Viêm Dây Thanh Quản

Viêm họng thanh quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng & Cách điều trị

TS.BS.CKII. Hoàng Lương

THAM VẤN BỞI BÁC SĨ

TS.BS.CKII. HOÀNG LƯƠNG

Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn


Viêm dây thanh quản gây ảnh hưởng đến giọng nói bình thường tạm thời kèm theo các vấn đề như khàn giọng, đau họng. Vậy nguyên do viêm dây thanh quản là từ đâu? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị như thế nào? Liệu viêm dây thanh quản có gây nguy hiểm không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay

Viêm dây thanh quản là gì?

Viêm dây thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm do hoạt động quá mức, nhiễm trùng hay bị kích ứng kéo dài trong thời gian 3 tuần. Tùy thuộc vào đối tượng và nguyên nhân mắc phải mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Viêm thanh quản được phân loại là cấp tính nếu kéo dài dưới ba tuần và mãn tính nếu các triệu chứng kéo dài hơn ba tuần. Các trường hợp cấp tính thường xảy ra như một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus

>>> Thanh quản nằm ở vị trí nào? Cơ chế hoạt động của dây thanh quản

Thanh quản bị viêm và thanh quản bình thường
Thanh quản khi bị viêm sẽ bị sưng to và đỏ làm đau ở họng

Đối tượng dễ mắc bệnh viêm dây thanh quản

Cả người lớn và trẻ em đều có khả năng bị viêm họng thanh quản cấp. Yếu tố nguy cơ của mỗi độ tuổi khác nhau là khác nhau.

Đối với người lớn:

  • Những đối tượng thường xuyên phải làm việc, tiếp xúc với những chất hoá học độc hại hoặc các chất gây dị ứng
  • Người mắc bệnh về dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản
  • Những người có thói quen hút thuốc hoặc ở gần những người hay hút thuốc
  • Những đối tượng bị viêm xoang
  • Những trường hợp mà công việc hàng ngày đòi hỏi phải sử dụng quá nhiều giọng nói như giáo viên, buôn bán, ca sĩ,..

>>> Bị xơ dây thanh quản, triệu chứng và cách điều trị

Đối tượng của viêm dây thanh quản
Giáo viên là những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm dây thanh quản
  • Những người thường xuyên dùng ống hít hen dẫn đến nguy cơ bị nhiễm nấm

Với trẻ nhỏ:

  • Những trẻ sức đề kháng kém hay bị viêm mũi họng, sau đó phát triển thành viêm thanh quản
  • Các bé thường xuyên la hét khiến dây thanh quản bị phù nề

Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng thanh quản cấp

Nguyên nhân viêm dây thanh quản cấp tính

Viêm thanh quản cấp tính thường do lạm dụng dây thanh quá mức hoặc tình trạng dây thanh quản bị nhiễm trùng. Việc điều trị căn nguyên gây bệnh sẽ giúp dây thanh quản hết viêm. Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản cấp tính:

  • Nhiễm vi khuẩn hoặc virus
  • Sau khi người bệnh mắc viêm đường hô hấp: viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm VA ở trẻ
  • Dùng giọng một cách quá nhiều hoặc gắng sức như la hét, hát thật to, nói nhiều
  • Sử dụng nhiều rượu bia
Viêm thanh quản cấp có nhiều nguyên nhân
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm thanh quản cấp tính

Nguyên nhân viêm thanh quản mạn tính

Viêm dây thanh quản mạn tính là tình trạng xảy ra do dây thanh quản phải tiếp xúc một khoảng thời gian dài với các chất gây kích ứng. Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản mạn tính:

  • Tiếp xúc trong 1 thời gian dài với các hoá chất độc hại hoặc những chất dị ứng
  • Đối tượng mắc bệnh lý về dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản
  • Thường xuyên bị viêm mũi xoang
  • Người hút thuốc hoặc ở gần những người hay hút thuốc
  • Dây thanh quản bị thay đổi hình dạng do lớn tuổi cũng có thể là nguyên nhân gây khàn tiếng lâu ngày
  • Những người dùng giọng nói của mình nhiều một cách lạm dụng
  • Thường xuyên sử dụng thuốc xịt hen làm tăng nguy cơ bội nhiễm nấm

