái phát cholesteatoma cao.
- Phẫu thuật xương chũm có hạ tường dây VII (Canal wall down Mastoidectomy) hay còn gọi là phương pháp hạ thấp thành sau ống tai: Phương pháp này giúp tái tạo sức nghe bằng cách giữ xương con và phần màng nhĩ còn lại.
Phương pháp tiệt căn xương chũm là thủ thuật phẫu thuật lấy đi chuỗi xương con, màng nhĩ và tế bào xương chũm tạo thành một khoang chung và bít tắc vòi nhĩ. Phương pháp phẫu thuật này thường áp dụng ở bệnh nhân dã hình thành cholesteatoma và lan rộng.
Ưu điểm của phương pháp mổ viêm tai giữa này là giải quyết triệt để cholesteatoma nên tỷ lệ tái phát thấp (5 – 17 %). Tuy nhiên cũng có nhiều nhược điểm liên quan đến kích thước lớn của hốc mổ, chính vì vậy mà phương pháp này không ngừng được cải biên.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được hẫu thuật xương chũm không hạ tường dây VII đối với giai đoạn đầu của bệnh viêm xương chũm cấp tính. Phẫu thuật xương chũm có hạ tường dây VII thường dành cho những bệnh nhân bị viêm tai giữa mãn tính dai dẳng hoặc cholesteatoma tái phát.
Phẫu thuật vá màng nhĩ (Myringoplasty)
Sử dụng các vật liệu tự thân như sụn vành tai, sụn bình tai hay cân cơ thái dương để vá màng nhĩ, giúp tái tạo sức nghe.
Phẫu thuật vá màng nhĩ kết hợp với chỉnh sửa xương con (Tympanoplasty)
Tương tự phẫu thuật vá màng nhĩ nhưng kết hợp thêm chỉnh sửa các xương con nếu có tổn thương.
Một số biến chứng của viêm tai giữa cần phải phẫu thuật
Viêm tai giữa có mủ ít khi tự khỏi được, một số biến chứng có thể gặp khi bệnh tình kéo dài bao gồm:
- Nhiễm trùng tai tái phát và lỗ thủng ở màng nhĩ không lành
- Mất thính lực tạm thời do xơ hóa màng nhĩ và niêm mạc ở tai giữa
- Ở trẻ em bị nhiễm trùng tai tái phát cả hai tai dễ bị chậm phát triển ngôn ngữ và chậm nói.
- Một số ít có thể có biến chứng viêm xương chũm hoặc viêm màng não gây áp xe ngoài màng cứng hoặc áp xe não.
- Dây thần kinh số VII bị tổn thương gây liệt mặt.
- Viêm tai giữa gây tổn thương đến hệ thống tiền đình, bệnh nhân có thể cảm thấy chóng mặt.
- Tổn thương chuỗi xương con dẫn đến điếc truyền âm.
Các chỉ định phẫu thuật viêm tai giữa
Đối với tình trạng viêm tai giữa chảy mủ tai
Chỉ định phẫu thuật mổ viêm tai giữa để ngăn ngừa các biến chứng, bảo tồn thính lực cho các bệnh nhân viêm tai giữa chảy mủ tai có cholesteatoma và viêm xương chũm mạn tính. Hoặc các bệnh nhân có các biến chứng thủng màng nhĩ, tái phát viêm nhiều lần và biến chứng nội sọ do viêm tai.
>>> Để biết thêm về chỉ định phẫu thuật với tình trạng viêm tai giữa chảy mủ, bạn có thể tham khảo cách chữa viêm tai giữa ứ mủ và những lưu ý khi điều trị.
Đối với tình trạng viêm tai giữa mãn tính
Chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp vá màng nhĩ đơn thuần cho những bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính có thủng màng nhĩ nhưng không có bệnh tích về xương.
Đối với tình trạng viêm tai giữa cấp tính
Chỉ định phẫu thuật khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa. Hoặc ở bệnh nhân tái phát viêm quá nhiều lần. Đặc biệt ở trẻ em bị viêm tai giữa ứ dịch kéo dài.
Các phương pháp dùng trong trường hợp này:
- Phẫu thuật nạo VA: khi có tình trạng nhiễm trùng hoặc phì đại
- Phẫu thuật đặt ống thông khí: sử dụng ống nhỏ chèn vào tai trẻ để dẫn dịch ứ và không khí từ tai giữa ra ngoài.
>>> Điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em và những điều cần biết.
>>> Tìm hiểu thêm về phẫu thuật điều trị viêm tai giữa cho bệnh nhân mất thính lực một bên tai qua tài liệu sau:
Nguồn: Surgical approaches to treating otitis media in the only hearing ear of patients with contralateral hearing loss – Int J Clin Exp Med 2015;8(6):9985-9990
Khả năng nghe có tăng lên sau khi phẫu thuật viêm tai giữa?
