Bệnh viêm dạ dày HP là gì? Triệu chứng và cách điều trị nhiễm khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh viêm dạ dày. Nhiều trường hợp khi xuất hiện triệu chứng và đi khám mới phát hiện ra đã nhiễm loại vi khuẩn này. Vậy triệu chứng viêm dạ dày HP biểu hiện thế nào? Nhiễm vi khuẩn HP có gây ra bệnh nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết bệnh viêm dạ dày HP là gì qua các thông tin trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Ở Việt Nam, theo thống kê gần đây, kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chiếm đến 70 % dân số. HP là một loại xoắn khuẩn, gram âm. HP vi khuẩn hình que cong, dài khoảng 3μm, đường kính của thân khoảng 0,5μm, có khoảng 4 đến 6 roi ở cùng một vị trí. Dạng bào tử của vi khuẩn HP có khả năng tồn tại được trong môi trường acid của dạ dày người, chúng cư trú chủ yếu trong lớp nhầy ở bề mặt của lớp niêm mạc ở thành dạ dày. HP tồn tại trong dạ dày có khả năng tiết urease thủy phân ure thành NH3 gây độc và tiết mucinase phá huỷ chất nhầy của thành dạ dày. Vi khuẩn này cũng có nhiều độc tố LPS, CagA, VagA gây phá huỷ cầu nối giữa các tế bào. Nhiễm vi khuẩn HP là tác nhân gây ra nhiều bệnh liên quan đến tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày,….
Triệu chứng cho thấy dạ dày đã nhiễm khuẩn H.pylori
Khi đã xâm nhập được vào dạ dày, HP tấn công vào lớp niêm mạc của thành dạ dày. Niêm mạc tổn thương sẽ xuất hiện tình trạng viêm, nặng hơn là loét và chảy máu. Lúc này các triệu chứng viêm dạ dày – tá tràng sẽ xuất hiện và triệu chứng có thể chỉ kéo dài vài phút hoặc có thể đau đến hàng giờ, bao gồm:
- Đau và có cảm giác nóng rát ở thượng vị, vùng bụng hoặc dạ dày, đặc biệt là khi có yếu tố kích thích tiết ra acid khi đói.
- Buồn nôn, ói, nôn ra dịch dạ dày hoặc thức ăn.
- Chán ăn, miệng ăn không có cảm giác ngon, không muốn ăn.
- Thường xuyên ợ hơi, ợ chua do quá trình trung hòa hình thành CO2 trong dạ dày.
- Phình bụng, luôn có cảm giác đầy bụng.
- Người gầy, giảm cân nặng không rõ nguyên nhân.
- Trường hợp có triệu chứng viêm dạ dày HP nặng có thể đi ngoài kèm máu, phân đen do có hiện tượng chảy máu dạ dày.
Tác động của nhiễm H. pylori rất khác nhau và phụ thuộc vị trí nhiễm trong dạ dày. Nhiễm HP vùng hang vị dẫn đến tăng sản sinh gastrin dẫn đến loét tiền môn vị và loét tá tràng. Nhiễm HP phần thân dạ dày dẫn đến teo dạ dày và giảm quá trình sản sinh axit dẫn đến loét dạ dày và ung thư biểu mô tuyến dạ dày.
>>> Tìm hiểu thêm về bệnh dạ dày gây ra bởi vi khuẩn HP qua bài viết sau: Viêm Dạ Dày Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Đối tượng chỉ định xét nghiệm chẩn đoán HP
Mặc dù HP là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm loét dạ dày nhưng không chắc chắn tất cả bệnh nhân mắc bệnh này đều có vi khuẩn HP trong dạ dày. Còn có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng viêm dạ dày như do ăn uống, sinh hoạt không điều độ,… Do đó, những trường hợp bệnh nhân được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán sự có mặt của HP trong dạ dày khi:
- Bệnh nhân có triệu chứng viêm dạ dày HP được chẩn đoán bệnh loét dạ dày – tá tràng hoặc đã có tiền sử bị loét dạ dày – tá tràng trước đây;
- Tiền sử gia đình có thành viên bị loét dạ dày – tá tràng do HP hoặc ung thư dạ dày;
- Bệnh nhân có sử dụng thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs, corticoid hay aspirin thường xuyên và trong thời gian dài.