>>> Bệnh trào ngược họng thanh quản là gì? Có gây nguy hiểm không

Triệu chứng của bệnh viêm thanh quản cấp

Thông thường thì bệnh viêm dây thanh quản cấp chỉ kéo dài tối đa 1 tuần với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm virus sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm thanh quản cấp:

  • Giọng nói trở nên khàn và yếu hơn, thậm chí là mất tiếng
  • Cổ họng xuất hiện cảm giác ngứa, rát
  • Họng bị đau và khô
  • Những cơn ho xuất hiện, khó chịu và không biến mất
  • Cần phải thường xuyên hắng giọng để dễ chịu hơn
  • Cổ họng bị vướng và khó nuốt thức ăn hơn
Đau họng là triệu chứng viêm dây thanh quản
Khi bị viêm họng thanh quản cấp người bệnh thường bị đau họng

Nếu xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng hơn thì đó có thể là tình trạng viêm sưng mô ở vị trí đáy lưỡi hay còn gọi là viêm nắp thanh quản. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nắp thanh quản sẽ gây hẹp đường thở và nguy cơ tử vong cao. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng sau cần đưa người bệnh đi khám ngay:

  • Nuốt bị đau và khó
  • Xuất hiện cảm giác khó thở, cần phải nằm nghiêng về phía trước để có thể thở dễ hơn
  • Nước bọt tiết nhiều như chảy dãi
  • Khi thở sẽ phát ra tiếng khò khè hoặc tiếng rít
  • Sốt
  • Giọng nói cảm giác như bị bóp nghẹt

Mức độ nguy hiểm của viêm thanh quản

Đối với trẻ nhỏ

Viêm dây thanh quản ở trẻ nhỏ là một bệnh lý khá nguy hiểm cần phải theo dõi cẩn thận bởi nó dễ khiến trẻ khó thở và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Dưới đây là các loại viêm thanh quản thường gặp ở trẻ:

  • Viêm thanh quản tại hạ thanh môn: Dạng viêm thanh quản này thường diễn biến từ từ rồi đột nhiên xuất hiện tình trạng khó thở. Tiếng ho của bé trở nên cứng và ông ổng, giọng nói thì trầm hơn.
  • Viêm thanh quản co thắt: Với dạng này thì vùng hạ họng xuất hiện các tổ chức viêm và phù nề kết hợp với co thắt tại thanh quản khiến người bệnh khó thở. Các biểu hiện khác như giọng khàn, ho kêu ông ổng, các cơ hô hấp và liên sườn bị co kéo.
  • Viêm thanh nhiệt: Do nắp thanh quản bị sưng nề nên nuốt sẽ bị đau hơn, khó khăn trong việc thở, đặc biệt là khi nằm ngửa, bệnh nhân thường sẽ tiết nhiều nước bọt hơn.
  • Viêm thanh quản bạch hầu: Thanh quản bị loét có màng giả và phù nề do vi khuẩn Loeffler tấn công, người bệnh khi mắc dạng này có nguy cơ tử vong.

>>> Xem thêm về điều trị liệt dây thanh quản, nguyên nhân và biểu hiện của bệnh

Đối với người lớn

Với người lớn thì viêm thanh quản cấp thường sẽ không quá nguy hiểm và có thể phục hồi tốt. Viêm dây thanh quản do cúm, có thể ở dạng đơn thuần hay kết hợp với vi khuẩn khác diễn biến theo các thể trạng sau:

