Dấu Hiệu Amidan

Dấu hiệu viêm amidan cấp tính, mãn tính và cách điều trị hiệu quả

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm Amidan là một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất trên toàn cầu, chiếm khoảng 30,6% tổng số người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ dễ gây biến chứng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh. Do vậy, bạn hãy tìm hiểu kỹ thông tin về dấu hiệu Amidan qua bài viết sau để biết cách phòng ngừa tốt nhất cho bản thân.

Amidan là gì?

Amidan là khối mô mềm, là tổ chức lympho có kích thước lớn nhất trong cơ thể người. Mỗi người có một cặp Amidan, chúng được bao phủ bởi lớp niêm mạc màu hồng.

Amidan được chia thành 4 loại, kết hợp với nhau tạo thành vòng ở họng, bao gồm:

  • Amidan khẩu cái: có kích thước lớn nhất, hình oval, loại này dễ nhìn thấy khi há miệng to. Đây là nơi dễ quan sát biểu hiện viêm Amidan nhất.
  • Amidan lưỡi: là 1 khối nằm ở đáy lưỡi, có ít tế bào lympho.
  • Amidan vòm (VA): nằm ở phía trên cùng ở vòm họng, khối hình tam giác.
  • Amidan vòi: gồm 2 cái hai bên, loại này có ít tổ chức Lympho và ít bị tác động đến.
Tổng quan cần biết về Amidan
Cấu tạo và vị trí Amidan

Vị trí của Amidan

Amidan nằm ở vị trí hầu họng (bao quanh thành họng). Các tổ chức này nằm tập trung lại với nhau thành đám ở phía dưới niêm mạc, tạo thành một vòng bạch huyết ở họng, được gọi là Waldayer.

>>> Tìm hiểu thêm amidan nằm ở vị trí nào và một số bệnh liên quan đến amidan

Lợi ích của Amidan

Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của Amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Viêm Amidan là gì?

Quá trình viêm là phản ứng của cơ thể, hoạt động chống lại tác nhân gây tổn thương đến cơ thể chúng ta.

Viêm Amidan cũng vậy, khi có virus hoặc vi khuẩn tấn công, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng quá trình viêm. Điển hình với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại Amidan và đau cả vùng họng.

Viêm Amidan cấp tính thường khiến cho người bệnh rất khó chịu do phản ứng viêm xảy ra mãnh liệt.

biểu hiện bệnh viêm Amidan
Amidan sưng tấy khi viêm

Có những loại viêm Amidan nào?

Có 03 loại viêm Amidan thường gặp như sau:

Viêm Amidan cấp tính

Viêm Amidan cấp tính là loại viêm thường gặp nhất và chủ yếu xảy ra ở Amidan khẩu cái. Khi viêm, triệu chứng thường dữ dội, đau và sưng. Hạch bạch huyết sẽ sưng to, bên trong sẽ có một lớp phủ màu trắng hoặc hơi xám.

Viêm Amidan mãn tính

Viêm Amidan mãn tính thường sẽ là sự tái phát, lặp đi lặp lại sau đợt viêm cấp. Dấu hiệu Amidan trong trường hợp này sẽ khá dai dẳng, hạch hơi sưng. Các triệu chứng sẽ tương tự như đợt cấp nhưng sẽ tái đi tái lại và kèm theo một số triệu chứng khác.

Dấu hiệu Amidan viêm mãn tính
Viêm mãn tính khiến bệnh nhân rất khó chịu

Viêm Amidan quá phát

Viêm Amidan quá phát sẽ tiềm ẩn từ các đợt viêm Amidan mạn tính. Lúc này, các tác nhân gây bệnh ở trong trạng thái chờ thời cơ để quá phát. Giai đoạn này, triệu chứng của Amidan sẽ khiến người bệnh dễ sốt, đau, sưng vùng Amidan và kéo dài trong một khoảng thời gian. Tần suất gặp viêm Amidan quá phát thường là khoảng 4 lần trong năm.

Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Viêm Amidan có thể thấy ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là trẻ em trong độ tuổi 5 đến 15 tuổi, đặc biệt rất hiếm thấy xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Ở lứa tuổi khác, dấu hiệu Amidan thường xuất hiện ở người có tiền sử bệnh về đường hô hấp trên như: viêm xoang, viêm mũi, ho, đau họng, viêm họng,…

Nguy cơ viêm Amidan cấp tính
Trẻ em là đối tượng thường mắc Amidan

Nguy cơ mắc viêm Amidan nhiều nhất trong độ tuổi từ 5-15 tuổi là do:

  • Giai đoạn này trẻ thường dễ tiếp xúc với đồ chơi có vi khuẩn, hoặc dễ bị tác động bởi virus từ môi trường ngoài.
  • Trẻ ở tuổi này trong độ tuổi đến trường, dễ tiếp xúc gần, chơi các trò chơi đông người. Do vậy dễ bị lây từ các trẻ khác.