Lưu ý là trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP dạ dày, bệnh nhân nên được điều trị các thuốc kháng sinh (nếu có) xong trước trong vòng 4 tuần và 2 tuần đối với thuốc ức chế tiết acid (nếu có). Như vậy kết quả xét nghiệm mới đạt độ chính xác cao.
Kỹ thuật chẩn đoán
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân có triệu chứng viêm dạ dày HP làm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp xét nghiệm sau:
Xét nghiệm hơi thở ure (Breath Test)
Phương pháp này còn có tên gọi khác là test hơi thở C13. Phương pháp này không xâm lấn, cho kết quả nhanh và độ chính xác cao do đặc hiệu, chỉ có HP mới có khả năng tiết urease trong môi trường acid như dạ dày. Người bệnh có triệu chứng viêm dạ dày HP được cho dung dịch ure hoặc thuốc viên có gắn nguyên tử carbon đồng vị C13. Nếu trong dạ dày bệnh nhân có vi khuẩn HP thì urease do vi khuẩn sinh ra tác động đến ure và chuyển hóa thành CO2 và NH3, nồng độ CO2 trong hơi thở tăng lên nhanh. Bác sĩ sẽ đo nồng độ CO2 trong hơi thở trước và sau khi uống dung dịch ure khoảng 15 -30 phút. Từ đó, bác sĩ xác định sự tồn tại của HP trong cơ thể. Có thể thực hiện phương pháp cho bệnh nhân từ 6 tuổi trở lên;
Xét nghiệm phân của bệnh nhân
Xét nghiệm phân là phương pháp chẩn đoán, phát hiện sự có mặt của vi khuẩn HP hiệu quả do HP trong dạ dày sẽ được đào thải qua phân. Phương pháp này gồm xét nghiệm kháng nguyên trong phân tìm các protein (kháng nguyên) liên quan tới nhiễm vi khuẩn HP và xét nghiệm PCR phân để kiểm tra phản ứng chuỗi polymerase trong phân của người có triệu chứng viêm dạ dày HP. Giúp phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn HP cũng như các đột biến kháng lại thuốc kháng sinh trong điều trị HP.
Nội soi dạ dày
Đây là thủ thuật xâm lấn bằng cách đưa 1 ống dò dài có gắn camera ở đầu thông qua miệng bệnh nhân để soi thực quản, tiến đến dạ dày và tá tràng. Bác sĩ có thể quan sát trực tiếp hình ảnh tình trạng của thực quản, niêm mạc dạ dày và tá tràng của bệnh nhân có triệu chứng viêm dạ dày HP. Khi nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô dạ dày để nuôi cấy tìm vi khuẩn HP. Nếu có vi khuẩn thì dùng luôn mẫu đó làm kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn còn nhạy cảm và đã kháng những loại kháng sinh nhạy cảm nào.
Các phương pháp chẩn đoán khác
Các xét nghiệm đôi khi cũng được sử dụng như xét nghiệm máu, chụp X-quang dạ dày thực quản, chụp cắt lớp CT,… Trong trường hợp nghi ngờ ung thư dạ dày, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện sinh thiết dạ dày để chẩn đoán.
Khi nào bạn cần đến bác sĩ để thăm khám?
Những triệu chứng cảnh báo bạn nên đến thăm khám bác sĩ ngay khi mắc bệnh viêm dạ dày HP là gì? Hãy ghi nhớ những biểu hiện sau đây nhé:
- Đi ngoài thấy phân có máu, phân lẫn máu đỏ tươi hoặc màu đen như bã cà phê, mùi thối khắm;
- Có cảm giác khó thở, căng tức lồng ngực;
- Buồn nôn liên tục, nôn ra máu;
- Chóng mặt choáng váng hoặc ngất xỉu do cơn đau quá nặng hoặc bị thiếu máu;
- Người luôn cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân;
- Bụng đau âm ỉ, dữ dội đau nhói;
- Da nhợt nhạt, xanh xao do thiếu máu cấp tính hoặc mãn tính vì chảy máu bên trong dạ dày.
