Viêm họng hạt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa & phòng ngừa
Viêm họng hạt là một thể quá phát mô lympho của viêm họng mạn tính. Bệnh tái đi tái lại, gây ra tình trạng khó chịu ở cổ họng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Tìm hiểu về nguyên nhân, các loại, triệu chứng phát bệnh cũng như cách điều trị và ngăn ngừa tái bệnh ngay trong bài viết sau.
Viêm họng hạt là gì?
Viêm họng hạt là tình trạng vùng niêm mạc tại khoang họng của người bệnh bị viêm nhiễm mãn tính. Chủ yếu do 1 loại vi khuẩn có tên là Streptococcus (Streptococcus pyogenes) thuộc nhóm A gây ra.
Các lympho trong niêm mạc họng sẽ tiêu diệt virus hay nấm mốc khi chúng xâm nhập vào khoang họng qua đường miệng và đường thở. Nếu cơ thể tiếp xúc với môi trường có mức độ ô nhiễm cao, lympho sẽ phải hoạt động với công suất cao. Từ đó dẫn đến sự hình thành các lympho lớn (hạt to màu trắng) trong cổ họng. Đây chính là viêm họng hạt.
Viêm họng hạt có mấy loại? Đó là những loại nào?
Bệnh sẽ phân chia thành 2 loại:
- Cấp tính: Giai đoạn đầu của viêm họng hạt cấp tính là bệnh viêm họng dưới 3 tuần. Các dấu hiệu trong giai đoạn đầu tương đối nhẹ nhàng khiến người bệnh dễ chủ quan và thường tự mua thuốc sử dụng. Tuy nhiên khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
- Mạn tính: Nếu bệnh viêm họng hạt cấp tính kéo dài trên 3 tuần sẽ dễ tiến triển thành viêm họng hạt mạn tính. Khi đó sẽ khó điều trị dứt điểm, dễ tái đi tái lại hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm họng hạt
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này? Cùng điểm qua một vài tác nhân gây bệnh sau đây:
- Sự tấn công từ các tác nhân gây hại: Khi virus hay các loại nấm gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với khoang miệng gây ra tình trạng viêm nhiễm. Các tế bào lympho tại khu vực này sẽ phải “chiến đấu” với công suất cao khiến chúng quá tải dẫn đến tình trạng sưng to.
- Biến chứng của một số căn bệnh: Viêm họng cấp thường xuyên tái phát, viêm xoang mũi mạn tính, amidan mạn tính hay các căn bệnh khác về đường tiêu hóa.
- Sự bất thường của cấu trúc mũi xoang: Như bị lệch vẹo vách ngăn hay polyp mũi.
- Môi trường ô nhiễm: Sinh sống hay làm việc ở nơi độc hại, không trong lành. Phải tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc, hóa chất hay thời tiết thay đổi thất thường cũng làm niêm mạc viêm dẫn đến bệnh.
- Thói quen sống không lành mạnh: thường xuyên sử dụng đồ uống có chất kích thích, sử dụng thức ăn cay nóng, không vệ sinh răng miệng sạch sẽ,…
- Di truyền, cơ địa: Hệ miễn dịch kém hay các yếu tố về di truyền và cơ địa cũng là tác nhân gây ra căn bệnh này
- Suy giảm sức đề kháng: Những đối tượng có sức đề kháng kém thường dễ mắc bệnh, cụ thể là người cao tuổi, trẻ em hoặc ngườ bệnh tiểu đường, HIV/AIDS.
- Sử dụng thuốc kéo dài: Đặc biệt là thuốc kháng sinh hoặc ức chế miễn dịch, có thể giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ virus xâm nhập.
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng hạt
Triệu chứng đáng chú ý của bệnh bao gồm:
- Đau rát cổ họng: Thường xuất hiện rõ rệt khi người bệnh nuốt thức ăn hoặc uống nước.
- Khô, ngứa họng: Người bệnh phải khạc nhổ hoặc tằng hắng để giảm cảm giác ngứa.
