Chẩn đoán hiện tượng ung thư vòm họng: Nguyên nhân và cách điều trị
Đối với những người có môi trường và thói quen sống không lành mạnh, gia đình có tiền sử bệnh thì rất dễ bị mắc bệnh ung thư vòm họng. Kèm theo đó là những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác như sổ mũi không khỏi, cảm cúm. Vậy nếu không may bị mắc bệnh thì có chữa trị được không? Nếu có thì bằng những phương pháp nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất xảy ra tại đường hô hấp trên. Ở Việt Nam, GS. Trần Hữu Tước đã dùng thời gian 10 năm (1955-1964) để thực hiện việc nghiên cứu bệnh ung thư vòm mũi họng tại bệnh viện Bạch Mai với 612 ca bệnh. Mỗi năm có từ 400-500 ca bệnh mới đến bệnh viện K để thăm khám và điều trị.
Ung thư vòm họng là một bệnh lý phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng, là phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi, là bệnh lý ác tính có thể gây nguy hiểm cho con người. Loại ung thư vòm họng phổ biến nhất hiện nay là Ung thư biểu mô tế bào vảy. Một số loại khác đã được phát hiện bao gồm: ung thư biểu mô tuyến nang và ung thư biểu mô chế nhầy, khối u ác tính thể hỗn hợp, ung thư biểu mô tuyến,….
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng
Bệnh ung thư vòm họng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả thanh thiếu niên. Những người trong độ tuổi từ 30-55 tuổi tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, chiếm khoảng 70% các trường hợp. Trong đó, nam chiếm tỷ lệ nhiều hơn nữ.
Hiện nay, khoảng 80% các trường hợp người bệnh đến khám bệnh hầu như bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4. Khối ung thư đã xâm lấn rộng và có tiên lượng xấu.
Các giai đoạn của ung thư vòm họng
Có 5 giai đoạn phát triển của ung thư vòm họng. Các giai đoạn thể hiện mức độ khu trú và mức độ di căn của bệnh, cụ thể:
Giai đoạn 0 (ung thư biểu mô tại chỗ Tis)
Giai đoạn này là giai đoạn sớm nhất của hiện tượng ung thư vòm họng. Khối u lúc này được phát hiện ở lớp tế bào trên cùng bên trong vòm họng. Nếu phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn này, khả năng chữa khỏi là rất cao.
Ung thư chưa có dấu hiệu di căn đến các hạch cũng như các bộ phận khác trên cơ thể.
Giai đoạn I
Khối u giới hạn ở vòm họng hoặc mở rộng đến vòm họng và/hoặc khoang mũi mà không xa hơn vùng họng.
Ung thư cũng chưa có dấu hiệu di căn đến các hạch cũng như các bộ phận khác trên cơ thể.
Giai đoạn II
Trường hợp 1: Khối u chỉ giới hạn ở vòm họng hoặc mở rộng đến vòm họng và/hoặc khoang mũi mà không xa hơn vùng họng.
Ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ, hoặc di căn đến các hạch cạnh hầu cùng bên.
Trường hợp 2: Khối u có hiện tượng lan rộng hơn đến khoang quanh họng và/hoặc mô mềm lân cận. Ung thư chưa di căn đến các hạch hoặc đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ, hoặc cũng có thể di căn đến các hạch cạnh hầu cùng bên.
Cả hai trường hợp trong giai đoạn II đều không có hạch nào >6cm theo chiều ngang cũng như chưa có sự di căn u đến các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn III
Trường hợp 1: Khối u giới hạn ở vòm họng hoặc mở rộng đến vòm họng và/hoặc khoang mũi mà không xa hơn vùng họng. Hoặc không thấy khối u trong vòm họng, nhưng ung thư được tìm thấy trong các hạch ở cổ và dương tính với virus Epstein-Barr (EBV).
Có di căn hạch cổ hai bên, trên hố thượng đòn.
Trường hợp 2: Khối u đã lan đến vùng họng nhưng không xa hơn. Có di căn hạch cổ hai bên, trên hố thượng đòn.
Trường hợp 3: Khối u ung thư đã lan đến các cấu trúc xương quanh vùng vòm (có thể thấy ở xương nền sọ, xương cột sống cổ vùng vòm, xương chân bướm) và/hoặc các xoang cạnh mũi.
Ung thư chưa di căn đến các hạch hoặc đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ. Hoặc di căn đến các hạch cạnh hầu cùng bên, hoặc di căn hạch cổ hai bên với kích thước hạch ≤6cm, trên hố thượng đòn.
