Phương pháp điều trị viêm họng mãn tính như thế nào là hiệu quả?
Viêm họng mãn tính là chứng bệnh gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Chữa viêm họng mãn tính dứt điểm sẽ tránh việc tái đi tái lại nhiều lần và có thể phát hiện ra những bệnh lý nguy hiểm ẩn đằng sau triệu chứng viêm họng mãn tính. Cùng BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN – HỆ THỐNG ĐA KHOA QUỐC TẾ SÀI GÒN tìm hiểu chi tiết hơn cách thực hiện qua bài viết sau.
Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm nhiễm ở họng bị kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần. Viêm họng mãn tính thường do việc điều trị viêm họng cấp tính không dứt điểm, bệnh tái đi tái lại dẫn tới mạn tính. Việc chữa viêm họng mãn tính cần theo dõi kèm theo các dấu hiệu, nguyên nhân gây ra triệu chứng này để điều trị triệt để.
Các triệu chứng viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính thường có nhiều biểu hiện ở vùng họng như sau:
- Đau họng và cơn đau kéo dài trên một tuần. Bệnh nhân có cảm giác vướng, nóng rát, ngứa và nghẹn ở cổ họng. Đây là triệu chứng điển hình của viêm họng mãn tính, thường xảy ra vào buổi sáng sớm.
- Cổ họng người bệnh luôn trong tình trạng sưng tấy và khô rát, gây khó chịu trong sinh hoạt.
- Ho nhiều ngày không ngớt và kèm theo đờm đặc.
- Đau khi nuốt do các niêm mạc vùng họng sưng đỏ, bệnh nhân sẽ cảm giác khó nuốt và đau khi nuốt, việc uống nước cũng bị ảnh hưởng, trở lên khó khăn.
- Hơi thở có mùi.
Trong một số ít trường hợp sẽ gây sốt, chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân có cơ địa yếu, người già, trẻ nhỏ. Tình trạng mệt mỏi, chán ăn sẽ đi kèm với triệu chứng sốt.
>>> Tìm hiểu chi tiết hơn triệu chứng viêm họng mãn tính qua bài viết: Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị

Viêm họng mãn tính do đâu?
Do khói và các chất ô nhiễm môi trường
Khi sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi nhiều chất độc hại như: hóa chất, khí thải từ các nhà máy xung quanh, khói bụi từ vật liệu công trường, giao thông cường độ lớn ở các thành phố, siêu đô thị … thì việc hít phải các hạt bụi và các chất độc hại này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt tấn công vào hệ hô hấp, gây ra hiện tượng viêm họng mãn tính và ảnh hưởng tới phổi.
Do viêm amidan kéo dài
Amidan là một cấu trúc ngăn vi khuẩn xâm nhập tấn công vùng họng. Khi amidan bị viêm nhiễm sẽ không có khả năng tạo hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể và còn có thể gây viêm nhiễm vùng xung quanh, vì vậy khi viêm amidan kéo dài có khả năng tạo ra ổ viêm và viêm nhiễm lân cận dẫn đến viêm họng mãn tính.
Do viêm mũi dị ứng
Khi tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng cho cơ thể như bụi, phấn hoa,hóa chất, lông động vật … hệ thống miễn dịch phản ứng lại bằng cách tiết ra một loạt các chất gây phản ứng viêm như histamin. Khi chất này được tiết ra sẽ làm cho niêm mạc hoặc các mô trong đường hô hấp viêm nhiễm, có thể gây ra viêm họng mãn tính.
Do trào ngược dạ dày thực quản
Khi bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản, phần dịch tiêu hóa có chứa acid sẽ trào ngược từ bao tử lên họng gây tổn thương niêm mạc, mô họng, gây viêm họng mãn tính. Viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày thường sẽ gây ợ hơi, ợ chua khá thường xuyên và gây đau rát, vướng víu ở cổ họng.
Do chảy dịch sau mũi
Khi bạn bị cảm cúm bị chảy nước mũi dịch viêm từ mũi có thể chảy từ trên các xoang mũi xuống cổ họng. Điều này vô tình làm tăng nguy cơ tạo thành ổ viêm ở cổ họng gây viêm họng.
Do ung thư vòm họng

Đây là một nguyên nhân gây viêm họng mãn tính tuy không phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm của viêm họng mãn tính. Ung thư vòm họng nằm trong top các loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay. Khi bệnh nhân có dấu hiệu viêm họng, khó nuốt kèm sụt cân, chán ăn … thì có khả năng đã mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu. Điều cần làm là phải đi tầm soát ung thư tại các cơ sở y tế có chuyên môn nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển sang các giai đoạn nguy hiểm tiếp theo.