  • Thể xuất tiết: Người bệnh sốt kèm mệt mỏi, khám thấy có xuất huyết dưới thanh quản
Viêm dây thanh quản thể xuất tiết
Thể xuất tiết của bệnh viêm họng thanh quản cấp ở người lớn
  • Thể phù nề: Là giai đoạn kế tiếp của xuất tiết, phù nề thường gặp ở thanh nhiệt và phía sau sụn phễu. Người bệnh ít bị thay đổi giọng nói nhưng nuốt đau và khó thở
  • Thể loét: Khi tiến hành soi, sẽ thấy tại các mô thanh quản xuất hiện những vết loét nông đỏ, còn tại sụn phễu và sụn thanh nhiệt thì gặp tình trạng phù nề.
  • Thể viêm tấy: Biểu hiện của thể này là đau họng, khó nuốt, giọng bị khàn, thân nhiệt cao, mạch đập nhanh. Phía trước thanh quản sưng tấy nhiều, ấn vào đau. Khi khỏi sẽ để lại di chứng là sẹo hẹp vùng thanh quản.
  • Thể hoại tử: Thể này nguy hiểm nhất do màng sụn đã bị viêm và hoại tử. Triệu chứng của thể này là nuốt đau khó thở, sốt cao, mạch nhanh yếu, thở nông nhanh, trong nước tiểu có albumin, huyết áp thấp, tiên lượng rất xấu, khả năng tử vong cao do viêm truỵ tim mạch.

>>> Tìm hiểu thêm về điều trị viêm thanh quản mãn tính liên quan đến trào ngược qua tài liệu sau:

Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/12598350

Khám và chẩn đoán viêm họng thanh quản cấp

Gồm 2 bước:

  • Khám và đánh giá dựa trên các triệu chứng lâm sàng
  • Phương pháp nội soi thanh quản có thể tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp

Phương pháp nội soi thanh quản áp dụng với những triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần của viêm dây thanh quản. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đưa vào miệng hoặc mũi bệnh nhân 1 ống mềm với đường kính nhỏ có lắp camera để xem có các triệu chứng của viêm thanh quản, bao gồm:

  • Dây thanh quản xuất hiện tình trạng phù nề, xung huyết và có mủ
  • Dây thanh bị che khuất do băng thanh thất quá to và che kín
  • Thanh quản bị tổn thương do trào ngược dạ dày
  • Ở giai đoạn nặng, dây thanh sẽ tròn như dây thừng và bị mất bóng

Nếu trong quá trình khám, phát hiện một tổn thương hay khối u nào đó đáng ngờ thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành sinh thiết để loại trừ nguy cơ bị ung thư vòm họng. Khi sinh thiết bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ mô để thực hiện soi trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân chụp X quang hoặc test dị ứng da để loại bỏ các nguy cơ khác.

Quá trình khám viêm thanh quản
Bác sĩ tiến hành khám viêm thanh quản cho người bệnh

Một số phương pháp điều trị viêm dây thanh quản

Nguyên tắc khi điều trị

  • Đối với viêm thanh quản không có biểu hiện khó thở
    • Hạn chế nói và tránh lạnh là cách quan trọng nhất.
    • Điều trị nội khoa: Thường sẽ được chỉ định dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm ho, tiêu đờm, kháng H1,…
    • Điều trị tại chỗ bằng thuốc kháng viêm nhóm corticoid, tinh dầu và men giúp tiêu viêm
    • Tăng cường bổ sung năng cao sức khỏe với vitamin, chất bù điện giải
  • Với viêm thanh quản kèm triệu chứng khó thở
    • Khó thở thanh quản mức độ I: Tiến hành điều trị nội khoa.
    • Khó thở thanh quản mức độ II: Áp dụng kỹ thuật mở khí quản để cấp cứu.
    • Khó thở thanh quản mức độ III: Vừa thực hiện mở khí quản cấp cứu đồng thời tiến hành hồi sức tích cực

Thuốc điều trị triệu chứng

Các thuốc thường được sử dụng để điều trị triệu chứng trong viêm dây thanh quản cấp là:   Kháng sinh

  • Nhóm Beta lactam: Amoxicillin, các thuốc kháng men, cephalexin; các cephalosporin thế hệ 1,2;
  • Nhóm macrolide: Azithromycin, clarythromycin, roxithromycin,…

Kháng viêm

  • Chống viêm nhóm steroid: Betamethason, prednisolon, methylprednisolon,…
  • Chống viêm dạng men: Alpha chymotrypsin (alpha choay), lysozyme…

Điều trị tại chỗ

  • Điều trị bằng cách cho bệnh nhân sử dụng khí dung, bơm thuốc vào thanh quản hỗn dịch các thuốc kháng sinh, kháng viêm,..
  • Cho người bệnh xúc họng với dung dịch giảm viêm và sát khuẩn tại chỗ: BBM,..