Cả ba trường hợp trong giai đoạn này, không có hạch nào >6cm theo chiều ngang cũng như chưa có sự di căn đến các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn IV
Giai đoạn IVA: Khối u vòm họng đã lan đến các cấu trúc bên trong sọ, xâm lấn vào các dây thần kinh nội, thậm chí lan xuống hạ họng, ổ mắt, tuyến mang tai và/hoặc xâm lấn phần mềm bên ngoài cơ chân bướm ngoài.
Ung thư chưa di căn đến các hạch hoặc đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ, hoặc di căn đến các hạch cạnh hầu cùng bên hoặc di căn hạch cổ hai bên, trên hố thượng đòn. Ung thư giai đoạn này có thể có hạch kích thước >6cm, chưa có dấu hiệu di căn đến các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn IVB: là giai đoạn cuối cùng của bệnh ung thư vòm họng. Khối u có thể được phát hiện ở bất kỳ vị trí nào ở vòm họng, khoang mũi, khoang quanh họng hoặc khối u xâm nhập vào các cấu trúc xương ở nền sọ, đốt sống cổ, xương chậu. Cũng có thể xâm lấn nội sọ, hoặc sự liên quan của các dây thần kinh sọ, vùng dưới họng, hốc mắt, tuyến mang tai và/hoặc thâm nhiễm mô mềm.
Ung thư giai đoạn IVB đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng
Yếu tố môi trường – thức ăn
Bệnh ung thư vòm họng mang tính khu vực, rất phổ biến ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Yếu tố môi trường là nguyên nhân được đề cập sớm nhất. Sự thay đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nguồn nước đã tác động đến sức khỏe của con người.
Chế độ ăn có nitrit và cá muối cũng được cho là làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư ở vòm họng. Ở Việt Nam, thói quen ăn đồ ăn lên men như cà muối, dưa muối, nước mắm khá phổ biến, trong đó có 1 lượng nhỏ Nitrosamin. Lâu ngày, khi ăn nhiều, chúng sẽ tích tụ và gây ra ung thư.
Ngoài ra, bia rượu và thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ung thư ở vòm họng.
Virus Epstein-Barr (EBV)
Virus Epstein-Barr là một nguyên nhân gây bệnh đáng kể của hiện tượng ung thư ở vòm họng và có khuynh hướng di truyền.
Năm 1980, nhóm nghiên cứu của Ho, Zang, Micheau đã nghiên cứu và chỉ ra rằng bệnh ung thư này có liên quan đến Virus Epstein-Barr (EBV). Tỷ lệ kháng thể kháng EBV và IgA/EA dương tính cao cho phép chẩn đoán sớm hiện tượng ung thư vòm họng ở loại biểu mô không biệt hoá.
Virus Epstein-Barr lây lan chủ yếu qua đường miệng, cũng có thể lây qua đường truyền máu. Có khoảng 95% dân số có thể bị nhiễm EBV, nhưng chỉ một số người mắc bệnh.
Nhiễm EBV làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng (ung thư vùng sau mũi). Ung thư liên quan đến EBV phổ biến hơn ở Châu Phi và một số khu vực Đông Nam Á.
>> Tham khảo thêm về ảnh hưởng của Virus Epstein-Barr trong ung thư vòm hòng qua tài liệu sau:
Nguồn: Nghiên cứu sự đồng nhiễm epstein-barr virus và human papillomavirus trên ung thư vòm họng tế bào vảy không sừng hóa – Tạp chí Y học Việt Nam Tập 520 Số 1B (2022)
Các dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng
Triệu chứng của ung thư vòm họng thường được phát hiện muộn, do đó khá khó trong điều trị bệnh. Do vậy, chúng ta cần nắm được các dấu hiệu nhận biết sau đây để khám sức khỏe khi cần thiết, giúp phát hiện bệnh càng sớm càng tốt:
Đau rát họng, khàn tiếng
Người mắc dấu hiệu này kéo dài trên 3 tuần thì nên đến cơ sở y tế khám để tầm soát bệnh ung thư vòm họng. Rất có thể đây là biểu hiện của sự phát triển của khối u, gây đau và tổn thương niêm mạc hầu họng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau khi nuốt hoặc nói chuyện, khản tiếng. Điểm khác biệt giữa đau trong ung thư ở vòm họng với các bệnh lý hô hấp thông thường là thường đau ở cùng 1 bên cổ họng, mức độ đau tăng dần và dùng thuốc điều trị không thấy đỡ.
