Bệnh hen suyễn ở trẻ em: Dấu hiệu & hướng dẫn kiểm soát hiệu quả
Hen suyễn là một trong những bệnh lý hô hấp mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt thường xuất hiện khi trẻ dưới 5 tuổi, thời điểm hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Vậy thực chất bệnh hen suyễn ở trẻ em là gì và cần làm gì để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả?
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là gì?
Bệnh hen suyễn ở trẻ em (hay hen phế quản) là một bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp với các triệu chứng phổ biến như thở khò khè, khó thở và thở nhanh. Bệnh không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe lâu dài nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tình trạng này hiện đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới và đặc biệt phổ biến ở trẻ em.
Theo dự báo, đến năm 2025, số người mắc hen suyễn trên toàn cầu có thể lên tới 400 triệu người. Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm bệnh hen suyễn là nguyên nhân khiến khoảng 15 triệu người mất khả năng lao động và dẫn đến hơn 250.000 ca tử vong. Bên cạnh đó, có khoảng 500.000 bệnh nhân hen suyễn cần nhập viện điều trị, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm tới 34,6%.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ em là 3,2% và ở người lớn là 4,3%, với tỷ lệ lưu hành chung là 3,9%. Điều này cho thấy, bệnh lý này không chỉ là vấn đề sức khỏe toàn cầu mà còn là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế quốc gia.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, nhưng nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được xác định cụ thể. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền và sự tương tác với môi trường sống.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Di truyền học: Trẻ em sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh hen suyễn thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ miễn dịch, đặc biệt trong những năm đầu đời.
- Giới tính: Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc hen suyễn ở bé trai cao hơn so với bé gái trong độ tuổi từ 5 đến 14 (tỷ lệ khoảng 1,5/1). Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh hen suyễn lại có xu hướng nghiêm trọng hơn ở bé gái.
- Chủng tộc và đặc điểm nhân khẩu học: Tỷ lệ mắc hen suyễn không đồng đều giữa các chủng tộc. Trẻ thuộc chủng tộc da đen có tỷ lệ mắc cao nhất (15,8%). Tiếp đến là trẻ da trắng chiếm 7,3%, trẻ người châu Á là 6% và trẻ em người châu Mỹ Latinh chiếm 3,9%.
- Cơ địa dị ứng: Trẻ có tiền sử dị ứng, chẳng hạn như dị ứng thực phẩm, viêm da cơ địa hoặc viêm mũi dị ứng, thường dễ mắc hen suyễn hơn.
- Môi trường ô nhiễm: Tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại, đặc biệt là khói thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động trong giai đoạn mang thai hoặc sau sinh), là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển hen suyễn.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Một số trẻ mắc các bệnh lý hoặc có tình trạng sức khỏe yếu dễ trở thành đối tượng nguy cơ, bao gồm: trẻ sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh, thừa cân, suy dinh dưỡng, các bệnh lý đường hô hấp mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Các triệu chứng khi trẻ mắc bệnh hen suyễn
Các dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn ở trẻ em gồm có:
- Ho tái đi tái lại, đặc biệt vào ban đêm: Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các chất kích thích hoặc dị nguyên như bụi, phấn hoa, hay khói thuốc. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên bị ho kéo dài, đặc biệt là ho nhiều hơn vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hen suyễn. Tình trạng này thường khiến trẻ khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ.
- Thở khò khè bất thường: Hiện tượng này xảy ra khi đường phế quản bị viêm, phù nề làm không khí lưu thông khó khăn, tạo nên âm thanh rít hoặc khò khè mỗi khi thở. Nếu bạn nghe thấy âm thanh này khi trẻ hít thở, hãy đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra ngay.
- Khó thở, thở nhanh hoặc gấp: Đường thở bị thu hẹp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thở ở trẻ. Những hoạt động thể chất như chạy nhảy hoặc leo cầu thang có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, khiến trẻ phải thở nhanh, gấp và có vẻ như rất mệt mỏi.
- Da nhợt nhạt, đổ mồ hôi nhiều: Khi cơ thể trẻ không nhận đủ lượng oxy cần thiết, các dấu hiệu như da nhợt nhạt, mệt mỏi và đổ mồ hôi lạnh có thể xuất hiện. Đây là biểu hiện nguy hiểm, đòi hỏi phải can thiệp y tế kịp thời để ngăn ngừa biến chứng.

