Chẩn đoán nguyên nhân, triệu chứng & Cách trị viêm mũi dị ứng hiệu quả
Viêm mũi dị ứng là gì? Đây là một căn bệnh phổ biến ở nước ta, đặc biệt là khi thời tiết biến chuyển. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Tìm hiểu ngay cách điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất qua bài viết sau.
Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng (Allergic rhinitis) là biểu hiện của bệnh dị ứng, xảy ra viêm ở niêm mạc mũi – xoang qua các trung gian kháng thể. Bệnh xảy ra do tiếp xúc với dị nguyên trong không khí vì thế không bệnh không có khả năng lây từ người này sang người khác. Các triệu chứng ban đầu của viêm mũi dị ứng gần giống như bệnh cảm lạnh điển hình như là ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu,… Tuy nhiên nếu không sớm điều trị sẽ dễ dẫn đến biến chứng nặng hơn là viêm xoang mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra với mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ em. Bệnh thường bắt đầu vào trước 20 tuổi, cao nhất là độ tuổi từ 12 đến 15.
Theo thống kê ở Việt Nam người bị viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong các bệnh lý về tai mũi họng, ở Hoa Kỳ có khoảng 20% dân số bị mắc bệnh viêm mũi dị ứng.
Theo Hiệp hội Viêm mũi dị ứng quốc tế dựa theo thời gian bệnh kéo dài, triệu chứng và biến chứng của bệnh có thể chia thành 2 loại bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Viêm mũi dị ứng gián đoạn: Triệu chứng kéo dài trong khoảng <4 ngày/tuần hoặc <4 tuần/năm
- Viêm mũi dị ứng dai dẳng: Triệu chứng kéo dài trong khoảng > 4 ngày/tuần hoặc > 4 tuần/năm
Triệu chứng bị viêm mũi dị ứng
Triệu chứng viêm mũi dị ứng rất dễ chẩn đoán điển hình:
- Ngứa mũi, hắt hơi liên tục không kiểm soát được. Hắt hơi nhiều có khi còn khiến bệnh nhân đau rát họng nhưng sau đó lại bình thường.
- Chảy nước mũi hai bên, dịch mũi trong trường hợp này trong suốt, không đặc và không có mùi.
- Phù nề niêm mạc mũi, dẫn đến ngạt mũi. Ngạt mũi từng bên hoặc có khi bị cả hai bên, có lúc phải thở bằng miệng.
- Rối loạn sự thông khí, làm tắc các lỗ thông các xoang dẫn đến ứ đọng dịch trong các xoang và hậu quả là bị viêm xoang.
>>> Cách chữa viêm xoang viêm mũi dị ứng và cách phân việt giữa viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng phát bệnh theo từng cơn, nặng hơn khi chịu tác động của các tác nhân dị ứng như bụi, phấn hoa, lông chó mèo, trời lạnh…. Ngoài cơn thì cơ thể cảm thấy rất bình thường. Có khoảng 40% trẻ em có dấu hiệu viêm mũi dị ứng có liên quan đến triệu chứng của hen phế quản.
Nguyên nhân bị viêm mũi dị ứng
Có rất nhiều dị nguyên gây ra bệnh nhưng nguyên nhân tác động trực tiếp xảy ra viêm mũi dị ứng là gì? Các tác nhân gây dị ứng khi vào cơ thể theo đường hô hấp, cơ thể sẽ nhận thấy đó là dị nguyên và phản ứng lại. Lúc này, các tế bào mast hay còn gọi là dưỡng bào ở niêm mạc mũi vỡ ra, giải phóng ồ ạt ra chất histamin. Histamin này tác động đến các thụ thể gây ra các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sau:
- Do các yếu tố di truyền: Cơ địa bị nhạy cảm
- Những tác nhân gây dị ứng trong không khí: phấn hoa, lông thú nuôi, bụi bướm, bụi lúa trong mùa gặt, khói, bụi mịn, không khí lạnh,…
- Những tác nhân gây dị ứng trong môi trường làm việc: bụi phấn bảng, hóa chất trong các nhà máy, bụi vải ở xưởng may, lông động vật ở các bệnh viện thú y, bụi xi măng trong các nhà máy vật liệu hoặc công trường, bụi gỗ trong các xưởng gia công mộc…
- Những tác nhân gây dị ứng ở nhà ở: bụi trong không gian sống; lông chó mèo; bụi vải từ quần áo và chăn mền; mùi nước hoa, sữa tắm, xà phòng, nước xả vải; mùi từ thức ăn, nấm mốc…
- Dị ứng qua qua thức ăn
- Dị ứng qua các thành phần của thuốc có thể làm thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs (aspirin, ibuprofen…), thuốc ứng chế men chuyển như là enalapril, captopril.
