Bệnh viêm mũi họng trẻ em do đâu? Cách chăm sóc, điều trị cho trẻ
Trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus tiềm ẩn trong không khí. Những dị nguyên này không chỉ làm suy yếu hệ miễn dịch mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm mũi họng trẻ em. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách chăm sóc và điều trị cho trẻ khi mắc bệnh lý này ở bài viết dưới đây.
Viêm mũi họng ở trẻ em là bệnh lý gì?
Viêm mũi họng trẻ em là tình trạng viêm đỏ ở mũi, họng, hoặc hầu của trẻ em. Bệnh hay được gọi với tên dân gian là cảm lạnh. Theo nghiên cứu, trẻ thường mắc viêm mũi họng vào mùa lạnh, trẻ dưới 3 tuổi tần suất mắc là 4-6 lần/năm, trẻ đi mẫu giáo hoặc đến trường tần suất lên tới 6-10 lần/năm. Mức độ viêm mũi họng ở trẻ em thường nhẹ và tự khỏi sau 1 tuần – 10 ngày mà không có bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào. Tuy vậy, nếu không điều trị đúng cách để bệnh dai dẳng, có thể dẫn tới viêm nội tâm mạc, thấp tim, viêm tai giữa, viêm đường hô hấp…
Hầu hết các trường hợp nhiễm Adenovirus có triệu chứng xảy ra ở trẻ em và gây sốt với các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm mũi họng, viêm họng, viêm amidan.
Trẻ bị viêm mũi họng là do nguyên nhân gì?
Đa số các trường hợp viêm mũi họng trẻ em là do virus, thường gặp là Rhinovirus, Adenovirus. Một số trường hợp khác có thể do vi khuẩn hay do môi trường sống ô nhiễm. Sau khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể thông qua hô hấp sẽ thay đổi hoạt động bình thường của mũi họng, giảm sức đề kháng của cơ thể trẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển. Một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm mũi họng trẻ em có thể kể đến như:
Do môi trường sinh sống
- Môi trường sống của trẻ ô nhiễm, có nhiều bụi mịn, khói xe cộ, khói đốt rơm rạ, nhất là khói thuốc lá xuất hiện thường xuyên.
- Thời tiết thay đổi, nhất là thời điểm giao mùa khi mà đêm sáng lạnh nhưng trưa lại nắng nóng khiến cơ thể trẻ khó thích nghi.
- Trẻ đến tuổi đi học bị lây nhiễm chéo từ bạn cùng lớp.
- Trẻ đang ở giai đoạn phải cai sữa hoặc đang tập ăn dặm.
- Gia đình trẻ có nuôi chó mèo hoặc các loại động vật nuôi khác.
- Không gian sống chật chội, không thông khí, ẩm mốc…
Môi trường sống trong lành và ổn định rất quan trọng với trẻ nhỏ. Khả năng đề kháng của trẻ chưa hoàn chỉnh nên nếu môi trường ô nhiễm sẽ làm trẻ hay ốm hơn, hoặc thay đổi môi trường sống thường xuyên cũng khiến trẻ khó thích nghi.

Do tác nhân virus, vi khuẩn, nấm mốc
Theo nghiên cứu, có tới hơn 200 loại virus có khả năng gây ra các bệnh lý viêm mũi họng trẻ em, trong đó Rhinovirus là chủ yếu, chiếm tỷ lệ 10-40% số trường hợp viêm mũi họng. Ngoài ra còn thể do các virus cúm mùa, Adenovirus, sởi, quai bị, rubella… Bên cạnh đó, vi khuẩn, nấm cũng là tác nhân quan trọng gây ra viêm mũi họng ở trẻ. Trong đó nguy hiểm nhất phải kể đến chủng vi khuẩn Streptococcus còn gọi là liên cầu khuẩn nhóm A gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm cầu thận cấp, viêm khớp thấp cấp…

