dau hieu nhan biet tre bi viem phoi cach cham soc tai nha

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi & cách chăm sóc tại nhà

Trẻ bị viêm phổi là nỗi lo của hàng triệu bậc phụ huynh. Làm thế nào để biết cách chăm sóc trẻ tại nhà, tránh biến chứng là điều mà nhiều cha mẹ luôn trăn trở. Vậy thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhận diện chúng và biết cách bảo vệ sức khỏe con yêu của bạn nhé!

Bệnh viêm phổi ở trẻ là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi, xảy ra khi các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi bị viêm, chứa đầy dịch hoặc mủ, gây khó khăn cho quá trình trao đổi oxy.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ khoảng 700.000 trẻ mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu là do điều kiện sống kém và thiếu sự can thiệp y tế kịp thời. Việt Nam mỗi năm có khoảng 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện vì các bệnh lý liên quan đến hô hấp (ho khan), trong đó trẻ nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ 20%. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, sinh non hay suy dinh dưỡng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, vi khuẩn cũng là những yếu tố nguy cơ hàng đầu, khiến trẻ dễ bị tổn thương đường hô hấp.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Bệnh viêm phổi ở trẻ có nguy hiểm không?

Trẻ em bị viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Do đó, nhận biết kịp thời dấu hiệu trẻ bị viêm phổi là vô cùng quan trọng, giúp giảm thiểu rủi ro cho tính mạng của trẻ.

Triệu chứng khi trẻ bị viêm phổi

Việc phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu là chìa khóa để giảm thiểu nguy cơ xấu. Triệu chứng căn bệnh này có thể chia thành hai giai đoạn:

Triệu chứng trẻ bị viêm phổi giai đoạn sớm

Ở giai đoạn này, trẻ thường biểu hiện các biểu hiện giống cảm cúm thông thường, khiến nhiều phụ huynh dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, một số triệu chứng đặc trưng bao gồm:

  • Sốt cao liên tục: Thường từ 38,5°C trở lên, không đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt.
  • Ho kéo dài: Ho sâu, nhịp thở dồn dập, kéo dài hơn 3 ngày. Một số trẻ xuất hiện ho khan, trong khi trẻ lớn hơn có thể ho có đờm.
  • Khó thở nhẹ: Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở trên 60 lần/phút, trẻ 2-12 tháng thở trên 50 lần/phút, trẻ 1-5 tuổi thở trên 40 lần/phút đều được coi là thở nhanh. Đây là biểu hiện sớm của khó thở do phổi tổn thương.
  • Chán ăn, mệt mỏi: Trẻ kém chơi, ngủ nhiều, da tái nhợt, bú kém và xảy ra tiêu chảy. Lúc này, cơ thể đang tập trung năng lượng chống lại khuẩn xâm nhập.

Một số trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể biểu hiện kém rõ ràng hơn, chẳng hạn như chỉ quấy khóc nhiều hoặc ngủ không yên. Trong giai đoạn này, nếu được phát hiện kịp thời, trẻ có thể được phục hồi nhanh chóng mà không gặp phải các biến chứng nặng, tử vong.

Triệu chứng trẻ bị viêm phổi giai đoạn nặng

Khi viêm phế quản phổi chuyển sang giai đoạn nặng, các triệu chứng của trẻ sẽ trở nên rõ rệt và nghiêm trọng hơn.

  • Thở rút lõm lồng ngực: Dấu hiệu này rất đặc trưng. Khi trẻ thở, phần da ở dưới xương ức hoặc giữa các xương sườn bị lõm sâu, có tình trạng đau ngực. Tình trạng này thường xảy ra do phổi không còn khả năng duy trì áp suất bình thường.
  • Sốt cao kéo dài: Nhiệt độ của trẻ có thể không giảm, kéo dài từ 2-3 ngày.
  • Môi, da tái xanh: Đây là biểu hiện của việc thiếu oxy trong cơ thể, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
  • Thở gấp hoặc nông: Trẻ có thể thở nhanh, nông và không đều, kèm theo việc thở ra có tiếng rít.
  • Ho dữ dội: Ho kèm theo đờm có màu vàng, xanh, hoặc lẫn máu.
  • Ngừng thở thoáng qua: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể ngừng thở ngắn.
  • Lú lẫn hoặc mệt mỏi cực độ: Trẻ có thể lơ đãng, tiêu chảy nặng, không phản ứng nhanh nhạy như bình thường.

