Viêm xoang mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & Cách điều trị
Khi dịch trong các xoang không được dẫn lưu đúng cách, vi khuẩn có thể tích tụ và gây ra viêm xoang mạn tính. Rối loạn chức năng lông chuyển hoặc bất thường về cấu trúc mũi là những tác nhân cản trở quá trình dẫn lưu và khiến cho bệnh lý này trầm trọng hơn. Hãy cùng tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả cho viêm xoang mạn tính trong bài viết dưới đây.
Bệnh viêm xoang mạn tính là gì?
Xoang là các hốc rỗng ở hai bên mũi, niêm mạc lót trong các xoang có nhiệm vụ trao đổi oxy với môi trường và đưa dịch ra hốc mũi. Khi niêm mạc các xoang bị viêm gây tắc các lỗ thông xoang được gọi là viêm xoang. Khi viêm xoang tái đi tái lại kéo dài trên 12 tuần được cho là bệnh viêm xoang mạn tính.
Biểu hiện của viêm xoang là: Nghẹt mũi, chảy mũi, cảm giác vướng ở cổ, đau rát cổ, thường hay khạc đờm, khịt mũi, nhức đầu nhẹ, khi dịch chảy nhiều có thể giảm mùi.
>>> Bệnh viêm xoang mũi: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị.
Các thể viêm xoang mạn thường gặp
Viêm xoang mãn tính thường được chia thành các biến thể dưới đây:
- Viêm mũi xoang dị ứng.
- Viêm xoang polyp mũi.
- Viêm xoang do nấm.
- Viêm xoang mãn do răng.
Nguyên nhân bệnh viêm xoang mạn tính
Viêm xoang có nhiều nguyên nhân: Thường do bất thường về giải phẫu như vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, do cơ địa dị ứng, do làm việc trong môi trường bụi. Căn nguyên phổ biến nhất gây ra viêm xoang ở người là virus và vi khuẩn, điển hình là các chủng Streptococcus, phế cầu, Hemophilus và Moraxella.
Các nguyên nhân trên gây bệnh viêm xoang cấp tính và viêm mũi xoang dị ứng, do không được điều trị tích cực (rửa xoang, uống thuốc, chống dị ứng, loại trừ các yếu tố vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi..) sẽ tiến đến bị bệnh viêm xoang mạn tính.
Một số bệnh lý khác cũng có liên quan đến khởi phát viêm xoang mạn tính như viêm mũi dị ứng do bụi bẩn, nấm mốc hay hội chứng trào ngược, viêm tai giữa, hen suyễn và AIDS. Hoặc người phơi nhiễm thường xuyên với chất kích thích trong không khí như khói thuốc lá, thuốc lào hoặc các chất độc khác cũng có thể mắc chứng viêm xoang mãn tính.
Triệu chứng của viêm xoang mạn tính
Khi bị viêm xoang mạn tính, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng cơ bản như:
- Nghẹt mũi ngày một tăng, lúc đầu một bên sau 2 bên mũi.
- Chảy dịch: Lúc đầu chảy dịch nhầy, sau đó chảy dịch vàng hôi, có thể thối.
- Cảm giác nuốt vướng, đau rát cổ, thường phải khạc, khịt mũi.
- Ho nhiều về đêm: Do dịch chảy vào thanh quản.
- Nhức đầu nhẹ, cảm giác chòng chành như đứng trên xuồng.
- Mũi ngửi không được, giảm mùi hoặc mất hẳn mùi.
- Dịch mũi khi xì hoặc khạc ra có mủ nhầy hoặc mủ đặc
- Những người mắc viêm xoang hàm có triệu chứng đau nhức vùng mặt, đau hàm, đau răng.
- Soi mũi: niêm mạc hốc mũi thấy có viêm và phù nề hoặc thấy niêm mạc thoái hóa thành polyp.
Các triệu chứng trên đều xảy ra thường xuyên và có thể kéo dài trên 12 tuần.
Một số biến chứng của viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn không điều trị sớm và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng trên đường hô hấp, mắt và nội sọ và ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Các biến chứng này do sự lan truyền của vi khuẩn từ mũi đến các cơ quan đó. Cụ thể:
- Biến chứng đường hô hấp: Viêm tai giữa, viêm thanh quản và viêm giãn khí phế quản.
- Biến chứng mắt: Viêm phần trước ổ mắt và viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu. Thị lực của bệnh nhân sẽ bị suy giảm, thậm chí có thể gây mù lòa.
- Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang và áp xe ngoài màng cứng, áp xe não. Biến chứng này rất nguy hiểm có nguy cơ tử vong, do vậy cần điều trị sớm viêm xoang mạn tính để ngăn ngừa tiến triển thành biến chứng.