Những mẹo hỗ trợ chữa viêm họng mãn tính tại nhà hiệu quả
Việc chữa viêm họng mãn tính tại nhà bằng các phương pháp dân gian có thể hỗ trợ điều trị bệnh và hiệu quả với các biểu hiện nhẹ và không kèm theo các triệu chứng của c bệnh lý nguy hiểm như ung thư vòm họng.
Làm sạch miệng bằng nước muối
Sử dụng nước muối ấm để súc miệng mang lại tác dụng tích cực đối với sức khỏe của răng miệng và vòm họng. Phương pháp này được sử dụng trong cả việc phòng ngừa lẫn hỗ trợ điều trị viêm họng mãn tính. Việc súc họng sẽ giúp làm sạch và muối sẽ góp phần làm tăng sinh bạch cầu làm tăng khả năng chống viêm, chống khuẩn. Từ đó, các triệu chứng của viêm họng mãn tính sẽ thuyên giảm.
Mật ong và chanh
Trong Đông y, mật ong và chanh đều có tính bình và kháng viêm hiệu quả. Do vậy việc sử dụng mật ong và chanh kết hợp nhằm hỗ trợ chữa viêm họng mãn tính khá hiệu quả. Cách phổ biến sử dụng như sau: Pha mật ong với chanh (hoặc nước cốt chanh) hòa cùng vào một ly nước ấm. Sau đó lấy hỗn hợp này ngậm từng muỗng và nuốt từ từ vào trong cổ họng.
Lá tía tô
Lá tía tô chứa các hoạt chất sát khuẩn như limonen, dihydrocumin . Lá tía tô thường đi kèm với lá hoa đu đủ đực để chưng cách thủy với đường phèn . Hỗn hợp này sẽ được ngậm sâu trong họng và nuốt từ từ.
Ăn tỏi
Tỏi chứa hợp chất được gọi là allicin có tác dụng kháng khuẩn, làm lành các tổn thương bên trong cổ họng .Trong ghi chép của các tài liệu Đông y thì tỏi có vị hăng, tính ấm, nóng giúp kháng viêm, diệt vi khuẩn, loại bỏ bớt độc tố trong cơ thể
Tỏi có thể được sử dụng trực tiếp như là một loại đồ ăn kèm trong bữa ăn hoặc ngâm tỏi mật ong, ngâm dấm, tỏi nướng … tùy theo lựa chọn của người bệnh.
Tuy nhiên, vì tỏi có tính ấm, nóng nên cũng được khuyến cáo là không nên sử dụng quá nhiều vì nên rất dễ gây tổn thương ở bao tử.

Uống nhiều nước
Cách đơn giản nhất để hỗ trợ điều trị viêm họng mãn tính là uống nhiều nước hằng ngày và uống thường xuyên (không để khát mới uống) nhằm giữ ẩm và đẩy vi khuẩn ra khỏi cổ họng.
Những điều cần lưu ý khi điều trị viêm họng mãn tính tại nhà
- Khi áp dụng các phương pháp chữa viêm họng mãn tính tại nhà, bệnh nhân cần phối hợp với các phương pháp điều trị bằng thuốc để đạt kết quả tốt nhất. Thuốc uống phải được chỉ định của bác sĩ theo toa, không nên tự mua uống.
- Nguyên liệu sử dụng cần chọn lựa nơi uy tín để mua, hạn chế dư lượng hóa chất trong các nguyên liệu đó.
- Phương pháp chữa viêm họng mãn tính tại nhà không thể thay thế cho việc điều trị bằng thuốc vì chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và không triệt để nên dễ bị tái phát.
Điều trị viêm họng mãn tính bằng thuốc
Việc chữa viêm họng mãn tính bằng thuốc đòi hỏi phải điều trị dứt điểm nguồn cơn gây ra (do trào ngược dạ dày thực quản, do viêm amidan …), kết hợp với việc sử dụng các nhóm khách sinh, kháng viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị. Lưu ý: Không nên tự động mua thuốc uống mà không có chỉ định của bác sĩ vì nguyên nhân gây ra chứng viêm họng mãn tính và cơ địa của mỗi người khác nhau, tránh trường hợp bị kháng thuốc hoặc tác dụng phụ không đáng có.
- Nhóm thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản: Nếu nguyên nhân gây ra viêm họng mãn tính từ trào ngược dạ dày thực quản thì các bác sĩ sẽ kê thuốc để điều trị bệnh lý này. Một số thuốc trong nhóm này phải kể đến như thuốc ức chế bơm proton (PPI – thuốc giảm acid trong dạ dày), thuốc kháng Histamin H2 (giảm tiết acid vào buổi tối).
