Ung thư Tuyến Giáp

UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn

Ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1% trong tổng số các loại ung thư nhưng nó là loại ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất và gây tử vong nhiều nhất.

Trên 95% các trường hợp ung thư tuyến giáp là từ tế bào biểu mô nang giáp (gồm ung thư thể nhú, ung thư thể nang, ung thư thể kém biệt hóa), phần còn lại là từ tế bào cạnh nang giáp (tế bào C – ung thư thể tùy). Ung thư thể hỗn hợp cả nang và tế bào C là rất hiếm gặp và khó chẩn đoán.

UNG THƯ TUYẾN GIÁP - Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn

I. Phân loại ung thư tuyến giáp và cơ chế sinh bệnh

1. Ung thư thể nhú:

  • Ung thư thể nhú là dạng ung thư tuyến giáp phổ biến nhất, chiếm 50 – 90% tổng số ung thư tuyến giáp.
  • Tế bào nang giáp có thể phát triển từ cả các u lành tính và ác tính và mô bệnh học khối u ác tính có thể là dạng nang hoặc dạng nhú. Không có bằng chứng về việc một khối u lành chuyền thành ung thư thể nhú cổ điển. Khoảng 50% số bệnh nhân ung thư thể nhú có rối loạn nhiễm sắc thể, thường là ở nhánh dài nhiễm sắc thể số 10. Gen ung thư RET nằm ở nhiễm sắc thể 10q11-2, nó mã hóa cho receptor xuyên màng với domain tyrosine kinase.
  • Ung thư thể nhú gặp chủ yếu ở người 30 – 50 tuổi. Có tới 60 – 80% các bệnh nhân là nữ. Đa số các khối u có đường kính 2 – 3 cm.
  • Tiên lượng tốt do ung thư tiến truển chậm, tỷ lệ sống > 10 năm tới 95%. Các yếu tố tiên lượng không tốt là tuổi cao, khối u to, có xâm lấn ngoài tuyến giáp, có di   căn xa.

2. Ung thư thể nang:

  • Chiếm khoảng 5 – 10% ung thư tuyến giáp. Ung thư thể nang có xu hướng gặp nhiều ở người trong độ tuổi 50, nữ gặp nhiều gấp đôi nam. Đa số biểu hiện bằng nhân tuyến giáp không đau và hiếm khi có biểu hiện xâm lấn hạch trên lâm sàng.
  • Kích thước khối u trong ung thư thể nang thường lớn hơn so với ung thư thể nhú. Khoảng 5 – 20% bệnh nhân đã có di căn xa lúc được chẩn đoán, thường là tới xương.
  • Cho đến nay cơ chế bệnh sinh ung thư thể nang còn chưa rõ. Một số yếu tố liên quan đến cơ chế bệnh sinh ung thư thể nang đã được biết rõ.
  • Các rối loạn di truyền học tế bào trong ung thư thể nang, phổ biến nhất là gãy 1 phần và gãy kèm thay đổi nhánh p của nhiễm sắc thể số 3. Mất tính dị hợp tử ở nhiễm sắc thể 3p xảy ra với adenoma nang hoặc ung thư thể nhú.
  • Tiên lượng tốt. Tỷ lệ sống > 5 năm khoảng 85% tùy mức độ xâm lấn. Các yếu tố tiên lượng ung thư thể nang gần giống với ung thư thể nhú: có di căn xa lúc được chẩn đoán, tuổi cao, khối u to và có xâm lấn ngoài tuyến giáp. Ở mức thấp hơn, các yếu tố phối hợp với tăng tử vong là nam giới và độ ác tính cao hơn (u ít biệt hóa hơn). Các yếu tố khác là xâm lấn mạch, có di căn hạch lúc được chẩn đoán và mô học ưu  acid, …

3. Ung thư thể không biệt hóa:

  • Chiếm khoảng 1 – 3% ung thư tuyến giáp. Gặp chủ yếu ở nữ giới, tuổi > 60. Ung thư tiến triển nhanh, xâm lần và chèn ép tổ chức xung quanh như thần kinh, mạch máu, thanh quản, thực quản, ….
  • Tiên lượng xấu, bệnh nhân thường chết trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán.