Trong trường hợp tai trong tổn thương ít thì một phẫu thuật vá màng nhĩ có hoặc không kèm chỉnh hình chuỗi xương con sẽ giúp bệnh nhân phục hồi thính lực đáng kể.
Sự thành công của phẫu thuật vá màng nhĩ sẽ tùy thuộc vào bệnh tích của xương chũm của bệnh nhân. Hoặc tình trạng của các cholesteatoma và tình trạng không thuận của vòi nhĩ ở tai.
Trường hợp mà bệnh tích của xương chũm đã lan rộng hoặc sự hiện diện cholesteatoma khiến màng nhĩ không thể vá được thì mục đích của phẫu thuật là làm lành nhiễm trùng tai. Đồng thời loại bỏ sạch các cholesteatoma để ngăn ngừa nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Những điều cần lưu ý về phẫu thuật
Để thuận tiện cho việc mổ viêm tai giữa và an toàn cho bệnh nhân, các lưu ý cần được thực hiện trước và sau mổ như sau:
Trước khi phẫu thuật
- Xét nghiệm tiền phẫu theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh.
- Tai trước khi mổ cần được trị liệu sao cho khô ráo.
- Đo thính lực để đánh giá tình trạng thính lực trước mổ.
- Gội đầu 1 ngày trước mổ tật sạch sẽ vì sau phẫu thuật mà để nước vào tai thì rất dễ nhiễm trùng.
Sau khi phẫu thuật
- Nghỉ ngơi và tuân thủ dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ. Tránh đi lại nhiều sau khi phẫu thuật. Đặc biệt là đi máy bay, lên xuống các nhà quá cao tầng, lên núi cao do thay đổi áp suất gây đau tai.
- Không nên che mũi và miệng khi hắt hơi do tạo áp suất đến tai gây đau tai.
- Thay băng hàng ngày, vệ sinh tai nhẹ nhàng, giữ tai luôn sạch và khô ráo.
- Nếu xuất hiện triệu chứng nhức tai, nhức đầu hoặc chóng mặt, nôn ói sau mổ viêm tai giữa cần thông báo ngay cho bác sĩ để xử lý. Có thể dùng thuốc để điều trị các triệu chứng đó. Do có thể mất thăng bằng tạm thời nên cũng hạn chế việc tham gia giao thông bằng xe đạp, xe máy.
- Sau 7 ngày phẫu thuật mới được cắt chỉ sau tai.
- Tháo băng tai sau ngày thực hiện phẫu thuật vá màng nhĩ đúng 15 ngày.
- Tái khám lại tai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
>>> Hướng dẫn cách vệ sinh khi bị viêm tai giữa ở trẻ em.
>>> Xem thêm về phẫu thuật xương chũm, một trong những phương pháp phẫu thuật viêm tai giữa qua video sau:
Các câu hỏi thắc mắc về mổ viêm tai giữa
Tại sao viêm tai giữa lại rất dễ tái phát?
Những lý do khiến viêm tai giữa dễ tái phát là:
- Không phát hiện và điều trị bệnh từ sớm, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, các triệu chứng dai dẳng hơn.
- Tự ý ra nhà thuốc mua thuốc điều trị, khi điều trị không đúng cách, bệnh sẽ càng tiến triển nặng.
- Không tuân thủ đợt điều trị, một số thường dừng uống thuốc khi thấy hết triệu chứng, khiến bệnh nhanh tái phát trở lại.
- Không tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ cũng như không tuân thủ đúng các lưu ý của bác sĩ trong phòng ngừa bệnh tái phát.
Phẫu thuật viêm tai giữa có đắt không?
Chi phí của các cuộc phẫu thuật mổ viêm tai giữa phụ thuộc vào trang thiết bị, dịch vụ của các cơ sở y tế cũng như loại phẫu thuật và tình trạng cả bệnh nhân. Do vậy, trước khi thực hiện phẫu thuật, chi phí cụ thể sẽ được bệnh viện thông báo cho bệnh nhân.
Cần nằm viện bao lâu sau khi mổ viêm tai giữa?
Thời gian nằm viện tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật. Trường hợp bệnh nhẹ chỉ mổ nội soi thì bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 giờ. Trường hợp nặng hơn cần nằm viện để theo dõi khoảng 5-7 ngày. Thời gian phục hồi sau phẫu thuật từ 2-3 tuần tùy thể trạng bệnh nhân.
Như vậy, viêm tai giữa mạn tính có chảy mủ phải chẩn đoán sớm để điều trị, theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng để giải quyết. Mổ viêm tai giữa sẽ là phương pháp hữu hiệu điều trị bệnh. Để biết thêm chi tiết về chi phí cụ thể, tư vấn về bệnh, bạn có thể đi thăm khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để được các bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa kịp thời.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/