Các yếu tố khiến tăng kích hoạt bệnh hen suyễn ở trẻ em
Trong một số trường hợp, cơn hen suyễn không xuất hiện ngay lập tức sau khi trẻ tiếp xúc với tác nhân kích hoạt. Điều này gây khó khăn trong việc xác định nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Mỗi trẻ có thể phản ứng với các yếu tố khác nhau, thậm chí không xác định rõ ràng tác nhân cụ thể. Một số yếu tố kích hoạt phổ biến gồm:
- Nhiễm virus đường hô hấp: Các loại virus, đặc biệt là virus gây cảm lạnh, thường làm tăng nguy cơ bùng phát cơn hen.
- Tiếp xúc với chất ô nhiễm không khí: Bao gồm khói thuốc lá, khí thải xe cộ, bụi mịn từ môi trường sống.
- Các chất gây dị ứng: Mạt bụi, lông động vật, phấn hoa hoặc nấm mốc là những yếu tố phổ biến khiến trẻ dễ bị kích ứng.
- Hoạt động thể chất quá mức: Việc vận động mạnh hoặc không khởi động đúng cách có thể là nguyên nhân dẫn đến co thắt phế quản.
- Thay đổi thời tiết: Không khí lạnh và khô cũng là một yếu tố kích hoạt thường gặp, đặc biệt vào mùa đông hoặc khi thay đổi môi trường đột ngột.

Phân loại bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn ở trẻ em được chia thành các loại dựa trên triệu chứng và nguyên nhân khởi phát. Hiểu rõ từng dạng hen suyễn sẽ giúp phụ huynh nhận biết và quản lý bệnh hiệu quả hơn.
Phân loại hen suyễn theo triệu chứng:
- Khò khè do virus (hen gián đoạn): Cơn hen xuất hiện từng đợt ngắn và thường liên quan đến viêm đường hô hấp trên do virus. Trong khoảng thời gian giữa các đợt hen, trẻ thường không có triệu chứng nào khác.
- Khò khè do hoạt động thể lực: Loại này xảy ra khi trẻ vận động mạnh hoặc gắng sức. Dấu hiệu chỉ xuất hiện sau khi vận động và trẻ hoàn toàn khỏe mạnh ngoài thời điểm này.
- Khò khè do nhiều yếu tố: Hen suyễn xảy ra do nhiều tác nhân kích thích như thay đổi thời tiết, dị nguyên, hoạt động thể chất hoặc nhiễm virus. Dạng này thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng, với triệu chứng kéo dài ngay cả giữa các đợt hen.
Phân loại hen suyễn theo thời gian xuất hiện:
- Khò khè thoáng qua:: Triệu chứng xuất hiện và kết thúc trước khi trẻ lên 3 tuổi. Trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc sống trong môi trường có người hút thuốc lá, và bị nhiễm virus đường hô hấp thường xuyên có nguy cơ cao mắc loại hen này.
- Khò khè kéo dài: Dạng hen này bắt đầu trước 3 tuổi và kéo dài sau đó.
- Khò khè khởi phát muộn: Triệu chứng hen bắt đầu khi trẻ trên 3 tuổi, thường liên quan đến các yếu tố môi trường hoặc cơ địa dị ứng.

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không?
Theo thống kê, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp đôi so với người lớn, với tỷ lệ lần lượt là 10% và 5%. Đáng chú ý, nhóm trẻ từ 12-13 tuổi tại Việt Nam hiện nằm trong số những đối tượng có tỷ lệ mắc hen suyễn cao nhất ở châu Á, và xu hướng này vẫn đang gia tăng đáng báo động. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh hen suyễn ở trẻ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Xẹp phổi: Đây là biến chứng phổ biến, xảy ra ở hơn 1/3 trẻ em phải nhập viện do hen phế quản. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát đúng cách, tình trạng này có thể thuyên giảm đáng kể.
- Giãn phế nang đa tiểu thùy: Hen suyễn lâu ngày khiến độ đàn hồi của phế nang suy giảm, làm giảm khả năng thở ra và tích tụ khí cặn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp về lâu dài.
- Tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất: Tình trạng giãn rộng của các phế nang ở bệnh nhân hen dẫn đến áp lực tăng cao trong các phế nang. Khi trẻ vận động mạnh hoặc ho dữ dội, các phế nang dễ bị tổn thương, gây tràn khí màng phổi hoặc tràn khí trung thất, đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
- Ngừng hô hấp và tổn thương não: Suy hô hấp kéo dài ở trẻ mắc hen có thể dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho não, gây ra tổn thương thần kinh nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
- Suy hô hấp nghiêm trọng: Ở những ca hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính, trẻ có thể rơi vào tình trạng khó thở nghiêm trọng, tím tái và cần sự hỗ trợ từ máy thở. Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.

