Nguyên nhân, triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng và cách điều trị
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh rất phổ biến trong đời sống hiện đại do chế độ ăn uống thiếu hợp lý và đời sống gặp nhiều tình trạng căng thẳng thần kinh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị căn bệnh đang có xu hướng gia tăng này.
Định nghĩa về viêm loét dạ dày tá tràng?
Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý xảy ra khi phần niêm mạc ở dạ dày hoặc tá tràng bị viêm, loét, từ đó tạo ra những cơn đau bụng âm ỉ gây khó chịu cho bệnh nhân. Các vùng viêm loét dạ dày có tỉ lệ khác nhau: thông thường sẽ có khoảng 95% người bệnh bị viêm loét ở vùng tá tràng, 60% sẽ bị vùng trong dạ dày và 25% sẽ bị ở vùng bờ cong dạ dày có kích thước bé.
>>> Xem thêm: Viêm dạ dày là gì? Các biến chứng viêm dạ dày và cách điều trị bệnh
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Bệnh viêm dạ dày tá tràng sẽ có yếu tố nguy cơ cao nếu:
Thường xuyên sử dụng thuốc lá, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn
Thuốc lá có chứa nicotine, chất này làm tăng hóc môn cortisol, là một trong những tác nhân gây ra viêm loét dạ dày. Bia rượu làm tăng sinh acid trong dạ dày nhiều hơn bình thường làm tăng nguy cơ gây viêm loét.
Căng thẳng thần kinh
Giới văn phòng hiện nay có tỉ lệ căng thẳng thần kinh (stress) rất cao do áp lực công việc, đây là một trong những yếu tố nguy cơ điển hình thường gặp nhất của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Việc stress liên tục sẽ gây tiết acid trong dạ dày bất bình thường, gây ăn mòn thành dạ dày dẫn tới viêm loét.
Thói quen sinh hoạt, ăn uống không điều độ
Việc ăn uống không có giờ giấc quy định sẽ khiến acid trong dạ dày tiết ra không đúng theo quy luật, góp phần tăng nguy cơ viêm loét. Đêm khuya là lúc dạ dày được nghỉ ngơi nên nếu thức khuya quá sẽ khiến dạ dày tiếp tục tiến dịch vị như ban ngày, ảnh hưởng tới niêm mạc dạ dày.
Tuổi tác
Có tới 60% người bị viêm loét dạ dày từ 65 tuổi trở lên. Vào độ tuổi này sức đề kháng không còn được tốt như thời trẻ nên vi khuẩn gây viêm loét sẽ dễ dàng xâm nhập hơn.
Môi trường tiềm ẩn HP
Những người sinh sống tại nơi có điều kiện vệ sinh kém có khả năng bị virus HP xâm nhập vào cơ thể dẫn tới nguy cơ mắc viêm loét dạ dày tá tràng.
>>> Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm dạ dày HP là gì? Các triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị
Sử dụng nhiều thuốc giảm đau không steroid
Những bệnh nhân phải sử dụng nhiều thuốc giảm đau không cortisol (steroid) có nguy cơ lớn dẫn tới viêm loét dạ dày tá tràng. Khả năng tự bảo vệ niêm mạc dạ dày và lành ổ loét sẽ giảm đi rất nhiều khi người bệnh bắt buộc sử dụng thuốc này để điều trị các bệnh khác
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng
Có 2 nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày tá tràng là do cơ thể đã nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (còn gọi là vi khuẩn HP) hoặc dùng thuốc chống viêm không có cortisol (hay còn gọi là steroid).
Dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid
Theo báo cáo của các bác sĩ tỉ lệ người dùng thuốc giảm đau, kháng viêm gây loét dạ dày chiếm trên 25% các ca viêm loét dạ dày tá tràng. Các loại thuốc này sẽ ức chế tổng hợp chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị ảnh hưởng bởi việc tiết dịch vị, niêm mạc mỏng dễ gây viêm loét.
Nhiễm vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP xâm nhập vào lớp nhầy niêm mạc dạ dày tá tràng, tiết ra độc tố làm ảnh hưởng tới chức năng bảo vệ acid của niêm mạc, khiến dịch vị tiết ra gây viêm loét dạ dày tá tràng. Thực tế cho thấy, nếu diệt trừ được vi khuẩn HP trước khi điều trị bệnh lý này thì khả năng tái bệnh chỉ còn khoảng 10%, nếu không diệt trừ thì nguy cơ nâng cao lên 70%.
Bên cạnh 2 triệu chứng viêm loét dạ dày trên, trạng thái căng thẳng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, làm mất cân bằng chức năng dạ dày. Axit hydrochloric và pepsin tăng tiết khiến cho huyết quản dạ dày, môn vị co thắt, tầng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị thương tổn, hình thành bệnh viêm loét dạ dày.
