Viêm Mũi Họng

Viêm mũi họng: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Nếu thường xuyên gặp biểu hiện đau họng, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi… rất có thể bạn đã bị viêm mũi họng. Vậy viêm mũi họng là gì, cách điều trị ra sao, làm thế nào để giảm nhanh chóng các biểu hiện viêm mũi họng? Hãy cùng chúng tôi giải đáp dưới bài viết này nhé.

Viêm mũi họng là gì?

Viêm mũi họng là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở vùng mũi và hầu họng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biểu hiện của viêm mũi họng thường gặp là đau họng, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, có hoặc không kèm theo đau nhức mình mẩy… Dân gian hay gọi viêm mũi họng với cái tên là cảm lạnh.

Viêm mũi họng có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nhiễm vi khuẩn, virus, siêu vi, dị ứng phấn hoa, thời tiết, hoá chất độc hại, môi trường khói bụi ô nhiễm… Đây là một loại bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có khả năng tự khỏi mà không cần điều trị (thường tự khỏi sau khoảng 10-14 ngày). Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh rất dễ gặp bệnh lý này do hệ thống miễn dịch còn non nớt. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và thường xuất hiện vào mùa lạnh hay thời điểm giao giữa các mùa.

hình minh họa viêm mũi họng
Viêm mũi họng là bệnh lý viêm đường hô hấp trên phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Triệu chứng bệnh viêm mũi họng thường gặp

Triệu chứng của viêm mũi họng rất dễ nhận biết và xuất hiện sau khi ủ bệnh 1-3 ngày, đó là:

  • Đau rát họng.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Hắt hơi.
  • Ho khan hoặc ho có đờm.
  • Ngứa, chảy nước mắt.
  • Đau đầu
  • Đau mỏi mình mẩy.
  • Sốt nhẹ, người gai rét.
  • Chảy dịch mũi sau.
Triệu chứng của viêm mũi họng
Đau rát họng, sổ mũi, đau đầu, hắt hơi, sốt nhẹ là những biểu hiện thường gặp khi mắc viêm mũi họng

Triệu chứng của viêm mũi họng có thể tự hết sau một khoảng thời gian 7-10 ngày tùy theo khả năng đề kháng của mỗi người. Các triệu chứng của bệnh ở mỗi người là khác nhau và thường không nguy hiểm mặc dù có thể gây ra những khó chịu nhất định. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi bạn gặp các biểu hiện dưới đây:

  • Ho nhiều, nặng tiếng kèm theo đờm xanh vàng.
  • Sốt cao > 38,5 độ, rét run.
  • Đau rát họng nặng hơn, nuốt đau.
  • Thở ra có mùi hôi.
  • Sưng đỏ amidan.
  • Khi khám Tai Mũi Họng có thể thấy các biểu hiện viêm nhiễm.
  • Tăng số lượng bạch cầu khi làm xét nghiệm máu.

Tác nhân gây viêm mũi họng

Viêm mũi họng là bệnh lý rất dễ mắc phải do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến các nguyên nhân sau:

Do vi sinh vật

Virus là tác nhân chủ yếu gây ra viêm mũi họng và là nguyên nhân khiến bệnh lý này lây lan rất nhanh và có thể bùng thành dịch. Theo nghiên cứu, có đến hơn 100 loại virus có khả năng gây ra các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm mũi họng cấp. Chúng có khả năng lây lan và phát triển rất nhanh thông qua hoạt động hô hấp hàng ngày, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, giao mùa. Virus hay gặp nhất gây viêm mũi họng là Rhinovirus.

Bên cạnh virus, vi khuẩn cũng là tác nhân phổ biến bao gồm: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus Aureus, Haemophilus influenzae…trong đó liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus) là loại vi khuẩn nguy hiểm nhất có thể gây ra các nhiễm khuẩn mũi họng nặng và biến chứng nguy hiểm như viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận cấp, thấp tim…

Rhinovirus nằm trong họ Picorna virus, kích thước từ 20-27 nm, virus có genome là RNA và có hơn 100 tuýp huyết thanh khác nhau. Virus sinh sôi tốt hơn ở 33 °C so với 37 °C, điều này giải thích tại sao virus chủ yếu gây bệnh ở mũi họng và kết mạc hơn là ở đường hô hấp dưới.

Rất hiếm các trường hợp viêm mũi họng cấp có nguyên nhân do nấm.

Cải thiện môi trường sống
Vi khuẩn, virus rất dễ lây lan thông qua hoạt động hô hấp hàng ngày

Do thời tiết chuyển mùa

Giao mùa, thay đổi thời tiết là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật sinh sôi và phát triển gây ra các bệnh lý viêm mũi họng cấp. Điều này kết hợp với đề kháng suy giảm là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý về đường hô hấp.

