VÌ SAO VIÊM VA THƯỜNG GẶP Ở TRẺ DƯỚI 6 TUỔI? CÁCH CHỮA BỆNH TRIỆT ĐỂ?
1. Viêm VA là gì?
VA (Vegetations Adenoides) là một khối lympho nằm ở nóc vòm mũi họng, thuộc vòng bạch huyết Waldeyer của họng, bình thường mọi em bé đều có. Khi VA bị viêm nhiều lần, dẫn đến khối VA to lên quá mức có thể che lấp mũi sau gây ra nghẹt mũi.
2. Viêm VA ở trẻ dưới 6 tuổi nguy hiểm như thế nào?
- VA là tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng, ai cũng có từ lúc sinh ra. VA là một gờ dầy lên ở vòm mũi họng, và tồn tại đến khoảng 6 tuổi. VA phát triển quá mức ở các bé hay bị viêm mũi, họng mãn (Viêm đường hô hấp trên). Khi trưởng thành một số người còn tổ chức VA người ta gọi là VA tồn dư.
- Theo một số báo cáo, tỉ lệ viêm VA ở nước ta khoảng 30% các cháu bé từ 2 – 6 tuổi.
- Do cùng bản chất mô lympho, viêm VA thường đi kèm với viêm Amidan. Khi VA và Amidan viêm thường gây biến chứng viêm phế quản, viêm khớp, viêm thận ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu.
Vị trí VA nằm ở vòm mũi họng, VA ở trẻ bình thường chỉ là một gờ niêm mạc dày lên ở vòm mũi họng
VA viêm, quá phát ở vòm mũi họng
3. Nguyên nhân của viêm VA
Viêm nhiễm
- Do bị lạnh, các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng gây viêm VA, kèm theo bội nhiễm vi khuẩn là liên cầu, tụ cầu.
- Sau các bệnh nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên như cúm, sởi, ho gà… cũng dễ bị viêm VA nhất là các trẻ trong nhà trẻ, mẫu giáo dễ bị lây.
- Giang mai bẩm sinh là một yếu tố thuận lợi cho sự quá phát của VA.
Tạng bạch huyết
Có một số trẻ có tổ chức bạch huyết phát triển mạnh. Nhiều hạch ở cổ, ở họng quá phát rất dễ bị viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho viêm VA.
Do cấu trúc và vị trí của VA
VA có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú và phát triển. Hơn nữa VA nằm ở vòm mũi họng, là cửa ngõ của đường thở nên vi khuẩn-virus dễ xâm nhập cũng dễ gây viêm VA.
4. Triệu chứng
4.1. Triệu chứng toàn thân
- Sốt cao: Trẻ bị viêm V.A có thể bị sốt 38 – 390 C, đôi khi sốt cao đến 400 C hoặc không sốt.
- Nghẹt mũi: Do niêm mạc cuốn mũi sưng và dịch làm tắc hốc mũi và khối VA lớn che kín cửa mũi sau.
- Sổ mũi: Chảy mũi nhầy hay đặc. Khi bị viêm lâu có thể màu vàng hay xanh, mùi tanh.
- Ho, thở khò khè: Ho nhiều hay ít liên quan đến lượng dịch chảy vào thanh quản và mức độ viêm phế quản. Hơi thở hôi.
- Biểu hiện về thể chất, tinh thần: Biếng ăn, bỏ bú hoặc bú ngắt quãng; khó ngủ, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình, đái dầm.
- Trường hợp nặng có thể xuất hiện những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, gây giật mình. Ban ngày trẻ trở nên chậm chạp, lừ đừ, kém hoạt bát, kém năng động, trẻ nói hoặc khóc giọng mũi tịt.
4.2. Triệu chứng cơ năng
-Chảy mũi nhầy trong hay đặc: Lúc đầu chảy mũi nhầy, trong về sau màu vàng, hay trắng, đặc.
-Ngẹt mũi: Do niêm mạc cuốn mũi sưng và dịch. Lúc đầu nghẹt ít, về sau nghẹt nhiều, cả hai bên mũi đều nghẹt làm cho trẻ khó thở, phải há miệng thở, thở khò khè, quấy khóc, nói giọng mũi kín. Có khi đang bú trẻ phải bỏ bú há miệng để thở.
-Ho: Dịch, mủ chảy vào thanh quản và do tình trạng viêm phế quản.