Cách chẩn đoán của bệnh viêm xoang mạn tính
Việc chẩn đoán bệnh viêm xoang mạn tính sẽ do bác sĩ đánh giá lâm sàng và đôi khi cần xét nghiệm.
Chẩn đoán xác định khi bệnh nhân có ít nhất 2 trong các triệu chứng điển hình sau và kéo dài hơn 12 tuần: chảy nước mũi nhầy có mủ màu đục, vùng mặt bị đau, ngạt mũi và suy giảm khứu giác.
Nếu có các yếu tố như nguyên nhân đã kể trên, bệnh nhân cần chia sẻ với bác sĩ để giúp ích cho đánh giá tình trạng bệnh và có phương án điều trị hợp lý.
Một số bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán như:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc nội soi mũi: Mục đích là xác định sự hiện diện viêm tại xoang mũi. CT scan có chi phí cao hơn nhưng rất có ích trong chẩn đoán xác định. Hình ảnh chụp CT sẽ thấy mờ các xoang, dịch trong xoang có tính chất thế nào, phát hiện polyp mũi xoang,….
- Nuôi cấy vi khuẩn: Xác định chính xác căn nguyên sẽ giúp cho việc lựa chọn và dùng kháng sinh được hợp lý nhất. Dịch nuôi cấy nên được lấy khi nội soi để có kết quả đúng nhất.
Nuôi cấy vi khuẩn hiếm khi được thực hiện vì nuôi cấy yêu cầu lấy mẫu bằng nội soi xoang hoặc chọc xoang. Nuôi cấy thường chỉ được thực hiện khi trị liệu theo kinh nghiệm thất bại hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
>> Tìm hiểu về đặc điểm lâm sàng, dị hình vách ngăn của bệnh nhân viêm xoang mũi mạn tính
Nguồn: Tạp chí Y Dược học – Trường Đại học Y Dược Huế – Tập 8, số 6 – tháng 11/2018
Cách điều trị viêm xoang mạn tính
Bệnh viêm xoang khi tiến triển thành mãn tính sẽ khó điều trị hơn cấp tính do các triệu chứng nặng nề và nguyên nhân phức tạp hơn. Có hai phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể lựa chọn để phù hợp với bệnh nhân là điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Nguyên tắc trong điều trị viêm xoang mãn tính là bệnh nhân cần nghỉ ngơi, phòng tránh tác nhân gây nên viêm mũi xoang, đảm bảo được dẫn lưu tốt mũi xoang và chống phù nề niêm mạc. Có thể kết hợp điều trị tại chỗ mũi xoang và toàn thân.
Khi bệnh nhân tích cực điều trị, bệnh viêm xoang mạn sẽ dần thoái lui. Nhưng nếu không tuân thủ điều trị và khám kịp thời thì bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và bệnh nhân sẽ phải chung sống với các triệu chứng khó chịu của bệnh và thậm chí gặp biến chứng bệnh.
Điều trị bằng nội khoa
Phương pháp này được lựa chọn khi niêm mạc xoang mũi chưa bị thoái hóa nhiều (ngoại trừ nguyên nhân do cấu trúc xoang hoặc polyp mũi). Trong trường hợp các lỗ thông xoang chưa bị tắc hoàn toàn, có thể dùng thuốc và các phương pháp hỗ trợ để làm thông lỗ xoang.
Các loại thuốc sử dụng trong điều trị viêm xoang mạn nội khoa:
- Thuốc kháng sinh: thường sử dụng Cefadroxil, Amoxicillin, Cefuroxim,… và kéo dài thường từ 2 đến 3 tuần.
- Thuốc corticosteroid dạng uống hoặc xịt tại chỗ vị trí xoang.
- Thuốc kháng histamin giúp chống dị ứng và giảm nhẹ phản ứng quá mẫn như: Pheramin, Loratadin, Cetirizin,…
- Thuốc co mạch giúp giảm chảy nước mũi, dễ thở hơn.
Các thuốc này đều cần kê đơn và hướng dẫn từ bác sĩ để tránh kháng thuốc và tránh tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc họng mỗi ngày.
Điều trị bằng ngoại khoa
Các trường hợp cần chỉ định điều trị ngoại khoa bao gồm:
- Viêm xoang mạn tính đã được chỉ định điều trị nội khoa tối đa mà không cải thiện các triệu chứng.
- Viêm xoang mãn tính ở bệnh nhân có một số bất thường ở xoang mũi như: lệch vẹo vách ngăn mũi, cuốn giữa có bóng hơi hoặc cuốn giữa đảo chiều,… gây ra sự cản trở dẫn lưu phức hợp lỗ ngách ở mũi.