Nguyên nhân dẫn đến viêm Amidan là gì?

Theo TS.BS.CKII. Hoàng Lương , Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, nguyên nhân chủ yếu gây viêm Amidan là do sự tấn công của virus và vi khuẩn.

Những loại virus thường gặp nhất là adenovirus, rhinovirus, cúm, coronavirus,… Khoảng 30% số bệnh nhân được phát hiện có nguyên nhân là vi khuẩn. Liên cầu tan huyết beta nhóm A (GABHS) là tác nhân phổ biến nhất, ngoài ra có thể gặp các chủng vi khuẩn khác như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae,…

Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết thay đổi, ô nhiễm môi trường hay những người đã có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên (viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm răng,…) cũng khiến biểu hiện viêm Amidan trở nên nặng nề.

Triệu chứng của viêm Amidan biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng của Amidan bị viêm sẽ biểu hiện đầu tiên bởi cảm giác đau khi nuốt, sau đó xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Sốt cao: Thường sốt cao 39 – 40 độ C. Cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt là những biểu hiện viêm Amidan. Sốt có thể kéo dài vài ngày tùy theo thể trạng bệnh mỗi người.
  • Hôi miệng, khó nuốt: dù có vệ sinh bằng việc đánh răng và súc miệng thường xuyên thì khi viêm Amidan, miệng vẫn sẽ có mùi.
  • Nhức đầu: Thường nhức đầu vùng hai bên thái dương.
  • Nghẹt mũi: Là triệu chứng của Amidan thường xuất hiện chậm hơn so với sốt và nhức đầu.
  • Chảy dịch hốc mũi: Lúc đầu dịch nhầy, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng
  • Khám họng: Hai Amidan sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào Amidan.
  • Xét nghiệm máu: Thường bạch cầu tăng cao.
Các triệu chứng cơ bản khi bị viêm amidan
Các triệu chứng cơ bản khi bị viêm amidan

Ở trẻ em, những triệu chứng của viêm Amidan khiến các bậc phụ huynh thường nhầm lẫn với cảm cúm. Khi thấy trẻ biếng ăn, khó nuốt thức ăn và uể oải, bố mẹ cần cho trẻ khám cả họng để phát hiện sớm nếu có viêm Amidan.

>>> Tìm hiểu thêm về viêm họng, viêm amidan và viêm VA qua tài liệu sau:

Nguồn: Sore throat, tonsillitis,and adenoiditis – Med Clin North Am. 1999 Jan;83(1):75-83

Các biến chứng sau khi bị mắc viêm Amidan

Bệnh tinh hồng nhiệt

Do độc tố của liên cầu trùng gây ra, bệnh nhân nổi ban, nổi hạch, đau họng, nhức đầu, ói mửa, sốt cao, Amidan sưng to, họng đỏ, lưỡi đỏ, nhịp tim nhanh. Amidan có giả mạc. Bệnh này dẫn đến biến chứng viêm tai giữa hoại tử các xương con.

Biến chứng tinh hồng nhiệt
Nổi ban đỏ trong tinh hồng nhiệt

Viêm khớp cấp

Dấu hiệu Amidan có thể khiến bệnh nhân bị các triệu chứng sưng, nóng, đỏ đau các khớp cổ tay, đầu gối, các ngón tay, ngón chân, người mệt mỏi, uể oải. Sau biến chứng viêm khớp thường dẫn đến bệnh lý màng tim.

Viêm cầu thận

Tần suất bệnh viêm cầu thận sau viêm Amidan khoảng 24%, và chuyển thành viêm thận cấp sau đó. Bệnh nhân có hiện tượng phù chân, phù mặt nhất là khi ngủ dậy.

Hầu hết các trường hợp viêm cầu thận do nhiễm liên cầu tan huyết beta nhóm A, đáng chú ý là loại 12 (gây viêm họng), ước tính từ 5 đến 10% bệnh nhân viêm họng do Streptococcus. Thời gian ủ bệnh điển hình từ 6 đến 21 ngày từ khi nhiễm khuẩn đến khi khởi phát viêm cầu thận.

Áp xe quanh Amidan

Trường hợp viêm Amidan nhiều lần thường dẫn đến áp xe quanh Amidan. Bệnh nhân đau họng, khó nuốt, sưng họng nói không ra tiếng, đau đầu, sốt cao, hơi thở hôi, chảy nước dãi, do không nuốt được.

