Bệnh viêm tai ngoài: Nguyên nhân, triệu chứng & Cách điều trị hiệu quả
Viêm tai ngoài là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em và những người thường xuyên chơi thể thao, hoạt động ở dưới nước. Vậy đâu là nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả khi mắc phải? Cùng tìm hiểu ngay thông tin chi tiết về bệnh lý này được tham vấn bởi TS.BS.CKII. Hoàng Lương , từ đó giúp bạn bảo vệ tốt sức khỏe cho đôi tai của mình.
Viêm tai ngoài là bệnh gì?
Viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng ở khu vực ống tai ngoài gây nên viêm nhiễm, sưng tấy, đau và đỏ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sưng và đau tai. Viêm tai ngoài thường do vi khuẩn, nấm hoặc một số nguyên nhân ít gặp khác. Đối tượng phổ biến của viêm tai ngoài là người lớn với tỷ lệ khoảng 10% số người có thể mắc viêm tai ngoài.
Ở các trường hợp nhẹ thường kéo dài từ vài ngày hoặc vài tuần thậm chí là lâu hơn nếu không biết cách điều trị hợp lý. Ở một số trường hợp nhiễm trùng có thể lan sang các vùng mô lân cận gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Các thể của bệnh viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài khu trú hay còn gọi là nhọt ống tai đây là tình trạng nhiễm trùng nang lông trong ống tai, nguyên nhân thường do vi trùng Staphylococcus. Bệnh này thường gặp ở trẻ em và những người có cơ địa yếu, đái tháo đường. Khi bị người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội ở khu vực ống tai, cơn đau sẽ tăng khi ấn vào trước tai hay kéo ở vành tai.
Viêm tai ngoài cấp tính là một tình trạng nhiễm trùng phá hủy ống tai ngoài và những mô mềm ở xung quanh, có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm cốt tủy xương của nền sọ bên. Nguyên nhân thường là do Vi khuẩn P.aeruginosa, S.aureus, và các loại liên cầu khuẩn khác gây ra. Bệnh có thể xảy ra với mọi đối tượng đặc biệt tương đối phổ biến ở Việt Nam (nơi có khí hậu nóng ẩm, môi trường khá ô nhiễm và người dân thường có thói quen ngoáy tai nhiều lần, dùng các dụng cụ không vệ sinh).
Viêm tai ngoài ác tính là tình trạng tai bị viêm hoại tử lan rộng đây là thể viêm tai ngoài nguy hiểm nhất có rủi ro gây tử vong cho người bệnh. Nguyên nhân phổ biến là do vi trùng Pseudomonas aeruginosa và thường gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch với các triệu chứng, biến chứng nguy hiểm như: viêm xương, đau cả phần thái dương, liệt thần kinh mặt, thần kinh sọ, gây ra hoại tử lan rộng và có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài là một bệnh lý có triệu chứng khá rõ ràng, người bệnh có thể phát hiện nhanh chóng bệnh khi có các triệu chứng sau:
- Đau tai: đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm tai ngoài. Tùy theo dạng bệnh lý (viêm ống tai, viêm tai cấp, viêm tai ác tính…) mà tình trạng đau khác nhau, tuy nhiên về cơ bản sẽ vẫn là các triệu chứng đau sẽ càng ngày càng tăng, đau nhiều về đêm, đau nhiều hơn khi có tác động vào tai (kéo dái tai, ấn vào tai).
- Nghe kém và cảm thấy ù tai: đặc biệt là nghe tiếng trầm. Một số trường hợp có thể mất thính lực trong khoảng thời gian ngắn.
- Da ở phía ống tai bị đỏ và chảy dịch vàng, ống tai bị chít hẹp lại.
- Có thể bị sốt do cơ thể phản ứng với chỗ viêm tấy.
- Ngứa tai
- Tai bị rỉ dịch
- Mọc mụn nhọt nhỏ, mọc u gây đau trong khoang tai (nếu không may vỡ ra sẽ gây đau đớn dữ dội và chảy một lượng máu nhỏ hoặc mủ trong tai).
Nguyên nhân gây ra viêm tai ngoài
Nhóm nguyên nhân trực tiếp
- Do vi khuẩn, nấm: Thông thường, nguyên nhân gây nhiễm viêm tai ngoài dạng cấp tính là do Pseudomonas, S. aureus [MRSA]. Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, các triệu chứng của viêm tai có thể do một số loại nấm gây ra.
- Do vật lạ mắc kẹt trong ống tai.
- Do chấn thương: sử dụng tăm bông hoặc vật cứng để vệ sinh ống tai, tuy nhiên lại gây tổn thương ống tai gây chảy máu, viêm khu vực đó.