Phương pháp chẩn đoán bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn ở trẻ em thường được chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử từ phụ huynh. Các bác sĩ sẽ tập trung vào những câu hỏi như: Trẻ có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp hay không? Trong gia đình có ai bị hen suyễn, dị ứng, hoặc mắc các bệnh phổi khác không? Triệu chứng của trẻ xuất hiện khi nào, kéo dài bao lâu và mức độ tái phát ra sao?
Việc chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em dưới 6 tuổi là một thách thức vì triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường không thể thực hiện các phương pháp kiểm tra chức năng phổi – công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc chẩn đoán hen suyễn.
Trong trường hợp trẻ dưới 3 tuổi, nếu có từ 4 đợt khò khè trở lên mỗi năm, bác sĩ có thể sử dụng chỉ số API (Asthma Predictive Index) để đánh giá nguy cơ. Nếu API dương tính (API+), trẻ có khả năng cao mắc hen suyễn thực sự khi đến 6–13 tuổi. Chỉ số API được xem xét dựa trên:
- Tiêu chuẩn chính: Gia đình có người mắc hen suyễn, trẻ bị chàm da, hoặc dị ứng với các yếu tố dị nguyên.
- Tiêu chuẩn phụ: Khò khè không liên quan đến cảm lạnh, dị ứng thức ăn, hoặc bạch cầu ái toan máu ngoại vi trên 4%.
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, các bác sĩ thường áp dụng các xét nghiệm chuyên sâu hơn, phù hợp với tình trạng sức khỏe và độ tuổi của trẻ. Đo chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản là hai phương pháp phổ biến, giúp xác định chính xác mức độ và dạng hen suyễn.

Một vài phương pháp được áp dụng trong việc chẩn đoán bệnh hen suyễn ở trẻ em gồm có:
- Đo Phế Dung: là kỹ thuật sử dụng một thiết bị đặc biệt nhằm kiểm tra chức năng hô hấp của trẻ. Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá mức độ co giãn của thành ngực, hoạt động của cơ hô hấp, cũng như phát hiện các dấu hiệu yếu cơ hô hấp. Thông thường, đo phế dung được chỉ định cho trẻ từ 5 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này, trẻ có khả năng phối hợp tốt trong quá trình thực hiện.
- Đo Lưu Lượng Đỉnh: Máy đo lưu lượng đỉnh là công cụ giúp bác sĩ xác định lượng khí mà trẻ có thể thổi ra nhanh nhất từ phổi. Kết quả này cho phép đánh giá chức năng hô hấp và mức độ tắc nghẽn đường thở. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc theo dõi và chẩn đoán hen suyễn ở trẻ lớn. Việc đo lưu lượng đỉnh thường được khuyến khích thực hiện định kỳ để kiểm soát và quản lý hiệu quả bệnh lý.
- Xét Nghiệm Dị Ứng Da và Máu: Đây là các xét nghiệm hỗ trợ nhằm xác định nguyên nhân gây hen suyễn, chẳng hạn như phấn hoa, lông thú cưng, hoặc các tác nhân môi trường khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cả hai phương pháp này chỉ đóng vai trò hỗ trợ, không mang tính chất chẩn đoán trực tiếp bệnh hen suyễn.
- Chụp X-quang Ngực: là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát rõ ràng cấu trúc mô mềm, xương, và các cơ quan trong khoang ngực. Kỹ thuật này không chỉ giúp loại trừ những bệnh lý khác có triệu chứng giống hen suyễn, mà còn cung cấp thêm thông tin để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp cho trẻ.

