Tiểu máu (HEMATURIA)
Tiểu máu (Hematuria)
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ SÀI GÒN
1. Thế nào gọi là bệnh “Tiểu máu”?
- Tiểu máu có nghĩa là có máu trong nước tiểu, nhìn bằng mắt thường nước tiểu có màu hồng, màu đỏ hoặc màu cola, là kết quả của sự hiện diện tế bào máu (hồng cầu) trong nước tiểu.
- Bình thường nước tiểu có màu ánh vàng hoặc trong, có 2 loại tiểu máu thường gặp:
- Tiểu máu mà có thể nhìn thấy nước tiểu có màu hồng, màu đỏ hoặc màu cola, y học gọi là tiểu máu đại thể.
- Tiểu máu chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi điện tử hoặc xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu, y học gọi là tiểu máu vi thể.
2. Các nguyên nhân gây bệnh “Tiểu máu”
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiểu máu sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Nhiễm trùng đường tiểu: phổ biến là ở nữ giới hơn nam giới do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường niệu đạo và sinh sôi nhân lên gấp bội ở bàng quang hoặc sau quan hệ tình dục. Các triệu chứng là tiểu nhiều lần, đau buốt khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi.
- Nhiễm trùng thận: thường là viêm bể thận do vi khuẩn xâm nhập từ đường máu hoặc di truyền từ bàng quang qua niệu quản lên thận. Biểu hiện thường là sốt, đau vùng hố thận, rối loạn đi tiểu.
- Sỏi đường tiết niệu: thường là sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Triệu chứng điển hình là đau, có khi đau dữ dội (sỏi niệu quản do sỏi rớt từ thận xuống), tiểu máu đại thể và vi thể kèm theo nhiễm trùng thường gặp ở lứa tuổi 35 – 40.
- U xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến: thường gặp ở nam giới, người già, tuổi > 50, biểu hiện tiểu khó, tiểu mắc rặn, tiểu nhiều lần, có thể tiểu máu đại thể hoặc vi thể.
- Các bệnh lý thận: thường là bệnh lý viêm cầu thận cấp và mãn, thận đa nang, huyết khối động mạch-tĩnh mạch thận, bệnh viêm mạch thận (vasculitis) hoặc bệnh hệ thống (lupus ban đỏ) Bệnh lý thận do đái tháo đường. Triệu chứng đái ra máu là phổ biến trên đa số bệnh nhân.
- Ung thư: thường là chảy máu ồ ạt lượng nhiều, nước tiểu màu đỏ, có máu cục hoặc dày máu, thường không có triệu chứng đau ở giai đoạn đầu, có thể gặp ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến.
- Bệnh di truyền và một số bệnh về máu: thường gặp trong bệnh thiếu máu tế bào hình liềm, hội chứng Alport, bệnh bạch cầu cấp và mãn, xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn, bệnh Hemophilia. Ngoài tiểu ra máu người bệnh còn xuất huyết ở nhiều nơi: dưới da, chảy máu răng – lợi..v..v
- Do chấn thương: Thường gặp trong chấn thương thận, bàng quang, niệu quản trong các tai nạn giao thông (đa chấn thương) hoặc tai nạn nghề nghiệp –lao động.
- Tiểu máu do sử dụng 1 số thuốc tây dược như Aspirine, Heparine, Penicilin, thuốc điều trị ung thư Cyclophosphamide, thuốc nam dược như cây đại hoàng, lá cây muồng vv…có thể làm cho nước tiểu đổi màu.
- Tiểu máu do tập thể dục quá sức như chạy bộ dài – xa thường gặp ở những vận động viên điền kinh, tập aerobic.
3. Các xét nghiệm cần làm để đánh giá đúng tình trạng của bệnh
Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu và đo cặn Addis thường được thực hiện ngay khi có tiểu máu đại thể hay khám sức khỏe định kỳ. Kết quả thu được gợi ý cho ta hướng tới nguyên nhân của tiểu máu. Ví dụ nước tiểu có Proteine và trụ hồng cầu hướng đến bệnh lý ở thận, nước tiểu có bạch cầu, hồng cầu, có trụ bạch cầu hướng đến bệnh lý nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu để tầm soát nhiễm trùng, bệnh về máu, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ), bệnh tiểu đường, bệnh thận hư, nhiễm mỡ..vv.. và đánh giá chức năng thận còn tốt hay không.
- Siêu âm bụng: Thường là xét nghiệm thường qui, dễ làm để phát hiện sỏi hệ niệu (thận, niệu quản, bàng quang), khối u ở thận, bàng quang hay có sự tắc nghẽn mạch máu thận hay không.
- Soi bàng quang: có thể xác định hầu hết các nguyên nhân ở đường tiểu dưới từ niệu đạo (có viêm nhiễm, xuất huyết hay không) đặc biệt là bàng quang (có khối u, chảy máu, hay ung thư) và phát hiện ung thư tiền liệt tuyến.
- Chụp UIV, chụp thận ngược dòng: thường để phát hiện sự tắc nghẽn, các bệnh lý thận mãn, sỏi thận, lao thận và khối u.
- Chụp CT (cắt lớp), chụp cộng hưởng từ (MRI): sẽ cho kết quả chi tiết hơn phương pháp chụp UIV trong bệnh lý u thận, bệnh lý mạch máu thận.
4. Muốn điều trị có kết quả cần lưu ý điểm gì?
Điều trị tiểu máu quan trọng là điều trị theo nguyên nhân và muốn có kết quả tốt cần khám Bác sĩác sĩ chuyên khoa.
Điều trị tại nhà
- Nếu biết là có sỏi đường tiết niệu, bạn cố gắng uống nhiều nước để tăng sự đào thải, làm mòn sỏi và tống ra ngoài qua tiểu tiện, phòng ngừa tạo lập sỏi tái phát có thể bạn cũng cần uống thêm thuốc giảm đau.- Nếu bạn biết chắc là nhiễm trùng thì dùng kháng sinh thích hợp từ 3 – 14 ngày tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng.
- Nếu điều trị thuốc tây dược, đông dược: ngưng ngay các thuốc đang dùng.
- Nếu do tập thể dục quá sức: cần phải nghỉ ngơi hợp lý.
- Nếu do ăn một số thực phẩm làm nước tiểu có màu cần ngưng ngay các loại thực phẩm ấy trong 1 – 2 ngày. màu nước tiểu sẽ trở lại bình thường.
5. Hiệu quả điều trị bệnh lý đường tiết niệu
Điều trị tại bệnh viện:
Vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiểu máu, có những nguyên nhân không cần điều trị cũng tự khỏi như đã nêu ở phần trên. Các nguyên nhân khác như: sỏi thận, niệu quản, bàng quang, các bệnh ung thư đường tiết niệu phải được điều trị chuyên khoa Nội – Ngoại tiết niệu để được áp dụng các phương pháp trị liệu thích hợp, hiện đại, kỹ thuận cao như tán sỏi ngoài cơ thể, qua nội soi gắp sỏi, phẩu thuật, hóa xạ trị sau phẩu thuật mới có kết quả tốt, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|