Ngạt mũi, chảy nước mũi có máu, chảy máu cam
Ngạt mũi, chảy nước mũi có máu, chảy máu cam thường không rõ nguyên nhân hay lặp đi lặp lại. Dấu hiệu này thường là do khối u đang to dần, chèn ép vào lỗ mũi sau.
Ho có đờm
Thường ho dai dẳng và có đờm. Có thể dùng thuốc nhưng triệu chứng không khỏi hẳn.
Đau đầu
Ở bệnh nhân có hiện tượng ung thư ở vòm họng, đau đầu có tính chất âm ỉ và đau từng cơn. Một số người còn có cả hiện tượng sưng mặt và tê mặt.
Ù tai, mất thính giác
Dấu hiệu này rất thường gặp, nguyên nhân là do tắc nghẽn ống mũi hoặc vòi nhĩ eustachian. Điều này dẫn đến tràn dịch tai giữa, khiến tai có cảm giác ù ù, lâu ngày sẽ mất dần thính giác.
Nổi hạch
Cấu tạo cơ thể với các mạch bạch huyết của vùng mũi họng lưu thông qua lại bằng đường giữa nên các di căn hạch cổ hai bên là phổ biến. Có thể dùng tay sờ thấy hạch ở cổ, cảm giác hơi đau nhức khi sờ vào chúng.
Liệt dây thần kinh sọ
Các dây thần kinh sọ số 6, số 4 và số 3 thường bị liệt do vị trí của chúng trong xoang hang, gần với tổn thương trên lỗ rách (ở phía trước). Đây là con đường lan tràn đến các vị trí khác phổ biến nhất cho các khối u ung thư ở vòm họng.
Chẩn đoán ung thư vòm họng
Phương pháp chẩn đoán
Ngày nay, việc chẩn đoán ung thư vòm mũi họng được máy móc hiện đại hỗ trợ nên kết quả chính xác và nhanh chóng hơn nhiều.
Trước hết, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám các cơ quan như vòm họng, lưỡi, cổ, tai. Bệnh nhân khi đến khám cần mô tả chính xác triệu chứng mình gặp phải.
Các phương pháp có thể được chỉ định để chẩn đoán chính xác ung thư vòm họng bao gồm:
- Nội soi vòm mũi họng, đặc biệt nội soi NBI vòm mũi họng. Nội soi có thể phát hiện được khối u vòm ngay cả ở giai đoạn sớm. Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá mức độ lan rộng của khối u.
- Sinh thiết kim khối u: Kết hợp sinh thiết dưới chỉ dẫn của nội soi NBI sẽ rất chính xác.
- Chẩn đoán hình ảnh: có thể kích thước, hình dạng và mức độ tác động tới các mô mềm của khối u ung thư ở vòm họng bằng hình ảnh X quang, cắt lớp vi tính (CT scan hoặc PET/CT) hay cộng hưởng từ (MRI). Trong đó PET/CT-scan là phương pháp hiện đại nhất, có giá trị cao trong tìm kiếm các di căn xa.
- Huyết thanh chẩn đoán: Dùng các phản ứng EBV VCA IgA; EBV VCA IgG; EBV VCA IgM phát hiện hiện tượng ung thư vòm họng.
Giải thích về phân loại T, N, M trong chẩn đoán ung thư ở vòm họng
Phân loại T, N, M là hệ thống phân loại của Ủy ban liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC). Nó giúp phân loại, đánh giá tình trạng và giai đoạn bệnh ung thư ở vòm họng.
Các chữ cái T, N, M được định nghĩa như sau:
T (Tumor) = khối u, T cho biết kích thước và tính chất của khối u. T kết hợp với chữ cái hoặc số (0 đến 4).
- TX: Không thể đánh giá được khối u nguyên phát.
- Tis: là ung thư biểu mô tại chỗ. Tế bào ung thư chỉ nằm ở lớp tế bào trên cùng bên trong vòm họng và chưa phát triển sâu hơn.
- T0: bằng chứng về khối u không được tìm thấy, nhưng có hạch cổ dương tính với virus EBV.
- T1: Khối u nằm giới hạn trong vòm họng. Khối u có thể đã lan ra hầu họng (một phần của cổ họng ở phía sau miệng) và/hoặc khoang mũi nhưng không xa hơn vùng họng.
- T2: Khối u đã lan đến vùng họng nhưng không xa hơn.