Khám họng phát hiện khẩu cái mềm bên áp xe bị đẩy ra trước, sờ mềm. Khi rạch dẫn lưu nhiều mủ đặc rất thối trong ổ áp xe.

Biến chứng tại chỗ

Triệu chứng của Amidan bị viêm không chỉ khiến người bệnh khó chịu khi quá trình viêm đang hoạt động mà nó gây ra biến chứng tại Amidan nặng nề hơn.

  • Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở hơn, đặc biệt khi ngủ.
  • Tình trạng nhiễm trùng sẽ lan sang các mô tế bào quanh Amidan.
  • Xuất hiện viêm Amidan hốc mủ, có nhiều lớp trắng đục như mủ, hình thái như bã đậu bám tại thành họng và lưỡi.

>>> Viêm amidan có thể gây biến chứng viêm amidan mủ, đọc ngay bài viết sau để biết thêm chi tiết: Amidan có mủ, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị an toàn

dấu hiệu Amidan hốc mủ
Biến chứng viêm Amidan hốc mủ

Biến chứng kế cận

Viêm Amidan có thể gây biến chứng đến một số bộ phận xung quanh nó như tai, mũi và phế quản. Người bệnh có nguy cơ sẽ mắc thêm các bệnh như viêm xoang, ngạt mũi, viêm tai giữa, viêm xuống thanh khí phế quản.

Biến chứng toàn thân

Trong trường hợp căn nguyên gây biểu hiện viêm Amidan là vi khuẩn. Đặc biệt là liên cầu tan huyết beta nhóm A mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng căn nguyên có thể dẫn đến thấp khớp hoặc viêm cầu thận.

Chẩn đoán viêm Amidan chính xác

Việc chẩn đoán chính xác bệnh viêm Amidan là rất cần thiết để chữa trị kịp thời, và quan trọng hơn là tìm được đúng căn nguyên gây bệnh để có phương pháp điều trị trúng đích, hiệu quả và an toàn.

amidan khỏe mạnh và amidan nhiễm khuẩn
So sánh giữa amidan khỏe mạnh và khi amidan nhiễm khuẩn

Có hai phương pháp chẩn đoán dấu hiệu Amidan như sau:

Phương pháp khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ đánh giá lâm sàng bệnh nhân bằng cách hỏi bệnh và khám trực tiếp tại vị trí sưng.

Bệnh nhân sẽ cung cấp thông tin về tiền sử bệnh, các triệu chứng mình đang gặp phải, tính chất và biểu hiện của chúng ra sao. Bác sĩ sẽ khám tại cổ họng bệnh nhân, nhìn trực tiếp trạng thái viêm. Từ đó đánh giá và chẩn đoán bệnh.

Phương pháp xét nghiệm

Mặc dù biểu hiện viêm Amidan rất dễ nhận biết trên lâm sàng nhưng nguyên nhân của nó lại khó xác định được chính xác khi chỉ nhìn vào. Do vậy, phương pháp xét nghiệm là rất cần thiết để xác định tác nhân gây bệnh.

Bệnh nhân sẽ được lấy dịch cổ họng để nuôi cấy hoặc xét nghiệm kháng nguyên.

Điều trị viêm Amidan hiệu quả nhất

Điều trị bằng thuốc (nội khoa)

Bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc điều trị triệu chứng và kháng sinh nếu nguyên nhân là vi khuẩn.

Các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng dùng cho viêm Amidan thường là giảm đau, chống sưng phù nề, bù nước. Bệnh nhân cần vệ sinh miệng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý.

Kháng sinh có thể được kê ngay từ đầu theo kinh nghiệm hoặc khi có kết quả xác định từ xét nghiệm. Khi sử dụng thuốc kháng sinh, bệnh nhân phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, uống đủ liều, đúng giờ.

Điều trị bằng phương pháp dân gian

Một số phương pháp dân gian giúp giảm nhẹ triệu chứng của Amidan:

Súc miệng bằng nước muối

Cách thực hiện: Ngửa đầu về sau, mặt hướng lên trên, khò nước muối nhẹ nhàng để chúng tiếp xúc với cổ họng và phần Amidan.

Cách dùng: Thường xuyên nhiều lần trong ngày.

Ngậm nước gừng, mật ong

gừng mật ong chữa viêm Amidan
Giảm triệu chứng của Amidan bằng gừng mật ong

Cách thực hiện: Dùng gừng tươi, làm sạch vỏ. Sau đó thái lát hoặc giã nát cho vào lọ thủy tinh sạch. Cho tiếp mật ong vào ngâm và đậy nắp lại.