>>> Vi khuẩn HP cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp, tìm hiểu thêm về viêm dạ dày cấp qua bài viết: Viêm dạ dày cấp tính – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Đau vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn)
Đây là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Cảm giác này xảy ra sau khi ăn khoảng 2 – 3 tiếng. Cơn đau có thể xảy ra vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng (nhất là khi thức khuya) do dạ dày vẫn tiếp tục tiết dịch vị tác động vào niêm mạc.
Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, tức ngực
Sau khi ăn xong mà bạn cảm thấy buồn nôn, tức ngực, hoặc có thể trước khi ăn cũng đã thấy buồn nôn, tức ngực ngay sau khi ăn thì khả năng bạn đã có triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng.
Đầy bụng, khó tiêu thường sẽ xảy ra khi người bệnh đã bị viêm loét một thời gian, khi đó do tổn thương niêm mạc các hoạt động tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Mất ngủ, ngủ không ngon
Do hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nên người bị viêm loét dạ dày tá tràng sẽ có những giấc ngủ không ngon vì chướng bụng, đầy hơi. Một số người có cảm giác đau khi đêm khuya hoặc gần sáng cũng khiến cho cơ thể bị mất ngủ.
Ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị
Triệu chứng này thường gặp ở những bệnh nhân thời kỳ ban đầu. Ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, cảm giác chướng căng tức bụng vùng phía trên rốn khiến bệnh nhân giảm cảm giác thèm ăn, mệt mỏi.
Rối loạn tiêu hóa
Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng thường bị táo bón hoặc tiêu chảy do hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên triệu chứng này cũng thường gặp ở các bệnh ở đường tiêu hóa khác nên khá dễ nhầm lẫn gây chủ quan cho người bệnh.
>>> Tìm hiểu thêm về bệnh viêm loét dạ dày qua tài liệu sau:
Nguồn: American Family Physician, Volume 76, Number 7, October 1, 2007
Cách chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Việc chẩn đoán lâm sàng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường sẽ khó chẩn đoán chính xác dấu hiệu bệnh. Vì vậy, đối với bệnh lý này, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp cận lâm sàng, bao gồm: nội soi đường tiêu hóa trên và chụp X-quang tiêu hóa trên.
Nội soi đường tiêu hóa trên
Đây là thủ thuật nội soi nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường trong dạ dày, thực quản và tá tràng của người bệnh. Phương pháp này sử dụng 1 ống nội soi để đưa vào phần tiêu hóa trên. Để tránh cho bệnh nhân có cảm giác khó chịu khi nội soi cũng như dễ dàng quan sát hệ tiêu hóa, các bác sĩ sẽ sử dụng cách thức “Nội soi tiền mê không đau”, những dấu hiệu lạ như : xuất hiện vết loét, tổn thương khu vực dạ dày, tá tràng hoặc polyp trong khu vực đó… có thể bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng đang có dấu hiệu phát hiện và tiến triển ở bệnh nhân.
Chụp X-quang tiêu hóa trên
Khi bệnh nhân có một số vấn đề về việc không thể thực hiện nội soi, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chụp X-quang tiêu hóa trên.
Nguyên lý của quá trình này là tia X-Quang sẽ đi qua phía khu vực tiêu hóa trên của bệnh nhân (bao gồm dạ dày, thực quản, tá tràng) gặp chất cản quang (barit – chất này bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân uống vào) sẽ tái tạo lại hình ảnh của khu vực vết loét, viêm trong dạ dày – tá tràng (nếu có).
Biện pháp này được coi là ít hiệu quả hơn so với phương pháp nội soi trên do khó phát hiện phần tổn thương, vết loét hơn và không thể lấy được trực tiếp phần dịch trong khu vực tiêu hóa trên để sinh thiết.
Một số biến chứng viêm loét dạ dày tá tràng cần lưu ý
Xuất huyết dạ dày
Đây là biến chứng hay gặp nhất, khoảng 15-20% bệnh nhân loét dạ dày tá tràng sẽ có khả năng bị một vài lần biến chứng này. Thường nhận biết qua các triệu chứng như: bệnh nhân có thể nôn ra máu hoặc kết hợp với đi ngoài phân có màu tối, da xanh xao, mạch đập nhanh, huyết áp giảm.
Hẹp môn vị
Môn vị là khu vực nằm giữa dạ dày và tá tràng, nó như là 1 cái van chứa thức ăn ở dạ dày. Khi người bệnh bị viêm loét dạ dày tá tràng ở khu vực gần môn vị thì sẽ xuất hiện những triệu chứng như: nặng bụng và khó chịu ngay sau ăn, dễ bị nôn và có dấu hiệu mất nước.
