Viêm Tai Giữa Cấp

Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em nên được chú ý để điều trị sớm

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn

Viêm tai giữa cấp thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Đó là tình trạng tai bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ở tai giữa đi kèm với nhiễm trùng đường hô hấp. Dấu hiệu nhận biết bị viêm tai chẳng hạn như tai bị chảy mũi, sốt hơn 39 độ C, nôn ói, tiêu chảy, biếng ăn,…Tìm hiểu thông tin bài viết sau để sớm nhận biết và phòng ngừa hiệu quả bệnh này.

Viêm tai giữa cấp tính là gì?

Bệnh viêm tai giữa cấp tính là bệnh nhiễm trùng ở phần niêm mạc tai giữa do nguyên nhân nhiễm vi khuẩn, virus. Bệnh bắt đầu ở niêm mạc vòm tai rồi lan rộng ra các hệ thống thông bào xương thái dương và thành hòm nhĩ.

Viêm tai giữa do vi khuẩn gây nên
Viêm tai giữa do vi khuẩn gây ra

Bệnh thường chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn viêm xung huyết, giai đoạn viêm ứ mủ, giai đoạn vỡ mủ và giai đoạn lành bệnh. Đối với viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em, viêm nhiễm thường xảy ra trong 3 tuần đầu của tai giữa, kèm theo các triệu chứng như sốt, đau tai, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ viêm tai giữa, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Chất dịch ở màng nhĩ
Viêm tai giữa gây chất dịch vàng ở màng nhĩ

Thực trạng về bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em

Viêm tai giữa cấp tính là bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em. Có tới 80% trường hợp mắc viêm tai giữa là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi, trong đó lứa tuổi hay gặp nhất là 6-9 tháng tuổi do cấu trúc tai ở lứa tuổi này chưa hoàn chỉnh như người lớn.

Có tới 60% trẻ dưới 1 tuổi mắc ít nhất 1 lần viêm tai giữa cấp tính và 17% trẻ mắc bệnh lý này 3 lần. Tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa cũng cao hơn vào mùa đông. Mức độ phổ biến của bệnh lý này chỉ đứng sau bệnh lý viêm đường hô hấp trên.

>>> Xem thêm về tình trạng viêm tai giữa cấp ở trẻ em và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật nội soi đặt ống thông khí màng nhĩ qua tài liệu sau:

Nguồn: Tạp chí Y Dược học Cần Thơ

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là do đâu?

Viêm tai giữa cấp tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do:

  • Nhiễm vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa,  H. influenzae và Moraxella catarrhalis.
  • Nhiễm virus siêu vi: RSV, virus cúm mùa thông thường cũng có thể là tác nhân gây bệnh.
  • Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, mũi họng như viêm phế quản, viêm VA, viêm xoang, polyp mũi…
  • Do trẻ có cấu tạo bất thường về hệ cơ liên quan đến vòm miệng, hở hàm ếch.
  • Tiền sử gia đình có người mắc viêm tai giữa.
  • Tiếp xúc thường xuyên với khói bụi ô nhiễm, đặc biệt là khói thuốc lá.
  • Trẻ bú sữa bình có nguy cơ mắc viêm tai giữa cao hơn trẻ bú mẹ hoàn toàn.
  • Hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa hoàn chỉnh, trẻ đi mẫu giáo tiếp xúc với các trẻ mắc bệnh…
  • Cơ địa dị ứng cũng là một trong các nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh viêm tai giữa.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ sơ sinh (sau giai đoạn sơ sinh) và trẻ em là do Streptococcus pneumoniae chiếm khoảng 30 đến 40% trường hợp. Hơn 1/3 số trẻ em ở hầu hết các nhóm dân cư có viêm tai giữa cấp trong 2 năm đầu đời và các viêm tai giữa do Streptococcus pneumoniae thường tái phát.

Viêm tai giữa cấp do Virus
Virus là nguyên nhân chính gây viêm tai giữa cấp tính

Dấu hiệu nào nhận biết viêm tai giữa cấp?

Tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng đề kháng của trẻ cũng như nguyên nhân mắc bệnh viêm tai giữa mà các triệu chứng lâm sàng cũng khác nhau. Viêm tai giữa cấp tính khởi phát rầm rộ và có biểu hiện đặc trưng là đau tai và giảm khả năng nghe, kèm theo đó là các triệu chứng:

  • Sốt, thường sốt cao 39-40 độ.
  • Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường quấy khóc, bỏ bú, ngủ kém, trẻ lắc đầu hoặc lấy tay dụi vào tai.
  • Khi đặt nằm, trẻ có biểu hiện khó chịu, ngủ không sâu giấc, trằn trọc.
  • Rối loạn tiêu hóa kèm theo: Nôn trớ, đi ngoài phân lỏng.
  • Màng nhĩ sưng đỏ, phồng, có hoặc không có mủ, dịch trong tai.
Dấu hiệu viêm tai giữa cấp
Dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa cấp

Biến chứng do viêm tai giữa để lại.

Bệnh viêm tai giữa cấp tính mặc dù là nhiễm khuẩn thường gặp và dễ điều trị nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị triệt để thì rất dễ để lại các biến chứng:

  • Suy giảm thính lực, giảm khả năng dẫn truyền và tiếp nhận âm thanh.
  • Viêm xương chũm cấp tính, viêm xương đá, mê nhĩ
  • Thủng màng nhĩ, xơ nhĩ.
  • Viêm tai giữa mạn tính các thể khác nhau.
  • Cholesteatoma: bệnh lý sừng hóa các tế bào biểu mô tại hòm tai và có khả năng ăn mòn xương tai dẫn tới mất khả năng nghe.
  • Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên…
  • Liệt dây thần kinh mặt.

Chẩn đoán viêm tai giữa cấp như thế nào?

Để chẩn đoán viêm tai giữa cấp tính, cần dựa vào biểu hiện lâm sàng và khai thác bệnh sử.

  • Khám lâm sàng thấy màng nhĩ đỏ, phồng, mất tam giác sáng, màng nhĩ kém hoặc không di động. Trường hợp viêm tai giữa cấp tính tiết dịch, có thể quan sát thấy dịch, mủ ứ đọng ở tai giữa, nhiều trường hợp có chảy mủ màu vàng, có mùi hôi thối ra ngoài tai.
  • Đo thính lực, đo nhĩ lượng để đánh giá chức năng tai.
Triệu chứng viêm tai giữa cấp
Màng nhĩ lúc bình thường và khi bị viêm tai giữa cấp

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể điều trị dứt điểm không?

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể điều trị dứt điểm được không là câu hỏi được nhiều ba mẹ quan tâm. Câu trả lời là có nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và loại bỏ được các yếu tố nguy cơ.

Để phát hiện sớm được bệnh, ba mẹ cần quan sát trẻ nếu có biểu hiện nghi ngờ viêm tai giữa cấp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám ngay. Ba mẹ không nên tự ý dùng thuốc khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ, điều này dễ làm tình trạng của trẻ chuyển biến chậm, chuyển nặng và gặp biến chứng.

Thông thường, khi trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và trẻ có thể khỏi hoàn toàn sau 7-14 ngày điều trị mà không gặp biến chứng gì nguy hiểm.

Cách điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Tuỳ thuộc vào mức độ bệnh lý của trẻ mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

Ở giai đoạn xung huyết: Đây là giai đoạn đầu của bệnh viêm tai giữa cấp tính, mủ chưa được hình thành, do đó chỉ cần dùng thuốc điều trị những nhiễm khuẩn mũi họng kèm theo bệnh sẽ thuyên giảm và tự khỏi.

Giai đoạn ứ mủ: Sau khi màng nhĩ xung huyết mà không được điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng hình thành mủ ứ đọng tại tai giữa, gây đau đớn khó chịu, trẻ thường sốt cao ở giai đoạn này kèm theo quấy khóc, bỏ bú, ăn uống kém. Việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng sinh, chống viêm giảm phù nề, hạ sốt, giảm đau, hút rửa dịch mũi, nhỏ thuốc nhỏ tai. Tuỳ vào mức độ ứ mủ ở tai giữa mà bác sĩ sẽ cân nhắc việc có hay không chích mủ/đặt ống thông khí.