Hạ sốt, giảm đau: Sử dụng paracetamol, ibuprofen, aspirin, truyền dịch,.. Tăng đề kháng cho cơ thể: Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, các chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng,..

Chữa viêm dây thanh quản bằng thuốc
Các thuốc điều trị viêm dây thanh quản

Kết hợp chăm sóc và điều trị tại nhà

Để quá trình điều trị bệnh viêm thanh quản cấp hiệu quả hơn dưới đây là 1 số phương pháp chăm sóc điều trị tại nhà cho người bệnh:

  • Uống thật nhiều nước và hạn chế rượu bia, chất kích thích
  • Trong phòng nên dùng máy tạo độ ẩm
  • Súc miệng thật sạch với dung dịch sát khuẩn
  • Hạn chế ở trong môi trường có không khí khô, ô nhiễm, nhiều khói bụi
  • Không nên nói nhiều, nói liên tục hay nói to
  • Người bệnh có thể sử dụng phương pháp ngậm kẹo thuốc tại chỗ

Phòng ngừa hiệu quả viêm thanh quản

Dưới đây là các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm dây thanh quản cấp một cách hiệu quả:

  • Nếu đang hút thuốc thì phải bỏ, đồng thời tránh xa khói thuốc khi người bên cạnh hút
  • Kiêng rượu bia và các chất kích thích, kết hợp uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Không nên ăn các món cay, chua, hạn chế ăn khuya để giảm nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản
  • Nên ăn các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Không nên hắng giọng, la hét, nói nhiều, nói liên tục
  • Bảo vệ đường hô hấp bằng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người đang bị nhiễm siêu vi.
Viêm thanh quản cấp tránh ăn gì
Người bị viêm thanh quản nên hạn chế các món cay nóng

>>> Xem video để biết thêm về viêm thanh quản của B.S Minh:

Các thắc mắc bạn hay gặp phải về vấn đề viêm dây thanh quản

Viêm dây thanh quản cấp có lây không?

Nếu viêm thanh quản do tác nhân là vi khuẩn gây nên thì nó hoàn toàn có thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Để hạn chế việc lây nhiễm vi khuẩn sang cho người khác, khi hắt hơi hoặc ho người bệnh cần che mũi và miệng, đồng thời nên giữ vệ sinh cá nhân thật tốt (như rửa tay thường xuyên, tránh dùng chung dụng cụ cá nhân,..)

Viêm thanh quản cấp có tự khỏi được không?

Viêm thanh quản cấp thường sẽ tự khỏi được nếu nguyên nhân do virus. Còn đối với các tác nhân khác như nhiễm trùng hoặc gây kích thích thì cần phải có biện pháp. Viêm thanh quản gây ho có thể do các bệnh như: viêm phổi, cúm, viêm phế quản, sởi, bạch hầu,…

Viêm họng thanh quản cấp bao lâu thì khỏi?

Thông thường viêm thanh quản thường sẽ khỏi sau 2 đến 3 tuần. Nhưng nếu các triệu chứng của bệnh kéo dài lâu hơn thì khả năng cao là người bệnh mắc viêm thanh quản mạn tính.

Như vậy, những thông tin về bệnh viêm dây thanh quản đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh và một số vấn đề khác. Nếu gặp phải một trong các triệu chứng của bệnh, hãy nhanh chóng tìm đến bệnh viện hoặc phòng khám uy tín ngay để sớm điều trị và tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm khác.

Thông tin liên hệ Tai Mũi Họng Sài Gòn

Hotline: (028) 38 213 456

Website: https://taimuihongsg.com

Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Search

+