Các nguyên nhân trẻ bị viêm phổi

Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Do virus: Virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ở trẻ dưới 2 tuổi, chiếm khoảng 60% các trường hợp tại các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh RSV, các loại khác như cúm, adenovirus, rhinovirus cũng có thể gây bệnh. Nhiễm virus thường ít nghiêm trọng và dễ điều trị, tuy nhiên, nếu không được chăm sóc kịp thời, bệnh có thể chuyển biến nặng.
  • Do vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus là nguyên nhân chính gây bệnh do vi khuẩn. Đây là dạng viêm phổi nghiêm trọng hơn, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp. Điều trị bằng kháng sinh là cần thiết, nếu không kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu hoặc viêm màng não.
  • Do nấm: Mặc dù hiếm gặp, nguyên nhân do nấm vẫn có thể xảy ra, đặc biệt ở trẻ có sức đề kháng yếu, chẳng hạn như trẻ bị ung thư, HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Các loại nấm như Aspergillus và Candida có thể gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
  • Hệ miễn dịch yếu: Thường là trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và những trẻ suy dinh dưỡng, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và virus. Thiếu hụt các vi chất như vitamin A, D hoặc sắt cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim bẩm sinh, hoặc HIV cũng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.
  • Môi trường ô nhiễm: Đặc biệt là khói bụi, thuốc lá và các chất gây kích ứng đường hô hấp, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Trẻ sống trong các khu vực ô nhiễm có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh hơn.

Ngoài các nguyên nhân chính trên, việc trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, chế độ dinh dưỡng kém cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi. Do đó, việc bảo vệ trẻ khỏi các yếu tố nguy cơ này là rất quan trọng.

Trẻ bị viêm phổi có lây không?

Trẻ em bị viêm phổi do virus, vi khuẩn, có khả năng cao lây lan qua các giọt nước, dịch mũi khi trẻ ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm khuẩn. Các trường hợp này rất dễ lây, đặc biệt trong môi trường đông đúc như nhà trẻ hoặc trường học.

Trẻ bị viêm phổi, khi nào cần đi viện?
Viêm phổi có khả năng cao lây lan qua các giọt nước

Khi nào nên đưa trẻ bị viêm phổi nhập viện

Người bệnh có thể được chăm sóc tại nhà trong trường hợp nhẹ, nhưng khi diễn biến xấu đi, có các dấu hiệu trẻ bị viêm phổi sau đây chứng tỏ bệnh đã trở nặng, việc đưa trẻ nhập viện là điều cần thiết.

  • Sốt cao không hạ
  • Khó thở nặng (suy hô hấp)
  • Tím tái toàn thân
  • Không uống được nước hoặc nôn nhiều
  • Lơ mơ, kém tỉnh táo

Phương pháp chẩn đoán trẻ em bị viêm phổi

Bệnh phổi cần được chẩn đoán chính xác để đảm bảo phương pháp trị liệu hiệu quả. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng trong việc xác định viêm phổi ở trẻ.

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các biểu hiện bên ngoài của trẻ, bao gồm ho, sốt, thở nhanh, khó thở và đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể. Đây là bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình định hướng điều trị ban đầu.
  • Chụp X-quang phổi: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát chi tiết các tổn thương trong phổi và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó có cơ sở để quyết định các bước tiếp theo.
  • Xét nghiệm máu: Được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu phát tán vi khuẩn trong cơ thể, như mức bạch cầu tăng cao. Xét nghiệm này còn giúp phân biệt giữa nguyên nhân do vi khuẩn và do virus, từ đó xác định phương pháp phù hợp.
  • Cấy dịch tiết đường hô hấp: Trong trường hợp nghi ngờ do vi khuẩn, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu dịch từ họng, mũi hoặc phổi để nuôi cấy và xác định tác nhân gây bệnh. Phương pháp này giúp định hướng chính xác nguồn gốc nhiễm trùng.
  • Nội soi phế quản: Được chỉ định khi bệnh kéo dài hoặc diễn biến nghiêm trọng. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong hệ hô hấp để phát hiện các tổn thương, dị vật, hay tình trạng viêm nhiễm. Đồng thời, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch để xét nghiệm vi sinh vật.
  • Nuôi cấy dịch màng phổi: Nếu có tình trạng tràn dịch màng phổi, bác sĩ có thể yêu cầu nuôi cấy dịch màng phổi để xác định tác nhân gây bệnh, giúp đưa ra phác đồ trị liệu chính xác.
  • Đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu): Phương pháp này đo mức độ oxy trong máu của trẻ, giúp phát hiện tình trạng thiếu oxy, một biểu hiện quan trọng của viêm phổi nặng. Nếu nồng độ oxy (SpO2) dưới 92%, trẻ cần được điều trị y tế ngay lập tức.
  • Chụp CT ngực: Khi kết quả X-quang không đủ rõ ràng hoặc có nghi ngờ về các tổn thương phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT ngực. Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về tình trạng phổi, giúp bác sĩ đưa ra quyết định chính xác hơn.

Các phương pháp này giúp xác định chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh lý ở trẻ, từ đó giúp bác sĩ đưa ra phác đồ hiệu quả, hạn chế các biến chứng và cải thiện khả năng phục hồi cho trẻ.

Các lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, giúp trẻ hồi phục nhanh chóng.