-Rối loạn tiêu hóa: Mủ, dịch chảy xuống họng, trẻ nuốt vào dạ dày gây rối loạn tiêu hóa gây nôn trớ, tiêu chảy, biếng ăn.
-Đau tai: Do vi khuẩn từ khối VA xâm nhập vào hòm nhĩ đồng thời khối VA lớn đè vào vòi nhĩ gây viêm tai giữa cấp, ứ dịch, mủ nên trẻ thường kêu đau tai.
-Nghe kém: Khi lượng dịch trong hòm nhĩ nhiều gây ù tai, nghe kém.
4.3. Triệu chứng thực thể
-Bộ mặt sùi vòm: Khi bị viêm VA kéo dài đến tuổi đi học trẻ có thể có bộ mặt VA: Thường xuyên thở miệng, mũi tẹt, trán dô, vòm khẩu cái lõm sâu, hàm răng trên vẩu, vẻ mặt kém nhanh nhẹn. Đây là hậu quả của thở miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt trẻ đang phát triển. Ngày nay do y tế cơ sở phát triển nên bộ mặt VA chỉ còn ở những vùng xa, đời sống y tế khó khăn.
-Khám mũi: Các khe và hốc mũi đọng nhiều dịch. Niêm mạc mũi sưng, nề đỏ.
Khám Nội soi: Hình ảnh sưng nề niêm mạc hốc mũi, nhiều dịch, ở vị trí vòm mũi họng VA lớn che kín cửa mũi sau.
-Khám họng: Niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có dịch đặc bám vào thành sau họng. Khẩu cái mềm có thể hơi bị đẩy ra trước (do VA to). Thường kèm viêm Amidan.
-Khám tai: Khi khám tai trẻ thường khóc không hợp tác, kêu đau tai.
Khám Nội soi: Màng nhĩ sung huyết hay căng phồng (viêm tai giữa cấp). Màng nhĩ đục, phồng nhẹ chứa mủ bên trong hòm nhĩ (giai đoạn viêm tại giữa mủ).
5. Biến chứng
Viêm VA là bệnh phổ biến ở lứa tuổi từ 02 – 06 tuổi. Ở Việt nam thống kê có khoảng 30% trường hợp.
Viêm VA là bệnh viêm mũi họng mãn tính do tình trạng của VA không còn đóng vai trò chống viêm mà là ổ viêm nên hay gây bệnh mũi họng dễ dẫn đến các biên chứng.
Triệu chứng gần:
Viêm tai giữa: Do khối VA lớn gây chèn ép vào lỗ vòi nhĩ nên dẫn đến tắc vòi nhĩ gây ra viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mủ, nếu không được điều trị khỏi sẽ dẫn đén xẹp nhĩ, ảnh hưởng đến giảm thính lực ở trẻ.
Viêm mũi, họng mãn:Thường xuyên chảy mũi, viêm họng, ho.
Viêm xoang trẻ em: Ở trẻ lớn hơn do bị viêm VA kéo dài dẫn đến viêm xoang trẻ em.
Viêm Thanh quản, phế quàn, viêm phổi: Do dịch thường xuyên chảy xuống thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang gây ra các bệnh ở thanh quản, khí quản, phế quản và viêm phổi gây khó thở, thở rít, khò khè dễ nhầm với hen.
Viêm kết mạc, viêm hốc mắt: Vi khuẩn từ VA, hốc mũi có thể xâm nhập vào hốc mắt do tiếp xúc hay qua đường lệ đạo.
Triệu chứng xa:
Khi viêm VA thường luôn đi kèm với viêm Amidan, nên trẻ thường gặp các biên chứng xa:
- Viêm cầu thận
- Viêm khớp cấp
- Viêm nội tâm mạc
- Viêm cơ tim
- Nhiễm trùng huyết và xuất hiện các triệu chứng: Nhức đầu, sốt cao, nôn ói, nổi hạch, tiểu ít, nhức mỏi các khớp.
Triệu chứng toàn thân:
- Chậm phát triển thể chất và tinh thần
- Rối loạn tiêu hóa gây biếng ăn
- VA quá lớn gây ảnh hưởng đến hô hấp và phát âm.
6. Điều trị VA:
Viêm VA cấp:
Điều trị như một viêm mũi họng cấp thông thường: Giữ vệ sinh hốc mũi, họng bằng cách xịt mũi, xịt họng bằng nước muối sinh lý 9% ngày 3-4 lần. Rửa mũi.