Thủng dạ dày
Thủng dạ dày là một biến chứng viêm loét dạ dày tá tràng rất nguy hiểm. Khi vết loét ăn sâu và thành dạ dày tá tràng có thể xuất hiện hiện tượng thủng, người bệnh sẽ đau dữ dội, cảm giác không còn sức lực, huyết áp tụt giảm mạnh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể tạo thành viêm phúc mạc và nguy cơ dẫn tới tử vong. Bệnh này thường gặp ở nam giới hơn do thói quen uống nhiều bia rượu trong khi viêm loét khu vực dạ dày tá tràng khiến bệnh trở nặng hơn.
Ung thư dạ dày
Tỉ lệ ung thư hóa sau viêm loét chiếm 5-10% số bệnh nhân khi thời gian bị bệnh trên 10 năm. Đối với những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP mà không chữa khỏi thì tỉ lệ chuyển sang ung thư dạ dày cao hơn đáng kể. Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến và tỉ lệ tử vong hàng đầu ở nước ta. Do vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh viêm loét dạ dày cực kỳ quan trọng để hạn chế đến mức tối đa biến chứng nguy hiểm của bệnh này.
Phương pháp chữa trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Việc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự mua thuốc và tự điều trị. Nếu nghi ngờ mình có những triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra biện pháp điều trị theo tình hình thực tế.
Thuốc kháng và giảm tiết acid
Bác sĩ thường sẽ chỉ định thuốc kháng và giảm tiết acid (tùy trường hợp) nhằm trung hòa và giảm bớt ảnh hưởng của acid trong dịch vị. Điều này sẽ hạn chế những cơn đau của người bệnh.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Đối với những bệnh nhân có vi khuẩn HP trong dạ dày tá tràng, bắt buộc phải thực hiện sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn này, sau đó mới thực hiện việc uống thuốc kháng và giảm tiết acid. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng, đủ theo lịch chỉ định uống thuốc của bác sĩ, tránh vi khuẩn lờn kháng sinh.
Phẫu thuật chữa trị viêm loét dạ dày tá tràng
Phẫu thuật nội soi viêm loét dạ dày tá tràng thường là phương pháp cuối cùng để điều trị bệnh lý này do một số nguyên nhân sau:
- Việc sử dụng thuốc chữa trị đã không còn tác dụng (quá trình điều trị trên 2 năm).
- Viêm loét dạ dày tá tràng bắt đầu gây những biến chứng như: thủng dạ dày, hẹp môn vị, xuất huyết dạ dày…
Biện pháp can thiệp bằng ngoại khoa có những rủi ro trong và sau quá trình phẫu thuật như:
Trong phẫu thuật
- Tổn thương mạch máu và đại tràng: xử lý cầm máu và xử lý tổn thương
- Nhiễm trùng khi phẫu thuật
Sau phẫu thuật
- Viêm phổi
- Hội chứng quai tới
- Tắc ruột
- Suy hô hấp
Vì phẫu thuật viêm loét dạ dày tá tràng có một số rủi ro nên cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau đây:
- Độ tuổi: hạn chế phẫu thuật cho người cao tuổi và trẻ em dưới tuổi vị thành niên.
- Tình trạng sức khỏe: Những người có bệnh mãn tính, cơ địa dễ chảy máu cũng khuyến cáo không nên phẫu thuật.
- Nguyện vọng: người bệnh và gia đình mong muốn được phẫu thuật dứt điểm bệnh lý.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh viêm loét dạ dày tá tràng rất quan trọng nhằm tránh phải phẫu thuật nội soi dạ dày vì những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong và sau quá trình phẫu thuật.
Thực đơn dinh dưỡng cho người bị viêm loét dạ dày tá tràng
Thức ăn, đồ uống phù hợp cho người viêm loét dạ dày tá tràng
- Thức ăn có nguồn gốc từ ngũ cốc: gạo tẻ, gạo nếp, khoai lang, khoai sọ, bột đao, bột sắn, bánh mỳ, bánh quy…
- Trung hòa acid: sữa, trứng
- Thức ăn mềm như thịt, cá nạc
- Rau củ non như : rau cải, rau đay, rau mồng tơi, bí, bầu…
- Thức ăn giảm tiết acid : dầu cá, mật ong, bánh kẹo ngọt…
- Trái cây: táo, na, vải, quýt ngọt, xoài ngọt…
- Đồ uống: nước lọc, sinh tố…
Thực phẩm, đồ uống không nên dùng khi bị viêm loét dạ dày tá tràng
- Thức ăn làm tăng kích thích dạ dày tá tràng: đồ chiên, đồ quay.
- Thức ăn thô cứng dai: Thịt có gân, sụn.