- Nổi hạt ở họng: Xuất hiện những hạt có màu đỏ hay hồng xuất hiện, gồ lên cao hơn.
- Khó nuốt: Bệnh nhân nuốt khó, đau, cảm giác vướng khi nuốt nước bọt và ăn.
- Ho khan: Cố khạc để long đờm ra nên dễ dẫn đến việc bị khàn tiếng.
- Sốt: Bệnh nhân có thể sốt, có trường hợp sốt cao trên 38 độ.
- Khàn tiếng: Tiếng có thể khàn nhẹ, cổ họng bị đau rát và rõ nhất lúc thức dậy.
- Nổi hạch ở cổ: Sờ cổ thấy nổi hạch, cứng và ấn vào đau.
- Hơi thở có mùi: Do vi khuẩn tạo nên sự tích tụ dịch nhầy.
- Dịch nhầy gây khó chịu: Người mắc viêm họng hạt thường cảm nhận sự hiện diện của dịch nhầy trong cổ họng, làm họ muốn khạc nhổ liên tục.
- Đau tai: Tai có thể bị đau nhức khi nói chuyện hay ăn uống.
- Triệu chứng khác: Mệt mỏi, không muốn ăn, bỏ ăn, ăn không ngon, mất vị.
Các triệu chứng tăng lên rõ rệt khi bệnh nhân nói nhiều hay uống rượu, hút thuốc lá.
>>> Bị viêm họng nổi hạch ở cổ, dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý khi mắc bệnh.
Biến chứng của bệnh viêm họng hạt
Khi để bệnh lâu ngày và không điều trị đúng cách sẽ gây ra các biến chứng. Tuy không nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh rất dễ tái phát khi bị lạnh, cảm mạo, cúm. Điều này gây ra nhiều khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Các ảnh hưởng nguy hiểm như:
- Có tình trạng viêm tại hầu họng, và khả năng biến thành áp xe ở thành họng hay bị viêm amidan.
- Có bệnh liên quan hệ thống hô hấp: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm mũi dị ứng…
- Tái bệnh nhiều lần, tần suất thường xuyên và dễ gây stress cho bệnh nhân. Nguy hiểm hơn là ho nhiều, ho ra máu.
- Về lâu dài có thể hình thành các bệnh ở những bộ phận khác như viêm khớp hay viêm cầu thận…
Làm thế nào để chẩn đoán viêm họng hạt?
Các bước quy trình thường dùng để chẩn đoán, quy trình có thể tùy thuộc vào cơ sở y tế bạn khám:
- Hỏi thăm tình trạng sức khỏe: Nhận diện sơ bộ thông qua việc hỏi thăm tiền sử, các triệu chứng đang mắc phải và cách tự xử trí của bệnh nhân.
- Khám tổng quát tai mũi họng: Các biểu hiện như sưng đỏ, nổi hạt trắng biểu hiện tương đối rõ ràng khi quan sát vùng cổ họng. Do đó, bác sĩ có thể dễ dàng xác định được tình trạng bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải.
- Xét nghiệm máu: Mục đích để biết bệnh nhân có bị bạch cầu đơn nhân hay bị nhiễm trùng bởi các vi-rút hay không.
- Nội soi thanh quản: Nếu cần quan sát sâu hơn vùng hậu họng, bác sĩ có thể chỉ định để thấy được niêm mạc họng chi tiết hơn.
- Chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu: Trường hợp bác sĩ thăm khám lâm sàng xong và nghi ngờ viêm họng hạt đã xuất hiện. Thêm các dấu hiệu viêm đường hô hấp dưới hoặc có ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện chụp X – quang phổi, CT scan, MRI…
Chẩn đoán chính xác tình trạng giúp quá trình điều trị bệnh được dễ dàng và hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân.