- T3: Khối u đã lan đến các cấu trúc xương quanh vùng vòm (xương nền sọ, xương cột sống cổ vùng vòm, xương chân bướm) và/hoặc các xoang cạnh mũi.
- T4: Khối u ung thư vòm họng đã lan đến các cấu trúc bên trong sọ, xâm lấn các dây thần kinh nội, lan xuống hạ họng, ổ mắt, tuyến mang tai và/hoặc xâm lấn phần mềm bên ngoài cơ chân bướm ngoài.
N (Node) = hạch, N cho biết tình trạng di căn của bệnh ung thư đến các hạch vùng.
- NX: Không đánh giá được các hạch vùng.
- N0: Không có hiện tượng di căn hạch vùng.
- N1: Di căn một hay nhiều hạch cổ cùng bên kích thước hạch ≤6cm, trên hố thượng đòn và/hoặc một hoặc nhiều hạch cạnh hầu cùng bên hoặc hai bên với kích thước hạch ≤6cm.
- N2: Di căn hạch cổ hai bên, kích thước hạch ≤6cm, trên hố thượng đòn.
- N3: Di căn hạch cổ cùng bên hoặc cả 2 bên, kích thước hạch >6cm và/hoặc di căn hạch trong hố thượng đòn.
M (Metastasis) = di căn, M cho biết tình trạng di căn của bệnh ung thư đến các bộ phận khác trong cơ thể, hay còn được gọi là di căn xa, chia làm 2 trường hợp sau:
- M0: Ung thư chưa di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
- M1: Ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Cách điều trị ung thư ở vòm họng
Xạ trị – Hóa trị – Phẫu thuật
Ung thư vòm họng được điều trị bằng hóa trị cộng với xạ trị và đôi khi là phẫu thuật:
- Điều trị xạ trị: Ung thư vòm mũi họng được điều trị chủ yếu bằng tia xạ. Tức là sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư. Hiện nay, có 2 phương pháp xạ trị chính được sử dụng trên lâm sàng:
- Xạ trị ngoài: rất thông dụng, dùng máy phát xạ tia X từ bên ngoài đến vị trí ung thư.
- Xạ trị trong (xạ trị áp sát): nguồn xạ sẽ được cấy trực tiếp vào khu vực khối u.
Điều trị hoá trị: Phương pháp dùng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị được dùng trong 3 trường hợp sau:
- Hóa trị trước xạ trị: Bệnh nhân được bác sĩ kê thuốc uống trước khi thực hiện phương pháp xạ trị.
- Hóa trị được thực hiện cùng lúc với xạ trị: Hai phương pháp này kết hợp với nhau có thể tăng hiệu quả xạ trị. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân cần chịu đựng tác dụng không mong muốn của cả hai phương pháp này.
- Hóa trị sau xạ trị: Sử dụng thuốc sau xạ trị giúp tiêu diệt triệt để nhất các tế bào có thể còn sót lại sau xạ trị.
Lưu ý: Khi kết hợp hóa trị với xạ trị cần theo dõi bệnh nhân, ở những người không có khả năng chịu đựng được những tác phụ thì cần ngừng thuốc.
- Phẫu thuật: Chỉ dành cho lấy hạch còn sót lại sau tia xạ do tính nguy hiểm của phẫu thuật tại vòm họng. Ung thư ở vòm họng tính chất phụ thuộc vị trí và mức độ xâm lấn, thường không dễ dàng có thể phẫu thuật cắt bỏ chúng.
Tiên lượng
Đối với hiện tượng ung thư vòm họng, nếu được phát hiện và chẩn đoán ở giai đoạn càng sớm, khả năng điều trị thành công khỏi bệnh sẽ càng cao. Điều đó đồng nghĩa với tỷ lệ sống sót sau điều trị càng tăng.
Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh này được các chuyên gia chỉ ra như sau:
- Ung thư tại chỗ, giai đoạn sớm I, II: Tỷ lệ sống sau 5 năm là khoảng 75 – 81%.
- Ung thư khu trú: Tỷ lệ là 60-73%.
- Ung thư di căn xa giai đoạn IVB: Tỷ lệ thường nhỏ hơn 40%.
Tỷ lệ này cũng phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng và tâm lý của bệnh nhân.
Tầm soát ung thư vòm mũi họng
Nội soi NBI
Hệ thống nội soi Mũi họng bằng nội soi NBI (Narrow Banding Imaging – NBI endoscopy) dựa trên nguyên lý dựa vào dải tần ánh sáng hẹp sử dụng ánh sáng đơn sắc với hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm) có thể phát hiện sự tăng sinh bất thường của hệ vi mạch máu nông và rất nông ngay trong lớp niêm mạc.