- Nhóm thuốc chống viêm mũi dị ứng: Để điều trị viêm họng mãn tính có nguồn gốc từ viêm mũi dị ứng thì cần phải giảm cơ chế tiết Histamin khi tiếp xúc với dị nguyên. Các thuốc thường dùng để chống viêm mũi dị ứng hiện nay gồm nhóm thuốc kháng Histamin H1 và nhóm Corticoid.
- Nhóm thuốc hạ sốt: Khi viêm họng, nếu bệnh nhân bị sốt thì các bác sĩ sẽ kê các nhóm hạ sốt như: Paracetamol. Thuốc hạ sốt không chứa steroid (NSAID). Nhóm Aspirin thì hạn chế sử dụng hơn do tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Nhóm thuốc giảm ho: Khi bị viêm họng mãn tính, trong một số trường hợp sẽ có hiện tượng ho. Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tống dị vật ra khỏi đường hô hấp, tuy vậy, khi ho xảy ra với cường độ lớn và kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi thì phải sử dụng các loại thuốc giảm ho như: Dextromethorphan nhằm giảm phản xạ ho, làm giảm số lần ho.
- Nhóm thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây ra là do vi khuẩn thì trong phác đồ điều trị viêm họng mãn tính của bác sĩ sẽ có các nhóm kháng sinh phổ rộng (có tác dụng tiêu diệt cả vi khuẩn gram dương và gram âm) như: Roxithromycin, Penicillin, Augmentin… Tuy vậy, việc sử dụng kháng sinh cũng cần lưu ý vì có thể tiêu diệt của lợi khuẩn thường trú trong cơ thể.
- Nhóm thuốc kháng viêm: để giảm các dấu hiệu sưng đau, do viêm họng gây ra. Alphachymotrypsin loại thuốc giúp điều trị, giải quyết tình trạng sưng, viêm ở phế quản thường được chỉ định trong phác đồ điều trị của bác sĩ.
Phòng ngừa viêm họng mãn tính
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nên đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, súc miệng bằng nước ấm mỗi ngày ít nhất 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Uống đủ nước (khoảng 2 lít – 2,5 lít hằng ngày) để giữ ẩm cổ họng
- Tăng cường bổ sung cho cơ thể nhiều rau xanh, hoa quả tươi, sữa để tăng cường hệ miễn dịch.
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để cơ thể có thời gian phục hồi.
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, trà đặc, cà phê hoặc các chất kích thích khác.
- Đồ ăn, đồ uống mới lấy ra từ tủ lạnh không nên sử dụng ngay vì nó tác động không tốt tới cổ họng.
- Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
- Tăng cường tập thể dục, thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh vi khuẩn, bụi bẩn.
- Tránh nằm máy lạnh quá lâu và để nhiệt độ quá lạnh (nhiệt độ nên để khoảng 25 độ)
- Không tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm mà không hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh lờn thuốc cũng như các tác dụng phụ không mong muốn.
Viêm họng mãn tính gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống và sinh hoạt. Để điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần có phác đồ điều trị của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ giúp bệnh tình thuyên giảm và không bị tái phát. Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng giúp tìm ra nguyên nhân chính xác của triệu chứng và điều trị dứt điểm, tránh việc tái đi tái lại nhiều lần.
Những câu hỏi về chữa viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính có chữa khỏi được không?
Viêm họng mãn tính hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu như điều trị dứt điểm nguồn cơn.
Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không?
Thường thì triệu chứng viêm họng mãn tính không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây là biểu hiện ban đầu của bệnh lý Ung thư vòm họng thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Viêm họng mãn tính có thể điều trị tại nhà được không?
Các phương pháp điều trị tại nhà chỉ mang tính hỗ trợ, không điều trị dứt điểm căn nguyên của bệnh được. Do vậy, cần phải phối hợp với Tây y trên cơ sở chỉ định của bác sĩ nhằm điều trị dứt điểm theo nguyên nhân khởi phát của chứng viêm họng mãn tính.
Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu đáng nghi ngờ liên quan đến bệnh viêm họng mãn tính, hãy liên hệ ngay đến các địa chỉ uy tín như BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN – HỆ THỐNG ĐA KHOA QUỐC TẾ SÀI GÒN để được các bác sĩ đầu ngành chẩn đoán và chữa viêm họng mãn tính an toàn và hiệu quả. Hoặc bạn có thể liên hệ theo thông tin dưới đây để đặt lịch khám trước nhé.
Hotline: (028) 38 213 456
Website: https://taimuihongsg.com
Đặt Hẹn Khám Bệnh Online: https://taimuihongsg.com/dat-hen-kham-benh/