Viêm tai giữa cấp uống thuốc gì
Tuỳ thuộc mức độ bệnh của trẻ mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau

Giai đoạn vỡ mủ: Ở giai đoạn ứ mủ nếu không điều trị tốt sẽ làm tăng áp lực lên màng nhĩ khiến màng nhĩ thủng và mủ theo đó chảy ra ngoài. Nguyên tắc điều trị là kết hợp điều trị nội khoa với làm thuốc tai và theo dõi màng nhĩ tới khi tự liền lại.

Viêm tai giữa cấp tính nếu không điều trị sớm và triệt để sẽ dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như đã nêu ở trên, vì thế, ba mẹ cần chú ý quan sát và đưa trẻ đi khám sớm nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa cấp cho trẻ như thế nào?

Mặc dù bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em là bệnh lý thường gặp và dễ điều trị nếu phát hiện sớm, tuy nhiên nếu không may mắc phải sẽ làm sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng. Do đó, phòng ngừa viêm tai giữa cấp là rất cần thiết. Ba mẹ có thể tham khảo các cách sau đây:

  • Điều trị triệt để những bệnh lý viêm mũi họng, hạn chế lây nhiễm sang tai giữa.
  • Tăng đề kháng cho trẻ bằng việc đảm bảo đủ nhóm chất trong các bữa ăn, bổ sung đề kháng trực tiếp bằng các sản phẩm có chứa immunoglobulin, vitamin C…
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến khi trẻ 2 tuổi. Trong sữa mẹ chứa nhiều kháng thể tự nhiên mà không loại thực phẩm hay thuốc nào có thể thay thế.
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm trong thời gian dài. Đeo khẩu trang cho trẻ khi đưa trẻ ra ngoài.
  • Không bơi lội, lặn ở sông ngòi nước bẩn, hạn chế để nước vào tai.
  • Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng, không dùng vật sắc nhọn để lấy ráy tai cho trẻ, tránh tổn thương niêm mạc tai.
  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, một số loại vaccine có khả năng bảo vệ trẻ khỏi các chủng vi khuẩn gây viêm tai giữa cấp.
  • Khi có biểu hiện đau tai, chảy nước từ tai nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa viêm tai giữa
Đeo khẩu trang giúp hạn chế viêm nhiễm tai mũi họng

>>> Xem thêm về bệnh viêm tai giữa cấp qua video của BS. Trương Kim Tri:

Một số thắc mắc về bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ em.

Trẻ em bị viêm tai giữa cấp uống thuốc gì?

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh viêm tai giữa cấp, ba mẹ sẽ nghĩ tới việc dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, không phải trường hợp viêm tai giữa cấp nào cũng phải dùng tới thuốc này. Vì thế, đưa trẻ đi khám để tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh mới là phương pháp điều trị tốt và an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Viêm tai giữa cấp có cần đặt ống thông khí không?

Đa số các trường hợp viêm tai giữa cấp nếu điều trị tích cực bằng nội khoa không cần đặt ống thông khí.

Ống thông khí là một ống nhỏ được đặt vào tai để thông khí giữa tai ngoài với tai giữa, đưa dịch trong tai giữa ra ngoài tránh ứ đọng. Trường hợp viêm tai giữa cấp tính biến chứng sang viêm tai giữa mạn tính mủ, viêm tai giữa ứ dịch…, bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng của trẻ mà cân nhắc việc có cần đặt ống thông khí hay không.

Những điều gì không nên làm khi trẻ bị viêm tai giữa cấp?

Những điều sau đây là không nên làm khi trẻ mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính: Tự điều trị tại nhà mà chưa qua thăm khám, dùng oxy già để rửa tai, rắc các loại thuốc bột vào tai,…

BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm, khám và điều trị bệnh lý Tai – mũi – họng bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại, an toàn nhất hiện nay.  Chúng tôi hy vọng những chia sẻ vừa rồi về bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức về cách phòng tránh và những lưu ý khi điều trị bệnh lý này cho trẻ. Mọi thắc mắc cần giải đáp về các bệnh lý liên quan đến tai mũi họng, vui lòng liên hệ BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+