4. Ung thư thể tủy:

  • Chiếm 5 – 10% các loại ung thư tuyến giáp, xuất phát từ tế bào cạnh nang giáp và trong trường hợp điển hình, tế bào ung thư sản xuất calcitonin.
  • Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Nữ gặp nhiều hơn nam.
  • Trong 5 – 10 % trường hợp, ung thư tuyến giáp thể tủy rất hay xâm lấn hạch bạch huyết và tổ chức xung quanh nhưng cũng có thể di căn xa đến nhiều cơ quan như  gan, phổi, xương.
  • Tiên lượng tùy thuộc vào tuổi của bệnh nhân, tình trạng di căn lúc phát hiện bệnh. Tỷ lệ sống > 5 năm là khoảng 50%

II. Triệu chứng lâm sàng:

Triệu chứng lâm sàng của ung thư tuyến giáp rất nghèo nàn. Đa số người bệnh chỉ có nhân tuyến giáp đơn thuần. Ở giai đoạn muộn, một số người bệnh có dấu hiệu ung thư di căn vào tổ chức xung quanh gây nên khàn tiếng, nuốt vướng, …

Các triệu chứng gợi ý ung thư tuyến giáp là:

  • Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc đa u tuyến nội tiết (MEN).
  • Nhân giáp rắn hoặc cứng và dính vào tổ chức xung quanh, ít di động.
  • Bệnh nhân có liệt dây thanh gây khàn tiếng.
  • Có hạch cổ.
  • Có dấu hiệu di căn xa ở xương, phổi, ….

III. Các cận lâm sàng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp:

  • Siêu âm tuyến giáp
  • Xét nghiệm máu: tìm nồng độ TSH, FT3,FT4, nồng độ calci máu.
  • Chọc hút tế bào nhân tuyến giáp.
  • Chụp CT Scanner.

UNG THƯ TUYẾN GIÁP - Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn

IV. Điều trị và theo dõi:

1. Điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa:

  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp (và hạch cổ nếu có) loại bỏ khối u, giảm tỷ lệ tử vong, chẩn đoán mô bệnh học, giai đoạn bệnh và giúp điều trị được thuận lợi.
  • Điều trị sau cắt tuyến giáp: xạ hình, điều trị I¹³¹
  • Điều trị ức chế TSH: sau điều trị I¹³¹ bệnh nhân sẽ được điều trị bằng L- thyroxine nhằm ức chế TSH ở dưới mức bình thường.
  • Phải theo dõi suốt đời sự tái phát ung thư tuyến giáp bằng siêu âm vùng cổ, xét nghiệm (thyroglobulin) và anti-Tg cùng lúc làm xạ hình toàn thân sau mỗi 6 – 12 tháng.

2. Điều trị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa:

Có hiệu quả kém do thường được phát hiện muộn không còn khả năng phẫu thuật và cũng không đáp ứng điều trị bằng I¹³¹, hoặc hóa chất. Ở đa số bệnh nhân chủ yếu điều trị triệu chứng và giảm nhẹ.

3. Điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy:

Chủ yếu bằng phẫu thuật cắt tuyến giáp nếu có thể, sau đó điều trị L-Thyroxine để giữ TSH trong giới hạn bình thường. Các khối u này không bắt Iode nên không thể điều trị I¹³¹. Có thể sử dụng điều trị tia xạ ngoài và hóa chất cho một số bệnh nhân ở giai đoạn muộn để làm giảm triệu chứng hoặc khi ung thư tiến triển nhanh.

Để luôn chủ động trong sức khỏe cũng như phát hiện và điều trị kịp thời, nâng cao tỷ lệ điều trị thành công, các chuyên gia khuyên mỗi người nên sống có trách nhiệm với bản thân qua lối sinh hoạt khoa học, không sử dụng các chất kích thích, các chất độc hại và luôn thực hiện tầm soát khám sức khỏe định kỳ 6 – 12 tháng/ lần. Đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao về ung thư tuyến giáp nên thực hiện tầm soát 12 tháng/ lần.

UNG THƯ TUYẾN GIÁP - Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn

Search

+