>>> Buồn nôn, nôn ra máu cũng là một trong những triệu chứng của bệnh viêm dạ dày cấp tính, tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh này qua bài viết: Triệu chứng viêm dạ dày cấp – Nguyên nhân và cách điều trị
>>> Tìm hiểu thêm về nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Nguồn: N Engl J Med 2019;380:1158-65
Phương pháp phòng ngừa nhiễm H.pylori
Mọi người cần phải thực hiện các phương pháp sau đây để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP gây hại cho dạ dày:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và nước ép từ rau xanh, trái cây.
- Dùng nguồn nước sạch, nước đã được xử lý và không có dấu hiệu nhiễm bẩn.
- Phải ăn chín, uống sôi và sơ chế các thực phẩm sạch sẽ trước khi sử dụng và dung nạp vào cơ thể.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn, sức đề kháng tốt hơn. Có thể lựa chọn các môn thể thao như bơi lội, chạy bộ, yoga, đạp xe, đi bộ….
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ như bát đũa, xoong nồi sau khi nấu ăn và ăn. Người bệnh đã xác định nhiễm vi khuẩn HP nên sử dụng bát đũa riêng biệt với mọi người trong gia đình để tránh lây nhiễm chéo.
- Chú ý vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và đặc biệt là sau khi đi vệ sinh.
- Thăm khám bệnh ở các cơ sở uy tín và có chuyên môn tốt. Đảm bảo các thiết bị sử dụng trong khám chữa bệnh được xử lý sạch sẽ.
Mỗi người chúng ta nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh và điều trị vi khuẩn HP để tránh lây lan ra cộng đồng. Mặc dù tỷ lệ những người viêm dạ dày do vi khuẩn HP tiến triển thành bệnh ung thư dạ dày không quá cao nhưng đây tình trạng bệnh đe dọa lớn đến tình trạng sức khỏe việc sinh hoạt của người bệnh.
>>> Xem thêm về viêm dạ dày, nhiễm HP qua video sau:
Một số thắc mắc về triệu chứng viêm dạ dày HP
Nhiễm vi khuẩn HP ở dạ dày có nguy hiểm không?
Vi khuẩn HP không có độc tính quá mạnh gây nguy hiểm đến tính mạng khi mới nhiễm. Thực tế cho thấy hầu như người bị nhiễm HP ở dạ dày ít biểu hiện triệu chứng ngay. Tuy nhiên, HP là vi khuẩn đe dọa đến vấn đề sức khỏe của con người, chúng là căn nguyên cần lưu ý khi mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Hơn nữa, khi để chúng tồn tại trong dạ dày quá lâu mà không điều trị, nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày là rất cao.
Nhiễm vi khuẩn HP ở dạ dày có chữa được không?
Viêm dạ dày do nhiễm HP có thế điều trị khỏi hoàn toàn nếu như tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Để tránh vi khuẩn kháng thuốc, mất tác dụng điều trị, bệnh nhân cần uống thuốc đúng giờ và đúng với liều bác sĩ kê. Đồng thời kết hợp với việc thay đổi lối sống lành mạnh tránh tái nhiễm HP.
Viêm dạ dày do HP nên ăn và kiêng gì?
Người bệnh nên bổ sung những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và phải đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm như:
- Bổ sung các loại rau củ quả giúp bổ sung nhiều vitamin như: bắp cải, cải xoăn, cải bó xôi, củ cải, súp lơ, cà rốt, ớt chuông, việt quất, mâm xôi,…
- Các sản phẩm chứa lợi khuẩn như: sữa chua hộp, các loại sữa chua uống, …
- Một số thực phẩm khác tốt cho hoạt động của dạ dày như: mật ong, tỏi, nghệ, dầu olive và cam thảo,…
Thực phẩm cần kiêng bao gồm:
- Thức ăn cay nóng do tổn thương thêm vào niêm mạc dạ dày
- Thức ăn chế biến bằng cách chiên rán có nhiều dầu mỡ
- Thức ăn có vị quá chua, chứa nhiều acid như chanh, cam, quýt…
- Các đồ uống như rượu bia, cà phê, nước uống có gas, chất kích thích và thuốc lá.
Hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn tự hào là một cơ sở khám chữa bệnh uy tín với trang thiết bị đảm bảo đem đến dịch vụ tốt nhất cho người bệnh. Bạn có thể liên hệ với bệnh viện để đặt lịch khám khi có triệu chứng viêm dạ dày HP thông qua hotline (028) 38.213.456 và giải đáp thêm những thắc mắc của bạn nhé.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/