Nguyên nhân bị viêm mũi dị ứng thời tiết & Mẹo hay điều trị tại nhà
Thời tiết thay đổi, chuyển mùa là nguyên nhân gây lên bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết. Bệnh này gây khó chịu trong sinh hoạt thường ngày và có thể trở thành mãn tính. Vậy làm thế nào để phát hiện được triệu chứng và xử lý hiệu quả tình trạng viêm mũi dị ứng thời tiết? Tham khảo thông tin tại bài viết sau.
Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh gì?
Viêm mũi dị ứng thời tiết là tình trạng niêm mạc thành mũi bị tác động, gây tổn hại do những dị nguyên (chất lạ có thể gây ra dị ứng) liên quan tới sự biến đổi của thời tiết gây ra. Đây là một dạng viêm mũi dị ứng và thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi và người lớn, hay xảy ra khi thời tiết chuyển mùa (nóng hoặc lạnh và ngược lại), hoặc biến đổi bất thường và cơ thể người chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đó.
Bệnh có thể tái phát nhiều lần đặc biệt là ở những người có cơ địa dễ bị dị ứng. Khi đó, niêm mạc mũi bị viêm nhiễm và kích thích mũi gây hiện tượng ngứa, dẫn tới phản xạ hắt hơi nhằm tống dị nguyên ra khỏi mũi. Theo ước tính, có khoảng 20% dân số thế giới gặp tình trạng này, nguy cơ sẽ cao hơn nhiều với những người có tiền sử bị eczema, hen suyễn hoặc trong gia đình có tiền sử về các bệnh này.
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường sẽ xuất hiện vào lúc còn nhỏ và dần rõ hơn khi trưởng thành đặc biệt là độ tuổi từ 30 – 40 tuổi. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi của môi trường (do các dị nguyên), sự thay đổi của hệ miễn dịch cơ thể, cách phòng ngừa,…. Vì thế việc tìm hiểu kỹ các thông tin sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của bệnh lý này đồng thời có phương hướng điều trị phù hợp cho bản thân, tránh để bệnh phát triển thành các bệnh nguy hiểm như niêm mạc mũi thoái hoá, phù nề gây ngạt mũi, viêm phế quản do nghẹt mũi phải thở bằng đường miệng, viêm loét vùng tiền đình mũi, viêm phổi.Mũi bị viêm sẽ bị sưng đỏ và có dịch nhầy.
Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết có thể bị tái đi tái lại nhiều lần và khi thời tiết ổn định lại, các triệu chứng có thể tự thuyên giảm hoặc sẽ biến mất hoàn toàn ngay lúc đó nhưng sẽ quay lại khi các biến đổi của khí hậu, thời tiết ảnh hưởng tới niêm mạc thành mũi một lần nữa, tạo thành 1 vòng lặp không có điểm dừng.
Phân loại viêm mũi dị ứng thời tiết
Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ
Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết thường xảy ra khi có sự thay đổi bất thường của thời tiết. Vì thế bệnh này sẽ thường gặp vào đầu mùa hè (mùa nóng) hoặc đầu mùa đông (mùa lạnh). Bệnh này sẽ tái đi tái lại theo chu kỳ biến đổi của thời tiết.
Viêm mũi dị ứng theo mùa thường gây ra bởi dị ứng thực vật và thay đổi theo mùa gồm: Mùa xuân: Cỏ cây (ví dụ, cây sồi, cây phong, bạch dương, bách xù, ô liu) Mùa hè: Phấn hoa cỏ (cỏ gà, đuôi mèo) và phấn hoa cỏ dại (cây cúc Nga, cây anh đào Anh) Mùa thu: Các phấn hoa cỏ dại khác (ví dụ cỏ ambrozi)
Viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ thời tiết
Biểu hiện của viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ tương tự như bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết. Điểm khác biệt lớn nhất là bệnh này sẽ diễn tiến không theo quy luật, người bệnh có thể bất chợt bị hắt xì hơi và thường sẽ diễn ra với tần suất liên tục hơn. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng này có khả năng trở thành mãn tính nếu không được chữa trị kịp thời và để bệnh xảy ra trong thời gian dài. Khi thành mãn tính, bệnh nhân sẽ thường xuyên gặp tình trạng mệt mỏi, khó chịu do cơn hắt xì kéo dài và khó dứt, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết thường rõ ràng, với những biểu hiện:
- Mũi: Ngứa mũi dẫn đến dễ hắt hơi liên tục, chảy nước mũi. Buổi sáng sau khi ngủ dậy là khoảng thời gian dễ xảy ra hiện tượng này.