Cách dùng: Dùng hàng ngày, ngậm nước gừng mật ong cho đến khi thấy triệu chứng viêm không còn nữa.

Súc miệng bằng nước ép hành củ

Cách thực hiện: Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm một ly nước ấm và 1 củ hành đã rửa sạch. Ép nước hành và cho nước ép này vào ly nước ấm và khuấy đều.

Cách dùng: Dùng nước ép hành pha ấm súc miệng 2-3 lần mỗi ngày.

Phẫu thuật

Viêm Amidan nên được phẫu thuật trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân viêm Amidan mạn tính, một năm tái phát nhiều lần, khoảng 5-6 lần.
  • Viêm Amidan đã gây ra biến chứng viêm xoang, viêm mũi, viêm khớp, hay viêm cầu thận …
  • Triệu chứng của Amidan bị viêm quá phát, khiến bệnh nhân khó thở, không nói được.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay rất tiên tiến và nhanh chóng, đây cũng là phương pháp điều trị rất hiệu quả, nhanh chóng giảm triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

Nên thực hiện cắt Amidan hay không?

Khi nào nên cắt Amidan

  • Một năm Amidan viêm trên 4 lần.
  • Áp xe quanh Amidan hay áp xe Amidan dù một lần cũng nên cắt Amidan.
  • Gây biến chứng viêm khớp, có biến chứng tim, viêm thận dù ít hơn 4 lần cũng nên cắt Amidan.
  • Ngưng thở khi ngủ nên cắt Amidan và chỉnh hình màn hầu.
  • Amidan quá phát gây khó thở nên cắt một bên Amidan, trường hợp trẻ bị ói thường xuyên khi ăn cũng nên cắt Amidan.
  • Viêm tai giữa tái đi tái lại cũng nên cắt Amidan.
  • Ngoài ra, còn có những chỉ định cắt Amidan tuyệt đối như trong trường hợp nghi bị ung thư, hoặc những chỉ định rất nhỏ như hôi miệng do Amidan có nhiều ngách lắng đọng lại thức ăn, sỏi Amidan, nấm Amidan…

>>> Để biết khi nào nên cắt amidan cũng như những đối tượng có thể cắt amidan qua bài viết: Bị amidan có nên cắt không? Khi nào cắt đi bộ phận này

dấu hiệu Amidan nên cắt
Điều trị bằng phẫu thuật cắt Amidan

4 phương pháp chính để thực hiện cắt Amidan

  • Phương pháp bóc tách dùng dao, kéo và thòng lọng: ưu điểm là vết mổ lành đẹp, nhưng chảy máu nhiều. Phương pháp cắt Amidan bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực: nhanh nhưng thường gây bỏng sâu, hố mổ xấu.
  • Phương pháp cắt Amidan bằng Sluder thường hay Sluder điện: nhanh nhưng cần bác sĩ kinh nghiệm, phương pháp này hiện nay ít dùng, vết mổ xấu.
  • Phương pháp cắt Amidan bằng sóng Radio cao tần (máy Coblator): phương pháp này không mất máu, ít tổn thương mô xung quanh, thời gian mổ ngắn, mau lành, nhưng giá thành đầu cắt cao.
  • Cắt Amidan bằng Coblator được xem là phương pháp ưu việt nhất hiện nay vì ít gây bỏng nhất và ít tổn thương mô xung quanh. Đặc biệt, sau khi cắt Amidan, trẻ có thể nói chuyện, ăn uống bình thường được ngay. Cần có chế độ ăn uống đặc biệt: ăn mềm, nguội, đủ dinh dưỡng, kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Không khạc nhổ sau cắt bởi có thể bong giải mạc đột ngột gây chảy máu.

Thời gian thực hiện một ca phẫu thuật Amidan bằng phương pháp Coblator chỉ mất 10 phút. Do được gây mê nên khi cắt xong, các bé rất thoải mái, không có cảm giác sợ hãi, không bị stress.

Thông thường, sau khi làm hết các xét nghiệm rà soát các dấu hiệu Amidan, bác sĩ sẽ hẹn người bệnh đến nhập viện, sáng hôm sau bệnh nhân sẽ được mổ. Phẫu thuật thường được tiến hành vào buổi sáng.

Tại bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn có thể xét nghiệm buổi sáng và phẫu thuật trong ngày. Nhưng tốt nhất nên xét nghiệm trước 1 ngày, hôm sau sẽ mổ sớm.