Pseudomonas aeruginosa và các thành viên khác của nhóm trực khuẩn gram âm này là các mầm bệnh cơ hội thường gây ra các bệnh nhiễm trùng. Trong đó, viêm tai ngoài cấp (tai người bơi lội), phổ biến ở khí hậu nhiệt đới là hình thức phổ biến nhất của Pseudomonas nhiễm trùng tai.
Nhóm yếu tố nguy cơ gây ra bệnh
Ngoài các yếu tố trực tiếp có thể gây ra viêm tai ngoài, các yếu tố tiềm ẩn đối với một số nhóm sau: trẻ nhỏ, người có cơ địa da nhạy cảm, người ít ráy tai để bảo vệ ống tai, người bị bệnh đái tháo đường và người thường xuyên bơi lội có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Chi tiết những nguy cơ đó như sau:
- Người bơi lội thường xuyên ở khu vực nước không sạch
- Da mẫn cảm với thuốc nhuộm tóc, trang sức, keo xịt tóc.
- Trẻ có ống tai hẹp nên có nguy cơ bị giữ nước trong tai gây nguy cơ nhiễm trùng.
- Dùng máy trợ thính nhưng không vệ sinh sạch sẽ, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn khiến ống tai bị viêm
- Thường xuyên đeo tai nghe loại nhét vào sâu trong tai
- Đã từng bị viêm tai
- Với những người đang mắc bệnh cũng cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ này để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tái phát nhiều lần, gây khó khăn cho việc điều trị.
Chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài
Ngoài việc chẩn đoán dựa trên các biểu hiện bên ngoài thì việc chẩn đoán lâm sàng giúp các bác sĩ xác định chính xác bệnh lý nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Theo TS.BS.CKII. Hoàng Lương – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn việc chẩn đoán lâm sàng để phát hiện bệnh viêm tai ngoài bao gồm:
- Phương pháp nội soi tai phần ống tai, phần màng nhĩ nhằm quan sát thấy tai ngoài bị đỏ, nề, hoặc thấy nấm bên trong tai, màng nhĩ có bị sung huyết, nhiều ráy tai và dịch mủ hay không, từ đó các bác sĩ có thể đưa ra kết luận bệnh nhân bị viêm tai ngoài hay triệu chứng của bệnh lý khác và đánh giá tình trạng bệnh diễn tiến ở thể nào.
- Phương pháp khám tai bằng đèn soi: phương pháp này độ hiệu quả không cao bằng nội soi, chỉ phán đoán khi bệnh nhân có các biểu hiện như: đau tai khi có bác sĩ tác động vào vành tai, có dịch chảy ra từ ống tai hoặc làm tắc ống tai.
- Đối với các trường hợp nặng và khó để đánh giá người bệnh cần chụp CT Scan để có thể chẩn đoán chính xác mức độ của bệnh.
Các phương pháp điều trị viêm tai ngoài
Việc điều trị viêm tai ngoài có sự khác nhau tùy theo mức độ.
Viêm tai ngoài mức độ nhẹ chỉ cần:
- Dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý để vệ sinh tai.
- Hạn chế để nước vô tai bằng cách dùng nút gòn để bịt ống tai khi tắm.
- Hạn chế bơi lội và móc tai thường xuyên.
- Vệ sinh sạch ống tai sạch sẽ thông qua ống nội soi được thực hiện bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng.
- Làm sạch ráy tai, nấm, mủ để hỗ trợ việc phục hồi và nhỏ thuốc tai hiệu quả hơn.
- Dùng thuốc kháng sinh và kháng viêm nhỏ tai và uống thuốc tùy tình trạng và mức độ bệnh.
Viêm ở mức độ nặng hơn cần:
- Dùng thuốc điều trị dạng uống để kiểm soát cơn đau (Paracetamol hoặc NSAIDs).
- Trường hợp viêm tai ngoài biến chứng có thể cần điều trị bằng phẫu thuật.
Đối với từng loại viêm tai ngoài sẽ có cách điều trị đặc hiệu riêng, cụ thể:
Điều trị viêm tai ngoài cấp tính
Đối với điều trị viêm tai ngoài cấp tính không biến chứng, bác sĩ sẽ:
- Thực hiện các thao tác bao gồm làm sạch ống tai, sát trùng, điều trị kháng khuẩn tại chỗ và kiểm soát đau cho người bệnh.
- Dùng thuốc rửa ống tai, thuốc kháng sinh, kháng viêm tại chỗ. Nếu bệnh nhân đau nhiều có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau.
- Kê kháng sinh đường uống đối với các trường hợp viêm tai nặng hơn, ống tai xuất hiện phù nề, bệnh lan rộng, người bệnh mắc kèm đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch được kiểm soát kém, hoặc điều trị tại chỗ không đáp ứng.
