Viêm Tuyến Giáp

Viêm Tuyến Giáp

Viêm tuyến giáp là hiện tượng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp do nhiều nguyên nhân khác nhau và thường gây ra nhiều thay đổi khác nhau của chức năng tuyến giáp. Chức năng tuyến giáp có thể chuyển từ tình trạng cường giáp, bình giáp hoặc suy giáp tùy theo từng giai đoạn bệnh. Để phân biệt các loại viêm tuyến giáp cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là tình trạng đau vùng cổ, tốc độ khởi phát bệnh, tiền sử gia đình và kết quả xét nghiệm sinh hóa.

CÁC LOẠI VIÊM TUYẾN GIÁP CÓ TRIỆU CHỨNG ĐAU:

Viêm tuyến giáp bán cấp:

Còn gọi viêm tuyến giáp bán mô hạt cấp, viêm tuyến giáp de Quervain’s. Đây là loại viêm gây đau hay gặp nhất.

Triệu chứng lâm sàng:

Thường khởi phát với đau người, đau họng, sốt nhẹ. Sau đó thường đột ngột hoặc từ từ xuất hiện sốt cao, đau vùng cổ. Tuyến giáp thường sưng to, sờ mềm, rất đau, thường bắt đầu từ một bên sau đó lan sang bên kia. Đau có thể lan lên tai, ra khắp cổ, hạn chế vận động cổ kèm theo triệu chứng khó nuốt, khó thở.

VIÊM TUYẾN GIÁP - Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn

Triệu chứng nhiễm độc giáp thường vừa hoặc nhẹ. Đa số người bệnh sẽ trở lại bình giáp sau vài tuần hoặc xuất hiện suy giáp nhẹ, thoáng qua.

Điều trị:

Bệnh thường tự khỏi, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ điều trị.

Viêm tuyến giáp sinh mủ:

Là viêm tuyến giáp nhiễm trùng rất hiếm gặp do vi khuẩn (đặc biệt Streptococcus pyrogenes, Streptococcus aureus hoặc Streptococcus pneumonia), do nấm hoặc ký sinh trùng gây ra.

Viêm tuyến giáp sinh mủ thường xuất phát từ các nhiễm khuẩn lân cận, qua đường máu, bạch huyết hoặc những ổ nhiễm khuẩn từ xa.

  • Triệu chứng:
    • Xảy ra rất cấp tính với sưng tấy, đỏ một bên vùng trước cổ.
    • Tuyến giáp thường mềm, rất đau.
    • Bệnh nhân thường sốt cao, có thể rét run, tình trạng nhiễm trùng
    • Hay gặp khó nuốt, khó nói.
  • Xét nghiệm:
    • Hội chứng viêm: bạch cầu tăng cao, máu lắng tăng cao.
    • Chức năng tuyến giáp thường bình thường
    • Siêu âm tuyến giáp, CT Scan vùng cổ có thể thấy khối áp xe trong tuyến giáp.
    • Khám nội soi tai mũi họng có thể thấy đường dò trong áp xe do dò xoang lê
    • Chọc tổn thương: thấy dịch mủ, cấy có thể phân lập được vi khuẩn.
  • Điều trị:
    • Thường khỏi hoàn toàn không để lại di chứng nhưng có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
    • Nội khoa: dùng kháng sinh theo hướng dẫn của Bác sĩ điều trị.
    • Khi ổ áp xe hóa mủ: cần dẫn lưu ổ áp xe
    • Phẫu thuật loại bỏ đường rò trong trường hợp rò xoang lê vào tuyến giáp gây viêm tuyến giáp cấp.

VIÊM TUYẾN GIÁP KHÔNG ĐAU:

Viêm tuyến giáp Hashimoto:

Còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính. Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là nguyên nhân chính gây suy giáp. Bệnh hay gặp ở nữ, ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở độ tuổi 30 – 50.