>>> Những tác nhân như khói bụi, phấn hoa, lông động vật cũng là một trong những tác nhân gây viêm mũi dị ứng mãn tính, tìm hiểu thêm qua bài viết: Viêm mũi dị ứng mãn tính là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách trị
Viêm mũi dị ứng sẽ dễ xuất hiện trong các điều kiện thuận lợi sau:
- Tiếp xúc quá ngưỡng với dị nguyên
- Căng thẳng, áp lực
- Rối loạn nội tiết ở phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai
- Lối sống không khoa học như là lười vận động, sử dụng nhiều rượu bia, giảm cân không đúng cách.
- Thiếu vitamin D (do thiếu ánh nắng mặt trời)
- Béo phì
- Virus và vi khuẩn gây ra tình trạng niêm mạc bị phù nề, hệ lông chuyển bị tê liệt làm giảm khả năng bảo vệ của niêm mạc mũi.
Biến chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
Các biến chứng khi không điều trị viêm mũi dị ứng dứt điểm:
- Niêm mạc mũi thoái hóa thành polyp, phù nề gây ngạt mũi kéo dài và nặng nề
- Các cuốn mũi bị quá phát
- Viêm loét vùng tiền đình mũi gây đau, khó chịu.
- Viêm đường hô hấp: viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi xoang mạn tính, viêm tai giữa.
>>Tham khảo về vai trò của phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn trong điều trị viêm mũi dị ứng:
Nguồn: Nghiên cứu tổng quan về vai trò của phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn trong điều trị viêm mũi dị ứng – Tạp chí Y học Việt Nam Tập 523 Số 2 (2023)
Chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng
Khi đến khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm mũi dị ứng dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân kèm theo hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng của bản thân và gia đình, tiền sử bệnh khác và các yếu tố về nghề nghiệp, sinh hoạt để có cách chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất.
Các trường hợp cần xem xét đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra phản ứng của cơ thể với một số tác nhân dị ứng.
Các phương pháp thực hiện:
- Kiểm tra bởi test nội bì hoặc test lẩy da ở vùng da mặt trong cẳng tay.
- Kiểm tra trực tiếp kích thích mũi bằng cách nhỏ dị nguyên vào niêm mạc hốc mũi.
- Trực tiếp định lượng kháng thể dị ứng: RAST (Radio allergo sorbent test), RIST (Radio immuno sorbent test), PRIST (Paper Radio immuno sorbent test).
- Gián tiếp dùng để định lượng kháng thể dị ứng: Gồm 3 loại phản ứng được dùng là phân hủy mastocyte, ngưng kết bạch cầu, tiêu bạch cầu đặc hiệu.
Triệu chứng chứng tỏ bị viêm mũi dị ứng:
- Xuất hiện ngứa, ban đỏ, có thể kèm sưng nhẹ
- Ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi
Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Điều trị viêm mũi dị ứng đặc hiệu
Cách điều trị viêm mũi dị ứng đặc hiệu bằng các phương pháp sau:
- Biện pháp né tránh dị nguyên: Hạn chế nhất có thể để tránh tiếp xúc phải dị duyên như thay đổi nơi ở, nơi làm việc hoặc đổi nghề, thay đổi thuốc, đổi chế độ ăn. Tuy nhiên rất khó thực hiện vì dễ làm đảo lộn cuộc sống.
- Phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu: đây là một liệu pháp miễn dịch, được ví như vaccine điều trị viêm mũi dị ứng.
Đối với các biện pháp này tác nhân gây dị ứng sẽ được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da, nhỏ dưới lưỡi hoặc nhỏ tại chỗ ở mũi. Cơ thể sẽ tạo kháng thể phản ứng với dị nguyên, ban đầu dùng với lượng nhỏ, sau tăng dần và ngắt quãng. Điều này khiến cơ thể quen với dị duyên và không còn phản ứng dị ứng khi tiếp xúc nữa.
Dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng
Thuốc dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng gồm:
- Thuốc kháng histamin đường uống
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid
- Thuốc ổn định tế bào mast ở mũi (ví dụ, cromolyn) dùng 3 hoặc 4 lần một ngày
- Thuốc xịt H1 azelastine xịt mũi 1 đến 2 hai lần một ngày
- Ipratropium 0,03% xịt mũi 2 lần từ 4 đến 6 giờ giúp giảm chảy nước mũi
Liều lượng cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Bởi vì khi sử dụng các loại thuốc kháng histamin chỉ giảm triệu chứng chứ không thể chữa được nên cần tránh sử dụng để không bị lờn thuốc.
Điều trị bằng phẫu thuật
Chỉ định chữa viêm mũi dị ứng mãn tính bằng phẫu thuật khi bệnh nhân có biến chứng polyp, cuốn mũi bị thoái hóa và một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu bao gồm gai vách ngăn, lệch vách ngăn.
Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
- Nên tập thể dục thể thao thường xuyên, nâng cao thể lực
- Ăn uống ngủ nghỉ một cách khoa học hạn chế ăn đồ sống, đồ lạnh, thức ăn có mùi nặng.
- Vệ sinh không gian, đồ đạc trong nhà ở và nơi làm việc sạch sẽ, hạn chế bám bụi bẩn.
- Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi có thể xuất hiện dị nguyên như vườn hoa, công trường,….
- Nên xịt rửa mũi hàng ngày, vệ sinh tai sạch sẽ và giữ ấm cổ họng.
- Giảm béo phì
- Thả lỏng tinh thần, không nên thường xuyên áp lực, căng thẳng
- Giảm sử dụng thuốc aspirin
- Dùng nước muối để rửa mũi, tránh dùng tay ngoáy mũi làm tổn thương niêm mạc
- Điều trị dứt điểm các ô nhiễm trùng ở vùng xoang, vùng răng miệng
Thực đơn hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng
Để mang lại hiệu quả cao trong điều trị cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chế độ ăn cho người bị viêm mũi dị ứng được khuyến cáo như sau:
- Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C: Vitamin C được chứng minh có vai trò tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
- Bổ sung thực phẩm giúp làm ấm cơ thể: các đồ ăn chế biến từ các nguyên liệu có tính nóng như hành, tỏi, gừng, tiêu,… hoặc các loại trà gừng, trà quế,… sẽ giúp cơ thể ấm lên, giảm triệu chứng bệnh.
Điều trị viêm mũi dị ứng tại cơ sở y tế uy tín
Nếu tình trạng viêm mũi dị ứng chuyển biến nặng hơn gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Lời khuyên là bạn nên tìm đến chuyên khoa Tai Mũi Họng của các bệnh viện uy tín như là Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để có hướng điều trị hiệu quả.
Những thắc mắc về bệnh viêm mũi dị ứng
Làm thế nào để hạn chế việc viêm mũi dị ứng bị tái đi tái lại nhiều lần?
Yếu tố khởi phát các triệu chứng viêm mũi dị ứng là do dị nguyên. Do vậy để tránh không tái phát bệnh thì cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên mà cơ thể bị dị ứng. Đồng thời thường xuyên xịt rửa mũi sạch sẽ hàng ngày.
Viêm mũi dị ứng có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Viêm mũi dị ứng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Khi người mẹ mắc các triệu chứng khó chịu của bệnh, tâm lý và sức khỏe bị ảnh hưởng có thể gián tiếp đến thai nhi trong bụng.
Bệnh viêm mũi dị ứng có lây không?
Bệnh viêm mũi dị ứng không lây nhiễm do bệnh tự phát bởi cơ địa dị ứng với dị nguyên bên ngoài.
Để hạn chế tác động của các căn nguyên gây bệnh, chúng ta cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng ăn uống và sinh hoạt khoa học.
Bị viêm mũi dị ứng có tiêm vaccine được không?
Người đang mắc viêm mũi dị ứng hoặc có tiền sử viêm mũi dị ứng có thể tiêm được vaccine. Tuy nhiên, trước khi tiêm cần thông báo với bác sĩ về tiền sử và các dị nguyên thường gây dị ứng. Một số người có tiền sử dị ứng nặng hoặc phản vệ với thuốc có thể cần được kiểm tra trước và theo dõi trong quá trình tiêm vaccine.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có khác với người lớn không?
Các triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng giống nhau ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, đối với trẻ em, hàng rào miễn dịch vẫn còn chưa thực sự khỏe mạnh nên sẽ cảm thấy khó ở hơn, nếu không tìm cách trị viêm mũi dị ứng sớm sẽ khiến trẻ sụt cân, gầy yếu.
Như vậy, bài viết đã giải thích cho bạn về khái niệm “viêm mũi dị ứng là gì”. Bệnh này hoàn toàn không gây ra bất kỳ nguy hiểm gì cho sức khỏe của bạn bởi nguyên nhân đều do tác động từ môi trường bên ngoài gây nên. Tuy vậy, viêm mũi dị ứng chỉ có thể điều trị bằng cách làm giảm đi các triệu chứng chứ không thể chữa khỏi được. Cách tốt nhất bạn có thể làm là chú trọng tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe khỏi các yếu tố gây dị ứng khi thời tiết thay đổi.
Để được tư vấn chi tiết hơn về bệnh viêm mũi dị ứng. Quý khách hãy liên hệ các Bác sĩ khoa Mũi Xoang Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, chúng tôi sẵn sàng đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp giúp bạn nhanh chóng hồi phục lại sức khỏe.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/