- Mắt: Mắt bị đỏ, ngứa, có cảm giác cộm ở mắt, mắt bị sưng và thâm quầng
- Họng và tai: Đau họng, giọng bị khàn, ù tai hoặc tắc nghẽn, cổ họng bị ngứa hoặc tai bị ngứa
- Ngoài ra mũi bị nghẹt còn gây khó chịu cho người bệnh vì phải thở bằng miệng, thường xuyên thức giấc vào ban đêm gây ra tình trạng mệt mỏi, dễ buồn ngủ vào ban ngày ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc.
Các triệu chứng này thường sẽ tác động tầm 1 – 2 tuần tới người bệnh. Sau khi điều trị khỏi bệnh thường sẽ không để di chứng gì. Tuy nhiên để không biến chứng hen suyễn và viêm xoang, người bệnh cũng cần được điều trị đúng cách.
>>> Viêm mũi dị ứng mãn tính cũng là một biến chứng rất nguy hiểm, xem ngay triệu chứng viêm mũi dị ứng mãn tính, nguyên nhân và cách điều trị
>>> Tìm hiểu về phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa qua tài liệu sau:
Nguồn: www.effectivehealthcare.ahrq.gov
Viêm mũi dị ứng thời tiết nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng thời tiết là do biến đổi thời thời tiết. Điều này giúp các dị nguyên có cơ hội phát triển và xâm nhập vào niêm mạc mũi. Những dị nguyên phổ biển có khả năng cao gây bệnh là:
- Phấn hoa: dị nguyên thường gặp nhất. Khi trời hanh khô và nhiều gió khiến mật độ phấn hoa trong không khí tăng cao.
- Dị ứng bụi mạt nhà hay còn gọi là loại mạt thuộc họ nhện, có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng ½ đến ¼ mm nên khó nhìn thấy được bằng mắt thường. Chúng thường sống trong giường chiếu, chăn nệm, đặc biệt là những nơi vệ sinh không tốt.
- Da động vật: nghiên cứu chỉ ra rằng trong các tế bào da, chất thải hoặc nước bọt của động vật có xuất hiện một số protein.
- Lông và nước bọt của chó mèo.
- Nấm mốc.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết
Chẩn đoán phân biệt
Theo TS.BS.CKII. Hoàng Lương việc chẩn đoán sẽ thông qua xem xét bệnh sử, các triệu chứng tự báo cáo của người bệnh sau đó đưa ra những giả thuyết về bệnh lý và đưa ra những chẩn đoán ban đầu liên quan tới bệnh lý về mũi để khoanh vùng:
Viêm mũi dị ứng
- Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ thời tiết
- Viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ thời tiết
Viêm đường hô hấp trên
- Viêm mũi không dị ứng (Viêm mũi vô căn)
- Viêm mũi họng cấp, viêm mũi xoang
Các khối u mũi xoang như:
- Các khối u lành tính: u nhú hay u nhầy.
- Ung thư mũi xoang…
Dị dạng bẩm sinh mũi xoang
- Vẹo vách ngăn.
- Dị dạng lỗ mũi, cuốn mũi.
Chẩn đoán bệnh lâm sàng
Theo Hiệp hội viêm mũi dị ứng quốc tế (ARIA), người bệnh có khả năng mắc viêm mũi dị ứng khi có những vấn đề sau đây:
Về tiền sử
- Cá nhân: dị ứng với các loại thuốc, bị viêm phế quản dạng hen, chàm
- Gia đình: có người trong gia đình mắc viêm phế quản dạng hen, viêm mũi dị ứng
Về triệu chứng lâm sàng
- Có ít nhất 2 trong 5 triệu chứng sau đây: ngứa mũi, hắt hơi thành tràng dài, ngạt tắc mũi, chảy dịch mũi, ngứa mắt, tai, họng.
- Xảy ra thường xuyên, kéo dài ít nhất 60 phút / ngày.
Các xét nghiệm y tế
Để xác định chính xác viêm mũi dị ứng và tìm ra lý do bị viêm mũi thì phải thực hiện thêm các xét nghiệm về y tế như: xét nghiệm về da, kiểm tra kích thích, xét nghiệm kháng thể dị ứng.