Đối tượng không nên thực hiện cắt Amidan

Để đảm bảo an toàn, các bệnh nhân sẽ được sàng lọc trước về tiền sử và tình trạng bệnh. Các bệnh nhân có dấu hiệu sau đây sẽ không được chỉ định cắt Amidan:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính và hiện giờ điều trị chưa được ổn định.
  • Bệnh nhân mắc rối loạn đông máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh máu khó đông (Hemophilia), suy tủy,…
  • Bệnh nhân đang mắc bệnh có nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân.
  • Phụ nữ có thai
  • Bệnh nhân nữ đang hành kinh…

Phương án phòng ngừa viêm Amidan

Đối với nhóm trẻ em

Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn. Để phòng ngừa viêm Amidan ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điểm sau:

  • Hướng dẫn và nhắc nhở trẻ chăm sóc răng miệng, họng sạch sẽ. Nên sử dụng nước muối sinh lý để súc họng hàng ngày.
  • Giữ gìn vệ sinh các đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Vệ sinh các đồ chơi định kỳ.
  • Giữ ấm vùng họng trong mùa đông bằng mặc đồ ấm, quàng khăn, uống nước ấm.
  • Chế độ dinh dưỡng: cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua thức ăn, các loại thực phẩm bổ sung, hoa quả,… để trẻ tăng cường sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh.
  • Nhắc nhở trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
  • Nên đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Ngừa viêm Amidan ở trẻ em
Khám sức khỏe thường xuyên cho trẻ

Đối với nhóm người lớn

Biểu hiện viêm Amidan rất thường gặp trong điều kiện thời tiết thay đổi, đặc biệt là những người đã có tiền sử ác bệnh lý trên đường hô hấp. Do vậy, để chủ động phòng ngừa viêm Amidan cho bản thân và các thành viên trong gia đình, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Đối với người có tính chất công việc nặng sức, cần bổ sung nhiều hơn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng hai lần sáng và tối. Súc miệng bằng nước muối.
  • Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, rượu bia, thuốc lá,… tránh tình trạng tổn thương vùng họng. Nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
  • Giữ gìn vệ sinh không gian sống, thường xuyên lau dọn nội thất, nhà cửa.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, duy trì sức khỏe thể chất.
  • Hạn chế nói lớn tiếng và cố gắng nói ít hơn bình thường.

>> Xem thêm về dấu hiệu amidan qua video sau:

Một số câu hỏi liên quan đến dấu viêm Amidan thường gặp

Dấu hiệu viêm Amidan có nguy hiểm không?

Viêm Amidan là trình trạng bệnh thường gặp và đã có phương pháp điều trị dứt điểm.

Bệnh chỉ gây nguy hiểm khi không được phát hiện và điều trị đúng cách. Do vậy, cần chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của Amidan để được thăm khám và chữa trị kịp thời tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín.

Trẻ nhỏ có nên cắt Amidan không?

Khi phát hiện viêm Amidan, bất kể ở lứa tuổi nào cũng cần được điều trị sớm. Trẻ em cũng vậy, khi được đánh giá dấu hiệu Amidan, tình trạng bệnh mà được bác sĩ chỉ định thì nên cắt sớm. Càng để lâu, tình trạng viêm Amidan sẽ khiến trẻ càng biếng ăn, chậm lớn và ảnh hưởng đến khả năng vui chơi, học tập của trẻ.

Viêm Amidan cấp tính có lây sang người khác không?

Khả năng lây virus và vi khuẩn từ người đang viêm Amidan cấp tính là rất lớn. Lúc này, lượng virus và khi khuẩn đang hoạt động mạnh, thêm vào đó là Amidan nằm ở vị trí cổ họng. Khi hắt hơi, ho hay kể cả nói chuyện cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn bay vào không khí. Khi tiếp xúc gần trong trường hợp như vậy sẽ dễ lây bệnh.

Do vậy, người bệnh cần đeo khẩu trang, thường xuyên súc miệng và rửa tay sạch, đồng thời nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng để mau khỏi bệnh.

Viêm amidan là một bệnh lý thường gặp nhất mà ai cũng đều có khả năng mắc phải. Tuy nhiên thay vì lo lắng khi phát hiện các dấu hiệu amidan, bạn có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với nghỉ ngơi hoặc có thể phẫu thuật khi có chỉ định từ bác sĩ. Hãy tự lên lịch đi khám định kỳ thường xuyên để theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân mỗi ngày bạn nhé.

Khi cần tư vấn và hướng dẫn y tế về rối loạn giọng nói, bạn có thể tìm đến các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng tại Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để được khám chữa bệnh tận tình, nhanh chóng.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+