Xét nghiệm máu tìm virus Epstein Barr
Người ta thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa nhiễm EBV và bệnh nhân ung thư mũi họng (100% bệnh nhân có nhiễm EBV).
Với bộ xét nghiệm máu tìm virus EBV có thể phát hiện sớm các trường hợp nhiễm EBV ngay trong thời gian đầu (từ 2 – 4 tuần sau nhiễm) trong bệnh lý ung thư biểu mô vòm mũi họng, bệnh lý tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng ….
Nhóm có nguy cơ nhiễm Virus Epstein Barr:
- Tuổi từ 30 trở lên.
- Có tiền sử nhiễm EBV
- Hút thuốc lá, sử dụng thức uống có cồn.
- Ăn nhiều đồ muối: thịt, cá, dưa muối.
- Thường xuyên tiếp xúc môi trường ô nhiễm, bụi khói.
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư vùng họng.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư ở vòm họng
Dựa trên những nguyên nhân kể trên có thể gây ra bệnh ung thư vòm họng, các phương pháp giúp phòng ngừa bệnh như sau:
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: thuốc lá, rượu bia và các đồ uống có cồn, có gas.
- Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng: hạn chế ăn các món ăn mặn, thức ăn lên men như thịt muối, cá muối, dưa muối, cà muối,…Bổ sung dinh dưỡng từ thịt tươi, rau củ quả.
- Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì chúng sẽ tác động trực tiếp đến vùng họng.
- Tăng cường tập thể dục thể thao, lựa chọn các bài tập vừa sức để khỏe mạnh hơn và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Sử dụng khẩu trang khi ra đường, che chắn mũi họng.
>>> Xem thêm về khám và tầm soát ung thư vòm họng tại Bệnh viện Tai Mũi họng Sài Gòn qua video sau:
Những câu hỏi thường gặp về ung thư ở vòm họng
Cần lưu ý những gì sau khi thực hiện xạ trị ung thư ở vòm họng?
Sau xạ trị ung thư vòm họng, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và được chăm sóc thật tốt giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Một số lưu ý cho bệnh nhân như sau:
- Cần luyện tập há miệng từ từ, nhẹ nhàng. Có thể dùng tay xóa bóp nhẹ vùng cổ.
- Ăn các món ăn lỏng, dễ nuốt, không nóng quá. Không uống nước lạnh.
- Theo dõi và báo ngay với bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi uống thuốc hoặc xạ trị.
Sau khi xạ trị thì bệnh có tái phát không?
Trong một số giai đoạn, việc xạ trị lần đầu tiên không thể lọai bỏ được hoàn toàn các khối u. Do vậy, có khả năng tái phát lại u ung thư vòm họng. Các khối u tái phát có thể được điều trị bằng một đợt xạ trị khác, thường là liệu pháp đặt cấy ghép phóng xạ (brachytherapy), đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật cao hơn.
Tại sao ung thư ở vòm họng thường xảy ra ở nam giới hơn nữ giới?
Tỷ lệ ung thư vòm họng ở nam giới cao hơn so với nữ giới, số liệu thống kê sẽ có 2-3 nam/1 nữ mắc bệnh. Sự chênh lệch này là do tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích khác nhiều hơn ở nữ giới. Ở nữ, hơn 70% trường hợp mắc bệnh do lây virus từ nam giới qua đường tình dục, quan hệ bằng miệng.
Sau xạ trị thường gặp tác dụng không mong muốn nào?
Tác dụng phụ của xạ trị sẽ phụ thuộc vào phương pháp xạ trị được sử dụng và bộ phận cơ thể được xạ trị. Các tác dụng không mong muốn thường thấy gồm:
- Da vùng chiếu xạ có sự thay đổi, sạm hơn.
- Cơ thể mệt mỏi, khàn tiếng
- Thay đổi vị giác, có thể bị loét miệng và họng, khó nuốt khi ăn.
Các triệu chứng này sẽ dần cải thiện và hết sau khi kết thúc điều trị.
Qua đây đã giúp bạn phần nào hiểu hơn về các thông tin bao gồm nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán, cách điều trị bệnh ung thư vòm họng. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp nhiều điều hữu ích để bạn phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả. Nếu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe, hãy liên hệ ngay đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để đặt lịch hẹn thăm khám, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh chóng nhất có thể.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/