Hội chứng ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?
Chứng ngưng thở khi ngủ là trường hợp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt là tuổi trung niên. Ngủ là nhu cầu sinh lý bình thường để cơ thể và thần kinh được nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, một số trường hợp có vấn đề trong lúc ngủ như tăng huyết áp, đột quỵ, loạt nhịp tim, đái tháo đường,..Nếu chứng ngưng thở khi ngủ không được chữa trị sớm sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ ( Obstructive Sleep Apnea – OSA) được định nghĩa là một loại rối loạn giấc ngủ với dấu hiệu ngừng thở kéo dài trên 10s hoặc nhiều hơn, lặp đi lặp lại nhiều lần trong lúc ngủ dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu.
Khi ngủ, đường thở của chúng ta sẽ tạo ra những tiếng ngáy với mức độ khác nhau. Tiếng ngáy bình thường sẽ nhỏ, đều, êm dịu, không làm ảnh hưởng tới người xung quanh và khi thức dậy sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Nếu ngủ ngáy to liên tục hoặc ngắt quãng, kèm theo từng cơn ngừng thở, rối loạn giấc ngủ, hay mê sảng, cảm giác không thở được….ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống là tình trạng bất thường có thể liên quan tới hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Phân loại chứng ngưng thở khi ngủ
Căn cứ theo cơ chế gây ngưng thở, có thể chia làm 3 loại bao gồm: Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA), ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), và ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.
OSA – Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là loại thường gặp nhất, biểu hiện bằng sự tắc nghẽn đường hô hấp trên làm ngừng luồng khí thở và các cử động ngực – bụng được duy trì. Cơn ngừng thở có thể lặp lại nhiều lần trong giấc ngủ, kéo dài trên 10 giây, sau đó sẽ kích thích hệ hô hấp gây thở gấp.
Những người béo phì, hút thuốc lá thường xuyên, có các bất thường vùng hàm mặt, phần mềm đường hô hấp trên phì đại amidan, phì đại cuống lưỡi… đều có nguy cơ cao gặp tình trạng này.
CSA – Ngưng thở khi ngủ trung ương
Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) xảy ra khi bộ não không truyền được tín hiệu đến các cơ hô hấp. Quan sát các cơn ngừng thở CSA thường không thấy sự gắng sức hô hấp, thường phối hợp với các bệnh lý thần kinh cơ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng CSA như: Suy tim, suy tim ứ huyết, mắc các bệnh lý thần kinh như parkinson, đột quỵ, u não, nhược cơ…
Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp
Chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp phối hợp 2 loại ngưng thở OSA và CSA và thường gặp ở những bệnh nhân mắc chứng OSA nặng, kéo dài.
Cơ chế hình thành của chứng ngưng thở khi ngủ
Cơ chế chính gây ra chứng ngưng thở khi ngủ là xẹp đường thở khi ngủ, nhất là ở vùng thanh quản, hầu họng.
Động tác hít thở bình thường, khí sẽ đi từ mũi qua họng miệng, tới họng thanh quản, khí quản và xuống phổi, quá trình này diễn ra thông suốt và có thể tạo ra tiếng ngáy nhỏ, êm tai. Trường hợp có tắc nghẽn hoặc xẹp đường thở, sẽ làm tiếng ngáy to và xuất hiện các dấu hiệu ngưng thở khi ngủ.
Bên cạnh đó, hội chứng này còn có thể xảy ra do cơ chế thần kinh, có nguồn gốc từ thần kinh trung ương.
Đối tượng dễ mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở độ tuổi trung niên, nam gặp nhiều hơn nữ.
Những người có thể trạng béo, béo phì, amidan quá phát, hàm nhỏ, tắc mũi, phì đại cuốn mũi, cuống lưỡi… có nguy cơ cao mắc hội chứng này. Đặc biệt, tỷ lệ mắc chứng ngưng thở khi ngủ ở người béo phì cao gấp 3 lần người bình thường. Bên cạnh đó, người thường xuyên hút thuốc, nghiện rượu bia, sử dụng thuốc tác động lên thần kinh trung ương trong thời gian dài như codein, morphin trên 2 tháng cũng có nguy cơ mắc CSA.
Ở người lớn tuổi mắc bệnh lý được cho là nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ như tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường, nhược giáp, bệnh mạch máu não.