>>> Xem tài liệu sau để hiểu rõ hơn về viêm họng hạt do liên cầu nhóm A
Nguồn: “Nghiên cứu tổng quan về xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong chẩn đoán viêm họng”. Do liên cầu nhóm A – Tạp chí Y học Việt Nam Tập 525 Số 1B (2023)
Cách điều trị viêm họng hạt tối ưu hiệu quả
Dưới đây là 4 cách chữa viêm họng hạt phổ biến nhất:
Điều trị bằng thuốc
Bệnh này cũng có thể được chữa trị hoặc giảm các dấu hiệu bằng các loại thuốc:
- Thuốc có chứa thành phần hạ sốt, kháng viêm: Các biểu hiện như sưng đỏ, đau rát, nóng cổ họng có thể giảm khi sử dụng thuốc chứa Ibuprofen, Acetaminophen, Naproxen, Paracetamol,…
- Thuốc có chứa thành phần giảm ho, long đờm: Ho khan hoặc có đờm là dấu hiệu thường gặp nhất. Người bệnh có thể sử dụng thuốc có các hoạt chất Pholcodine, Codein, Dextromethorphan, Noscapine, Diphenhydramin hay Alimemazin,…
- Thuốc xịt họng và ngậm giúp giảm đau: Các hoạt chất Benzydamine, 2,4-dichlorobenzyl alcohol, Dequalinium chloride, Amylmetacresol, Benzocaine, Anasthetics, Hexylresorcinol… có thể làm với bớt cơn đau do bệnh gây nên.
- Kháng sinh: Nhóm hoạt chất kháng sinh như Amoxicillin, Azithromycin, Cephalexin, Cefixime, Penicillin… thường được sử dụng để chữa.
Lưu ý: Tất cả các loại thuốc không được tự ý mua và sử dụng khi chưa có chỉ định trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Người bệnh nên đến thăm khám chuyên khoa để nhận được chỉ định chính xác nhất cho tình trạng bệnh của mình.
Điều trị bằng tiểu phẫu đốt hạt
Trong tình trạng các hạt viêm đã quá to, bệnh nhân cần phải thực hiện tiểu phẫu đốt hạt bằng tia laser hoặc đốt lạnh. Bên cạnh đốt hạt thì bệnh nhân phải giữ gìn vệ sinh răng miệng thật kỹ. Cũng như hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, uống nước lạnh,…
Điều trị dựa vào nguyên nhân
Tùy vào lý do gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phù hợp. Nếu như tình trạng viêm họng hạt được gây ra bởi biến chứng của các căn bệnh khác thì trị dứt điểm các bệnh lý này trước.
- Viêm xoang: Chữa tình trạng này giúp phần dịch không chảy xuống khu vực họng, từ đó viêm họng mãn tính thuyên giảm và loại bỏ tình trạng này.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Khi tình trạng trào ngược được cải thiện, axit sẽ không tác động đến niêm mạc họng nữa. Từ đó giúp cải thiện tình trạng tổn thương của niêm mạc
- Viêm amidan, vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi và các tình trạng có liên quan khác: Giải quyết triệt để các bệnh trạng này sẽ giúp loại bỏ khu vực viêm nhiễm cũng như đảm bảo cho quá trình lưu thông được diễn ra đúng cách
Các phương pháp hỗ trợ tự điều trị tại nhà
Bên cạnh thuốc và các phẫu thuật cần thiết, bệnh nhân cũng có thể áp dụng thêm một số cách chữa viêm họng hạt sau:
- Dùng nước muối để súc miệng không chỉ giúp kháng khuẩn mà còn giúp cải thiện cơn đau.
- Uống đủ nước, ưu tiên dùng nước ấm để cổ họng không bị khô và làm loãng đờm
- Mật ong có thể giúp người bệnh làm dịu các cơn đau họng. Đồng thời kháng viêm, diệt khuẩn hiệu quả. Bệnh nhân có thể pha nước ấm cùng mật ong nguyên chất hoặc sử dụng chanh đào ngâm mật ong để cải thiện tình trạng viêm họng.
- Tỏi không chỉ là một loại thực phẩm kháng sinh mà còn cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin cần thiết. Bệnh nhân có thể dùng tỏi sống hoặc ngâm cùng mật ong để hỗ trợ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và loại bỏ các thói quen xấu để cơ thể có điều kiện hồi phục.
