Sữa mẹ – nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia khuyến khích các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất và phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sữa non (5 ngày đầu sau sinh). Cho con bú là cơ sở để nảy nở tình mẫu tử thiêng liêng, tạo ra sự âu yếm, quấn quít mẹ con. Đây cũng là một phương pháp tránh thai trong những tháng đầu sau sanh.
Bắt đầu cho con bú khi nào?
- Cho con bú càng sớm càng tốt. Người mẹ có thể cho con bú ngay sau sanh. Nếu tình trạng sức khỏe của người mẹ hoặc trẻ chưa thật tốt thì có thể cho con bú chậm hơn.
- Việc cho con bú sớm sẽ giúp cho trẻ được sử dụng sữa non, là thứ sữa rất phù hợp với sinh lý của trẻ.
- Ngoài ra, động tác bú sẽ kích thích tuyến vú chế tiết sữa nhanh và nhiều.
- Cho con bú sớm cũng là thời điểm người mẹ tiếp xúc với con hết sức thuận lợi về mặt tâm lý.
- Cho bú sớm còn giúp tử cung co tốt, hạn chế việc băng huyết.
Tần suất cho con bú?
- Chính đứa trẻ sẽ điều chỉnh số lần cho bú trong một ngày. Trong những ngày đầu, số lần cho bú nhiều hơn từ 7 đến 9 lần. Lưu ý: cho trẻ bú cả hai vú, mỗi lần cho con bú không nên quá 15 phút. Các lần cho bú thường cách nhau từ 2 đến 3 giờ, tuy nhiên tốt nhất là cho trẻ bú mỗi khi bé đói và đòi bú.
- Sau vài ngày chào đời, chính cảm giác đói của bé sẽ tự điều hòa số lần bú và khoảng cách các lần bú. Người ta thường tránh cho trẻ bú đêm để tạo điều kiện cho người mẹ được nghỉ ngơi. Để kiểm tra xem trẻ bú có đủ hay không người ta sẽ kiểm tra cân nặng của trẻ, nếu cân nặng của trẻ tăng lên đều đặn hàng ngày, đây là bằng chứng cho thấy trẻ đã được nuôi dưỡng tốt, bú đầy đủ.
Một số quy tắc áp dụng cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ:
- Vệ sinh tại chỗ: hàng ngày phải rửa vú bằng xà phòng, rửa tay trước khi cho bú, rửa sạch đầu vú bằng nước sôi để nguội trước và sau khi cho con bú. Cần vắt bỏ vài giọt sữa trước khi cho bú. Sau khi cho con bú, các đầu vú cần được bảo vệ, được che bằng miếng vải xô khô, sạch. Không nên dùng các áo nịt vú bằng nilon, sợi tổng hợp.
>> Ngoài việc vệ sinh đúng cách, mẹ cho con bú có nên sử dụng mỹ phẩm cũng là điều mà nhiều người thắc mắc, và bài viết này cung cấp thêm thông tin cần thiết cho mẹ sau sinh.
- Tư thế cho con bú: người mẹ có thể cho con bú ở tư thế ngồi hay tư thế nằm. khi cho con bú phải cho trẻ ngậm kín quầng vú.
- Chế độ ăn cho người mẹ: nhu cầu năng lượng tăng 25% so với lúc bình thường, khoảng 500 calo. Lưu ý các bà mẹ cần uống nhiều nước, ăn thêm protein (thịt, cá, trứng, sữa, …). Bên cạnh đó nên cho bà mẹ sử dụng thêm canxi và sắt. Bà mẹ nên ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá, ….
Những trường hợp không được cho con bú:
Không có nhiều chống chỉ định cho con bú. Trong một số bệnh lý, người bệnh không được cho con bú như bị bệnh tim, lao đang tiến triển, bị nhiễm HIV, bị bệnh tâm thần không có khả năng chăm sóc con.
Những lợi ích sức khỏe quan trọng của sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chất đầy đủ và cân bằng cho sự phát triển bình thường của bé. Thêm vào đó sữa mẹ còn hỗ trợ cho sự phát triển của hệ miễn dịch của bé, cung cấp các các yếu tốt miễn dịch, giúp bé phát triển một cách khỏe mạnh. Không những thế sữa mẹ chứa hơn 100 dưỡng chất không có trong các loại sữa khác như sữa bò. Những chất dinh dưỡng này không thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm.
>> Một trong những mốc phát triển quan trọng mà mẹ cần chú ý là mấy tháng trẻ biết bò, mẹ có thể tham khảo chi tiết thêm
Thành phần trong sữa mẹ luôn thay đổi liên tục để đáp ứng cho nhu cầu không ngừng biến đổi của trẻ: sáng khác chiều, lúc mới bú khác lúc dừng bú, tháng đầu tiên khác tháng thứ bảy, trẻ sinh non khác trẻ sinh muộn. Những dưỡng chất trong sữa mẹ rất phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ của bé.
Phát triển hệ miễn dịch của bé
- Sữa mẹ có yếu tố “bifidogenic” bao gồm: vi khuẩn có lợi, đường oligosaccharide, hàm lượng đạm whey cao và đường lactose… cùng với hệ vi khuẩn khỏe mạnh trong đường ruột của bé là những yếu tố giúp phát triển một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Các yếu tố miễn dịch khác nhau có trong sữa mẹ, trong đó có các kháng thể có thể bảo vệ trẻ nhỏ chống lại các vi khuẩn trên diện rộng.
Sữa mẹ dễ hấp thụ hơn
- Sữa mẹ được tạo để phù hợp với hệ tiêu hóa nhạy cảm và đang phát triển của trẻ. Protein (hầu hết là lactalbumin) và chất béo trong sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thụ hơn protein (chủ yếu chứa caseinogen) và chất béo trong sữa bò.
- Trẻ sơ sinh cũng dễ dàng hấp thụ các vi chất dinh dưỡng quan trọng trong sữa mẹ hơn so với sữa bò bởi các chất dinh dưỡng trong sữa bò được tạo ra dành riêng cho bê chứ không phải bé. Vậy nên trẻ bú sữa mẹ ít có khả năng bị đầy hơi và nôn mửa hơn.
Bảo vệ sức khỏe lâu dài
- Tại các nước đang phát triển, nuôi con bằng sữa mẹ có thể là một vấn đề sống còn, nhưng tại các quốc gia giàu có hơn, trẻ được bú sữa mẹ cũng khỏe mạnh hơn so với những trẻ không bú mẹ.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai cấp tính, và nhiễm trùng nặng đường hô hấp dưới.
- Giảm nguy cơ hen suyễn và chàm dị ứng ở trẻ nhỏ có tiền sử gia đình mắc dị ứng.
- Giảm nguy cơ thừa cân và / hoặc béo phì ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
- Giảm nguy cơ của bệnh tiểu đường.
- Phát triển nhận thức tốt. Sữa mẹ giúp phát triển trí não của bé. Sữa mẹ phần nào sẽ giúp tăng trí thông minh cho trẻ, ít nhất là đến khi bé được 15 tuổi hoặc có thể kéo dài tới giai đoạn bé trưởng thành. Có được điều này là nhờ lượng axit béo giúp phát triển não (DHA) trong sữa và sự tương tác giữa mẹ và bé khi bé được bú sữa mẹ.
“Hãy cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của con”
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|