Ở trẻ em, nguyên nhân thường liên quan đến viêm VA, amidan phì đại, bất thường cấu trúc vùng hàm mặt, sọ mặt, thừa cân béo phì…
Bệnh Alzheimer và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nghiêm trọng có mối liên hệ với nhau vì có sự gia tăng protein beta-amyloid cũng như tổn thương chất trắng.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
- Ngáy to gây ồn ào, ảnh hưởng tới người xung quanh, làm người khác khó ngủ và bực bội.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: giấc ngủ không ngon, sáng dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu, nặng đầu vùng gáy, làm việc không hiệu quả, khó tập trung, buồn ngủ và ngủ gật ban ngày, nguy hiểm, dễ gây tai nạn khi lái xe và vận hành máy móc…
- Ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ kéo dài gây bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng áp lực tuần hoàn phổi dẫn tới suy tim phải, xơ phổi, tắc nghẽn phổi và suy hô hấp…
- Giảm hoạt động, giảm khả năng tình dục.
- Đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy – tắc nghẽn ngừng thở khi ngủ kéo dài, do phải há miệng để thở gây ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hô hàm, mũi tẹt …
- Tắc nghẽn gây thiếu oxy não, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, mơ hoảng, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác…
Dấu hiệu nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ
Bạn có thể thông qua các biểu hiện sau đây để nhận biết dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ:
- Ngủ ngáy: Đây được coi là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết. Ngáy to nhất là khi nằm ngửa, khi nằm nghiêng ngáy sẽ giảm bớt. Kèm theo đó là những cơn ngưng thở về đêm, thở hổn hển, phì phò và kết thúc bằng cơn ngưng thở.
- Mệt mỏi, ngủ gật, mất tập trung: Do về đêm xuất hiện các cơn ngừng thở làm bệnh nhân khó ngủ sâu giấc và thường có những khoảng thời gian thức bất chợt, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ do đó thường cảm thấy mệt mỏi cả ngày, kể cả lúc ngủ, khó tập trung và dễ cáu gắt.
- Buồn ngủ vào ban ngày không giải thích được bằng những lý do khác.
- Đau đầu mỗi khi thức dậy, dấu hiệu này có thể kéo dài tới vài giờ.
Chẩn đoán chính xác hội chứng ngưng thở khi ngủ
Trong điều kiện hiện tại, đa số bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ được khám bới bs chuyên khoa Tai Mũi Họng và bác sĩ chuyên gia về ngủ ngáy. Khám tổng quát hỏi bệnh sử liên quan với thang điểm ngủ ngáy (ví dụ: Epworth Sleepiness Scale) và khám nội soi Tai Mũi Họng để tìm nguyên nhân. Vì đa số các trường hợp ngáy – ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn ngoại biên, nguyên nhân từ Mũi – Họng – Màn hầu , VA và amidan, và những bất thường về hàm mặt khác.
Trong điều kiện lý tưởng, tốt nhất là thực hiện đa ký giấc ngủ hay còn gọi là đo đa chức năng khi ngủ (Polysomnography) gồm đo đa kênh liên tục trong 1 đêm:
- Điện não đồ (EEG)
- Điện cơ kí (EMG)
- Điện động mắt (EOG)
- Điện tâm đồ (ECG)
- Đo nồng độ O2 bão hòa trong máu (SPO2)
- Đo lưu lượng khí thở qua Mũi, Miệng
- Đo đánh giá thở gắng sức thông qua chuyển động của ngực, bụng
- Đo áp lực không khí thở qua mũi
- Đo cường độ âm ngáy…
Đa ký giấc ngủ là test đầy đủ chi tiết cho phép đánh giá chính xác, chi tiết nguyên nhân và mức độ của Ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và những rối loạn giấc ngủ kèm theo.
Mức độ tắc nghẽn – ngưng thở được chia thành 3 độ dựa vào số lượng cơn ngưng thở – giảm thông khí + giảm SPO2 trong 1 giờ hay AHI (Apnea Hypoonea Index).
- Bình thường: AHI < 5 / giờ
- Nhẹ: AHI từ 5 – 14 / giờ
- Trung bình: AHI từ 15 – 30 / giờ
- Nặng: AHI > 30 /giờ
Đa kí giấc ngủ (PSG) cho phép xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn ngưng thở.