>>> Xem chi tiết hơn cách trị viêm họng tại nhà qua bài viết: Cách điều trị viêm họng tại nhà không cần thuốc
Bệnh dễ dàng lây qua giọt bắn hoặc các đồ dùng cá nhân. Vậy nên cần lưu ý giữ gìn không gian chung, hạn chế tiếp xúc cùng người khác trong phạm vi gần để tránh tình trạng lây nhiễm.
Chế độ ăn cho người bị viêm họng hạt
Nên kiêng ăn gì khi bị viêm họng hạt
Tai Mũi Họng Sài Gòn mách bạn một vài lưu ý khi sử dụng thực phẩm nhé. Muốn cải thiện bệnh tình, người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn sau:
- Thức ăn cứng như các loại hạt, bánh mì, lương khô… có thể phát lại các cơn ho và gây khó chịu cổ họng.
- Thức ăn nóng, có vị cay hay chua quá nặng không chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc họng mà còn có hại cho đường tiêu hóa.
- Thức ăn có nhiều dầu mỡ sẽ khiến tình trạng viêm họng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thức ăn sống hay tái sẽ chứa nhiều vi khuẩn hơn thức ăn đã được nấu chín, tăng nguy cơ nhiễm trùng của người bệnh.
- Các loại thực phẩm có chứa arginine như hạnh nhân, lúa mì, socola… sẽ khiến vi-rút và nấm phát triển mạnh.
- Các loại nước uống có cồn, chứa chất kích thích không chỉ gây tăng thân nhiệt, mất nước. Bên cạnh đó còn kích thích khu vực niêm mạc cổ họng khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi.
Nên ăn gì khi bị viêm họng hạt
Bệnh cũng sẽ được cải thiện nếu người bệnh sử dụng các loại thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Bệnh nhân viêm họng nên sử dụng các loại thức ăn mềm, ấm, dễ nuốt như các món súp, hầm, canh,…
Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu dinh dưỡng mà bạn tham khảo:
- Các nhóm thực phẩm chứa Vitamin C, A và E: Vitamin A và E có khả năng làm lành các tế bào tổn thương và tái tạo. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Các nhóm thực phẩm chứa Protein: Các thực phẩm như sữa, trứng, cá hồi… đều giúp cải thiện hệ miễn dịch cho người bệnh. Và cũng đánh bại những tác nhân gây hại cho cơ thể.
- Các nhóm thức ăn giàu kẽm: Củ cải trắng, ngao, sò, nấm, súp lơ, rau chân vịt,… sẽ góp phần sinh trưởng tế bào miễn dịch.
- Các nhóm thức ăn có khả năng kháng viêm: Tỏi, Bạc hà, mật ong, gừng, hành, hẹ… với khả năng kháng khuẩn, giảm viêm cao. Không chỉ giúp cải thiện tình trạng viêm họng mà còn có khả năng ức chế sự “hoành hành” của vi khuẩn.
Một số lưu ý quan trọng khi điều trị viêm họng hạt
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng mà chưa có sự chỉ định từ bác sĩ. Các loại thuốc như kháng sinh, cần được kê đơn với liều lượng và thời gian sử dụng cụ thể. Từ đó, hạn chế các nguy cơ gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tình trạng kháng thuốc.
Việc tự ý dùng thuốc có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, khiến việc kiểm soát và điều trị trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như đau dạ dày, buồn nôn hoặc mệt mỏi. Để tránh gặp phải những vấn đề này, bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa đủ liệu trình hoặc dùng quá liều.
Đặc biệt, nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như khó thở, nổi mẩn đỏ, đau đầu hoặc chóng mặt trong quá trình điều trị, cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa các rủi ro.
Viêm họng hạt chữa khỏi trong bao lâu?
Thời gian điều trị viêm họng hạt là vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Tình trạng bệnh ở giai đoạn nào
- Thời điểm phát bệnh
- Phác đồ điều trị được áp dụng
- Cơ địa của từng người
- Chế độ chăm sóc sức khỏe trong quá trình hồi phục.