Lưu ý: Điều trị viêm tai bằng kháng sinh đường tiêm truyền nên được xem xét trong số ít các trường hợp như khi nghi ngờ bệnh nhân viêm tai ác tính, xuất hiện các biểu hiện toàn thân hoặc khi thấy dấu hiệu nhiễm trùng huyết.
Điều trị nấm tại ống tai ngoài
Bệnh nhân sẽ được lấy hết mô nấm, vệ sinh sạch ống tai, dùng thuốc nhỏ tai có tác dụng kháng nấm như ciclopirox, nystatin, clotrimazole hoặc miconazole.
Trường hợp màng nhĩ bị thủng và điều trị làm sạch nấm tại chỗ không hiệu quả, bệnh nhân được kê thuốc kháng nấm có tác dụng toàn thân, ví dụ như fluconazole hoặc itraconazole.
Điều trị nhọt ở ống tai ngoài
Nếu nhọt kích thước nhỏ, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ tai kháng sinh tại chỗ, cùng với thuốc giảm đau.
Nếu không cải thiện và trở nặng hơn, người bệnh sẽ được điều trị bổ sung bằng kháng sinh đường uống và thực hiện chích nhọt nếu cần.
Điều trị viêm tai ngoài mãn tính
Khi bệnh nhân có đợt viêm tai cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc thuốc kháng khuẩn hoặc kháng nấm toàn thân hay tại chỗ tùy trường hợp. Thêm vào đó là hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc tai hàng ngày đúng cách.
Khi các phương pháp điều trị thường quy không còn đáp ứng, corticosteroid đường uống có thể có hiệu quả. Ở những bệnh nhân bị hẹp ống tai, có thể can thiệp phẫu thuật tạo hình ống tai giúp mở rộng ống tai.
Điều trị viêm tai ngoài ác tính
Nếu chưa có kết quả kháng sinh đồ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bệnh nhân có thể được:
- Bắt đầu điều trị bằng kháng sinh theo kinh nghiệm của các bác sĩ.
- Đặt meche tai có tẩm kháng sinh đặt vào trong ống tai.
- Phẫu thuật cắt bỏ mô và xương hoại tử sẽ được phẫu bời vì chúng làm giảm khả năng hấp thu kháng sinh vào mô liên quan. (Đối với trường hợp phương pháp nội khoa không có tác dụng)
- Kiểm soát tối ưu lượng đường trong máu. Liệu pháp oxy cao áp có thể giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh, tuy nhiên không có thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về liệu pháp này.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được thực hiện kiểm tra cận lâm sàng và kèm hình ảnh học thường xuyên để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị và có thể phát hiện sớm trong trường hợp tái phát.
Theo dõi đáp ứng và phòng ngừa thứ phát
Trong quá trình điều trị viêm tai ngoài, bác sĩ sẽ kiểm tra sau thời gian điều trị (cụ thể sẽ theo chỉ định của bác sĩ tùy từng trường hợp của bệnh nhân). Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp.
Để ngăn ngừa các đợt viêm tai tiếp theo, bệnh nhân cần được:
- Tư vấn phòng tránh các yếu tố rủi ro gây tác động đến ống tai.
- Vệ sinh ống tai khô ráo và nếu bị nước vào nên sấy khô bằng máy sấy tóc.
- Làm sạch ống tai dưới thao tác của các bác sĩ. Việc làm sạch ráy tai, mủ sẽ giúp cho việc nhỏ thuốc tai được vào sâu, hỗ trợ việc điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.
- Chỉ định dùng thuốc nhỏ trực tiếp từ 10 – 15 ngày (thuốc này chứa kháng sinh) vào tai để điều trị nhiễm trùng.
- Sử dụng kháng sinh tiêu viêm Corticosteroid, dùng các thuốc giảm đau… tùy theo cơ địa của mỗi người.
Corticosteroid là một nhóm các chất hóa học bao gồm các hoóc-môn steroid được sản xuất từ vỏ thượng thận của động vật có xương sống và các chất tổng hợp tương tự các hoocmon đó. Corticosteroid liên quan đến rất nhiều quá trình sinh lý bao gồm đáp ứng stress, đáp ứng miễn dịch, viêm, chuyển hóa carbohydrate, quá trình dị hóa protein, các mức chất điện giải trong máu, và hành vi.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm tai ngoài
Để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng ở tai ngoài, bạn cần tránh gây kích ứng hay làm chấn thương lên ống tai đồng thời lưu ý cách cách phòng ngừa sau:
- Trong quá trình bơi sử dụng nút bịt tai để hạn chế sự xâm nhập của nước.