- Nguyên nhân do tắc nghẽn ngoại biên hay OSA (Obstructive Sleep Apnea)
- Nguyên nhân do trung ương, liên quan tới não và thần kinh trung khu hô hấp.
- Nguyên nhân hỗn hợp ngoại biên + trung ương
Dựa vào kết quả có được của đa kí giấc ngủ sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp theo nguyên nhân.
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều bệnh viện đã trang bị máy đa kí giấc ngủ để chẩn đoán ngáy – tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và các rối loạn giấc ngủ. Hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn là một trong những nơi tiên phong trong lãnh vực đa kí giấc ngủ này, với máy Sapphire PSG – Wireless Polysomnograph, hãng Clevemed của Mỹ với 22 kênh đo, cho phép chẩn đoán đầy đủ chi tiết Ngáy – tắc nghẽn ngưng thở và các rối loạn giấc ngủ khác.
Để thực hiện đa ký giấc ngủ giấc ngủ bệnh nhân phải ở bệnh viện ngủ lại 1 đêm, tất cả các thông số về giấc ngủ, ngáy và tắc nghẽn ngưng thở…đều Computer ghi lại và phân tích. Ngoài ra cũng có một số loại máy đơn giản, ít kênh hơn người bệnh có thể mang về đo tại nhà vào ban đêm.
>>> Tìm hiểu thêm về việc chứng ngưng thở khi ngủ
Nguồn: MD, Trường Y khoa Case, Đại học Case Western Reserve
Các phương pháp điều trị hiệu quả hội chứng ngưng thở khi ngủ
Với những nguy hiểm mà hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra, cần thiết phải điều trị sớm mới đem lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hội chứng này.
Thay đổi hành vi sống tích cực hơn
- Thay đổi tư thế nằm ngủ: Bạn nên nằm nghiêng về một phía thay vì nằm ngửa để ngủ. Khi nằm ngửa hai hàm sẽ khép lại, lưỡi sẽ hơi thụt vào trong chặn đường thở vì thế làm hội chứng này trở lên nghiêm trọng hơn.
- Giảm cân, đặc biệt là ở những bệnh nhân béo phì.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia, nhất là vào buổi tối.
- Hạn chế dùng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ… vào buổi tối.
Sử dụng máy thở áp lực dương CPAP
Hiện nay, sử dụng máy thở áp lực dương được áp dụng rất nhiều để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là phương pháp không xâm lấn, có khả năng làm giảm số lần ngừng thở, cải thiện sự thiếu hụt nồng độ oxy trong máu, cải thiện các chức năng thần kinh tâm thần ở bệnh nhân ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. CPAP cung cấp khí liên tục cho đường thở nên có thể hạn chế được nguy cơ xẹp đường hô khi ngủ ở mọi tư thế. Căn cứ vào kết quả đa ký giấc ngủ của bệnh nhân bác sĩ sẽ có chỉ định mức độ áp lực CPAP phù hợp.
Dùng thiết bị nha khoa – dụng cụ nâng hàm
Ở những bệnh nhân mắc hội chứng tắc nghẽn ngưng thở (OSA) do nguyên nhân cấu trúc 2 hàm lệch lạc, có thể thực hiện điều chỉnh hàm về vị trí lý tưởng bằng những thiết bị nha khoa và dụng cụ nâng hàm. Phương pháp này sẽ mất nhiều thời gian và sẽ gây những cơn đau, khó chịu cho bệnh nhân.
Thực hiện phẫu thuật Tai – Mũi – Họng
Nếu đã thực hiện thay đổi hành vi và điều trị nội khoa nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật ngoại khoa vùng Tai – Mũi – Họng.
Ở mũi, có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo vách mũi, giải phẫu xoang. Nếu nguyên nhân do amidan phì đại quá mức sẽ tiến hành cắt bỏ amidan. Bên cạnh đó, có thể phẫu thuật chỉnh sửa lưỡi gà, vòm hầu, họng, lưỡi, phẫu thuật treo xương móng, phẫu thuật làm nhô ra trước xương hàm dưới và cơ cằm lưỡi…cũng được chỉ định để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
Tìm hiểu rõ thông tin về bệnh để phòng ngừa
Trong 3 loại ngưng thở khi ngủ, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là phổ biến nhất với tỷ lệ ngày một tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ người béo phì. Ước tính có tới 1 tỷ người trên thế giới gặp hội chứng này và không được chẩn đoán cũng như điều trị. Trong số đó, chỉ 8-16% người lớn có biểu hiện rõ ràng của hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA). Nguy cơ mắc hội chứng này ở người béo phì cao gấp 3 lần so với người bình thường. Do vậy, kiểm soát cân nặng là điều thực sự cần thiết.