>>> Tìm hiểu về bệnh viêm mũi họng trẻ em do vi khuẩn qua tài liệu sau:
Nguồn: International Journal of Otorhinolaryngology and Head and Neck Surgery
Triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc bệnh viêm mũi họng
Triệu chứng viêm mũi họng trẻ em tương tự như bệnh cảm lạnh và thường xuất hiện sau khi nhiễm bệnh 1-3 ngày:
- Đau họng, họng đỏ, sưng.
- Hắt hơi
- Ngạt mũi, chảy nước mũi, ban đầu nước mũi trong nhưng dần dần chuyển sang đục rồi xanh vàng, đặc quánh và có mùi tanh.
- Ho khan, sau chuyển thành đờm do dịch mũi chảy xuống họng.
- Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn.
- Một số trường hợp có sốt nhẹ, đôi khi là sốt cao.
- Đau đầu, buồn bực tay chân.
>>> Bác sĩ hướng dẫn cách điều trị khi bị đau họng nghẹt mũi tại nhà.
Tuỳ thuộc vào khả năng đề kháng của từng trẻ mà các biểu hiện này diễn ra ở mức độ và thời gian khác nhau. Bên cạnh đó, nguyên nhân viêm mũi họng khác nhau cũng khiến các triệu chứng cũng thay đổi:
- Nếu do virus: Có thể xuất hiện các nốt phát ban, rối loạn tiêu hoá, chảy nước mũi nhiều, chảy nước mắt, ngứa, đỏ mắt…
- Nếu do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A: xuất hiện sốt cao trên 38,5 độ, amidan đỏ, sưng tiết dịch màu trắng đục, sưng và đau hạch cổ…

Hướng dẫn điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trẻ mắc viêm mũi họng cần được chăm sóc, theo dõi và được nghỉ ngơi hợp lý. Bổ sung đủ nước và điện giải giúp trẻ giảm bớt mệt mỏi. Bên cạnh đó, cần hạn chế những nguy cơ làm nặng hơn tình trạng viêm mũi họng của trẻ như thuốc lá, đồ ăn lạnh.
Thuốc kháng sinh chỉ sử dụng trong trường hợp trẻ viêm mũi họng do nhiễm khuẩn hoặc trường hợp nghi ngờ có bội nhiễm vi khuẩn. Phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Tại nhà, bạn có thể áp dụng những cách sau đây để chăm sóc trẻ.
Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ
Vệ sinh mũi họng là cách giúp đường thở thông thoáng, giảm nghẹt mũi, chảy mũi khi bị viêm mũi họng trẻ em.
Trong vài ngày đầu khi trẻ khởi phát bệnh với biểu hiện ngạt mũi nhẹ, nước mũi trong, lỏng, bạn có thể vệ sinh mũi bằng dung dịch NaCl 0.9% (nước muối sinh lý) từ 4-5 lần mỗi ngày.
Trường hợp có chảy mũi xanh vàng, đặc hoặc nhiều gỉ mũi, bạn hãy nhỏ vài giọt NaCl 0.9% vào mỗi bên mùi và day nhẹ cánh mũi cho gỉ mũi bong ra. Sau đó dùng giấy, khăn mềm hoặc tăm bông lấy dịch mũi ra.
Nếu dịch mũi quá nhiều, bạn nên dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý làm loãng dịch mũi và nhẹ nhàng hút ra, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi. Nếu trẻ lớn, bạn nên hướng dẫn trẻ cách xì mũi để giảm bớt khó chịu.
Khi vệ sinh mũi cho trẻ cần lưu ý dụng cụ vệ sinh, giấy, khăn phải đảm bảo sạch sẽ và khử trùng cẩn thận. Khăn quàng cổ hoặc khăn lau mũi của trẻ chỉ nên lau 1 lần và giặt thường xuyên. Nếu tại nhà lượng dịch mũi quá nhiều, quá đặc mà trẻ không hợp tác rửa mũi, bạn nên đưa trẻ đến các phòng khám Tai Mũi Họng để hút mũi.