Xét nghiệm về da:
- Là phương pháp phát hiện sự mẫn cảm của cơ thể bằng cách cho da tương tác với dị nguyên và sau đó đánh giá phần da đó .Mục đích của thử nghiệm này để tìm ra kháng thể dị ứng với bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, thuốc, hóa chất, lông động vật…
- Có hai phương pháp test: Trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là phương pháp đưa dị nguyên vào cơ thể qua đường da còn phương pháp gián tiếp là tiêm huyết thanh của người bệnh vào da người đang cần kiểm tra sau đó tiêm dị nguyên nghiên cứu vào ngay chỗ đã tiêm huyết thanh để đánh giá kích thước và đặc điểm của khu nổi mẩn và phản ứng viêm tại vị trí da đó.
- Dị nguyên cho kết quả dương tính trong xét nghiệm và kết hợp với khai thác tiền sử dị ứng có thể tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm da còn nghi ngờ về tính chính xác thì phải tiến hành kiểm tra kích thích.
Xét nghiệm kích thích
- Khi các dữ kiện xét nghiệm về da chưa đủ để kết luận, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm kích thích để xác định viêm mũi dị ứng.
- Xét nghiệm kích thích là việc đưa dị nguyên vào cơ thể nhằm tạo cảnh bệnh lâm sàng như thật để quan sát và đưa ra kết quả. Phương pháp để xét nghiệm trong trường hợp này là test nhỏ mũi. Bác sĩ sẽ nhỏ một giọt dị nguyên vào mũi người bệnh, sau đó quan sát phản ứng, nếu người bệnh xảy ra hiện tượng hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi thì là phản ứng dương tính. Có khả năng là bị viêm mũi dị ứng
Phết tế bào mũi
Để chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng, bác sĩ có thể dùng phương pháp phết tế bào mũi để kiểm tra có sự xuất hiện của Eosinophil trong chất tiết cùa niêm mạc hay không.
Định lượng IgE toàn phần
Được thực hiện bằng máy Access 2 của hãng Beckman Counter.
Kỹ thuật xét nghiệm hóa phát quang hạt từ (CMIA)
Dựa trên việc phản ứng miễn dịch enzyme 2 bước mà IgE toàn phần được thực hiện:
- Two step Sandwich
- Antibody Detection
Định lượng IgE đặc hiệu
Trên màng miễn dịch thấm (Nitrocellulose), dựa vào nguyên lý kỹ thuật Enzyme miễn dịch, định lượng nồng độ IgE sẽ được thực hiện để xét nghiệm trong huyết thanh người thử có kháng thể IgE không. Kháng thể này sẽ chống lại 20 dị nguyên riêng biệt thường gặp tại Việt Nam trên 1 Panel.
D.pteronyssinus, D.farinae, Blomia tropicalis: Đây là những ký sinh trùng thuộc họ mạt nhà (hoặc mạt bụi). Thường gặp ở những nơi ẩm ướt, thấp như tầng trệt, hầm, thảm lát sàn, khăn trải bàn, drap giường… kích thước mạt nhà rất nhỏ (< 0.2mm). Mảnh vụn của da, thức ăn thừa của nhà bếp, phòng ăn là thức ăn của mạt nhà
Phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết
Điều trị bằng thuốc
Bệnh viêm mũi dị ứng có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, để hạn chế vấn đề kháng thuốc và tác dụng phụ, người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ.
- Thuốc kháng histamin
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kháng histamin để hạn chế viêm mũi dị ứng. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn cản cơ thể sản sinh ra histamin gây ra triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mũi gặp phải những dị nguyên.
Thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ, người bệnh khi sử dụng cần lưu tâm về vấn đề này, tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc hàng ngày.
- Thuốc có chứa decongestant
Những thuốc này có tác dụng thông mũi, giải trừ nghẹt mũi và giúp thông xoang nhằm đối phó với các triệu chứng của bệnh. Thông thường, bệnh nhân chỉ nên sử dụng chúng không quá 3 ngày. Các loại thuốc này chỉ có tác dụng ứng chế triệu chứng chứ không phải là điều trị, thế nên việc sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng lạm dụng thuốc quá mức, khiến cơ thể phụ thuộc vào thuốc, nếu ngưng sử dụng thì triệu chứng lại càng ảnh hưởng nặng hơn so với khi chưa dùng thuốc.