Cách điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em
Khi điều trị hen suyễn ở trẻ em, bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi, triệu chứng cụ thể, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Đặc biệt, trong một số trường hợp, việc điều trị có thể yêu cầu sự phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa Hô hấp Nhi và các chuyên gia từ các lĩnh vực khác như Hô hấp, Da liễu, Xét nghiệm hay Dị ứng.
Mục tiêu chính của việc điều trị hen suyễn ở trẻ em bao gồm:
- Kiểm soát các triệu chứng và duy trì hoạt động bình thường: Mục tiêu này nhằm đảm bảo trẻ có thể tham gia các hoạt động hàng ngày mà không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các triệu chứng hen suyễn.
- Giảm thiểu yếu tố nguy cơ và ngăn ngừa diễn tiến xấu của bệnh: Điều này bao gồm việc giảm nguy cơ tái phát cơn hen cấp tính, duy trì và cải thiện chức năng hô hấp cũng như sự phát triển phổi, giúp phổi phát triển gần với mức bình thường nhất có thể.
- Giảm tác dụng phụ của thuốc: Phương pháp điều trị còn nhằm giảm thiểu những tác dụng phụ không mong muốn từ việc sử dụng thuốc điều trị hen suyễn lâu dài.

Biệt dược hỗ trợ điều trị hen suyễn ở trẻ em
Để kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng bệnh hen suyễn ở trẻ, bác sĩ thường kê toa các loại thuốc phù hợp. Tùy theo tình trạng cụ thể của trẻ, thuốc có thể được chia thành hai nhóm chính: thuốc giảm đau nhanh và thuốc kiểm soát lâu dài.
Thuốc giảm đau nhanh (Điều trị cơn hen cấp tính)
Nhóm thuốc giảm đau nhanh bao gồm các loại thuốc giúp mở rộng đường hô hấp và giảm nhanh các triệu chứng hen suyễn trong những cơn bùng phát. Các thuốc phổ biến trong nhóm này bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản (chất chủ vận beta): Giúp làm giãn nở phế quản, tăng cường lưu thông không khí, làm giảm triệu chứng ho, khò khè, khó thở.
- Thuốc dạng hít kết hợp steroid: Có tác dụng nhanh chóng làm dịu các triệu chứng viêm trong đường hô hấp.
- Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (formoterol): Giúp duy trì hiệu quả trong thời gian dài, hỗ trợ trong việc điều trị các cơn hen cấp.
- Thuốc steroid dạng uống hoặc tiêm: Được sử dụng trong trường hợp hen suyễn nghiêm trọng, giúp kiểm soát tình trạng viêm và giảm sưng phế quản.
- Những loại thuốc này rất hiệu quả trong việc điều trị ngay lập tức các triệu chứng hen suyễn cấp tính và thường được sử dụng trong các đợt bùng phát.

Thuốc kiểm soát dài hạn (Điều trị ngoài cơn hen cấp)
Bên cạnh việc điều trị các cơn hen cấp tính, việc sử dụng các thuốc kiểm soát dài hạn giúp giảm tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát hen suyễn. Những thuốc này thường được bác sĩ kê toa để sử dụng hàng ngày và có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn. Một số loại thuốc kiểm soát dài hạn phổ biến gồm:
- Thuốc steroid dạng hít: Giúp kiểm soát tình trạng viêm đường hô hấp một cách hiệu quả.
- Thuốc kết hợp steroid và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: hỗ trợ trong việc giảm viêm và mở rộng phế quản.
- Thuốc đối kháng muscarinic tác dụng kéo dài: Giúp giảm co thắt cơ trơn phế quản và ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn.
- Thuốc kháng leukotriene: Được dùng để giảm viêm và ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn.
- Thuốc sinh học và liệu pháp miễn dịch: Dành cho những trường hợp hen suyễn nặng và khó kiểm soát, giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát hen suyễn.
Khi điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em, phụ huynh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ. Việc giám sát thường xuyên tình trạng sức khỏe của trẻ và kịp thời thông báo cho bác sĩ khi trẻ gặp phải bất kỳ dấu hiệu phản ứng phụ nào từ thuốc là rất quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả điều trị an toàn.