Để phòng ngừa hội chứng này, bạn cần tìm hiểu rõ các thông tin về bệnh như biểu hiện hay các yếu tố nguy cơ có thể gặp từ đó có sự thay đổi phù hợp về nhận thức cũng như hành vi. Hội chứng này nếu được phát hiện và tích cực điều trị, tiên lượng sẽ rất tốt, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn.
Biến chứng gặp phải khi không điều trị dứt điểm biến chứng ngưng thở khi ngủ
Dưới đây là biến chứng có thể gặp phải nếu không phát hiện và điều trị kịp thời hội chứng ngưng thở khi ngủ:
- Giảm chất lượng cuộc sống và chất lượng giấc ngủ: Người bệnh thức giấc thường xuyên nhiều lần trong đêm khiến cơ thể không thể nghỉ ngơi, gây trạng thái buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày nhưng khi ngủ lại có cơn ngừng thở.
- Dễ dẫn đến những tai nạn khi tham gia giao thông và vận hành máy móc.
- Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim…
- Rối loạn chuyển hóa glucose.
- Rối loạn tâm thần và thần kinh: thay đổi tính tình, cáu gắt, tăng nguy cơ trầm cảm, suy giảm trí nhớ, mất tập trung…
- Gan nhiễm mỡ không phải do rượu mà do sự gia tăng tích tụ chất béo ở gan dẫn đến tổn thương gan.
- Tăng tỷ lệ biến chứng liên quan đến gây mê khi phải thực hiện các ca phẫu thuật.
Bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ cần lưu ý điều gì?
Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị hội chứng ngưng thở, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ khi điều trị: Tuân thủ phác đồ cũng như hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị, định kỳ tái khám và thông báo cho bác sĩ những vấn đề, triệu chứng phát sinh để kịp thời điều chỉnh.
- Vệ sinh và bảo trì thiết bị sạch sẽ: Người bệnh sử dụng thiết bị để điều trị (ống ngậm, CPAP, BiPAP…) đều phải thực hiện vệ sinh và bảo trì thiết bị theo hướng dẫn, hạn chế những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
- Không nên tham gia hoạt động có nguy cơ cao: Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, do đó cần hạn chế hoặc không tham gia lái xe, vận hành máy móc, tránh những điều đáng tiếc.
- Thay đổi tư thế ngủ: Nằm nghiêng 1 bên cũng là giải pháp khá hiệu quả giúp giảm các triệu chứng của ngừng thở khi ngủ.
- Hạn chế sử dụng bia rượu: Các chất kích thích rất dễ tác động đến hệ thần kinh trung ương, do đó hạn chế sử dụng là biện pháp hiệu quả để điều trị hội chứng này.
>>> Xem thêm video về ngưng thở là gì?
Một số thắc mắc hay gặp về hội chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ có khỏi được không?
Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị tích cực, phù hợp, bệnh có thể khỏi và không để lại di chứng.
Chứng ngưng thở khi ngủ có di truyền hay không?
Các nghiên cứu đều cho thấy, chứng ngưng thở khi ngủ có thể có di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Yếu tố di truyền này chủ yếu liên quan tới cấu trúc và đặc điểm giải phẫu vùng đầu mặt cổ.
Khám ngưng thở khi ngủ ở đâu?
Tại một số nước phát triển, các chuyên gia về giấc ngủ sẽ khám và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Ở nước ta, nếu bạn có nghi ngờ mình mắc hội chứng này, có thể tiến hành thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai – Mũi – Họng.
Nếu bạn vẫn chưa biết điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở đâu tốt nhất thì hãy tìm đến Hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn, chúng tôi có đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, thực hiện các thăm khám lâm sàng và kiểm tra hô hấp khi ngủ để nhằm phát hiện các dấu hiệu ngừng thở, giảm oxy máu đối với bệnh nhân. Việc này giúp chẩn đoán được chứng ngưng thở khi ngủ và đưa ra một số biện pháp chữa trị an toàn và trị dứt điểm bệnh.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp về hội chứng này, hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/