Hạ sốt cho trẻ nếu có triệu chứng
Khi trẻ có biểu hiện nóng sốt, cần theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ và áp dụng các biện pháp hạ sốt.
- Chườm ấm: Dùng khăn mềm nhúng nước ấm (bằng nhiệt độ cơ thể trẻ), vắt khô và lau người cho trẻ, chú ý lau những vùng có nhiệt độ cao như nách, bẹn đến khi nhiệt độ cơ thể trẻ hạ xuống dưới 38 độ. Lưu ý là không sử dụng nước lạnh sẽ làm co mạch làm nhiệt độ không thoát ra ngoài được. Sau đó bạn cho trẻ mặc thoáng, không ủ ấm trẻ.
- Dùng thuốc hạ sốt nếu có sốt cao trên 38,5 độ. Tuy nhiên, nhiều trẻ chỉ sốt nhẹ là đã có thể biểu hiện co giật nên bạn cũng cần lưu ý theo dõi trẻ, cho uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt kèm theo mệt mỏi, không chịu chơi, mê man…

Chế độ ăn dinh dưỡng khi bị viêm mũi họng trẻ em
Bên cạnh chăm sóc và theo dõi trẻ, bạn cũng nên chú ý chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho trẻ:
- Không ép trẻ ăn mà cho trẻ ăn theo nhu cầu. Nếu trẻ biếng ăn, không chịu ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Cho trẻ ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hoá, giàu dinh dưỡng.
- Có thể áp dụng một số biện pháp dân gian để giảm triệu chứng ho cho trẻ như: hấp mật ong đường phèn với hoa hồng bạch, gừng, quất non, hoặc hoa đu đủ đực với mật ong và gừng và cho trẻ uống khi còn ấm nóng. Lưu ý: Trẻ 1 tuổi không nên sử dụng mật ong.
- Sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, chú ý thời điểm dùng thuốc.
Biện pháp phòng tránh bệnh viêm mũi họng trẻ em
Viêm mũi họng trẻ em có thể phòng tránh được. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để hạn chế mắc bệnh lý này ở trẻ:
- Giữ vệ sinh tay cho trẻ, không để trẻ cho đồ chơi hoặc ngón tay vào miệng. Trẻ lớn có thể dạy trẻ thói quen rửa tay để khử khuẩn.
- Không để trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh viêm mũi họng hoặc các bệnh lý về đường hô hấp khác.
- Vệ sinh nhà cửa, không gian sinh hoạt cũng như đồ chơi của trẻ thường xuyên.
- Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng với người khác.
- Che miệng khi hắt xì, ho…. tránh lây lan vi khuẩn trong không khí.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ có thể hạn chế được nhiều chủng vi khuẩn và virus gây viêm mũi họng trẻ em.
- Vệ sinh mũi và hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng nhóm chất và vitamin.
- Tăng cường sự khỏe mạnh của hệ thống miễn dịch bằng việc bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin, thực phẩm tăng cường miễn dịch.
- Không để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thay đổi thời tiết, khi trời chuyển lạnh, lưu ý vùng ngực, cổ, bàn chân.
- Duy trì môi trường sống trong lành, tránh xa khói bụi, khói thuốc lá.
>>> Nội soi tai mũi họng có thể giúp sớm phát hiện những căn bệnh tai mũi họng nguy hiểm và phòng ngừa kịp thời, đọc ngay bài viết nội soi tai mũi họng như thế nào? Có đau không và những điều cần biết

Viêm mũi họng có thể để lại biến chứng gì?
Viêm mũi họng trẻ em có thể tự khỏi sau 7-10 ngày tuỳ thuộc cơ địa từng trẻ. Tuy nhiên, nếu chăm sóc trẻ không đúng cách hoặc xảy ra tình trạng bội nhiễm khiến bệnh nặng hơn và có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Viêm tiểu phế quản.
- Viêm phế quản.
- Viêm phổi.
- Viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm VA….