Những cách đơn giản để chăm sóc trẻ mắc bệnh hen suyễn
Nhận biết và xử lý cơn hen suyễn tại nhà
Khi trẻ bị hen suyễn, điều quan trọng hàng đầu là phụ huynh và người chăm sóc cần biết cách phát hiện sớm các dấu hiệu của cơn hen và thực hiện các biện pháp xử lý tại nhà. Có kế hoạch hành động cụ thể khi bệnh hen tái phát sẽ là công cụ hữu ích giúp bạn quản lý tình trạng của trẻ hiệu quả. Kế hoạch này không chỉ hỗ trợ trong việc theo dõi triệu chứng, mà còn giúp ngăn ngừa cơn hen cấp và giảm nguy cơ nhập viện.
Ngoài ra, hãy chia sẻ kế hoạch hành động với những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như gia đình, giáo viên, hoặc người trông trẻ. Điều này đảm bảo mọi người đều biết cách ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
Phòng ngừa hen suyễn hiệu quả
Để kiểm soát bệnh hen suyễn ở trẻ em và giảm thiểu tần suất cơn hen cấp, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa:
- Xác định và loại bỏ các tác nhân gây hen suyễn:
Những tác nhân khởi phát cơn hen có thể bao gồm phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông thú, hoặc khói thuốc. Hãy tìm hiểu các yếu tố này, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ như giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc các chất gây kích ứng.
- Vì trẻ dành nhiều thời gian ở trường, việc đảm bảo môi trường học tập không làm tăng nguy cơ hen suyễn là rất quan trọng. Hãy:
- Trao đổi với giáo viên và nhà trường về tình trạng sức khỏe của trẻ, các dấu hiệu điển hình và cách xử lý.
- Kiểm tra thường xuyên thuốc của trẻ để đảm bảo thuốc còn hạn sử dụng.
- Lập một danh sách các triệu chứng, thời gian khởi phát để giáo viên nắm rõ và hỗ trợ tốt nhất khi cần.
- Thực hiện các thói quen vệ sinh cá nhân:
Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay lên mặt và không sử dụng chung dụng cụ như ống hít với người khác. Việc duy trì vệ sinh sạch sẽ sẽ giúp trẻ tránh được các tác nhân nhiễm khuẩn làm nặng thêm tình trạng hen.

Phương pháp phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là một trong những bệnh lý mãn tính về đường hô hấp phổ biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa tuyệt đối cho bệnh hen suyễn, tuy nhiên, phụ huynh có thể áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế các cơn hen bùng phát.
Dưới đây là những biện pháp quan trọng để phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em:
- Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá và khí thải công nghiệp.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, bụi nhà, và nấm mốc.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất phù hợp như bơi lội hoặc đi bộ, giúp rèn luyện hơi thở và cải thiện chức năng phổi.
- Duy trì cân nặng hợp lý cho trẻ, kiểm soát béo phì nếu có để giảm nguy cơ mắc hen suyễn.
- Đưa trẻ đi thăm khám sức khỏe định kỳ và điều trị dứt điểm các bệnh lý hô hấp.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là vắc-xin phòng cúm.
- Bổ sung rau xanh và trái cây vào chế độ ăn hàng ngày, giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe đường hô hấp cho trẻ.

Đối với trẻ đã được chẩn đoán mắc hen suyễn, phụ huynh cần lưu ý:
- Cho trẻ sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố đã được xác định gây kích hoạt cơn hen.
Việc thực hiện các biện pháp trên không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc hen suyễn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.
Những câu hỏi thường gặp
Trẻ bị hen suyễn có cần kiêng ăn loại thực phẩm nào không?
Không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho trẻ bị hen suyễn, nhưng cha mẹ cần lưu ý các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng hoặc các loại hạt. Theo dõi phản ứng của trẻ sau khi ăn để xác định các yếu tố kích thích tiềm ẩn.
Hen suyễn ở trẻ có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ không?
Nếu được kiểm soát tốt, hen suyễn thường không ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, các cơn hen tái diễn nhiều lần có thể làm trẻ mệt mỏi, giảm tập trung hoặc hạn chế tham gia các hoạt động thể chất.
Có nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng cho trẻ bị hen suyễn không?
Máy tạo độ ẩm có thể giúp giảm khô không khí, nhưng nếu không vệ sinh kỹ, nó dễ trở thành nguồn phát tán vi khuẩn hoặc nấm mốc, gây kích thích cơn hen. Nên sử dụng máy khi cần thiết và đảm bảo bảo trì thường xuyên.
Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp quý phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh hen suyễn ở trẻ em. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, phụ huynh nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai và trong suốt quá trình chăm sóc trẻ.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/