Do đó, thời gian chữa bệnh sẽ không giống nhau ở mỗi người. Thời gian này dài hoặc ngắn dựa trên khả năng đáp ứng của cơ thể và sự kiên trì trong việc tuân thủ liệu trình điều trị.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh chủ quan trước bệnh lý này. Việc thăm khám và điều trị sớm với bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viên Tai Mũi Họng là điều cần thiết để hạn chế tình trạng trở nặng, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn.
Đặc biệt, nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng nguy hiểm như:
- Áp xe khu vực thành sau họng
- Viêm nhiễm hoặc áp xe xung quanh amidan
- Các bệnh lý liên quan khác như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, hoặc viêm mũi dị ứng.
Cách phòng ngừa viêm họng hạt
Các biện pháp đơn giản phòng ngừa bạn có thể tham khảo:
- Trị dứt điểm bệnh lý liên quan: Viêm họng cấp tính và các bệnh lý tai mũi họng, đường tiêu hóa trên như trào ngược acid. Phòng ngừa bệnh kéo dài dai dẳng là nguyên nhân tiến triển thành viêm họng hạt.
- Thực hiện tiêm chủng: Người có hệ miễn dịch suy giảm, đặc biệt là trẻ em nên chích vắc xin đầy đủ. Mục đích để hạn chế nguy cơ mắc cũng như lây nhiễm bệnh đường hô hấp.
- Vệ sinh răng miệng: Thường xuyên súc miệng với nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn có mầm bệnh.
- Chế độ ăn uống khoa học: Đặc biệt nên hạn chế ăn các loại thức ăn quá cay, chế biến có nhiều dầu mỡ. Uống nước nhiều và hạn chế rượu bia.
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Tham gia tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe như gym, yoga, chạy bộ, đạp xe…. Bỏ hút thuốc lá hoặc tránh nơi có khói thuốc lá. Hạn chế sử dụng rượu bia và lạm dụng chất kích thích
- Giữ ấm cổ và cơ thể: Quàng khăn, uống nước ấm, đặc biệt vào mùa đông khi trời chuyển lạnh để bảo vệ cổ họng, phòng ngừa bệnh.
- Phòng hộ lao động: Đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ nếu như thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại. Từ đó hạn chế được khả năng tiếp xúc với các loại hóa chất và khói bụi.
>>> Xem video để hiểu hơn về viêm họng hạt
Một số thắc mắc về bệnh viêm họng hạt
Viêm họng hạt có thể để tự khỏi được không?
Đây là bệnh không thể tự hồi phục, cần trị dứt điểm bằng can thiệp của bác sĩ sẽ là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất.
Ho do viêm họng hạt có được uống trà thảo dược không?
Có rất nhiều loại trà thảo dược hỗ trợ tốt cho giảm triệu chứng ho. Bạn có thể sử dụng trà hoa cúc, trà gừng mật ong,… pha ấm uống giúp dịu cổ họng, bớt đau rát và ho.
Viêm họng hạt viêm amidan có thể điều trị dứt điểm được không?
Bệnh này kèm theo amidan bị viêm là tình trạng bệnh khiến bệnh nhân cực kỳ khó chịu và mệt mỏi. Khi bị như vậy, chứng tỏ vi khuẩn trong họng đang hoạt động mạnh mẽ và cần dùng kháng sinh. Bệnh có thể chữa dứt điểm khi được khám bởi bác sĩ có chuyên môn và kê thuốc kháng sinh đúng cách.
Nhìn chung, bệnh viêm họng hạt có những dấu hiệu dễ nhận biết và có thể điều trị dứt điểm. Đặc biệt, người bệnh cần tránh tự mua và dùng thuốc vì có thể khiến bệnh nặng hơn. Trên đây là toàn bộ thông tin bệnh viện Tai Mũi Họng mang đến. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào có thể liên hệ qua mail hoặc hotline để được hỗ trợ.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/