Khi nào cần đưa trẻ đi viện khi có triệu chứng viêm mũi họng?
Khi trẻ bị viêm mũi họng kèm theo các biểu hiện sau đây thì cần đưa trẻ đến bệnh viện:
- Sốt cao liên tục không hạ mặc dù đã áp dụng chườm ấm và hạ sốt.
- Ho nhiều, lồng ngực rút lõm, có dấu hiệu khó thở, nhịp thở nhanh bất thường.
- Trẻ có rối loạn tiêu hoá kèm theo nôn nhiều.
- Quan sát tai thấy có dịch chảy ra.
- Sau khi điều trị 2-3 ngày mà các triệu chứng của viêm mũi họng không cải thiện.

Điều trị viêm mũi họng trẻ em hiệu quả tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn.
Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn là đơn vị y tế chuyên khám và điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng ở cả người lớn và trẻ em. Người bệnh đến với bệnh viện đều được thực hiện nội soi thường quy cả 3 vùng Tai – Mũi – Họng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường từ đó đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị hiệu quả.
Đối với viêm mũi họng trẻ em, bác sĩ sau khi nội soi nếu cần thiết sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm ra đúng nguyên nhân. Phác đồ điều trị luôn phối hợp song song giữa điều trị nguyên nhân với điều trị triệu chứng của bệnh. Trong khi nội soi nếu trẻ có nhiều dịch tại các xoang mũi sẽ được hút sạch và vệ sinh mũi chuẩn y khoa.
Việc dùng thuốc điều trị viêm mũi họng ở trẻ em đều được bác sĩ cân nhắc và lựa chọn dựa trên tình trạng bệnh lý, cân nặng, và sức đề kháng của trẻ nên đạt được hiệu quả cao, kiểm soát được các triệu chứng, không để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, ba mẹ sẽ được bác sĩ trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, cho trẻ dùng thuốc tại nhà, vệ sinh mũi họng cho trẻ đồng thời hẹn lịch tái khám định kỳ tới khi trẻ khỏi hoàn toàn.

>>> Xem thêm về bệnh viêm mũi họng trẻ em qua video sau:
Một số câu hỏi về bệnh viêm mũi họng trẻ em thường gặp
Viêm mũi họng trẻ em bao lâu thì khỏi?
Viêm mũi họng trẻ em thường khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày tùy theo tình trạng bệnh lý cũng như khả năng đề kháng của trẻ. Tuy vậy, bạn vẫn cần có chế độ chăm sóc và theo dõi trẻ thường xuyên đề phòng bệnh nặng hơn dẫn đến biến chứng.
Trẻ bị ho có nên dùng mật ong?
Kinh nghiệm dân gian truyền lại, mật ong có tính ấm, có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn do vậy được dùng phổ biến khi bị ho, phối hợp với một số thảo dược khác như tỏi, lá hẹ, gừng, quất, húng chanh… Tuy nhiên, mật ong không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì dễ gây ngộ độc.
Khám viêm mũi họng ở đâu tốt nhất?
Khi trẻ mắc viêm mũi họng, bạn nên đưa trẻ đến các phòng khám Tai Mũi Họng uy tín để được khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp. Tại TP Hồ Chí Minh, bạn có thể đưa trẻ tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để các bác sĩ tư vấn cách điều trị và chăm sóc trẻ hiệu quả nhất.
Bệnh viêm mũi họng trẻ em thường gặp với các biểu hiện nhẹ và nhanh khỏi nhưng cũng có thể kéo dài rất lâu dẫn tới biến chứng viêm tai giữa, viêm đường hô hấp… Vì thế, trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh cũng như cách chăm sóc trẻ là điều bạn nên chuẩn bị. Hy vọng với những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp ích cho bạn và gia đình. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh lý này hay cần đặt hẹn khám, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/