- Thuốc chứa Corticoid
Được đánh giá là loại thuốc hiệu quả nhất đối với chứng viêm mũi dị ứng thời tiết. Các loại thuốc chứa Corticoid dùng qua đường mũi cũng có hiệu quả tương đương với thuốc kháng histamin đường uống.
Viêm mũi dị ứng gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn vì nó thuộc dạng phản ứng tự nhiên của cơ thể, (phản ứng ngứa mũi, sổ mũi khi gặp dị nguyên ). Thế nên, khi chữa viêm mũi dị ứng bác sĩ thường kê các thuốc kháng histamin hoặc thuốc chứa corticoid để giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Không sử dụng các loại thuốc kháng thụ thể trong trường hợp này ví dụ như thuốc kháng thụ thể Leukotriene chỉ dùng cho điều trị hen suyễn.
Những điểm cần chú ý khi chữa trị viêm mũi dị ứng thời tiết tại nhà
Viêm mũi dị ứng các loại bao gồm viêm mũi dị ứng thời tiết gần như không thể chữa khỏi được vì đây là phản ứng tự nhiên thái quá của cơ thể chống lại sự xâm nhập của dị nguyên bên ngoài môi trường. Rất khó để biết chính xác 100% là cơ thể người bệnh đang phản ứng với những dị nguyên nào. Vì thế các phương pháp giải mẫn cảm hay né tránh dị nguyên được xem là cách tốt nhất không dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết, cùng tham khảo một số cách sau đây:
- Dùng nước muối sinh lý làm sạch mũi: loại bỏ dịch nhầy trong mũi bằng nước muối sinh lý nhằm tạo sự thông thoáng cho mũi, tạo điều kiện dễ dàng cho các phương pháp điều trị khác.
- Sử dụng gừng: nhai gừng hoặc sử dụng gừng làm gia vị thức ăn giúp bệnh tiến triển tốt hơn vì trong gừng có chất gây ức chế sản sinh histamin.
- Xông mặt: người bệnh có thể sử dụng Hơi nước nóng (hoặc có thể nhỏ thêm vài giọt dung dịch loại: tràm trà, sả…) giúp loại bỏ dễ dàng dịch nhầy ra khỏi mũi.Từ đó, những triệu chứng như nghẹt mũi, đau họng hay chảy nước mũi sẽ giảm bớt đi, người bệnh cũng dễ chịu hơn.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C giúp kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch. Thế nên, người bệnh cần được cung cấp những loại thức ăn, nước uống giàu vitamin C như: ổi, cam, quýt, cà chua, ớt chuông…
>>> Xem thêm cách điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà qua bài viết: 15 Cách trị viêm mũi dị ứng lành tính và hiệu quả ngay tại nhà
Phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi
Viêm mũi dị ứng thời tiết là một căn bệnh gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Đây là căn bệnh mạn tính và rất hay tái phát khi thời tiết giao mùa. Vì vậy chúng ta nên:
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng: bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, …
- Khi thời tiết thay đổi cần đề phòng viêm đường hô hấp, nhất là thời tiết lạnh.
- Vệ sinh nhà cửa và đồ dùng cá nhân sạch sẽ để loại bỏ những dị nguyên.
- Vệ sinh mũi, họng thường xuyên, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích và tránh xa khói thuốc lá.
- Thể dục thường xuyên thể thao để nâng cao sức đề kháng cơ thể
>>> Xem thêm video về giải pháp điều trị viêm mũi dị ứng của TS.BS Hoàng Lương
Một số câu hỏi thắc mắc về bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường gặp
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết?
Người có cơ địa dị ứng, người hay tiếp xúc với những dị nguyên (công nhân vệ sinh, công nhân mỏ than…), người có sức đề kháng kém, người có bệnh lý hô hấp.
Bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết có biến chứng không?
Có, bệnh có thể khiến người bệnh chuyển sang viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm tai giữa.
Có thể chữa viêm mũi dị ứng thời tiết tại nhà không?
Người bệnh có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà như: rửa mũi, xông mặt, bổ sung vitamin C. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện khám và điều trị.
Phòng bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết bằng cách nào?
Vệ sinh nhà cửa, vật dụng, thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, ăn uống đủ chất, tránh tiếp xúc với những dị nguyên như: bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa…
Vào những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường bạn nên chú ý chăm sóc sức khỏe hơn để hạn chế mắc phải bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết. Nếu có dấu hiệu nào đáng ngờ vui lòng gọi đến Hotline 028.38.213.456 – Chọn phím “0” để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng của bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/