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Việc điều trị đòi hỏi sự chính xác và kiên nhẫn. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian và không bỏ sót bất kỳ liều nào. Đặc biệt, không nên tự ý ngừng thuốc dù có thấy triệu chứng thuyên giảm.
  • Theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên: Hãy kiểm tra nhiệt độ và nhịp thở của trẻ thường xuyên. Nếu trẻ vẫn sốt cao hoặc có thể hiện trở nặng như thở nhanh, môi tím tái, phụ huynh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
  • Giúp trẻ long đờm: Vỗ lưng trẻ đúng cách để làm loãng và đẩy dịch nhầy ra ngoài, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Đây  là một phương pháp hỗ trợ quan trọng trong việc giảm tắc nghẽn đường thở và cải thiện tình trạng bệnh.
  • Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cung cấp cho trẻ các bữa ăn mềm, dễ tiêu hóa và đầy đủ dưỡng chất. Để tránh tình trạng nôn trớ, hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Nếu trẻ không có nhu cầu ăn, không nên ép buộc, mà chỉ cần khuyến khích nhẹ nhàng.
  • Giữ không gian sống thoáng mát, sạch sẽ: Môi trường khói bụi có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy tạo môi trường sống trong lành, thoáng mát và tránh xa khói thuốc lá hoặc các chất kích ứng hệ hô hấp.
  • Tránh sử dụng thuốc không cần thiết: Không nên dùng thuốc giảm ho hay các loại thuốc không được kê đơn vì chúng có thể gây tác dụng phụ hoặc làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Chuẩn bị cho việc tái khám: Nếu sau 48 giờ trị liệu tại nhà tình trạng bệnh không có cải thiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám lại và điều chỉnh phương pháp kịp thời.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Cách chăm sóc trẻ tại nhà hỗ trợ trẻ phục hồi nhanh chóng

Các biện pháp phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em

Phòng bệnh luôn là phương pháp tối ưu để bảo vệ khỏi nguy cơ bị viêm phổi. Sau đây là những biện pháp hiệu quả mà cha mẹ nên áp dụng:

  • Tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh đầy đủ: Vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý hô hấp nguy hiểm. Các loại vaccine như phế cầu, cúm mùa, sởi, ho gà và Hib (Haemophilus influenzae type B) cần được tiêm đúng lịch để tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu mắc phải.
  • Hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh: Khi có dịch hoặc nhiều người mắc bệnh, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người. Khi ra ngoài, trẻ cần đeo khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang kháng khuẩn. Đồng thời, tránh để trẻ tiếp xúc gần với người đang có triệu chứng như ho, sốt hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên: Hãy dạy trẻ thói quen rửa tay đúng cách và sử dụng khăn sạch khi ho hoặc hắt hơi. Đảm bảo vệ sinh đồ chơi, các vật dụng cá nhân và giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng khí để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
  • Giữ ấm cơ thể trẻ đúng cách: Trong mùa lạnh, việc giữ ấm cho trẻ rất quan trọng, đặc biệt là cổ, ngực và bàn chân. Tránh để trẻ uống nước lạnh hoặc tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
  • Tăng cường sức đề kháng: Cung cấp cho trẻ chế độ ăn giàu vitamin A, C và các khoáng chất thiết yếu như kẽm và sắt. Rau xanh và trái cây tươi là nguồn dưỡng chất tuyệt vời giúp tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi để giúp nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Hình thành thói quen sinh hoạt khoa học: Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, không thức khuya, và tham gia các hoạt động ngoài trời để rèn luyện thể lực. Việc duy trì thói quen sinh hoạt khoa học sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và tăng cường sức đề kháng.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Việc đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe. Bác sĩ sẽ giúp tư vấn các biện pháp phòng ngừa bệnh lý, đặc biệt là đối với những trẻ có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao.

Trẻ bị viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc nhận biết cùng với biết chăm sóc đúng cách tại nhà sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng. Hãy theo dõi SIGC để cập nhật những thông tin hữu ích nhất mà chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn nhé!

Câu hỏi thường gặp

Có cần kiêng tắm khi trẻ viêm phổi?

Không, nhưng cần phải lưu ý cách thức tắm cho trẻ để tránh làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Sau khi tắm, cần lau khô người trẻ ngay lập tức và tránh để trẻ bị lạnh, bởi nếu trẻ bị nhiễm lạnh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của nó.

Trẻ viêm phổi có cần cách ly không?

Trẻ nên được hạn chế tiếp xúc với những trẻ khác, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi hoặc người có hệ thống phòng vệ yếu, để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh do RSV hoặc cúm, việc hạn chế tiếp xúc là rất quan trọng vì các virus này có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp.

Trẻ viêm phổi cần kiêng ăn gì?

Nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm khó tiêu, có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa như đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn quá lạnh. Nên ưu tiên cho trẻ ăn các món dễ tiêu, nhẹ bụng và giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng như súp gà, cháo, hoa quả tươi. Quan trọng nhất là đảm bảo cho trẻ uống đủ nước để cơ thể không bị mất nước trong quá trình hồi phục.

Trẻ viêm phổi có thể khỏi hoàn toàn không?

Trẻ em bị viêm phổi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thường có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng hoặc có các yếu tố nguy cơ như hệ miễn dịch yếu, bệnh nền, thì việc hồi phục có thể lâu hơn và cần sự chăm sóc đặc biệt.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+