Cách rửa mũi cho trẻ bị viêm mũi họng, viêm VA:
- Cho trẻ nằm trên bàn, đầu ngừa ra sau, mẹ hay nhân viên hỗ trợ giữ cho thân người cáu cố định trên bàn.
- Bác sĩ ngồi ghế phía đầu cháu bé, để hai chân lên ghế sao cho hai đầu gối kẹp giữ đầu cháu bé.
- Tay trái giữ cố định vai cháu và đầu gối trái bác sĩ nhằm cố định giữ cho vai và đầu cổ cháu đề phòng cháu đạp có thể gây chấn thương. ở tư thế này dưng dịch rủa mũi không chảy vào thanh quản cháu bé gây sặc.
- Máy hút dịch để áp lực hút bằng 1/2 người lớn.
- Nhỏ dung dịch Nacl 9%o vào hốc mũi bên phải, đặt ống hút vào mũi trái. Rửa mỗi bên mũi khoảng 03 lần. Ngày rửa một lần. Rửa mũi 5-7 ngày.
Kháng sinh phù hợp khi có bạch cầu tăng hay bệnh gây biến chứng.
Điều trị các triệu chứng đi kèm.
Chế độ ăn đủ dinh dưỡng, vệ sinh họng miệng. Giữ ấm.
Viêm VA mãn tính:
Trường hợp VA viêm mãn tính nhiều lần trong năm và gây biến chứng cần phẫu thuật nạo VA.
7. Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật nạo VA:
Chỉ định nạo VA:
Chỉ định của phẫu thuật nạo V.A là khi có một trong các chỉ định dưới đây:
-Viêm V.A tái đi tái lại nhiều lần trong năm: ≥ 4 lần/ 1năm.
-Gây biến chứng gần (Viêm tai giữa cấp, viêm mũi họng, viêm xoang…) và biến chứng xa (Viêm thanh, khí phế quản, viêm đường ruột…).
-V.A quá phát gây bít tắc cửa mũi sau, cản trở hô hấp, đêm ngủ ngáy to…, V.A quá phát ảnh hưởng tới chức năng tai: ngễnh ngãng, nghe kém…
Chống chỉ định phẫu thuật nạo VA:
-Bệnh về máu, có rối loạn đông chảy máu
-Đang mắc một bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển như: lao, viêm thận… Hoặc cơ thể quá suy nhược, thiếu máu, gầy yếu.
-Đang viêm nhiễm cấp ở vùng mũi họng.
-Khi địa phương đang có dịch lưu hành như cúm, sởi, bạch hầu, bại liệt…
8. Các phương pháp phẫu thuật nạo VA:
Có 2 phương pháp nạo V.A:
1/ Nạo V.A. gây tê, tư thế ngồi: Dùng dụng cụ Moure hoặc La Force, ngày nay ít được sử dụng vì gây sang chấn tâm lý cho cháu bé và thường chảy máu.
2/ Nạo V.A. gây mê nội khí quản qua đường họng: An toàn cho cháu bé.
Nạo VA có thể dùng Sóng Radio cao tần, máy bào mô và dao Plasma. Tốt nhất là dùng sóng Radio cao tần vì đầu cắt ở nhiệt độ thấp 60-70 độ C, không chảy máu, không gây tổn thương mô lân cận.
Phẫu thuật được thực hiện theo qui trình.
Biến chứng sau khi nạo VA:
-Biến chứng trong nạo VA: Do được gây mê nội khí quản kiểm soát cuộc mổ, an toàn.
-Chảy máu muộn: Đây là biến chứng thường gặp sau nạo V.A 7-10 ngày, thường chảy ít và tự cầm. Nguyên nhân có thể do bé ho, ăn đồ cứng đâm vào hố mổ. Trường hợp chảy máu nhiều được đặt bấc cầm máu
–Nhiễm trùng mũi xoang và tai: Xảy ra nếu nạo V.A. khi trẻ đang có sự suy giảm miễn dịch hoặc đang có bệnh nhiễm trùng nặng.
Phòng ngừa bệnh VA:
-Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
-Giữ vệ sinh mũi họng răng: Xịt nước muối sinh lý mũi, họng hàng ngày.
-Giữ ấm cho bé.
-Vận động.