Chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường
Chế độ ăn cùng với tập luyện và dùng thuốc là 3 phương pháp chính điều trị bệnh đái tháo đường. Trong đó, chế độ ăn là biện pháp cần được thực hiện đầu tiên. Chế độ ăn có tác dụng tốt ở đại đa số các bệnh nhân đái tháo đường trên 3 phương diện chính là điều chỉnh cân nặng, hạn chế làm tăng đường máu và làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch. Có một số bệnh nhân đái tháo đường type 2 kiểm soát tốt đường máu chỉ nhờ thực hiện tốt chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường và tập luyện mà không cần dùng thuốc.
VAI TRÒ CỦA CHẾ ĐỘ ĂN ĐỐI VỚI ĐIỀU TRỊ CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Về nguyên tắc thì không có bất cứ loại thức ăn nào bị cấm đối với bệnh nhân đái tháo đường. Và một chế độ ăn đa dạng, từ nhiều nguồn thức ăn sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Một chế độ ăn đầy đủ, đúng cũng góp phần đảm bảo cho các bệnh nhân đái tháo đường trẻ em phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ.
Các chất bột (glucid) được coi như nguồn “xăng dầu” cho cơ thể hoạt động. Chất đạm (protid) cung cấp nguyên liệu để xây dựng các tế bào, các mô cơ quan. Chất béo (mỡ) cho nhiều năng lượng và giúp hấp thu một số vitamin. Ăn hoa quả để có đủ vitamin và các muối khoáng.
Trong thực tế, việc thực hiện chế độ ăn điều trị cho người bệnh đái tháo đường thường bị thất bại do:
- Vấp phải những thói quen xấu hoặc sự thiếu hiểu biết của người bệnh và người nhà.
- Do sự phức tạp của chế độ ăn khi đã có các biến chứng của đái tháo đường nhất là biến chứng thận.
Do vậy, các bệnh nhân đái tháo đường cần có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
CHẾ ĐỘ ĂN ĐIỀU TRỊ CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bữa ăn có đủ số calo theo cân nặng và mức độ hoạt động của người bệnh
- Nhu cầu năng lượng cho một người bình thường đối với nam là khoảng 30 calo/kg, nữ là 25 calo/kg. Nhu cầu này thay đổi theo mức độ hoạt động thể lực (hoặc lao động), tuổi, giới và cân nặng của mỗi người.
- Trường hợp bạn béo (BMI > 25) thì cần thực hiện chế độ ăn giảm cân. Không nên ăn quá no hoặc ăn cố. Nên ăn chậm và nhai kỹ. Không nên lạm dụng các đồ ăn nhanh như: đồ hộp, bánh hamburger, bánh quy …. Nên chọn các thức ăn có nhiều chất xơ, nhất là rau xanh.
- Ngược lại nếu bạn quá gầy (BMI < 18,5) thì nên ăn nhiều hơn để làm tăng cân. Ví dụ:
- Ăn thêm 2-3 bữa phụ/ngày.
- Chọn thức ăn nhiều chất đạm, chất béo, ăn thêm cơm hoặc thức ăn.
- Tuy nhiên, cần tránh tăng cân quá nhanh hoặc quá mức.
- Bệnh nhân đái tháo đường cần chọn thức ăn nhiều vitamin.
Ăn đều và chia làm nhiều bữa
- Số lượng và thời gian các bữa ăn nên ổn định trong thời gian dài điều trị. Việc này giúp tránh tình trạng đường máu tăng quá cao sau bữa ăn hoặc hạ thấp lúc xa bữa ăn. Nhất là ở những bệnh nhân phải tiêm insulin hoặc dùng thuốc uống hạ đường máu.
- Các bệnh nhân đái tháo đường nên ăn ít nhất 3 bữa/ngày. Nếu bệnh nhân gầy hoặc hay bị hạ đường máu giữa các bữa ăn thì nên ăn tăng lên trong bữa chính hoặc ăn thêm 1 bữa phụ.
- Ăn nhiều chất xơ; ăn vừa phải chất béo; ăn ít đường; ăn đủ vitamin và muối khoáng; hạn chế uống rượu. Do tâm lý ăn kiêng nên nhiều bệnh nhân Đái tháo đường hay bị thiếu vitamin. Ví dụ: chế độ ăn không có mỡ sẽ hạn chế hấp thu nhiều loại vitamin quan trọng như: vitamin A, D, K… Việc dùng thuốc dài ngày cũng có thể làm thiếu vitamin B12, B9 (acid folic) do ức chế hấp thu ở dạ dày. Còn khi ăn quá nhiều chất xơ lại dễ bị thiếu canxi và sắt. Vì thế, các bệnh nhân Đái tháo đường rất cần ăn uống đầy đủ. Cần biết lựa chọn các thức ăn có nhiều vitamin, chất khoáng quan trọng như: sữa, cá hồi… Tốt nhất nên thực hiện chế độ ăn theo lời khuyên của thầy thuốc.
(Một số hình ảnh được thu thập từ internet)
1 | Bệnh Viện Tai Mũi Họng Sài Gòn |
2 | Trung Tâm Tai Mũi Họng Sài Gòn |
3 | Hệ Thống Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 1 (SIGC – Q1) |
4 | Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Sài Gòn – Quận 7 (SIGC – Q7) |
5 | Trung Tâm Sức Khỏe Doanh Nghiệp |
Đặt hẹn khám: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/ |
|
028.38.213.456 - Chọn phím "0" để gặp Bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng |
|