- Rau quả nhiều sơ: rau bí, các củ quả nhiều xơ
- Thức ăn chua, lên men: dưa muối, cà muối, hành muối, kiệu muối, sữa chua.
- Các loại quả chua, chưa chín : dứa, chanh, cam chua, xoài xanh, đu đủ xanh, chuối xanh…
- Gia vị: ớt, tỏi, hạt tiêu, cà ri, mù tạt, dấm…
- Các chất kích thích: rượu bia các loại, cà phê đặc, nước ngọt có ga
Lưu ý khi chế biến món ăn cho bệnh nhân viêm dạ dày tá tràng
- Nấu chín, nhuyễn, ninh nhừ thức ăn. Tập ăn chậm, nhai kỹ để tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
- Hạn chế ăn đồ ăn chiên rán, quay, ưu tiên ăn đồ ăn luộc, hấp. Không nên ăn đồ cay.
- Không nên ăn cơm cùng canh vì thức ăn không được nghiền nát kỹ trước khi xuống dạ dày..
- Hạn chế ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh. Giữ trong khoảng từ 40 – 60 độ.
Biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng
- Hạn chế bia, rượu thuốc lá
- Ăn nhiều các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây hay ngũ cốc để tăng cường nguồn vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
- Hạn chế thức ăn cay, béo và chiên, chuyển sang chế độ ăn nhiều đồ luộc, hấp.
- Uống thêm nước lọc và hạn chế lượng caffeine trong cà phê.
- Tăng cường hệ thống đường ruột, bổ sung men vi sinh bằng việc ăn các thực phẩm, chế phẩm như: giấm táo, sữa chua. Tuy nhiên, khi phát hiện bị viêm loét dạ dày tá tràng thì phải dừng ăn những thức ăn này.
- Hạn chế sử dụng loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), nếu bắt buộc phải sử dụng thì cần có ý kiến của dược sĩ, bác sĩ.
- Hạn chế căng thẳng (stress). Đây là nguyên nhân thứ phát có tỉ lệ cao gây ra viêm loét dạ dày tá tràng bằng việc giải trí, làm việc khoa học.
- Ăn uống đúng bữa, không thức quá khuya để hạn chế việc tiết dịch vị không kiểm soát gây ảnh hưởng tới niêm mạc dạ dày..
>>> Xem thêm về bệnh viêm dạ dày qua video của bác sĩ Mai Thị Diệu Trinh – Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn:
Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?
Bệnh lý này khá phổ biến trong đời sống hiện đại, tuy không phải là một bệnh quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng của nó khiến người bệnh rất khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Việc ăn uống khó khăn và những cơn đau diễn ra trong thời gian dài khiến chất lượng cuộc sống lẫn công việc giảm sút. Ngoài ra, nếu không chữa trị mà để kéo dài trên 10 năm thì có nhiều nguy cơ biến chứng qua ung thư dạ dày, lúc đó sẽ nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân.
Viêm loét dạ dày tá tràng có chữa trị tại nhà được không?
Người bệnh không nên tự chữa trị tại nhà vì bệnh lý mỗi người mỗi khác, bắt buộc phải có chỉ định của các bác sĩ về liệu pháp và từng loại thuốc phù hợp cho từng quá trình tiến triển của bệnh cũng như cơ địa của từng người. Việc điều trị một cách tự phát có rủi ro biến chứng sang các bệnh khác.
Căng thẳng thần kinh có gây ra viêm loét dạ dày tá tràng không?
Căng thẳng thần kinh (hay còn gọi là stress) là nguyên nhân phổ biến hiện nay gây bệnh. Khi stress thì các dây thần kinh ruột điều khiển hệ thống tiêu hóa tạm thời bị gián đoạn hoặc hoạt động không ổn định do hệ thần kinh trung ương hoạt động không tốt. Điều này dẫn tới việc giảm thiểu việc co bóp cần thiết của hệ tiêu hóa làm hệ thống niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương.
Chúng ta cần làm gì để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng: lối sống khoa học, hợp lý bằng cách ăn đúng bữa, ngủ đúng giấc, giảm bớt lo âu căng thẳng, ít lạm dụng chất kích thích và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
Tại BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN – HỆ THỐNG ĐA KHOA QUỐC TẾ SÀI GÒN, chúng tôi có đầy đủ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc nội soi dạ dày với phương pháp “Nội soi không đau” nhằm phát hiện nhanh chóng và chính xác các dấu hiệu của viêm loét dạ dày tá tràng để kịp thời chẩn đoán và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân, qua đó giảm bớt sự khó chịu trong sinh hoạt và ngăn ngừa bệnh phát triển các biến chứng nguy hiểm. Nếu có nhu cầu cần thăm khám và điều trị bạn có thể liên hệ ngay thông tin dưới đây:
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/