Do sức đề kháng yếu

Những người có miễn dịch suy giảm, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh lý viêm mũi họng cấp thông thường. Vì thế, những đối tượng này cần phải tích cực dự phòng lây nhiễm bằng các phương pháp như giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với người đang ốm, tăng cường đề kháng…

Do môi trường ô nhiễm: hít bụi bẩn, khói thuốc…

Môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sự khỏe mạnh của hệ hô hấp mà còn là nguyên nhân khiến bạn dễ mắc phải tình trạng viêm mũi họng cấp. Do đó, giữ môi trường sống và làm việc trong lành, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc… là những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa mắc các bệnh lý này.

Cải thiện môi trường sống
Môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp

Do vệ sinh răng miệng kém

Khoang miệng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi họng. Nếu vệ sinh răng miệng không tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây viêm mũi họng sinh sôi và phát triển.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm mũi họng

  • Đối với viêm mũi họng cấp, việc chẩn đoán thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng và qua thăm khám vùng mũi họng.
  • Trường hợp bệnh kéo dài, có xu hướng gây ra các biến chứng cần phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng tương ứng, kết hợp với kháng sinh đồ để xác định được phác đồ điều trị tối ưu nhất.
  • Nếu có nghi ngờ viêm mũi họng do các virus, vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao như bạch hầu, giang mai, lao… cần thực hiện các xét nghiệm định danh vi khuẩn.
  • Xác định nguyên nhân viêm mũi họng rất quan trọng đối với quá trình điều trị. Khi đã xác định được nguyên nhân, cần kết hợp điều trị nguyên nhân gây bệnh song song với làm giảm triệu chứng. Nếu nguyên nhân là vi khuẩn, cần phải sử dụng kháng sinh. Nếu do dị ứng, khói bụi, khói thuốc… chỉ cần cách ly khỏi dị nguyên là được.
 Tìm nguyên nhân viêm mũi họng
Thăm khám khi có các biểu hiện viêm mũi họng giúp tìm đúng nguyên nhân gây bệnh

Cách chữa bệnh viêm mũi họng

Tùy thuộc nguyên nhân gây nên bệnh lý viêm mũi họng, cách điều trị cũng sẽ khác nhau.

Đối với nguyên nhân do virus.

Nếu nguyên nhân gây ra viêm mũi họng là do virus, bạn không cần sử dụng kháng sinh, bởi kháng sinh không hề có hiệu quả đối với chúng. Trường hợp này bạn chỉ cần sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như giảm ho, chống dị ứng, giảm đau, hạ sốt…

Đối với nguyên nhân do vi khuẩn

Một khi xác định nguyên nhân viêm mũi họng là do nhiễm khuẩn hoặc do virus mà kèm theo hiện tượng bội nhiễm, cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, bạn vẫn cần sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng để giảm bớt những khó chịu do bệnh lý này gây ra.  Kết hợp với dùng thuốc, bạn có thể áp dụng các biện pháp khác như súc miệng nước muối, ngậm kha tử, uống mật ong với nước ấm, tăng đề kháng, tập thể dục đều đặn… để làm giảm nhanh hơn triệu chứng viêm mũi họng.

Đối với triệu chứng nghẹt mũi, chảy nhiều dịch mũi.

Triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Để giảm bớt các triệu chứng này, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý: Nước muối có khả năng duy trì độ ẩm niêm mạc mũi, giảm khô mũi trong trường hợp bạn bị nghẹt mũi, loãng dịch nhầy mũi khi chảy mũi, đồng thời cũng có tác dụng sát khuẩn tại chỗ.
  • Massage nhẹ nhàng vùng mũi, xoang mặt, xoang trán, điểm giữa môi giúp tăng cường lưu thông máu và hạn chế viêm tại mao mạch, hạn chế nghẹt mũi, chảy mũi do viêm mũi họng.
  • Xông hoặc tắm nước ấm: Xông hơi bằng nước ấm có pha thêm vài giọt tinh dầu hoặc thảo dược có tác dụng làm giãn mạch, loãng dịch nhầy mũi, giảm rõ rệt biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi.
  • Rửa mũi bằng các dụng cụ chuyên dụng: Hiện nay đang phổ biến những bình chuyên dụng để rửa mũi giúp đẩy hết dịch mũi còn lắng đọng trong xoang mũi, giảm chảy mũi nghẹt mũi rất hiệu quả.
  • Uống trà gừng: Gừng có tính ấm, có tác dụng đối với những trường hợp cảm lạnh.
Cách giảm triệu chứng nghẹt mũi
Xông mũi, uống trà gừng, nhỏ mũi với nước muối sinh lý giúp cải thiện tình trạng chảy, nghẹt mũi

Đối với triệu chứng đau họng

Cảm giác đau họng có thể giảm nhanh chóng nếu bạn áp dụng các biện pháp dưới đây:

  • Rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý (NaCl) 0.9%
  • Uống trà mật ong, mật ong ngâm hoa đu đủ đực, ngâm chanh đào đường phèn: Pha cùng chút nước ấm và uống ngay có tác dụng làm dịu cơn đau họng. Bạn có thể áp dụng 2-3 lần mỗi ngày để cho hiệu quả tốt nhất.
  • Trà hoa cúc: Trà hoa cúc uống lúc ấm cũng cho hiệu quả dịu họng khá tốt.
  • Gừng: Bên cạnh có thể giảm biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi, trà gừng cũng giúp làm dịu cơn đau họng hiệu quả. Nếu không có trà gừng, có thể thay thế bằng vài lát gừng tươi cũng cho hiệu quả tương đương.
Cách giảm triệu chứng đau họng khi viêm mũi họng
Uống trà mật ong, trà hoa cúc, trà gừng, rửa mũi với NACL giúp giảm đau họng khi viêm họng mũi

>> Tìm hiểu về điều trị viêm mũi họng mãn tính bằng phương pháp dao mổ điện qua tài liệu sau:

Nguồn: Laryngol Otol. 2010 Apr;124(4):426-7

Cần lưu ý khi điều trị triệu chứng viêm mũi họng tại nhà

Một số người thường có thói quen tự mua thuốc điều trị viêm mũi họng tại nhà, thậm chí sử dụng kháng sinh khi chưa cần thiết. Điều này có thể khiến tình trạng viêm nhiễm của bạn kéo dài hơn nếu không được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách hợp lý. Dưới đây là một số cách giúp bạn điều trị triệu chứng viêm mũi họng tại nhà hiệu quả hơn:

  • Uống nước ấm và ăn các thực phẩm mềm để hạn chế làm tổn thương niêm mạc họng, giảm kích thích tại họng, giảm đau.
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ họng, ngực và chân.
  • Nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý.
  • Bổ sung thực phẩm, trái cây giàu vitamin.
  • Không tắm bằng nước lạnh và khi cơ thể đang ra mồ hôi. Nếu tắm cần dùng nước ấm và đóng kín cửa.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích, đồ ăn cứng, cay nóng.
  • Vệ sinh răng miệng đều đặn hàng ngày, súc miệng nước muối thường xuyên.
Phòng ngừa viêm mũi họng
Súc miệng, rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hàng ngày

Gợi ý cách phòng ngừa nhiễm bệnh viêm mũi họng

Để phòng ngừa những bệnh lý viêm mũi họng cũng như hạn chế biến chứng có thể xảy ra, bạn cần phải:

  • Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C, giữ nhà ở luôn thông thoáng, sạch sẽ.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, khu vực y tế có nguy cơ cao. Khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang.
  • Duy trì lối sống lành mạnh.
  • Giữ ấm cơ thể, vùng ngực, cổ khi thay đổi thời tiết hoặc chuyển lạnh.
  • Giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nếu mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang… cần tích cực điều trị.
  • Khám và điều trị sớm ngay khi có các triệu chứng của viêm mũi họng.
  • Chú ý chăm sóc trẻ em, nhất là khi thay đổi thời tiết. Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ có thể dự phòng được rất nhiều chủng vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Cần chuẩn bị kiến thức đầy đủ về bệnh để có những biện pháp dự phòng cũng như điều trị phù hợp.

>>> Viêm họng cấp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm

Một số câu hỏi về bệnh viêm mũi họng phổ biến

Viêm mũi họng nên và không nên ăn gì?

Khi bị viêm mũi họng không nên ăn tôm, cua, sữa, nhộng tằm, trứng… là những thực phẩm dễ gây dị ứng, dễ làm viêm mũi họng nặng hơn. Ngoài ra bạn cũng không nên ăn đồ ăn nhanh, đồ cay, nóng như tiêu, ớt… sẽ kích thích gây hắt xì, chảy mũi. Nên ăn những thực phẩm giàu vitamin C như cam, ổi, táo…, thực phẩm giàu omega 3, thức ăn dạng lỏng, mềm như cháo, súp, uống nước hoặc trà ấm, mật ong, các thực vật có chứa tinh dầu như gừng, bạc hà, hành, sả.

Bị nghẹt mũi nên dùng thuốc gì?

Khi bị nghẹt mũi, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi hàng ngày. Ngoài ra bạn có thể sử dụng các loại thuốc co mạch tại chỗ như Naphazolin, Xylometazolin với nồng độ phù hợp với từng đối tượng để làm giảm nhanh biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi. Tuy nhiên, các thuốc này không nên sử dụng quá 5 ngày vì dễ nhờn thuốc, giảm hiệu quả.

Viêm mũi họng có nên rửa mũi?

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là biện pháp khá hiệu quả làm giảm biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi. Ngoài ra, rửa mũi còn có tác dụng loại bỏ vi khuẩn tích tụ tại các xoang mũi, thông thoáng đường thở, giúp nhanh khỏi bệnh hơn.

>>> Xem thêm về viêm mũi họng trẻ em qua video của TS.BS Hoàng Lương Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn:

Trên đây là những kiến thức về bệnh lý Viêm mũi họng mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Mặc dù là bệnh lý đơn giản nhưng nếu không biết cách phòng tránh và điều trị kịp thời, có thể làm lây lan bệnh hoặc biểu hiện bệnh lý sẽ làm bạn cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh lý này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+