- Viêm xoang mãn tính có mũi xoang bị thoái hóa tạo thành polyp.
Bệnh nhân sau khi được chỉ định phẫu thuật có hiệu quả cải thiện triệu chứng rất tốt. Kết hợp với điều trị nội khoa và chăm sóc cơ thể thật tốt thì bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏi bệnh.
Phương pháp phẫu thuật hiện nay được sử dụng phổ biến là phẫu thuật nội soi mũi xoang. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là thời gian phẫu thuật ngắn, an toàn, ít xâm lấn và tác dụng thông tắc xoang, khắc phục lệch cấu trúc rất hiệu quả.
Loại phẫu thuật sẽ được chỉ định dựa trên vị trí viêm xoang và nguyên nhân của bệnh như sau:
- Viêm xoang mãn tính trán: Chỉ định phẫu thuật mở ngách trán.
- Viêm xoang mãn tính hàm và sàng trước: Chỉ định phẫu thuật mở khe mũi giữa, bóng sàng.
- Viêm xoang mãn tính sàng trước và sau: Chỉ định phẫu thuật nạo sàng.
- Viêm xoang mãn tính bướm: Chỉ định phẫu thuật mở thông xoang bướm.
>>> Bạn đang bị viêm xoang trán và muốn tìm hiểu rõ hơn về bệnh của mình, vậy đừng bỏ qua bài viết: Nguyên nhân viêm xoang trán, triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị
Những lưu ý khi điều trị viêm xoang mãn tính
Việc điều trị bệnh viêm xoang mãn tính cần lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn và kỹ thuật tốt:
- Khám chẩn đoán rất cần máy y tế hiện đại.
- Đội ngũ Bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm, tận tâm.
- Phẫu thuật sạch. Điều trị tích cực. Chăm sóc định kỳ. Bệnh viêm xoang mạn tính sẽ khỏi.
Biện pháp phòng ngừa viêm xoang mạn tính
Để phòng ngừa viêm xoang mạn tính, các biện pháp giúp chủ động phòng ngừa tác động của các yếu tố căn nguyên như sau:
- Tránh để tình trạng viêm mũi xoang kéo dài, cần điều trị các đợt cấp triệt để.
- Tránh bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như Streptococcus, phế cầu, Hemophilus và Moraxella.
- Điều trị cúm càng sớm càng tốt, tránh kéo dài để vi khuẩn phát triển và lan sang các khu lân cận.
- Luôn đeo khẩu trang bảo vệ mũi họng khi ra khỏi nhà và giữ ấm cơ thể, cổ họng vào mùa đông.
- Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây viêm mũi dị ứng như phấn hoa, lông thú và khói bụi,…
- Người có cơ địa dễ dị ứng nên tránh ăn các thực phẩm nghi ngờ có khả năng gây dị ứng như hải sản, một số loại hạt và các loại ấu trùng,…
> Xem thêm về video sống khỏe, viêm xoang mạn TS.BS Hoàng Lương
Các câu hỏi thắc mắc về bệnh viêm xoang mạn tính
Làm sao để phân biệt viêm xoang mạn tính và viêm mũi xoang dị ứng?
Triệu chứng giúp nhận biết bệnh viêm mũi xoang dị ứng điển hình và khác biệt với viêm mạn tính như sau:
- Hắt hơi liên tục không kiểm soát được, ngứa mũi, ngạt mũi và chảy nước mũi trong.
- Khe giữa hay khe trên của mũi không có mủ.
- Kết quả dương tính với: Test lẩy da, test kích thích mũi và phản ứng phân hủy mastocyte.
Bệnh viêm xoang mạn tính có nguy hiểm không?
Bản chất bệnh viêm xoang mạn tính là lành tính, nếu như không khám và điều trị kịp thời mới dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đã nêu trên.
Bệnh viêm xoang mạn tính có chữa khỏi được không?
Điều trị càng sớm viêm xoang mãn tính sẽ càng có kết quả khả quan. Đối với bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, có khoảng 75% bệnh nhân giảm triệu chứng sau khi được phẫu thuật xoang nội soi.
Viêm xoang mạn tính nếu được phát hiện sớm thông qua các triệu chứng như trên, người bệnh sẽ có xác suất chữa được dứt điểm cực kỳ cao. Vì vậy, hãy đề phòng những dấu hiệu của bệnh viêm xoang mãn tính bằng cách đi thăm khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để được chẩn đoán và chữa trị sớm nhất, phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm đến tinh thần và sức khỏe của bạn.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/