- Chọn bể bơi sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên nhằm tránh vi khuẩn xâm nhập vào tai.
- Sau khi bơi cần lắc hoặc nghiêng đầu để nước ở phía trong (nếu có) chảy hết ra ngoài, sau đó bạn lau khô ngoài tai.
- Nên làm khô khu vực ống tai bằng máy sấy, đặt cách khoảng 30cm và luồng hơi thổi từ sau ra trước, tránh tổn thương cho tai.
- Không nên lạm dụng tăm bông vì có thể đẩy chất bẩn vào trong hoặc làm tổn thương vùng ống tai.
- Không nên thường xuyên lấy ráy tai vì bản chất ráy tai sinh ra để bảo vệ vùng ống tai, tuy nhiên nếu nó sinh ra quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng thính giác của bạn. Việc lấy ráy tai nên có sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
- Vệ sinh kỹ tai nghe, máy trợ thính sạch sẽ trước khi sử dụng các thiết bị này.
- Không đưa vật nhọn như dụng cụ ráy tai bằng kim loại vào ống tai.
- Ngưng sử dụng các loại dầu gội, dầu xả khi bị dị ứng.
- Vệ sinh các thiết bị tai nghe dạng nút tai để tránh tình trạng ẩm mốc, không dùng tai nghe trong thời gian kéo dài.
- Không rửa tai bằng xà phòng.
>>> Xem thêm về cơ chế hình thành ráy tai tại video sau:
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm tai ngoài
Bệnh viêm tai ngoài bao lâu thì khỏi?
Thông thường, viêm tai ngoài sẽ khỏi trong 10 ngày nếu được điều trị đúng cách, còn nếu không được điều trị đúng cách có thể kéo dài đến vài tuần.
Bệnh viêm tai ngoài có thể tự chữa trị được không?
Câu trả lời là không, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám các dấu hiệu của bệnh và điều trị kịp thời.
Làm thế nào để sử dụng thuốc nhỏ tai đúng cách tại nhà?
Cách để nhỏ thuốc nhỏ tai đúng cách tại nhà là nằm nghiêng khi nhỏ thuốc vào ống tai sau khi nhỏ thuốc vẫn tiếp tục nằm nghiêng từ 3-5 phút, cùng lúc đó ấn nhẹ nắp tai qua lại để các giọt thuốc có thể thấm sâu vào trong tai. Lưu ý thuốc nhỏ có thể dùng được từ 2 – 5 lần mỗi ngày (tùy thuộc vào chế phẩm).
Viêm tai ngoài nếu không được điều trị kịp thời sẽ xảy ra điều gì?
Viêm tai ngoài nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới việc ống tai ngoài bị sùi lấp, gây ảnh hưởng tới thính giác cũng như khó chịu cho cơ thể.
Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Tai Mũi Họng đang áp dụng phương pháp Nội Soi Thường Quy, dựa vào khoa học chứng cứ trong việc phát hiện nguyên nhân gốc rễ. Từ đó linh hoạt xử lý những trường hợp khó để đưa ra được phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh viêm tai ngoài nói riêng và các bệnh lý liên quan đến Tai Mũi Họng nói chung.
Với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao trong lĩnh vực cùng với trang thiết bị hiện đại, không gian khám và chữa bệnh sạch sẽ an toàn, bạn hoàn toàn có thể yên tâm gọi ngay Hotline 028.38.213.456 để được tư vấn và đặt lịch sớm nhất tại bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/
Nguồn tham khảo
- Schaefer P, Baugh RF. Acute otitis externa: an update. Am Fam Physician. 2012 Dec 01;86(11):1055-61. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2012/1201/p1055.html.
- Rosenfeld RM, Schwartz SR, Cannon CR, Roland PS, Simon GR, Kumar KA, Huang WW, Haskell HW, Robertson PJ. Clinical practice guideline: acute otitis externa. Otolaryngol Head Neck Surg. 2014 Feb;150(1 Suppl):S1-S24. https://doi.org/10.1177/0194599813517083.
- Rosenfeld RM, Schwartz SR, Cannon CR, Roland PS, Simon GR, Kumar KA, Huang WW, Haskell HW, Robertson PJ., American Academy of Otolaryngology–Head and Neck Surgery Foundation. Clinical practice guideline: acute otitis externa executive summary. Otolaryngol Head Neck Surg. 2014 Feb;150(2):161-8. https://doi.org/10.1177/0194599813517659.
- Wipperman J. Otitis externa. Prim Care. 2014 Mar;41(1):1-9. https://doi.org/10.1016/j.pop.2013.10.001.
- Hajioff D, MacKeith S. Otitis externa. BMJ Clin Evid. 2015 Jun 15;2015. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4466798/