  • Triệu chứng:
    • Bướu tuyến giáp: đa số có bướu giáp to, chắc, đối xứng và thường không đau. Khoảng 10% trường hợp tuyến giáp bị teo. Bướu to nhiều có thể chèn ép gây cảm giác nghẹn ở cổ, khó nuốt, nói khàn, … tuy nhiên ít gặp. Viêm lâu không được điều trị có thể khám thấy tuyến giáp to, rắn chắc, có khi cứng, bề mặt ghồ ghề, có nhiều thùy.
    • Suy giáp: là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn muộn với các biểu hiện như sợ lạnh, táo bón, mạch chậm. Nhiều trường hợp suy giáp nhẹ, biểu hiện chủ yếu ở các rối loạn trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Nếu bệnh nhân đến khám sớm trong giai đoạn đầu có thể có triệu chứng nhiễm độc giáp nhưng thường nhẹ, thoáng qua.
  • Các cận lâm sàng để phát hiện bệnh:
    • Thực hiện các xét nghiệm thăm dò chức năng tuyến giáp: FT3, FT4, TSH, Anti – TPO
    • Thực hiện siêu âm tuyến giáp hoặc thực hiện tế bào học tuyến giáp.
  • Điều trị: sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ điều trị.

Viêm tuyến giáp không đau sau sinh:

Viêm tuyến giáp sau sinh xảy ra ở khoảng 5-7% phụ nữ sau sinh đẻ, thường xuất hiện trong vòng một năm sau đẻ, có thể liên quan đến hiện tượng tự miễn. Khoảng một nửa số bệnh nhân có tiền sử gia đình bị bệnh lý tuyến giáp tự miễn.

  • Triệu chứng:
    • Khoảng 1/3 bệnh nhân chức năng tuyến giáp có biểu hiện ba pha: nhiễm độc giáp xảy ra sau sinh 1-6 tháng và tồn tại 1 – 2 tháng, tiếp đến là pha suy giáp xảy ra sau 2-6 tháng và kéo dài 4-6 tháng, sau đó trở về bình thường.
    • Bướu giáp: thường nhỏ, không đau, chắc xuất hiện sau sinh 2-6 tháng.
  • Các cận lâm sàng để phát hiện bệnh: Thực hiện các xét nghiệm: FT4, TSH, TRAb.
  • Điều trị:
    • Nếu triệu chứng nhiễm độc giáp không rõ thì không cần điều trị.
    • Nếu triệu chứng rõ thì điều trị giảm triệu chứng bằng chẹn b giao cảm.
    • Cần tiếp tục theo dõi chức năng tuyến giáp. Nếu sau pha nhiễm độc giáp là pha suy giáp rõ nên điều trị ngắn hạn bằng levothyroxin.

Viêm tuyến giáp thầm lặng:

Biểu hiện giống như viêm sau sinh nhưng xảy ra không liên quan đến sinh đẻ. Gặp ở 1% các trường hợp nhiễm độc giáp. Tỷ lệ gặp ở nữ gấp 4 lần nam giới và nguy co mắc cao hơn ở những vùng thiếu iod.

  • Triệu chứng:
    • Bướu giáp gặp ở 50% người bệnh: bướu thường to nhẹ, lan tỏa, mật độ chắc.
    • Triệu chứng nhiễm độc giáp ở mức độ trung bình kéo dài 3 – 4 tháng, sau đó là giai đoạn suy giáp rồi trở về bình giáp. Khoảng 20% bệnh nhân trở thành suy giáp mãn tính.
  • Các cận lâm sàng để phát hiện bệnh: Thực hiện các xét nghiệm Anti – TPO và antithyroglobullin, TRAb.
  • Điều trị: tương tự như viêm sau sinh.

Để nâng cao sức khỏe và phát hiện kịp thời bệnh cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, tầm soát bệnh lý định kỳ, đặc biệt với những người phụ nữ trong lứa tuổi 30 – 50.

Gói khám sức khỏe định kỳ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+